Người nghệ sĩ đa tài

0
345

Thanh Hoa

Bà là một trong những người phụ nữ đầu tiên làm công tác biên đạo múa chuyên nghiệp, đã gắn bó cả cuộc đời với nền nghệ thuật múa nước nhà và được đánh giá là người có những cống hiến xuất sắc, những thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực sáng tác, giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Cho đến nay, bà là người phụ nữ duy nhất của ngành Múa được phong Phó giáo sư. Người vừa được nhắc đến ở trên không ai khác chính là PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển. 

Trúng tuyển vào trường Múa Việt Nam từ những năm đầu khi trường Múa mới được thành lập (1959). Sau đó chưa đầy 2 năm bà vinh dự được là một trong bốn học sinh đầu tiên của Trường Múa được cử đi học biên đạo múa chính quy tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu Quốc gia Matxcơva. Trở về nước khi mới là cô gái tuổi đôi mươi nhưng bà đã có cơ hội biểu hiện tố chất của một biên đạo múa trong những đoàn nghệ thuật lớn của đất nước – Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, Đoàn Ca Múa Hà Nội (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long). Nhanh chóng phát huy sức trẻ và tài năng nghệ thuật của mình, cô gái Nguyễn Thị Hiển liên tiếp cho ra đời những tác phẩm múa gây ấn tượng mạnh mẽ trên sân khấu múa thời bấy giờ. Những tác phẩm mà đến nay ít có cơ hội được diễn lại song khi nhắc đến NSND Nguyễn Thị Hiển với vai trò là một biên đạo múa thì những dư âm sâu đậm của những tác phẩm Kịch múa: Trừ Văn Thố, Thạch Sanh (Nguyễn Thị Hiển, Thanh Hùng); Các tác phẩm múa: Những cô gái Chàm, Xuân về trên bản Khơ Mú, Nhớ về Đồng Lộc, Hoa Phong Lan trên đỉnh Truông Bồn, Những cô gái sông Hương, Bức tranh Thôn Nữ, Bên dòng sông quê hương, Quê hương, Những cánh hoa xuân…dường như vẫn còn hiện rõ mồn một trong tâm trí những người đồng nghiệp của bà.

Kể từ khi bắt đầu sự nghiệp biên đạo đến nay bà đã sáng tác, dàn dựng gần một trăm tác phẩm múa với đủ các hình thức, thể loại: Kịch múa, thơ múa, tổ khúc múa, múa tình tiết, múa trong các vở diễn sân khấu…. đã được tặng 15 Huy chương Vàng, Bạc, Giải riêng cho Biên đạo trong các kì Hội diễn, Hội thi Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, 4 Giải thưởng Nghệ thuật hạng A, 2 Giải thưởng hạng B, và nhiều giải thưởng khác của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Hai Giải Nhì của Bộ Quốc phòng tặng các tác phẩm có giá trị nghệ thuật về đề tài người lính, lực lượng vũ trang và chiến tranh các mạng…  

Một đặc điểm khác biệt trong những sáng tác của Nguyễn Thị Hiển là tuy được đào tạo chuyên nghiệp, chính quy ở phương Tây nhưng bà không bị lệ thuộc vào những kiến thức ấy, bởi trong “tâm” người nghệ sĩ hết lòng với tổ quốc như bà luôn tâm niệm: “Dù được tiếp cận với nghệ thuật múa nước ngoài nhưng vẫn phải luôn nắm vững múa dân gian, dân tộc và phát triển theo quy luật nội tại của chúng. Từ đó tìm ra đặc điểm cốt lõi và phát triển ý tưởng tác phẩm của chính dân tộc mình, đồng thời tiếp thu những tinh hoa của nghệ thuật múa thế giới”. Vì thế, trong những tác phẩm của mình, NSND Nguyễn Thị Hiển luôn biết chắt lọc, vận dụng chất bác học, tinh tuý, hiện đại của Tây Âu để kết hợp với tinh thần sâu lắng của văn hóa Việt để làm nên những tác phẩm mang đậm cốt cách, tâm hồn Việt Nam. Trong luận án Phó Tiến sĩ bảo vệ tại Liên Xô, NSND Nguyễn Thị Hiển đã đưa ra quan điểm – vấn đề cốt lõi trong xây dựng ngôn ngữ kịch múa Việt Nam đó là: “… có khả năng biểu hiện sâu sắc hiện thực cuộc sống, mang đến những cảm xúc mãnh liệt cho người xem, cần phải kết hợp tính dân tộc và tính hiện đại. Phát huy những nét đặc sắc, độc đáo của nghệ thuật múa dân gian các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những ưu việt của nghệ thuật múa thế giới để làm phong phú nền nghệ thuật múa dân tộc”.

