Trọn tình yêu cho múa

0
169
NSND Hà Thế Dũng, Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam, Ban Thường vụ, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, Phó trưởng Ban Đào tạo

Nguyên Bách

Đã nghe tên tuổi NSND Hà Thế Dũng từ lâu, có dịp tiếp xúc và cộng tác với anh trong các công việc của Hội nghệ sĩ Múa cũng nhiều.Vậy mà đến nay, khi được trò chuyện, tìm hiểu về con đường sự nghiệp của anh, lại đưa tôi từ ngỡ ngàng này sang ngỡ ngàng khác bởi những gì tôi biết về anh dường như còn quá ít ỏi… 

Bất ngờ đầu tiên anh dành cho tôi, đó là trước khi là một diễn viên solist của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam,  Hà Thế Dũng đã từng là chàng Thiếu úy của Trường Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Thật thú vị là cơ duyên đưa Hà Thế Dũng đến với Múa cũng tình cờ như cái cách anh trở thành thiếu úy. Đó là vào năm 1975 – sau giải phóng miền Nam, khi đó Hà Thế Dũng mới là cậu bé 13 tuổi, trong một buổi đi đá bóng cùng chúng bạn ở gần sân trường cấp 1,2 Nguyễn Trãi – thị xã Hà Đông (nay là Hà Nội). Cũng chính vào hôm Trường Nghệ thuật Quân đội tuyển sinh, thấy hay hay, tò mò, bạn bè kéo anh vào xem, rồi tham gia tuyển thử, vậy là kể từ đó cậu bé Hà Thế Dũng chính thức bước chân vào nghề múa. 

Vâng, mối duyên đưa Hà Thế Dũng đến với múa rất tình cờ, nhưng để trở thành một nghệ sĩ múa thực thụ lại đòi hỏi một sự rèn giũa nghiêm túc, chỉn chu, cẩn trọng. 

Trở thành học sinh khóa 7, hệ 4 năm, đồng nghĩa với việc cậu bé Hà Thế Dũng đang ở độ tuổi “chơi bi, đá bóng” cũng lũ bạn giờ đây phải “gò mình” vào môi trường học tập hà khắc. Vậy nhưng với sự kiên trì, bền bỉ, nghiêm túc trong học tập, chỉ trong một thời gian ngắn, cậu bé Hà Thế Dũng đã tỏ ra là một trong những học sinh xuất sắc của trường Nghệ thuật Quân Đội. Rồi sau đó trở thành diễn viên nam chính tại Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Chuyên tâm với nghề, quyết tâm rèn luyện để nâng cao nghiệp vụ, Hà Thế Dũng được gửi đi thực tập sinh tại trường Đại học Văn hóa Lênigrat một năm. Là một con người đầy nhiệt huyết và luôn không ngừng học tập, trau dồi kĩ năng nên ngay từ những năm đầu của sự nghiệp, Hà Thế Dũng đã chứng tỏ mình là một diễn viên khá xuất sắc, được đảm nhiệm nhiều vai chính trong hầu hết các vở kịch múa kinh điển như: Hồ Thiên Nga, Giden, Spactac… và các vở diễn lớn của Nhà hát. 

Thấm thía nỗi truân chuyên của nghiệp diễn viên múa – không giống với các nghề khác: kinh nghiệm và tuổi tác tôi luyện tài năng thì đối với múa năm tháng là lực cản đáng sợ, tuổi tác lại là thứ phụ bạc không thương tiếc gây nên sức ì của một diễn viên. Đam mê và muốn gắn bó với nghề múa nhưng Hà Thế Dũng không có tư tưởng đóng khung,  không giữ lấy làm của riêng mình, anh luôn muốn sẻ chia với đồng nghiệp, với những thế hệ đi sau những kinh qua, trải nghiệm của mình. Có lẽ cũng vì thế, anh đến với công việc huấn luyện, giảng dạy và biên đạo múa như một lẽ tự nhiên… 

Hà Thế Dũng quan niệm: Kinh nghiệm biểu diễn sẽ là “hành trang thực tế” hữu ích trong công tác đào tạo, giảng dạy cho học sinh – sinh viên; còn công việc sáng tác, dàn dựng mang lại sự hào hứng, tự tin của người nghệ sĩ trong anh.  

Có lẽ nếu chỉ nhìn vào phong thái trẻ trung, nhàn tản và nhìn vào những thành công mà NSND Hà Thế Dũng đạt được chắc hẳn sẽ có nhiều người suy nghĩ phải chăng anh có phần thuận lợi, may mắn. Song, đối với những nghệ sĩ theo nghiệp múa thì thấm thía nỗi truân chuyên của nghề để hiểu rằng: khi đã quyết định gắn kết cuộc đời mình với múa là phải đam mê và say đắm lắm lắm mới có thể trụ vững. Còn để đạt được những thành công nhất định, người nghệ sĩ ấy phải dấn thân và nỗ lực rất nhiều. Đặc biệt là với nghệ thuật Múa – một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự khắt khe, khổ luyện liên tục. Mọi kĩ năng, kĩ xảo và tài nghệ  của người nghệ sĩ đều hiển lộ rất rõ rệt. Nghệ thuật múa không có “đất” cho bất kì sự “che giấu, lấp liếm” nào. Và càng không có bất kì kĩ nghệ “lăng xê” nào có thể “thổi phồng” tài năng nếu người nghệ sĩ đó không có thực tài.

