PV-BTV: Phương Lan
“Hoàng tử ngành múa” là cách gọi trìu mến mà thầy cô, bạn bè, đồng nghiệp từng dành cho Trần Văn Hải – nghệ sĩ múa nổi tiếng một thời khi anh hóa thân thành công vào vai hoàng tử trong các vở ballet nổi tiếng thế giới như Spartac, Gissel, Hồ Thiên Nga,…Chặng đường viết nên câu chuyện cuộc đời từ một chàng “hoàng tử” trên sân khấu, tới một nhà giáo, nhà lãnh đạo quản lý là một chặng đường dài và thật sự chẳng dễ dàng đối với TS.NSƯT Trần Văn Hải – một người có nhiều đóng góp cho ngành múa Việt Nam.
Từ chàng “hoàng tử” trong những vở ballet
Những ngày đầu Xuân năm mới, tôi có hữu duyên trò chuyện với TS.NSƯT Trần Văn Hải – Quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam, Trưởng Ban Đào tạo, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam để có dịp nghe anh chia sẻ về chặng đường hơn 40 năm anh tận hiến với nghề.
Cuộc trò chuyện đưa chúng tôi quay ngược lại những năm 70 khi Văn Hải còn là một cậu học sinh lớp 7. Đó là vào năm 1976, khi đoàn giáo viên Trường Múa Việt Nam tới Hải Phòng để tuyển học sinh cho khóa 12 của Trường. Mặc dù gia đình không có ai theo nghệ thuật, nhưng Văn Hải lại xuất sắc trúng tuyển và là học sinh nam duy nhất trong nhóm học sinh trúng tuyển năm đó.
Những năm đầu xa nhà lên Thủ đô theo học múa là quãng thời gian thật sự khó khăn với Hải bởi nỗi nhớ nhà, chưa quen với nề nếp sinh hoạt và chưa có định hướng cho tương lai sau này. Có lẽ bởi thế mà thành tích học tập của Hải trong những năm đầu đã không được như kỳ vọng.
Loay hoay trong việc tìm ra phương pháp học tập, điều chỉnh chế độ sinh hoạt, Hải tự nhận thấy múa đến với cuộc đời mình như một mối lương duyên và mình cần phải trả nợ nghiệp. Từ đó, Văn Hải nỗ lực tập luyện, phấn đấu thật nhiều để trở thành học sinh xuất sắc và tự tin trình diễn trên sân khấu. Trong những năm cuối khóa, Văn Hải được cùng các thế hệ anh, chị diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam tham gia các vở múa kịch múa ballet như “Chàng du đãng và cô tiểu thư” (năm 1981), “Tướng quân Garamodia”, kịch múa “Spartac” (năm 1982), “Tướng quân Cao Nỗ”, kịch múa “Nỏ thần” ( năm 1982) của Biên đạo múa, cố NSND Trần Minh và vở ballet Hồ Thiên Nga (năm 1984),…
Khóa 12 hệ 7,5 năm kéo dài thêm một học kỳ để tham gia tập luyện, biểu diễn vở ballet kinh điển Gissel (năm 1983). Văn Hải cùng một số học sinh xuất sắc khi đó được Bộ Văn hóa, Thông tin cử đi học đại học ở Nga theo dạng học bổng hiệp định của Chính phủ. Tuy nhiên, do phải ở lại trong nước để hoàn thành đề án hợp tác dàn dựng, biểu diễn giữa hai Bộ Văn hóa của Nga vàViệt Nam, anh được mời về Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam công tác. Tới khi tiếp tục được thực hiện chế độ du học thì Liên bang Xô viết tan rã, Văn Hải quay trở lại Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh học chuyên ngành Huấn luyện múa (khóa 1990-1994).