Dù gặt hái được khá nhiều thành công trong sự nghiệp biên đạo nhưng với niềm mong mỏi sâu sắc là làm sao để nghệ thuật múa nước nhà không ngừng phát triển đi lên và chất chứa những tinh hoa văn hóa của dân tộc, nên bà quyết định không dừng lại ở con đường sáng tác mà cần phải truyền đạt, chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm nghề nghiệp của mình cho thế hệ kế tiếp. Có lẽ cũng vì thế mà bà đến với nghề giáo, đến với cương vị là một giảng viên chủ chốt trong sự nghiệp đào tạo biên đạo múa bậc đại học, cao đẳng cũng rất đỗi tự nhiên và mộc mạc như chính niềm tin trong con người của bà vậy.

Thật không ngoa khi nói bà là một nghệ sĩ đa tài, có những đóng góp  xuất sắc ở nhiều lĩnh vực. Năm 1983, sau khi tốt nghiệp Nghiên cứu sinh tại Học viện Nghệ thuật Sân khấu Matxcơva mang tên Lunatraxky, bà về làm giảng viên và là phó chủ nhiệm rồi chủ nhiệm khoa Múa trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội nhưng NSND Nguyễn Thị Hiển vẫn không ngừng sáng tác, thêm vào đó bà còn tham gia nghiên cứu khoa học, chủ trì và tham gia nhiều công trình nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước, cấp Bộ, chủ biên và biên soạn các chương trình đào tạo đại học, cao đẳng biên đạo và Huấn luyện Múa cho trường Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội, trường Đại học VHNT Quân đội, trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam) và là một trong 5 tác giả biên soạn mục từ về nghệ thuật múa cho Từ điển Bách Khoa Việt Nam. Dù ở lĩnh vực nào, với vai trò và cương vị gì bà cũng luôn tạo được sự thuyết phục, dành được sự nể trọng và  yêu mến của mọi người.

Với những thành tựu đạt được và những cống hiến nổi bật ấy, bà đã được Nhà nước phong hàm Phó giáo sư (1992), được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (1997), Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (năm 2001), được tặng Huân chương Lao động hàng Nhì (2004) và dành được rất nhiều huân, huy chương, bằng khen.

Nguyễn Thị Hiển là vậy, tuy được đào tạo hệ thống, chuyên nghiệp, chính quy ở Liên Xô nhưng bao giờ bà cũng xuất phát từ nội dung, ý tưởng kịch bản để tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ múa.  Bà cẩn trọng, chỉn chu trong từng sáng tạo. Mỗi tác phẩm trước khi đưa lên sân khấu đều chứa đựng cả một quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, chắt chiu, tích lũy. Bà định vị từng đặc trưng, thể loại và phương pháp sáng tác của mỗi hình thức, thể loại múa để tìm ngôn ngữ múa phù hợp áp dụng vào mỗi tác phẩm. Chẳng hạn, ở thể loại Kịch múa, Thơ múa, Tổ khúc múa, Nguyễn Thị Hiển thường kết hợp nhuần nhuyễn những động tác múa Cổ điển Châu Âu với những động tác múa dân gian dân tộc của Việt Nam và những động tác biểu hiện tâm trạng để xây dựng hình tượng cho từng tác phẩm.

Ví như ở Thơ múa “Hoa Phong Lan trên đỉnh Truông Bồn” – một tác phẩm múa phác hoạ hình tượng những cô gái Thanh niên xung phong trong tiểu đội thép anh hùng, đã hiến dâng tuổi thanh xuân cho cuộc đấu tranh giành độc lập tư do và thống nhất đất nước. Tác phẩm gồm 4 chương mang những cung bậc của tình cảm tuổi trẻ trong sáng, lạc quan và anh dũng được kết cấu, hoà quyện những khúc múa đồng điệu với những khúc múa phức điệu và các động tác múa dân gian dân tộc Việt kết hợp với những động tác múa Cổ điển Châu Âu, múa sinh hoạt, lao động san lấp hố bom của các cô gái thanh niên xung phong và các anh lính lái xe trên đường Trường Sơn. Thủ pháp đối tỷ và cách dàn cảnh sinh động tạo nên ngôn ngữ múa mang màu sắc khác nhau trong từng chương múa. Hình ảnh các cô thanh niên xung phong được miêu tả thành biểu tượng những đoá phong lan rừng lung linh, đầy hương sắc, họ hăng say, sôi nổi, lúc hồn nghiên, nghịch ngợm bên các chàng trai lái xe vượt đường mòn Hồ Chí Minh, lúc dũng cảm, kiên cường là những hàng cọc tiêu sống lao vun vút dưới lửa đạn dẫn đường cho các đoàn xe vượt qua cửa tử chằng chịt hố bom… Thơ múa “Hoa Phong lan trên đỉnh Truông Bồn” đã được tặng Huy chương Vàng Hội diễn CMN chuyên nghiệp toàn quốc 1995; giải thưởng hạng A – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam 1995; Giải thưởng VHNT hạng Nhì của Bộ Quốc phòng về đề tài Lực lượng vũ trang –  chiến tranh cách mạng và sự nghiệp bảo vệ tổ quốc {1994 – 1999}).

