Nhà lý luận phê bình múa Thái Phiên  –  “Cuốn từ điển sống” của ngành múa Việt Nam

0
153

Dù chưa một ngày được học bác nhưng tôi vẫn có thói quen gọi bác bằng Thầy bởi những hiểu biết sâu sắc, sự sẻ chia thân tình, gần gũi nhưng rất đỗi cương nghị toát ra từ khí chất, con người của bác. Tôi cũng thường dí dỏm gọi bác là “Cuốn từ điển sống” của ngành múa vì tôi và các đồng nghiệp thường hay phải làm phiền bác những lúc cần thông tin về lịch sử nghệ thuật múa nước nhà, hay những lúc bối rối trong cách dùng các thuật ngữ, khái niệm chuyên ngành, và cả những lúc mỏi mắt tìm kiếm thông tin về các nghệ sĩ múa lão thành… Người tôi đang nhắc tới chính là nghệ sĩ Thái Phiên – Nhà lý luận phê bình múa mà cá nhân tôi luôn trân quý và cảm mến vô cùng!

Nghệ sĩ Thái Phiên tên thật là Bùi Đình Phiên, nhưng vì rất yêu mến, quý trọng thầy giáo – NSND Thái Ly nên sau khi ra trường và sáng tác những tác phẩm đầu tay, Đình Phiên đã lấy nghệ danh là Thái Phiên để thể hiện lòng yêu kính với người thầy của mình. Thái Phiên sinh ra và lớn lên tại một làng quê nghèo miền biển của tỉnh Hải Phòng. Năm 1959 Trường Múa Việt Nam khi ấy vừa mới thành lập đã cử một đoàn giáo viên xuống các trường tại Hải Phòng để tuyển chọn học sinh có năng khiếu múa. Chàng trai 16 tuổi Thái Phiên với vóc dáng nhỏ bé đã may mắn trúng tuyển vòng loại để lên Hà Nội thi tuyển vòng tiếp theo vào ngôi trường mà khối thanh niên trai tráng hồi đó cũng không dám ước mơ ứng tuyển. May mắn đã mỉm cười với chàng trai miền biển, Thái Phiên xuất sắc trúng tuyển và vì yêu múa dân gian dân tộc nên Thái phiên được phân vào học chuyên ngành múa dân gian dân tộc khóa I của Trường Múa Việt Nam. Học được 2 học kỳ múa cơ bản, Thái Phiên đã được chọn vào vai chú lính thiếu sinh quân Liên Xô trong tiết mục múa “Maduzka” do chuyên gia Irina Brunak dàn dựng. Cho đến hôm nay ông vẫn tự hào vì nhờ có vai diễn này mà hồi đó ông đã được biểu diễn cho Bác Hồ xem tại Phủ Chủ tịch. Sau vai diễn đó, Thái Phiên được thầy giáo, NSND Thái Ly phân vai trong các tác phẩm như “Được mùa”, kịch múa “Chàng Bả Khó”. Tuy nhiên, nhân dáng không thực sự phù hợp với nghiệp diễn nên năm 1962, NSND Thái Ly đã chuyển cậu trò nhỏ sang lớp sáng tác hệ trung cấp 4 năm. Từ đây Thái Phiên đã xác định được đúng hướng đi của cuộc đời mình. Những năm tháng miệt mài học tập, nhờ sự chỉ dẫn tận tình của thầy Thái Ly mà Thái Phiên như được “lột xác”, trở thành phiên bản tốt hơn của chính mình.

