Lịch sử hình thành và phát triển Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam

Phương Lan

Bước khởi đầu gian nan

 

Chỉ thị 375-CT ngày 27 tháng 12 năm 1989, Chủ tich Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam. Suốt nhiệm kỳ I (1990 – 1995), Ban chấp hành đã dồn tâm huyết, công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất hình thành cơ quan văn phòng Hội. Do phải tự lo về kinh phí và nhân sự, đồng thời không có trụ sở làm việc nên Hội phải dựng tạm một căn lều nhỏ ngay ở sân Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tại số 51 Trần Hưng Đạo. Cuối cùng Hội đã thuê một căn phòng nhỏ ở Giảng Võ để làm trụ sở.

Bằng nỗ lực quyết tâm của toàn thể cán bộ, nghệ sĩ, diễn viên ngành múa, vào tháng 11 – 1990 Đại hội Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam lần thứ nhất được tổ chức  tại Hà Nội. Tham dự đại hội có trên 100 hội viên chỉ định, là những cán bộ, biên đạo, nhà giáo, nghệ sỹ biểu diễn, tiêu biểu cho các đơn vị nghệ thuật lớn, các cơ sở đào tạo và các trung tâm nghệ thuật múa như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, khu vực miền Trung Tây Nguyên, các đoàn nghệ thuật quân đội.

Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 9 thành viên, trong đó Tổng Thư ký là NSND Phùng Thị Nhạn; Các Phó Tổng thư ký: PGS, TS, NSND Nguyễn Thị Hiển; PGS, TS, NSND Lê Ngọc Canh, NSND Trần Minh.

Tạo dựng nền móng

Sau nhiều năm làm đơn gửi cấp trên xin trụ sở làm việc, năm 1995 Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam được trực tiếp ký hợp đồng với Sở Nhà đất Hà Nội thuê căn hộ 106/B6 Nghĩa Tân làm trụ sở làm việc của Hội.

Nếu nhiệm kỳ I thành tích đáng trân trọng là xây dựng nền móng cơ sở vật chất và nhân sự chuyên trách, thì nhiệm kỳ II Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam bắt tay vào đẩy mạnh hoạt động chuyên môn với những dấu ấn của ngành múa trong những năm kháng chiến bảo vệ Tổ quốc.

Từ Trại sáng tác múa lần I được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa triển lãm Hội chợ Cần Thơ với 22 hội viên tham gia chính thức, tới Trại sáng tác múa lần II được tổ chức tại Sầm Sơn, Thanh Hóa đã quy tụ được 22 hội viên tham gia. Từ các trại sáng tác, rất nhiều kịch bản múa đã ra đời phục vụ cho Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt I và II.

Năm 1995, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã ghi dấu ấn sâu đậm với Fesival nghệ thuật múa toàn quốc lần thứ I nhằm biểu dương lực lượng, tổng kết những thành quả 50 năm với các tác phẩm của các nghệ sĩ đã trưởng thành trong 3 cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất non sông.

Vững bước phát triển

Có thể nói, sau những bước khởi đầu đầy gian nan, vất vả, với những nỗ lực phi thường, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu vô cùng vinh quang, rất tự hào cho Hội nói riêng và ngành múa Việt Nam nói chung.

Từ chỗ loay hoay tìm kiếm trụ sở, rồi tiến hành Đại hội lần thứ I để kiện toàn nhân sự, đến nay chúng ta đã có trụ sở làm việc khang trang, kiên cố và số lượng hội viên đã lên tới 1105 người. Sau 7 nhiệm kỳ, chúng ta tự hào đã tổ chức được hàng trăm trại sáng tác, tập huấn, hội thảo và các cuộc thi chuyên ngành, cho ra đời hàng nghìn tác phẩm múa, nhiều tác phẩm lí luận, phê bình, nhiều đầu sách chất lượng về múa được xuất bản phục vụ công chúng và độc giả yêu múa, rất nhiều hội viên của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đạt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Chức năng, nhiệm vụ

Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam là một tổ chức Chính trị -Xã hội – Nghề nghiệp của những người hoạt động nghệ thuật múa Việt Nam trong các lĩnh vực Sáng tác – Đào tạo – Biểu diễn – Lý luận – Hoạt động nghệ thuật phong trào trên phạm vi toàn quốc và trong các quan hệ giao lưu, hợp tác với các tổ chức múa quốc tế.

Nhiệm vụ trọng tâm của Hội là tập hợp, đoàn kết, phát triển đội ngũ những người hoạt động nghệ thuật múa Việt Nam; tiến hành các hoạt động định hướng nghề nghiệp; hỗ trợ sáng tác, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ, quảng bá tác phẩm, bảo vệ quyền sáng tạo hợp pháp của hội viên, phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ, mở rộng giao lưu hợp tác với các tổ chức múa quốc tế… nhằm góp phần tạo nên nhiều tác phẩm múa có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đóng góp tích cực cho sự phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ là một tổ chức Chính trị- Xã hội – Nghề nghiệp được thể hiện trên nhiều lĩnh vực công tác. Để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, lãnh đạo Hội đã đề ra kế hoạch và thực hiện một cách toàn diện trên các lĩnh vực hoạt động như: Tổ chức các trại sáng tác múa khu vực và toàn quốc, tài trợ sáng tạo công trình và tác phẩm múa, tập huấn nghiệp vụ biên đạo, tổ chức thâm nhập cuộc sống và múa dân gian các dân tộc cho khối giảng viên, Tổ chức các cuộc thi tác phẩm, thi tài năng biểu diễn và Liên hoan múa, tổ chức hội thảo, hội nghị chuyên đề, Xuất bản sách và tạp chí Nhịp Điệu, xét tặng giải thưởng nghệ thuật múa hàng năm, trao tặng giải thưởng, phần thưởng của Hội cho các cuộc Liên hoan, Hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp và Nghệ thuật quần chúng toàn quốc; tổ chức dàn dựng, biểu diễn phục vụ các sự kiện quan trọng của Đảng và Nhà nước và tham dự Liên hoan Nghệ thuật Múa quốc tế.

Bảng vàng thành tích

– 01 Huân chương Độc lập hạng Nhất theo Quyết định số 765/QĐ-CTN ngày 02/02/1996 của Chủ tịch nước;
– 01 Huân chương Lao động hạng Nhất theo Quyết định số 2340/QĐ-CTN ngày 31/12/2019 của Chủ tịch nước .
– Năm 2010, Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ V (2010-2015), Hội đã được Ban bí thư Trung ương trao tặng lá cờ với 8 chữ vàng: “Đoàn kết – Dân chủ – Xây dựng – Sáng tạo”.
– Hội được trao tặng 20 bằng khen thành tích của Bộ VHTT&DL, Liên hiệp các Hội VHNTVN, UBND Thành phố Hà Nội,…
 
Tính đến thời điểm hiện tại, Hội có 35 chi hội trên toàn quốc. Đây là tiềm lực và cánh tay nối dài trong hoạt động chuyên môn của Hội để góp phần phát triển hai lực lượng Chuyên nghiệp và Phong trào. Tổng số Hội viên là 1.105, trong đó:

– 09 hội viên được xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật

– 54 hội viên được xét tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật

– 51 hội viên được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân

– 207 hội viên được xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú

– Nhiều hội viên đã có học hàm, học vị GS, PGS, TS