Trong suốt buổi trò chuyện, TS.NSƯT Trần Văn Hải nhiều lần xúc động khi nhắc tới vai trò dìu dắt của các thầy cô giáo ở những giai đoạn đầu tiên đưa anh tới với nghiệp múa như: Thầy giáo Trần Văn Hòe, NSND Lê Ngọc Cường, NGND Trần Quốc Cường, nhà giáo Ngô Mạnh Anh, TS.NSND Phạm Anh Phương, nhà giáo Phương Anh, NGND Nguyễn Minh Phương, chuyên gia NSND Mikhain Ivanovic Captanat (tới từ Liên bang Xô Viết, Liên Xô cũ),… và cả những người bạn cùng khóa như TS.NSND Hà Thế Dũng, NSND Ngô Kiều Ngân, NSND Nguyễn Minh Thông, NSUT Quý Ngân, ThS Phùng Quang Minh,…
Từ năm 1984 -2000, trên vai trò là diễn viên múa, Văn Hải tham gia nhiều thể loại múa và luôn là diễn viên chính trong các tác phẩm ballet như “Huyền tích Trường Sơn”, “Romeo & Juliet”, “Huyền thoại mẹ”, “ Sông Lô” của NSND Công Nhạc, NSND Phạm Anh Phương, cố NSND Đoàn Long, NSUT Bằng Thịnh…. Anh tham gia nhiều đợt tập huấn và biểu diễn tại CHLB Nga; tham gia với tư cách là nghệ sĩ khách mời trong vai trò là solist ở các tác phẩm múa lớn tại các đoàn ballet của Pháp, Úc, Thái Lan…Ngoài ra, anh còn góp mặt trong đoàn nghệ thuật xung kích mũi nhọn của Nhà hát được thành lập bởi cố nhạc sĩ NSND Khắc Huề, cùng đoàn biểu diễn phục vụ đồng bào miền núi, vùng sâu vùng xa trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, Văn Hải còn là gương mặt từng giành nhiều giải thưởng nổi bật ở lĩnh vực khiêu vũ, vì thế anh được mời giảng dạy khiêu vũ cho nhiều câu lạc bộ, nhiều trường đại học tại Hà Nội và giảng dạy nghệ thuật khiêu vũ quốc tế cho Ngoại giao Đoàn – Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Năm 1998, Văn Hải may mắn có cơ hội học múa đương đại với nghệ sĩ Cheryl Stock (Nữ nghệ sĩ người Úc từng được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh). Khi ấy anh được chọn để diễn chính trong tác phẩm “Qua miền đất lạ”– một trong những tác phẩm đầu tiên mang phong cách đương đại của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. Tác phẩm nói về những trải nghiệm của con người khi qua vùng đất mới. Với những nét mới lạ từ tạo hình, tới thiết kế mỹ thuật, trang phục, ngôn ngữ động tác múa, cho tới cách thức dàn dựng sáng tác “phi truyền thống”, “Qua miền đất lạ” đã thổi một luồng gió mới vào dòng chảy múa đương đại non trẻ của Việt Nam lúc bấy giờ, khiến khán giả rất thích thú đón nhận. Liên tiếp sau đó, Văn Hải được chọn biểu diễn chính trong các tác phẩm khác của nghệ sĩ Cheryl Stock như “Thằng cuội”, “Em người phụ nữ Việt Nam”…
Những dấu ấn của anh trên vai trò là một diễn viên solist xuất sắc đã được bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ tiền bối và khán giả ghi nhận. Năm 1996, Văn Hải được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú cho những cống hiến của anh với nền nghệ thuật múa nước nhà.
Nhớ lại những năm tháng bám sàn miệt mài tập luyện và những chuyến lưu diễn tại nước ngoài, TS.NSƯT Trần Văn Hải không khỏi xúc động. “Những tràng pháo tay không dứt của khán giả, những bó hoa tươi thắm, những cái ôm thật chặt phía sau cánh gà của những diễn viên múa tuy nghèo vật chất nhưng giàu tình cảm và luôn cháy hết mình trên sân khấu là những ký ức suốt đời này tôi không thể quên.”.
Chàng “hoàng tử” có ngoại hình sáng sân khấu, là solist của nhiều vở múa nổi tiếng cách đây hơn 40 năm, nay đã tóc hoa râm lấm tấm sợi bạc, trên khuôn mặt đã hằn những nếp nhăn ghi dấu thời gian. Nhưng có một điều không hề thay đổi, đó là tình yêu với nghề múa, lửa đam mê cống hiến vẫn bùng cháy mỗi khi anh nói về nghiệp múa.