Năm 1964, khi Thái Phiên tốt nghiệp Trường Múa Việt Nam cũng là lúc Đoàn Ca Múa Hải Phòng được thành lập. Nhạc sĩ Trần Hoàn khi đó là Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng đã có ý tưởng mời những nghệ sĩ có xuất thân từ Hải Phòng về công tác và góp phần xây dựng, phát triển cho Đoàn. Tuy nhiên, tình yêu với nghệ thuật múa dân tộc đã khiến Thái Phiên tình nguyện xin đi công tác ở miền núi và ông được phân công lên Hòa Bình để gây dựng cơ đồ. Tám năm trời hoạt động nơi núi rừng Hòa Bình (1964-1972), Thái Phiên – chàng biên đạo trẻ duy nhất của Đoàn Ca Múa Hòa Bình lúc thì làm diễn viên, khi thì biên đạo, dàn dựng những tiết mục múa cho đoàn đi phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, có lúc lại huấn luyện cho các diễn viên còn non trẻ của đoàn khiến mọi người vô cùng tin tưởng, yêu mến. Nói về những sáng tác của nghệ sĩ Thái Phiên khi đó, NGƯT Bá Thái từng chia sẻ với Tạp chí Nhịp Điệu: Hồi đó, tuy nhà máy thủy điện Hòa Bình mới chỉ nằm trên bản vẽ, nhưng với nhãn quan của người nghệ sĩ biết nhìn và đi trước thời đại, anh đã sáng tác thơ múa “Ánh điện về bản Mường”. Điệu múa đã được đồng bào Mường tại Hòa Bình coi là “điềm báo” đổi đời, thắp sáng lên niềm tin vào ngày mai tươi sáng khi ánh điện tràn ngập khắp muôn nơi; Rồi trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, tỉnh Hòa Bình là nơi cửa ngõ lên miền Tây Bắc nên nơi đây đã trở thành “túi bom” của giặc. Ngợi ca các tay súng dân quân bằng súng trường mà bắn rơi máy bay Mỹ, anh đã sáng tác điệu múa “Tay súng dân quân”. Điệu múa mỗi lần biểu diễn cho các trận địa phòng không là nhận về “cơn mưa” lời ngợi khen,…

Quả không sai khi nói rằng, đối với nghệ sĩ Thái Phiên là nghiệp chọn người. Xuất phát điểm theo học diễn viên múa, rồi cơ duyên đưa Thái Phiên đến với biên đạo múa, tới năm 1972 ông tiếp tục theo học lý luận phê bình sân khấu tại Học viện Sân khấu quốc gia Matxcơva – một chuyên ngành khó mà ít người khi đó dám theo học. Tốt nghiệp xuất sắc về nước, ông được Bộ Văn hoá phân về công tác tại Vụ Âm Nhạc và Múa (nay là Cục Nghệ thuật biểu diễn). Tại đây, ông có cơ hội được thể hiện quan điểm, góc nhìn của mình về nghệ thuật; được đi nhiều, gặp gỡ nhiều nên hình thành tư duy đa chiều và phản biện trong sáng tạo và làm nghề. Sự xoay vần và thử thách của nghiệp múa đã tôi luyện nên một nghệ sĩ Thái Phiên bản lĩnh, gan góc, dám đấu tranh cho lẽ phải. Có lẽ vì thế mà người bạn tâm giao của ông – NSND Công Nhạc từng hóm hỉnh nhận xét: “Nếu chỉ nghe qua những lời nhận xét của Thái Phiên thì sẽ thấy hơi nặng lời và dường như ông ấy chẳng hài lòng với ai cả. Tuy nhiên, do hiểu được bản chất của Thái Phiên nên tôi rất quý mến Phiên. Ở Thái Phiên có sự nóng nảy, thẳng thắn nhưng rất hóm hỉnh, hài hước, không tham quyền cố vị, luôn mong muốn đóng góp trí tuệ vì tập thể nên được bạn bè, đồng nghiệp, học trò rất tin yêu. Cá nhân tôi đã dàn dựng rất nhiều tác phẩm múa từ kịch bản mà ông ấy viết, có thể kể đến như kịch múa Ngọn lửa Hà thành; Kịch múa Huyền thoại mẹ,…Hiểu được tính cách và tư duy nghệ thuật của Phiên nên tôi dễ dàng thuyết phục ông ấy khi chuyển thể thành kịch bản sân khấu.”

Đối với nghệ sĩ Thái Phiên, viết kịch bản cho các biên đạo dàn dựng  cũng là một cách để bày tỏ quan điểm của mình với cuộc đời, thông qua đó góp sức cho nghệ thuật múa Việt Nam ngày một phát triển. Ngoài kịch múa Ngọn lửa Hà thành; Huyền thoại mẹ, ông còn viết kịch bản múa “Vĩnh biệt hoa anh túc” (NSND Hoàng Hải đã dàn dựng cho Đoàn Ca múa Thanh Hóa và giành huy chương Vàng; kịch bản múa “Tiếng gọi núi Rừng” (Đoàn Ca múa dân gian Việt Bắc đã dàn dựng và giành huy chương Vàng;… Rất nhiều kịch bản múa của ông được dàn dựng và giành giải cao trong các liên hoan, hội diễn toàn quốc, góp phần gây dựng tên tuổi cho không ít biên đạo, diễn viên solist sau này được vinh danh NSƯT, NSND. Tháng 5/2012 Chủ tịch nước đã kí sắc lệnh trao tặng “Giải thưởng Nhà nước” cho chùm kịch bản múa mà nghệ sĩ Thái Phiên đã hoàn thành trong nhiều năm qua.