Tác phẩm đã được Đoàn Ca Múa Nhạc dân tộc Nghệ An biểu diễn gần 20 năm,  được Đoàn Ca Múa Quân đội (nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội), Đoàn Nghệ thuật Quân khu IV (nay là Đoàn Văn công quân khu IV) dàn dựng và biểu diễn,  được giới thiệu rộng rãi trên truyền hình và còn được biểu diễn trong Liên hoan Nghệ thuật múa Việt Nam lần thứ nhất (năm 1996) tại Hà Nội và một số tỉnh thành.

Ở thể loại múa dân gian sân khấu bà luôn tâm niệm: “Dù được tiếp cận với múa nước ngoài nhưng vẫn phải luôn nắm vững múa dân gian, dân tộc và phát triển ngôn ngữ múa theo quy luật nội tại của chúng. Từ đó tìm ra đặc điểm cốt lõi và phát triển ý tưởng tác phẩm của chính dân tộc đó chứ không lấy động tác múa của nước ngoài hay của dân tộc khác. 

Chẳng hạn như ở tác phẩm “Xuân về trên bản Khơ Mú” ca ngợi vẻ đẹp và tình yêu đôi lứa trong sáng, đằm thắm của các chàng trai, cô gái Khơ Mú trong những ngày xuân rực rỡ được xây dựng từ chất liệu múa dân gian của dân tộc Khơ Mú tỉnh Nghệ An với những động tác múa dân tộc độc đáo như nhẩy dậm chân, nhún bật mông, leo núi, xoay tít trong tiết tấu cuồng nhiệt, miêu tả những chàng trai, cô gái Khơ Mú cứ mỗi độ xuân về lại kéo nhau xuống núi, thổ lộ tình yêu hồn nhiên, trong sáng, nắm tay nhau nhảy múa tạo nên khúc múa sôi động, tiết tấu rộn ràng, là bài ca hạnh phúc của bản làng dân tộc Khơ Mú. Đây là điệu múa duo trên nền múa tập thể. Với cách cấu trúc sinh động, cùng với sự phát triển những nét đặc trưng của múa dân gian dân tộc Khơ Mú, biên đạo đã tạo được không khí tưng bừng và những sắc thái tình cảm đa dạng trong từng phần của điệu múa. Tác phẩm đã nhận Huy chương vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 1985; Giải A tại Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp các tỉnh miền núi phía Bắc năm 1994.  

Hay ở tác phẩm “Bức tranh thôn nữ” biểu hiện hình tượng cô thôn nữ với vẻ đẹp trữ tình kín đáo, chứa đựng những cảm xúc sâu lắng và vẻ đẹp tâm hồn của cô gái trẻ trước cảnh sắc mùa xuân. Một điệu múa solo nữ được xây dựng từ chất liệu múa dân gian dân tộc Việt. Tác giả đã kết cấu tác phẩm trên cơ sở lựa chọn, phát triển những nét đặc trưng trong hệ thống động tác múa người Việt vùng đồng bằng Bắc Bộ. Các động tác múa mềm mại, mang chất trữ tình như vuốt tóc, soi gương, đu tiên, xiến, hái đào, guộn tay… được kết hợp với động tác quay di động, múa mõ, đi quả trám, các bước đi lướt để tạo nên sự thay đổi sắc thái tình cảm của cô thôn nữ trong từng phần của điệu múa. Tác phẩm đạt Huy chương Bạc Hội thi ca múa nhạc Dân tộc chuyên nghiệp toàn quốc 1992; Giải thưởng nghệ thuật xuất sắc – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam (1992). “Bức tranh thôn nữ” đã được Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Đoàn nghệ thuật truyền thống Cung đình Huế dàn dựng và biểu diễn và được giới thiệu trên Đài truyền hình Việt Nam.

 Trải qua suốt mấy chục năm hoạt động nghệ thuật Múa, giờ đây ngẫm lại PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển vẫn không khỏi bồi hồi, xúc động và thầm cảm ơn ngành múa, cảm ơn các thầy cô giáo trường Múa Việt Nam, các thầy cô giáo tại khoa múa Học viện Nghệ thuật sân khấu Quốc gia Matxcơva, cảm ơn Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam, cảm ơn Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam v.v… cảm ơn các nghệ sĩ diễn viên, các nhạc sĩ và các cộng sự đã giúp đỡ, tin tưởng bà từ khi mới chập chững vào nghề cho đến khi thành danh. 

Vâng, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển luôn thầm cảm ơn cuộc đời này đã mang múa đến với bà – đã cho bà bệ phóng, cho bà điểm tựa, cho bà niềm tin để bà có được niềm hạnh phúc mãn nguyện, đong đầy như ngày hôm nay.  

Và năm nay, ngay trước thềm xuân mới, PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển là một trong 5 nghệ sĩ của ngành múa Việt Nam vinh dự được xướng danh trong hạng mục Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật cho chùm Tác phẩm: Thơ múa “Hoa Phong lan trên đỉnh Truông Bồn”, “Xuân về trên bản Khơ Mú” và “Bức tranh thôn nữ”. Đó là phần thưởng xứng đáng mà Đảng và Nhà nước dành cho bà – một nữ nghệ sĩ múa đa tài, tâm huyết đã dành trọn cuộc đời mình cho nghệ thuật múa Việt Nam.