Thanh Hoa
Không ồn ào, vồn vã nhưng ở bà luôn toát lên khí chất một người phụ nữ đức độ, văn minh, chuẩn mực mà hễ ai từng gặp bà cũng giữ lại một mối thiện cảm, mến tin.
Khi còn là một cô bé học sinh khóa 2 hệ 7 năm của trường Múa Việt Nam, NGND Kim Dung luôn ao ước được thăng hoa, bay bổng trong những tác phẩm múa thật nhiều, được đứng trên sân khấu thật lâu sau khi tốt nghiệp. Vì thế, cô bé Kim Dung đã chăm chỉ khổ luyện, nỗ lực hết mình trong những giờ học trên lớp. Với thành tích nổi trội trong học tập, khi còn một năm nữa là tốt nghiệp thì Kim Dung được nhà trường chọn cử đi học tiếp ở Liên Xô. Đây thực sự là một niềm vinh dự, tự hào đối với cô học trò nhỏ Kim Dung. Song cũng thật bất ngờ bởi niềm ước ao được đứng trên sân khấu biểu diễn của Kim Dung đành phải gác lại, bởi theo chủ trương của nhà trường và Bộ Văn hóa, năm đó Kim Dung cùng với NSND Công Nhạc, NSƯT Lê Thu Nguyệt được cử đi học chuyên ngành Huấn luyện Múa tại Trường Đại học Quốc gia Nghệ thuật sân khấu Matxcơva.
Tuy nhiên, ngẫm lại suốt hơn 35 năm gắn bó với nghiệp giảng dạy, NGND Kim Dung lại cảm thấy mình thật may mắn khi được nghề giáo chọn lựa. Được đồng hành, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, cô giáo Kim Dung càng nhận thấy sứ mệnh “nghề giáo” của mình thật cao cả, hữu ích khi được là người truyền thụ những kĩ năng, kiến thức về nghệ thuật múa đỉnh cao cho nhiều thế hệ học sinh.
Bà thực sự vui mừng, hạnh phúc và hãnh diện, tự hào khi được chứng kiến lớp lớp thế hệ học sinh do bà dìu dắt ngày càng trưởng thành và gặt hái được nhiều thành tựu.
Có thể nói, xét trên phương diện đào tạo của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, bà là một trong những lớp nhà giáo đã đóng góp một phần không nhỏ trong công cuộc “trồng người” về bộ môn múa Cổ điển Châu Âu (Ballet) và Múa tính cách nước ngoài – một trong những bộ môn đòi hỏi ở người học sự rèn rũa một cách khổ luyện, hà khắc. Thấu hiểu sự vất vả, cực khổ của bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên gan bền bỉ nên cô giáo Kim Dung luôn lấy cái tâm, cái tình của một người thầy rất mực ân cần, bình tĩnh, kiên nhẫn từng chút một truyền đạt, chỉ dạy thổi hồn vào từng bước nhảy, từng thế múa; tuyệt nhiên NGND Kim Dung không có tư tưởng áp đặt, gò ép học sinh của mình một cách nóng vội. Bà cứ dần dần khích lệ, hun đúc, nuôi lớn dần tình yêu với nghệ thuật múa trong tâm tưởng của cô và trò một cách tự nhiên nhất. Nghiêm khắc, kỷ luật nhưng rất đỗi vô tư, công bằng và tận tình với tất cả học sinh; kể cả những em hạn chế về năng khiếu và điều kiện cơ thể, cô cũng luôn tìm cách động viên, khích lệ để các em tự tin phát huy được khả năng của mình; để mỗi học sinh của cô đều tiến bộ và hăng say học tập bằng tinh thần tự nguyện, hăng say.
Chính sự tự nguyện dâng hiến cho nghệ thuật với một tình yêu vô bờ đó đã giúp nhiều thế hệ học trò do cô giáo Kim Dung dìu dắt gặt hái được nhiều thành công trong sự nghiệp và trong cuộc sống, trở thành những nghệ sĩ hàng đầu, những cán bộ nòng cốt trong các đơn vị nghệ thuật trên cả nước.
Ngay cả những học sinh vì những hoàn cảnh khác nhau mà không còn theo nghiệp múa, dù đạt được thành công hay gặp thất bại trong cuộc sống vẫn coi cô như một người mẹ, người bạn thân tình sẻ chia.
Tự nhận thấy mình khá may mắn, thuận lợi và được cuộc đời ưu ái khá nhiều, từ khi là một học sinh trường múa,đến khi được đi du học ở Liên Xô, rồi quay trở về trường múa làm nghề hay đến khi chuyển vào Nam sinh sống và làm việc bà đều được tạo điều kiện để phát huy hết khả năng và tình yêu với nghề múa, nhưng không vì thế mà bà tự phụ với đời, ngược lại NGND Kim Dung giữ cho mình cung cách sống khá giản dị và đối đãi với bạn bè, đồng nghiệp bằng một tình cảm chan hòa, trân trọng; bởi vậy bà cũng được các đồng nghiệp và giới nghệ sĩ múa hết sức nể trọng, tin yêu.
Qua tâm giao, trò chuyện, NGND Kim Dung cũng không ngần ngại chia sẻ rằng bà nhận thấy cuộc đời đã quá phức tạp rồi, nên hãy đơn giản mọi điều trong cuộc sống, ta sẽ thấy mọi việc đều nhẹ nhàng, thanh thản hơn. Tự trong thâm tâm bà luôn nghĩ thầy nào, trò nấy; mình sống thế nào sẽ ảnh hưởng đến học trò và con cái như vậy. Vâng, chính tư tưởng “tôn trọng”, “thấu hiểu” và “tin tưởng” là kim chỉ nam trong phương pháp huấn luyện, giảng dạy của NGND Kim Dung; và chính lối sống giản dị, chân thành của bà cũng là tấm gương để học trò và con cái noi theo. Điều đó cũng lý giải vì sao 2 người con của bà: con trai Tạ Tôn và con gái Thùy Chi đều là công dân ưu tú của thành phố, là nghệ sĩ – giảng viên trẻ ưu tú, giỏi giang trong lĩnh vực âm nhạc và múa.