Ngoài viết kịch bản múa, nghệ sĩ Thái Phiên còn là nhà lý luận phê bình múa có tiếng của ngành. Ông tham gia giảng dạy môn Lịch sử và phê bình múa ở các cơ sở đào tạo múa như Trường Đại học Sân khấu và Điện Ảnh Hà Nội, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam), Trường Cao đẳng VHNT Tây Bắc, Việt Bắc, các trường nghệ thuật ở Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh, Nghệ An, thành phố Hồ Chí Minh,…Trong mắt các học trò và đồng nghiệp, thầy Thái Phiên giống như một người cha tận tình nhưng nghiêm khắc khi lên lớp, song rất đỗi hóm hỉnh, thân thiện sau mỗi bài giảng tận tâm. Việc đào tạo các cây viết trẻ và công tác trên cương vị Tổng biên tập Tạp chí Nhịp Điệu – cơ quan ngôn luận của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam (từ năm 2005-2013) đã khiến cho ngành lý luận phê bình múa được “hồi sinh” sau khóa I và cũng là khóa cuối cùng mà Trường Đại học Sân khấu và Điện Ảnh Hà Nội tuyển sinh được. Tính đến nay, nhà lí luận phê bình múa Thái Phiên đã có hàng trăm bài tiểu luận, bút luận sắc sảo, chạm đến mọi khía cạnh ngành nghề, được đánh giá cao và nhận giải thưởng về chùm báo chí, chùm lý luận của Hội. Có thể khẳng định, trong cả ba lĩnh vực viết báo, viết kịch bản và đào tạo các cây viết trẻ, ở đâu bác cũng nhiệt tâm hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc. Hậu bối chúng tôi luôn coi bác là cây bút gạo cội để học hỏi khi làm nghề, đôi khi còn là “địa chỉ” tin cậy để chúng tôi “than nghèo, kể khổ” về cái nghề ‘phu chữ” bạc bẽo nhưng dễ khiến người ta đam mê. Chỉ tiếc là chưa có một danh xưng xứng đáng nào cho một nghệ sĩ, một người thầy có nhiều đóng góp như nhà lý luận phê bình múa Thái Phiên.

Cuộc trò chuyện của bác – cháu, thầy – trò chúng tôi khép lại bằng những ưu tư, trăn trở với câu hỏi: “Lý luận phê bình múa đi về đâu?”. Do chẳng mấy ai mặn mà nên ngay tại tờ tạp chí Nhịp Điệu, chúng ta cũng phải “đỏ mắt” mới tìm được vài bài phê bình có chính kiến, mang tính xây dựng, khách quan, đa chiều. Chúng ta đều biết, múa có đặc thù riêng là dùng ngôn ngữ hình thể thay cho cảm xúc, lời nói nên tính biểu cảm, ước lệ rất cao. Hoạt động lý luận – phê bình múa chính là nhịp cầu giữa công chúng và tác phẩm. Tiếc thay sự quan tâm cho công tác này và đội ngũ nhân lực của ngành ngày càng thiếu hụt đến mức báo động. Lý luận – phê bình không được định hướng, nên dù nghệ thuật múa hiện diện khắp mọi nơi nhưng đâu đó công chúng vẫn xem múa như một bộ môn phụ họa do họ không hiểu được cái hay, cái đẹp của múa với tư cách là một môn nghệ thuật độc lập. Lý luận chỉ có thể phát huy tốt sứ mệnh phản ánh thực tiễn, là ánh sáng soi đường chỉ lối cho thực tiễn khi và chỉ khi chúng ta đánh giá đúng vai trò của nó. Trò chuyện với nhiều báo giới, nhà lý luận phê bình Thái Phiên từng nói rằng: “Người làm lý luận, phê bình múa là “động vật quý hiếm” của ngành, đang có nguy cơ tuyệt chủng.” Câu nói hóm hỉnh, nửa đùa nửa thật của ông xen lẫn sự chua xót với cái ngành “dễ bị đụng chạm”, thật đáng để chúng ta suy ngẫm!

Phương Lan