NGND Thanh Thủy – dành trọn cuộc đời cho sự nghiệp đào tạo Múa

0
214

Thái Dương

Là một học sinh khóa 2 hệ 7 năm trường Múa Việt Nam, Tốt nghiệp xuất sắc Thanh Thủy vinh dự là một trong những học sinh ưu tú cùng với NGND Trần Quốc Cường được đi tu nghiệp ở  Học viện Vaganôva – Lêningrat 4 năm chuyên ngành diễn viên và là thực tập sinh chuyên ngành Huấn luyện 3 năm tại Học viện múa Matxcơva.

Sau thời gian tu nghiệp ở nước ngoài, Thanh Thủy quay trở về trường Múa Việt Nam với vai trò là giảng viên múa Cổ điển Châu Âu. Đó là một mốc son quan trọng ghi dấu sự chuyển biến trên con đường sự nghiệp của cô, ấy là gắn bó với cái nghề cao quý nhất trong mọi nghề: nghề dạy học.

Không đơn thuần là một giáo viên đứng lớp giảng dạy, cô giáo Thanh Thủy còn tham gia biên soạn giáo trình múa Cổ điển Châu Âu cho nhiều khóa học sinh của trường Múa Việt Nam; trực tiếp dàn dựng nhiều tiểu phẩm, trích đoạn múa ballet cho các lớp diễn viên, học sinh Trường Múa biểu diễn. Cô cũng là người thể hiện thành công nhiều vai múa chính trong tác phẩm múa ballet nổi tiếng, như: “Cái chết của con Thiên Nga”, vai Odetta trong màn hai “Hồ Thiên Nga”, Phrighia trong vở “Spactac”.

Hiểu được sự gian truân, hà khắc của bộ môn múa ballet đòi hỏi người nghệ sĩ phải rèn giũa với tinh thần hết sức nghiêm túc, say mê nên trong những giờ lên lớp, cô giáo Thanh Thủy luôn tìm cách khích lệ, hun đúc, nuôi lớn dần tình yêu với nghệ thuật múa trong trái tim học trò một cách tự nhiên nhất. Nghiêm khắc, kỷ luật nhưng rất đỗi vô tư, công bằng và tận tình với tất cả học sinh; kể cả những em hạn chế về năng khiếu và điều kiện cơ thể, cô cũng luôn tìm cách động viên, cổ vũ để các em tự tin phát huy được khả năng của mình; để mỗi học sinh của cô đều tiến bộ và hăng say học tập bằng tinh thần tự nguyện, hăng say. 

Học trò yêu mến và nể phục cô giáo Thanh Thủy không những ở sự nhiệt huyết, tận tâm, ân cần trong những giờ lên lớp, ở sự chỉn chu, chuẩn xác trong huấn luyện mà hơn thế cô còn là một người bạn, người mẹ thân yêu sẵn sàng sẻ chia, gần gũi, đồng hành cùng các em trong cuộc sống; chẳng vậy mà giờ đây có những học sinh của cô dù thành danh trong sự nghiệp múa hay không còn có điều kiện theo nghề mà rẽ sang lối khác, thì họ vẫn luôn thầm cảm ơn cô giáo Thanh Thủy đã tiếp thêm cho họ ngọn lửa đam mê, tiếp thêm cho họ nghị lực và niềm tin để vượt qua những gian khó của cuộc đời, để họ vững vàng và trưởng thành hơn trên bước đường đi tới. 

Và cũng thật tự hào khi biết bao thế hệ học sinh do cô truyền dạy giờ đây đã trưởng thành và vững bước trên con đường sự nghiệp, nhiều học sinh của cô đã trở thành nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú, trở thành những thầy, cô giáo có uy tín, trở thành các nhà lãnh đạo giữ những chức vụ chủ chốt tại các cơ sở đào tạo và các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp trên khắp cả nước, như: Vương Linh, Chúc Quỳnh, Quỳnh Nga, Ngọc Cần v.v… 

Tiếp xúc với cô, tôi nhận thấy rằng đằng sau vẻ duyên dáng, yểu điệu, dễ mến lại ẩn giấu một Thanh Thủy khá thẳng thắn, mạnh mẽ, không chịu lùi bước trước những khó khăn, gian khổ, luôn nỗ lực vươn lên để khẳng định chính mình. Bởi thế mà Thanh Thủy được các đồng nghiệp tin tưởng giao cho trọng trách Phó Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng Trường Múa Việt Nam. Không phụ lòng tin tưởng của các đồng nghiệp, trong suốt những năm giữ vai trò trụ cột của trường, cô luôn cố gắng để phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp trong công tác chuyên môn cũng như trong cuộc sống. Chất lượng giảng dạy và đào tạo của nhà trường ngày càng được nâng cao, công tác tuyển sinh cũng ngày càng được mở rộng tạo nên sự lớn mạnh cả về chất và lượng.