Tới những bước ngoặt cuộc đời
Khi đang ở đỉnh cao của sự nghiệp diễn viên múa, là diễn viên solist sáng giá của Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, TS.NSƯT Trần Văn Hải đã chuyển hướng, rẽ sang bước ngoặt khác của cuộc đời là trở thành giảng viên của Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội (năm 2000). “Thầy già, con hát trẻ”, nghề nào cũng vậy, muốn làm thầy giỏi, trước hết phải làm thợ giỏi. Anh cho rằng, những kinh nghiệm tích lũy được trên vai trò là diễn viên sẽ là nền tảng tốt để anh truyền lại cho thế hệ hậu bối. Và quả thật, trái ngọt đầu tay của anh đã thành công ngoài mong đợi. Khóa K25 hệ 7 năm của Khoa Múa – Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội là một trong những khóa đào tạo nam diễn viên tốt nhất lúc bấy giờ, với những cái tên hiện đang là solist tại các nhà hát có uy tín trong và ngoài nước như: Ngọc Khải, Phan Lương, Đàm Hàn Giang, Văn Nguyên, Bảo Trung… Tiếp đến là các khóa K29 và K32,…
Với những đóng góp tích cực trên vai trò là giảng viên, năm 2000 TS.NSƯT Trần Văn Hải được nhà trường bổ nhiệm chức vụ Phó Trưởng Khoa Múa. Năm 2004 anh giữ chức vụ Trưởng Khoa Múa và năm 2015 anh được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội. Trên cương vị là lãnh đạo nhà trường, TS.NSƯT Trần Văn Hải vừa tham gia đổi mới một số chương trình đào tạo, vừa giảng dạy 02 bộ môn chính: Phương pháp Huấn luyện Múa Cổ điển châu Âu và Kết cấu tác phẩm Múa Cổ điển châu Âu của hai chuyên ngành Huấn luyện và Biên đạo múa tại Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội và các lớp biên đạo múa, huấn luyện múa tại Lào Cai, Thái Nguyên, Cần Thơ,…
Nhận thấy những thay đổi trong xu thế đào tạo múa trên thế giới và những biến chuyển của dòng chảy nghệ thuật múa trong nước, TS.NSƯT Trần Văn Hải đã tìm hướng đổi mới chương trình đào tạo cho phù hợp với nhu cầu trong nước và bắt kịp với những thay đổi của nghệ thuật đương thời. Năm 2005, TS.NSƯT Trần Văn Hải là người kết nối mở ra sự hợp tác quốc tế kéo dài 5 năm về nghệ thuật múa và điện ảnh giữa Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam với Qũy Hỗ trợ, phát triển Văn hóa SIDA – Thụy Điển. Anh là người đã đưa múa Hiện đại vào chương trình đào tạo của khoa Múa, mở ra chuyên ngành Huấn luyện Múa Hiện cho nhà trường. Năm 2014, TS.NSƯT Trần Văn Hải cùng với ban lãnh đạo nhà trường đã mở ra mã ngành mới là Biên đạo múa Đại chúng. Từ đó đến nay, chuyên ngành này đã trở thành ngành đào tạo mũi nhọn của Khoa Múa nói riêng và nhà trường nói chung. Có thể khẳng định, sự phát triển lớn mạnh của Khoa Múa Trường Đại học Sân khấu & Điện ảnh Hà Nội có sự đóng góp rất lớn của TS.NSƯT Trần Văn Hải. Khoa Múa đã luôn song hành với sự phát triển của nhà trường, là một trong những khoa có vị trí quan trọng và luôn đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng trong các sự kiện lớn của nhà trường.
Năm 2015, TS.NSƯT Trần Văn Hải được cử sang công tác tại Học viện Múa Việt Nam trên cương vị là Quyền Giám đốc Học viện. Anh chia sẻ: “Tôi nhận nhiệm vụ về Học viện Múa Việt Nam công tác vào giai đoạn Trường vừa mới được nâng cấp lên Học viện nên có nhiều công việc cần giải quyết, rất khó khăn, vất vả. Nếu như TS.NSND Nguyễn Văn Quang là người có công nâng cấp trường lên Học viện thì tôi là người gánh vác trọng trách nặng nề khi phải xây dựng chuẩn hóa trình độ Đại học; Xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên, nguồn nhân lực; Xây dựng giáo trình, cơ sở vật chất, cơ cấu tổ chức, bộ máy con người sao cho đáp ứng trình độ Đại học. Bên cạnh đó là điều chỉnh các chương trình đào tạo theo các chuyên ngành, xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu cho diễn viên Kịch múa, diễn viên Múa Dân gian dân tộc, diễn viên múa Đương đại…Rất nhiều công việc cần bắt tay vào làm ở giai đoạn đầu tiên này.”
