Đổi mới phương thức sáng tạo nghệ thuật múa trong bối cảnh “bình thường mới”

0
169

Phương Lan

Thoát khỏi lối đi cũ mòn, linh hoạt, thích ứng, đổi mới phương thức sáng tạo phù hợp với trạng thái “bình thường mới” là những nỗ lực để thực hiện đồng bộ các giải pháp mà các nghệ sĩ múa đã và đang cố gắng triển khai nhằm đưa múa đến gần hơn với khán giả. 
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức” – câu nói này càng thấm thía hơn trong bối cảnh hiện tại khi mà sức “tàn phá” nặng nề của đại dịch Covid-19 để lại trong đời sống nghệ thuật nước nhà. Thực hiện theo đúng sự chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, với phương châm “Văn nghệ sĩ quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, khi trạng thái “bình thường mới” được thiết lập, nhịp sống văn hóa nghệ thuật của nước nhà đã “hồi sinh” trở lại với hàng loạt chương trình diễn ra liên tiếp. Không đứng ngoài guồng quay đó, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng đã có ngay những động thái nhằm bắt kịp với những chuyển động của thời cuộc. Từ sức lan tỏa của tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”; tới sự tham gia kịp thời của Hội vào Liên hoan Ca Múa Nhạc Toàn quốc; Hay việc tổ chức các chuyến đi thực tế, trại sáng tác cho hội viên,…đã cho thấy những nỗ lực thích ứng của các nghệ sĩ múa trong bối cảnh còn nhiều hạn chế.

Theo định hướng của Bộ Văn hóa và Cục Nghệ thuật biểu diễn, trong điều kiện bình thường mới, nghệ thuật biểu diễn cần được vận hành ở cả môi trường trực tuyến và trực tiếp. Đối với hình thức trực tuyến, cần có sự chọn lọc tác phẩm và kênh quảng bá. Đối với biểu diễn trực tiếp, cần xây dựng và áp dụng những quy định cụ thể trong thưởng thức nghệ thuật, như: Quy định về chứng nhận vắc xin đối với nghệ sĩ biểu diễn và khán giả; giới hạn số lượng người xem dựa trên sức chứa cụ thể của các điểm biểu diễn… sao cho vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật biểu diễn của nhân dân.Vượt lên những khó khăn, thách thức, bằng khát khao cống hiến, dưới sự định hướng của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, các nghệ sĩ múa đã cho thấy sự nỗ lực thích ứng đáng trân trọng để múa trở thành liều “vaccine tinh thần” ý nghĩa và quý giá. Những cách sáng tạo cũ mòn đã được loại bỏ, thay vào đó là phương thức sáng tạo mới, khoa học, đồng bộ, thống nhất hơn. Các sản phẩm nghệ thuật ra đời được đầu tư bài bản từ khâu sáng tác, tổ chức, quảng bá tới biểu diễn,…

Việc cho ra đời một kịch bản múa tốt trong tình hình dịch bệnh đã đòi hỏi rất nhiều chất xám và công sức của người nghệ sĩ. Cần phải biết mình làm cho ai, đối tượng nào, thời lượng bao nhiêu thì phù hợp, kịch bản phải rất chi tiết. Xong vấn đề lựa chọn diễn viên, tập luyện và đưa sản phẩm đến với công chúng cũng nhọc nhằn không kém. Nếu như trước kia, việc tập luyện tập khá dễ dàng thì nay lại là một cản trở lớn bởi phải chia nhỏ các tốp để tập, thậm chí tốp trong Nam, tốp ngoài Bắc (như Tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”- Biên đạo ThS Tuyết Minh). Điều này đòi hỏi người tổng đạo diễn phải có năng lực phân tích, lý giải và xây dựng hình tượng nghệ thuật để đi đến sự thống nhất chung. Đồng thời phải biết tổ chức, gắn kết nhịp nhàng mọi thành tố trong kế hoạch và chương trình hoạt động, từ tổ thanh nhạc, khí nhạc, tổ múa, tổ thiết kế, kỹ thuật sân khấu, tổ trang phục, đạo cụ, tổ diễn viên, tổ hậu đài… Tất cả phải “ăn khớp” với nhau thành một thể thống nhất chung. Điều này thật sự không dễ với những biên đạo còn non trẻ và ít kinh nghiệm. Biên đạo múa Tuyết Minh từng chia sẻ: Trong điều kiện khó khăn của đại dịch, cách làm của Tuyết Minh là trước tiên dẫn dắt, làm việc với nhóm đứng đầu chịu trách nhiệm kiểm soát công việc. Thuyết trình kịch bản cho họ, chỉ rõ từng giây từng phút làm gì, sử dụng ngôn ngữ gì, sau đó cùng họp trên Zoom để điều chỉnh những ngôn ngữ động tác đó, làm sao bật được hết ý tưởng mà mình mong muốn. Sau khi có cái khung, kết cấu động tác chuẩn rồi thì sẽ họp ekip để vẽ đội hình bằng những chấm nhỏ, đi theo đường chéo hay vòng tròn để các nghệ sĩ hình dung tuyến múa bằng sự tưởng tượng của mình. Trước khi quay hình thì các nghệ sĩ có buổi ghép hình với nhau để định lượng khoảng cách xa gần trên trường quay. Đây là cách làm việc rất mới, rất tỉ mỉ và tốn nhiều công sức. Quả thật trí tuệ, cơ hội đã nảy sinh từ trong khó khăn. Phương thức làm việc đã có sự thay đổi, sự nhạy bén, táo bạo đã mang lại “trái ngọt” cho những ai dám chấp nhận đương đầu với thử thách.