Không chỉ là nhà giáo giữ được vóc dáng, phong độ thị phạm chuyên nghiệp trong công tác huấn luyện, đào tạo; NGND Kim Dung còn là một Phó hiệu trưởng được đồng nghiệp nhất mực mến yêu, tin cẩn. Đối với công tác nghiên cứu khoa học, bà cũng hết sức trách nhiệm, tâm huyết. Bà chính là người đầu tiên nghiên cứu, biên soạn đưa 2 giáo trình bộ môn Múa tính cách nước ngoài và Múa Lịch sử thế giới áp dụng vào chương trình đào tạo diễn viên Múa Việt Nam.
Phải khẳng định rằng, nếu nhìn vào thành tựu đào tạo nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, NGND Kim Dung là một trong những người thầy đã góp phần quan trọng tạo nên “thương hiệu” cho hai cái nôi đào tạo là Học viện Múa Việt Nam và Trường Múa TP. Hồ Chí Minh. Suốt hơn 35 năm gắn bó với sự nghiệp “đưa đò” nghệ thuật múa, NGND Kim Dung đã âm thầm dành hết tâm sức và trái tim mình cho ngành Múa Việt Nam, bà cũng đã nhận được rất nhiều phần thưởng quý báu do Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa và Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trao tặng như: Danh hiệu Nhà giáo ưu tú (năm 1992), Nhà giáo Nhân dân (năm 2006), Huy chương vì sự nghiệp Giáo dục, Huy chương vì sự nghiệp Văn hóa – Thông tin, Huy chương vì Sự nghiệp Nghệ thuật Múa Việt Nam và rất nhiều bằng khen, giấy khen trong công tác huấn luyện, đào tạo. Tuy nhiên, bà cũng chỉ khiêm tốn tự nhận rằng mình đã hoàn thành nhiệm vụ với ngành, với nghề mà thôi.
Bà cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được theo đuổi cái nghề mà mình yêu thích. Càng gắn bó với múa, bà càng nhận thấy Múa là bộ môn nghệ thuật cao đẹp. Nó không chỉ đẹp về mặt thể chất – dáng vẻ bên ngoài mà còn rèn cho người nghệ sĩ một khí chất bền bỉ, kiên trì cả về mặt tinh thần. Hơn thế, người nghệ sĩ múa thực thụ còn là người phải am tường, bao quát cả về các lĩnh vực văn hóa, dân tộc, âm nhạc, mỹ thuật… Vâng, chính nghề múa khiến cho tâm hồn con người ta trở nên thanh cao, thuần khiết và cũng chính nghề múa trao cho người nghệ sĩ một tố chất kiên gan, nghị lực để có thể hy sinh và vượt qua tất cả mọi chông gai, thử thách trong cuộc sống.
Khác hẳn với suy nghĩ của nhiều người ở độ tuổi như bà thường hay buồn phiền, âu lo cho những mặt trái, mặt chưa tốt của con cháu, của xã hội để mà bi quan, tiêu cực. Ở bà dường như chẳng tồn tại tư tưởng thủ cựu, phiền lụy đó. Ngược lại, NGND Kim Dung khá cởi mở, khách quan khi nhận định về thế hệ nghệ sĩ trẻ ngày nay, bởi theo bà mỗi thế hệ đều có những tác động từ lịch sử xã hội, thời đại và văn hóa khác nhau nên mọi sự so sánh, phán xét đều trở nên phiến diện, khập khiễng. Tuy nhiên, có một điểm chung giữa các nghệ sĩ múa xưa và nay khiến bà luôn cảm thấy tự hào về những người theo học bộ môn Múa; rằng chúng tôi đều mang trong mình một tình yêu say đắm dành cho nghệ thuật. Đó là điều mà NGND Kim Dung cảm thấy lạc quan, yên tâm và vững tin vào thế hệ trẻ kế tục.
NGND Kim Dung cũng không quên gửi gắm đến các nhà giáo – nghệ sĩ trẻ rằng: “Dù trong sự nghiệp trồng người các bạn có gặp phải nhiều điều khó khăn và trăn trở, hãy nghĩ đến tương lai của mỗi hạt mầm nhỏ đều đang nằm trong sự dìu dắt và hướng dẫn của các bạn. Hãy hoàn thành điều đó bằng cả tâm trí và trái tim mình”
Còn với những bạn nghệ sĩ đang theo nghề: “Mong các bạn sẽ trân trọng mọi khoảnh khắc được làm nghề mà mình chọn lựa và yêu thích”
Đã từng gặp bà trong các chuyến thâm nhập thực tế, trong nhiều cuộc hội thảo chuyên ngành của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam; được nghe nhiều cha – chú thế hệ trước kể về bà với một tình cảm trìu mến, thân thương; vẫn thầm ngưỡng mộ tác phong làm việc và đức độ trong cung cách sống của bà nhưng hôm nay tôi mới có cơ hội được nghe bà tâm sự nhiều hơn về chuyện đời, chuyện nghề, tôi càng thấm thía và “ngộ” ra nhiều điều từ con người bà.
Xin cầu chúc cho bà – NGND Kim Dung luôn mạnh khỏe, vui vầy hạnh phúc bên gia đình thân yêu để mãi là tấm gương cho lớp trẻ chúng tôi dõi theo và học tập.