Sẽ chẳng hề dễ dàng, thuận lợi nếu chúng ta nhẩm tính số tuổi công tác của một công chức bình thường chỉ cần đạt tới 20 năm công tác là có thể được hưởng chế độ, nhưng đối với một diễn viên múa như Hà Thế Dũng – anh đã dành trọn 25 năm thanh xuân rực rỡ nhất đời người để làm tròn chức năng của một người nghệ sĩ biểu diễn. Chừng đó thời gian có lẽ là quá đủ để thấm thía những nỗi gian lao, vất vả của nghề, đủ để trải nghiệm cuộc đời của một diễn viên múa phải “lăn xả”, “dấn thân” và “đam mê” cháy bỏng ra sao mới có thể ghi dấu trong lòng đồng nghiệp và công chúng.

Chắc chắn, chẳng phải ngẫu nhiên mà từ vai trò một nghệ sĩ biểu diễn chuyển sang công tác huấn luyện, đào tạo, Hà Thế Dũng được cấp trên tin tưởng giao ngay cho trọng trách Phó Hiệu trưởng rồi Hiệu trưởng một ngôi trường múa chuyên nghiệp của mảnh đất phương Nam – Trường Trung cấp Múa TP. Hồ Chí Minh. Và phải khẳng định rằng, nếu nhìn vào thành tựu 35 năm xây dựng và trưởng thành của trường Múa Tp. Hồ Chí Minh thì NSND Hà Thế Dũng là một trong những người thầy đã góp phần quan trọng tạo nên “thương hiệu” cho nhà trường, góp phần đưa danh tiếng Trường Múa TP. Hồ Chí Minh ngày càng trở thành địa chỉ tin cậy cho các học sinh múa chuyên nghiệp phương Nam. 

Với bề dày kinh nghiệm biểu diễn, giảng dạy, sáng tác và sự năng nổ, nhiệt huyết, đi đầu trong các hoạt động của nhà trường. Hà Thế Dũng đã được Nhà nước trao tặng Nghệ sĩ ưu tú khi mới 30 tuổi và đạt danh hiệu cao quý nhất – Nghệ sĩ Nhân dân khi mới tròn 50 tuổi. Bên cạnh đó, NSND Hà Thế Dũng còn được trao Huân chương Lao động hạng 3 và  nhiều bằng khen, giấy khen, huân, huy chương của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ Tư lệnh Quân khu 7, Đảng ủy khối cơ sở Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Liên hiệp các Hội VHNT Tp.Hồ Chí Minh, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa TP.Hồ Chí Minh…

Trong vai trò biên đạo, NSND Hà Thế Dũng đã không ngừng suy tư, trăn trở để cho ra đời một loạt tác phẩm múa để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng công chúng và tạo dư luận khá tốt trong lòng bạn bè đồng nghiệp. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Nỗi đau da cam” – Tác phẩm đạt Huy chương Vàng Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2009, “Hồng Hoang” – Huy chương Vàng Liên hoan các tác phẩm Kịch múa Việt Nam lần thứ nhất – 2001, “Lắng đọng hồn quê” – Huy chương Vàng Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012, “Những dòng sông hò hẹn” Huy chương Vàng Liên hoan Ca Múa Nhạc và Triển lãm Mỹ thuật HSSV các trường VHNT 2008, “Ô cửa sổ” – Huy chương Bạc Liên hoan Múa Quốc tế 2014, “Màu xanh bất diệt” – Giải Nhì Giải thưởng VHNT Tp.Hồ Chí Minh giai đoạn 2006 – 2011; Tổ khúc múa “Tổ quốc” (Nhóm Biên đạo: NSND Hà Thế Dũng, NSƯT Tạ Thùy Chi, NSƯT Lương Xuân Thành)

Có thể nói, dù ở vai trò, vị trí nào, dù đảm nhiệm chức năng của một diễn viên hay chức trách của một người thầy, hoặc giữ vai trò lãnh đạo, sáng tác… NSND Hà Thế Dũng luôn tạo được những dấu ấn nhất định trong lòng bạn bè, đồng nghiệp.

Hà Thế Dũng còn được biết đến là một gương mặt quen thuộc trong vai trò giám khảo của nhiều Cuộc thi, hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc. Anh cũng là gương mặt giám khảo thân quen trong nhiều Hội thi như “Ngôi sao phương Nam”, “Hoa khôi Đồng bằng sông Cửu Long”.

Suốt từ năm 2010 đến nay, NSND Hà Thế Dũng còn đảm đương nhiều chức trách, như: Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Tp.Hồ Chí Minh; Ủy viên Ban Thường vụ – Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Liên hiệp Các Hội VHNT Tp.Hồ Chí Minh…

Vẫn biết, có được những thành tựu đáng nể đối với một người diễn viên – giảng viên – biên đạo là cả một sự phấn đấu không ngừng nghỉ của bản thân, có được những danh vị, phần thưởng cao quý của Nhà Nước và các Bộ, Ban, Ngành… đòi hỏi ở Hà Thế Dũng những nỗ lực phi thường. Nhưng tự trong sâu thẳm lòng mình, NSND Hà Thế Dũng vô cùng biết ơn cuộc đời đã mang Múa đến với anh, biết ơn các thầy, cô giáo đã dìu dắt, chỉ bảo, biết ơn các đồng nghiệp đã luôn động viên, khích lệ để anh được thỏa sức đam mê và thăng hoa với múa. 

Vâng, với một Hà Thế Dũng trẻ trung, hoạt bát, một Hà Thế Dũng đậm phong cách “teen” kia thì dường như chặng đường hơn 40 năm lăn lộn với nghề múa, ở nhiều cương vị khác nhau dường như lại càng tiếp thêm năng lượng để anh tiếp tục thăng hoa, tan chảy với Múa.