Dù trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp hay xã hội được trở về trạng thái “bình thường mới” thì vấn đề quảng bá tác phẩm cũng là một bài toán nan giải khiến các nghệ sĩ phải đau đầu bàn đi tính lại. Nếu như trước đây, việc áp dụng công nghệ số vào nghệ thuật chỉ được coi là “cuộc dạo chơi” mạo hiểm, thì nay nó đã trở thành xu thế tất yếu. Để khán giả biết tới “đứa con tinh thần” của mình, biên đạo múa không chỉ đầu tư cho kịch bản, dàn dựng mà cần chủ động xây dựng kế hoạch và tìm nhiều kênh để quảng bá. Trong thời đại 4.0, việc quảng bá tác phẩm qua nền tảng online dần trở nên phổ biến với nhiều văn nghệ sỹ hiện nay. Trước kia các nghệ sĩ chỉ múa trên sân khấu, khoảng cách xa với khán giả, thì nay nhờ công nghệ đã rút ngắn được khoảng cách ấy. Khán giả nhận mặt, nhận tên nghệ sĩ biểu diễn dễ dàng hơn, giúp tăng tính tương tác giữa người biểu diễn nghệ thuật với đối tượng thưởng thức nghệ thuật. Rõ ràng sân khấu trực tiếp và sân khấu mạng hoàn toàn khác nhau, cách thức chuyền tải nội dung, thông điệp đến công chúng trong thời đại công nghệ số cũng rất khác.

 Ai cũng biết để quảng bá trên nền tảng số cần có sự đầu tư chuyên nghiệp về phương tiện kỹ thuật và nhân lực, song vấn đề khó nhất trong khâu quảng bá chính là kinh phí. Suốt 2 năm dịch bệnh, văn hoá nghệ thuật đã bị “đóng băng” khiến nguồn thu của các văn nghệ sĩ sụt giảm nghiêm trọng. Thách thức này đòi hỏi các biên đạo múa phải tự mày mò tìm lối đi cho riêng mình nếu không muốn “đứa con tinh thần” của mình nằm mãi trên trang giấy. Thực tế đó cho thấy, khó khăn cũng là chất xúc tác khiến các nghệ sĩ thăng hoa. Không ít nghệ sĩ dám chấp nhận đương đầu thử thách và quyết liệt hành động để tự đứng trên đôi chân của mình chứ không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách của Nhà nước.

Quả thực, trong thời đại bùng nổ công nghệ số, văn hoá đã trở thành công nghiệp văn hoá. Việc ứng dụng công nghệ không còn là giải pháp tạm thời mà là cầu nối hữu hiệu giữa tác giả, tác phẩm với công chúng và nhà đầu tư (tài trợ). Dẫu vậy cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Ứng dụng công nghệ vào sáng tác, quảng bá và biểu diễn nghệ thuật cũng sẽ là con dao hai lưỡi nếu người nghệ sĩ quá lạm dụng công nghệ và không biết tiết chế, dung hòa các thành tố. Nhưng khách quan mà nói thì người nghệ sĩ – những người “thai nghén” ra các tác phẩm nghệ thuật chân chính, vì tình yêu nghệ thuật đã bỏ rất nhiều công sức và tâm huyết của mình, bởi vậy cũng cần các cơ quan quản lý cấp trên có sự quan tâm thấu đáo tới vấn đề này. 

Những “con thuyền” của ngành văn hóa nghệ thuật lại hối hả rẽ sóng giương buồm ra khơi, dù ồn ào hay âm thầm lặng lẽ thì cũng đều hướng ra biển lớn, cũng đều vì một đích đến chung là củng cố và chấn hưng nền nghệ thuật nước nhà. Những đóng góp của các vị “thuyền trưởng”, những hướng đi mới, những nỗ lực sáng tạo, thích ứng của các văn nghệ sĩ nói chung, các nghệ sĩ múa nói riêng rất đáng được ghi nhận, hoan nghênh và lan toả rộng rãi.