 Ngẫm lại suốt mấy chục năm gắn bó với sự nghiệp đào tạo, NGND Thanh Thủy cảm thấy mình thật may mắn khi được nghề giáo chọn lựa. Được đồng hành, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, cô giáo Thanh Thủy càng nhận thấy sứ mệnh “nghề giáo” của mình thật cao cả, hữu ích khi được là người truyền thụ những kĩ năng, kiến thức về nghệ thuật múa đỉnh cao cho nhiều thế hệ học sinh.

Tự nhận thấy mình khá may mắn, thuận lợi và được cuộc đời ưu ái khá nhiều, từ khi là một học sinh trường múa, đến khi được đi tu nghiệp ở Liên Xô, rồi quay trở về trường múa làm nghề, khi nào cô giáo Thanh Thủy cũng được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và tình yêu với múa, song không vì thế mà bà tự mãn, tự phụ với đời. Ngay cả khi giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Múa, NGND Thanh Thủy cũng được đánh giá là một nhà quản lý công tâm, trách nhiệm, đặt sự phát triển chung của nhà trường để vận động, điều hành. Trong công tác tuyển sinh, tuyển dụng giáo viên, giảng viên, nhà giáo Thanh Thủy luôn thống nhất tiêu chí tuyển chọn “người tài, người giỏi” lên làm đầu. Bởi vậy, NGND Thanh Thủy được các học trò và đồng nghiệp quý mến, tin yêu.  

Phải khẳng định rằng, nếu nhìn vào thành tựu đào tạo nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, NGND Thanh Thủy là một trong những nhà giáo đã góp phần quan trọng tạo nên “thương hiệu” cho cái nôi đào tạo nghệ thuật múatrường Múa Việt Nam.  Hành trình từng bước đưa trường Múa Việt Nam từ bậc Trung cấp lên bậc Cao đẳng khi đó là nhờ vào sự nỗ lực không nhỏ của NGND Thanh Thủy. 

Suốt mấy chục năm gắn bó với sự nghiệp “đưa đò” nghệ thuật múa, NGND Thanh Thủy đã âm thầm dành hết tâm sức và trái tim mình cho ngành Múa Việt Nam, bà cũng đã nhận được rất nhiều phần thưởng quý báu do Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa và Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng như: Danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa – Thông tin, Huy chương vì Sự nghiệp Nghệ thuật Múa Việt Nam và rất nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác huấn luyện, đào tạo. 

Bà cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được theo đuổi cái nghề mà mình yêu thích. Càng gắn bó với múa, bà càng nhận thấy Múa là bộ môn nghệ thuật cao đẹp. Nó không chỉ đẹp về mặt thể chất – dáng vẻ bên ngoài mà còn rèn cho người nghệ sĩ một khí chất bền bỉ, kiên trì cả về mặt tinh thần.  

Kinh qua nhiều vai trò, trách nhiệm là thế nhưng ngẫm lại, NGND Thanh Thủy vẫn cảm thấy may mắn, hạnh phúc bởi dẫu thời bà vô cùng khó khăn, thiếu thốn, nhưng nghệ sĩ vẫn luôn được quan tâm, dường như chẳng ai phải bận tâm, lo toan đến “miếng cơm manh áo” hàng ngày, bởi vì đã có Nhà nước lo. Cho nên các nghệ sĩ thời bà chỉ việc hết lòng, hết sức chuyên tâm, nhiệt huyết dành trí lực cho nghệ thuật, lo cho “cái chung”, hết thảy mọi người đều đoàn kết, đồng lòng. Ở thời ấy, khó khăn gian khổ là vậy nhưng con người sống với nhau trong sáng và vô tư, tuyệt nhiên không có tư tưởng kèn cựa, ganh đua để mưu cầu danh vọng hay lợi ích cho bản thân. 

Còn nay, tuy xã hội đã phát triển, các nghệ sĩ, nhà giáo dù được thừa hưởng nhiều thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại; cuộc sống đỡ vất vả, túng thiếu hơn, song chính họ lại phải “đối mặt” với nhiều áp lực mưu sinh, nên tình yêu và tâm huyết cho ngành, cho nghề cũng ít nhiều bị phân tán, san sẻ… 

Xin cám ơn bà – một nhà giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp đào tạo nghệ thuật múa nước nhà, đã để lại cho lớp trẻ chúng tôi một hình ảnh về một cô giáo múa – một nữ hiệu trưởng chính trực, công tâm trên hành trình nghệ thuật đầy gian khó và vinh quang này.