Quả thực, trên cương vị là người đứng đầu Học viện, TS.NSƯT Trần Văn Hải đã bỏ không ít tâm lực và trí lực cho công tác chuẩn hóa đào tạo của nhà trường. Những điều chỉnh của anh cho thấy sự quan tâm sâu sát của một người lãnh đạo đối với cán bộ, giảng viên và đặc biệt là chất lượng đào tạo của trường. Một số chuyên ngành được xây dựng chương trình chuyên sâu, tách ra từng chuyên ngành nhỏ và đầu tư môn căn bản nhiều hơn để định hướng cho chất lượng đầu ra khi sinh viên tốt nghiệp. Lãnh đạo nhà trường cũng luôn cố gắng tạo cơ hội cho các học viên được tham dự Festival múa, các cuộc thi tài năng biểu diễn, tài năng biên đạo của Cục Nghệ thuật biểu diễn và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; tham gia các khóa đào tạo quốc tế,…
Bên cạnh việc giải quyết những tồn đọng trong vấn đề đào tạo liên thông Trung cấp & Cao đẳng; Đào tạo văn hóa phổ thông, vấn đề cấp bằng tốt nghiệp; Tham gia vào các dự án, đề tài khoa học cấp Bộ; Tham gia chỉnh lý, biên soạn giáo trình,… TS.NSƯT Trần Văn Hải còn không ngừng tìm cách phát triển nhà trường bằng việc mở thêm mã ngành, chuyên ngành mới đó là Biên đạo múa sự kiện, đây là chương trình xây dựng mới cở bản được dựa trên chương trình Biên đạo múa Đại chúng nhằm đáp ứng phù hợp nhu cầu của xã hội. Song song với đó là thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, liên kết với các nhà hát, ký hợp tác thực tập biểu diễn với Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam để vừa đem lại lợi ích cho hai bên, vừa tạo điều kiện cho sinh viên có cơ hội cọ xát với sân khấu chuyên nghiệp. Lấy Học viện Múa Việt Nam là trung tâm và hàng năm các trường có đào tạo múa trên cả nước cùng cử giảng viên tới Học viện tổ chức các buổi tọa đàm, trao đổi về phương pháp giảng dạy. Các hoạt động hợp tác quốc tế cũng được nhà trường không ngừng tìm kiếm, mở rộng. Hàng năm nhà trường tiếp đón các đoàn quốc tế sang giao lưu, giảng dạy, biểu diễn; Mời các cựu học sinh của nhà trường hiện đang công tác tại các nhà hát ở nước ngoài về giao lưu, chia sẻ với sinh viên trong trường (như Trần Tiến Huy, Ngọc Khải, Ngọc Quân, Phạm Thanh, Hoàng Tú, trong đó Trần Tiến Huy chính là người con trai cả tiếp nối nghiệp của cha mình là TS.NSƯT Trần Văn Hải. Trần Tiến Huy hiện là Giám đốc nghệ thuật của Nhà hát Pfalztheater Kaiserslautern, Đức).
Có thể khẳng định, tất cả những tâm huyết của TS.NSƯT Trần Văn Hải cho công tác giáo dục đào tạo của nhà trường đều hướng tới đối tượng hưởng lợi chính là học sinh, sinh viên, và từ đó mở ra một mạng lưới liên kết hợp tác đào tạo nghệ thuật múa chuyên sâu trong nước và quốc tế. Những giải thưởng, bằng khen, giấy khen của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam… và đặc biệt là Huân chương Lao động hạng Ba (2019) của Chủ tịch nước trao tặng cho TS.NSƯT Trần Văn Hải là những ghi nhận xứng đáng cho những nỗ lực, cống hiến mà anh đóng góp cho nền nghệ thuật múa nước nhà.