NSND Công Nhạc – Người “Nhạc trưởng” tài ba

0
622
Kịch múa "Ngọn lửa Hà thành". KB Thái Phiên. Tổng đạo diễn NSND Công Nhạc

Thanh Hoa

Khảng khái, thẳng thắn nhưng lại vô cùng tình cảm, gần gũi; Nghiêm khắc, tâm huyết với nghề nhưng lại vô cùng bao dung, độ lượng; Quyết đoán, công tâm, trách nhiệm nhưng lại rất hòa nhã, chân tình. Đó là những phẩm cách ông để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp và học trò của mình. Ông là NSND Công Nhạc. 

NSND Công Nhạc

Vốn là lứa học sinh khóa 1 hệ 7 năm của trường Múa Việt Nam, ông sớm bộc lộ tố chất sư phạm và tư duy sáng tạo, nên ngay khi tốt nghiệp trường Múa, ông vinh dự được Nhà nước chọn cử đi học Đại học chuyên ngành Huấn luyện tại Học viện nghệ thuật sân khấu Matxcơva, nhưng cũng may mắn thay, trong quá trình học Huấn luyện ông lại được một thầy giáo khá giỏi về môn kết cấu truyền thụ nhiều kiến thức, kĩ năng sáng tác, biên đạo múa. Và cái “cơ may” ấy cũng là bước nền tảng vững chãi làm nên một Công Nhạc tài tình, chuyên nghiệp trên cả hai lĩnh vực Huấn luyện và Sáng tác. 

Tốt nghiệp bằng đỏ chuyên ngành Huấn luyện – Biên đạo về nước, Công Nhạc trở về Trường Múa Việt Nam với nhiệm vụ của một người thầy tận tụy, cần mẫn, nghiêm khắc trong chỉ bảo, rèn giũa học trò. Rất nhiều học sinh do ông trực tiếp chỉ dạy đã trở thành những biên đạo thành danh và nắm giữ các trọng trách quan trọng như: NSND Phạm Anh Phương, NSND Hữu Từ, NSND Thu Hà, NSND Quỳnh Như, Ánh Tuyết,… 

Ham muốn sáng tạo – sáng tạo và không ngừng tìm ra cách biểu hiện mới vẫn cứ không thôi âm thầm “cựa quậy”, “trực trào” trong thân hình bé nhỏ của người thầy giáo nghệ sĩ ấy. Chính điều đó đã thôi thúc Công Nhạc đến với công việc sáng tác – biên đạo như một nhu cầu tự thân. 

Ông sáng tác nhiều, sáng tác khỏe nhưng tuyệt nhiên không khi nào làm ẩu, làm cho xong, không thể vì bất cứ động cơ, vụ lợi gì khiến ông “hạ mình” mà làm “nhạt”, làm “màu” cho tác phẩm. Ông chẳng thể nhớ hết số lượng tác phẩm mình đã biên đạo, dàn dựng nhưng có một phương châm nhất quán trong tư duy sáng tạo của ông đó là luôn đặt mục tiêu mỗi tác phẩm phải đáp ứng được vấn đề sáng tạo, phải bộc lộ được những điều mình muốn ở trong đó. Ông đòi hỏi mỗi “đứa con tinh thần” được sinh ra đều phải khám phá được cái mới trong sáng tạo của mình, phải đi tìm phương tiện mới để biểu hiện nó một cách xuất thần, thăng hoa nhất. 

Phương châm sáng tác ấy theo ông xuyên suốt từ khi mới dàn dựng tác phẩm đầu tay “Bài ca chim Ưng” cho đến những tác phẩm sau này như: “Bức tranh tứ bình”, “Huyền thoại mẹ”, “Trương Chi”, “Ngọn lửa Hà Thành”…

Nếu khi dựng “Bài ca chim Ưng”, ông có chủ đích làm mới tác phẩm bằng sự kết hợp của ngôn ngữ múa ba lê với múa Tây Nguyên, thì khi dựng “Bức tranh Tứ Bình” ông lại khám phá ra sự mới lạ của sự kết hợp giữa ngôn ngữ múa ba lê với múa dân gian đồng bằng Bắc Bộ; hay khi dựng Kịch múa “Huyền thoại mẹ” (Kịch bản: Thái Phiên) ông cũng đặt mục đích phải làm cho ra “chất” Kịch múa Việt Nam hoàn chỉnh từ âm nhạc giao hưởng trọn vẹn, chắp cánh cho một cái múa giao hưởng phức điệu, nó phải khác với Kịch múa nước ngoài, khác với những kịch múa được các biên đạo sáng tác trước đó. Rồi đến Kịch múa “Trương Chi” ông cũng đặt mục đích khám phá ra sự mới mẻ của tác phẩm từ sự kết hợp của ngôn ngữ ballet với ngôn ngữ múa đương đại. Kịch múa “Ngọn lửa Hà Thành” (Kịch bản: Thái Phiên) – một kịch múa về đề tài lịch sử với những vấn đề mang tính xung đột cũng đã được ông “hóa giải” một cách thuyết phục bằng chính sự kết hợp nhuần nhị giữa ngôn ngữ ballet và dân tộc. Có thể thấy, tác phẩm của ông dù là tác phẩm nhỏ hay kịch múa lớn thì khi nào cũng giải quyết được những vấn đề mang tính học thuật của biên đạo. 

Bản lĩnh, quan điểm tư duy sáng tạo đó lý giải vì sao suốt mấy chục năm đứng lớp, rèn giũa không biết bao thế hệ học trò nhưng với mỗi buổi lên lớp, mỗi lần gọt tỉa tác phẩm cho sinh viên là một lần ông nhen nhóm thêm cho trò niềm hứng khởi mới.  

Và đó cũng là lý do mà dù đã lui về hậu trường, không còn sáng tác nữa nhưng NSND Công Nhạc vẫn cứ là ông thầy được trọng dụng, tin cẩn, là vị “Nhạc trưởng” tài ba, không thể thiếu vắng ở các lớp, các khóa Huấn luyện Biên đạo của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. 

Có thể nói, nếu tính rạch ròi thì gần 50 năm làm nghệ thuật, ông chỉ “ăn lương” giáo viên chính thức có 7 năm, nhưng đối với NSND Công Nhạc, dường như vai trò làm thầy và vai trò biên đạo khi nào cũng song hành, chẳng thể tách bạch. Và dù là một chuyên gia trong sáng tác – biên đạo, là vị “chỉ huy” trong dàn dựng, sáng tạo nhưng khi được hỏi điều gì khiến ông tâm đắc nhất trong cuộc đời nghệ thuật của mình thì ông không ngần ngại mà khẳng định rằng công tác huấn luyện – đào tạo, công tác giảng dạy là tối quan trọng, là nền tảng tạo dựng và duy trì tài năng một cách vững chãi nhất. Thế nên, kể cả khi đi dàn dựng, sáng tác cho các đoàn bạn, ông cũng luôn đặt mục tiêu “khám phá cái mới trong sáng tạo tác phẩm” và trách nhiệm chỉ bảo, huấn luyện, gây dựng, thúc đẩy phát triển tài năng lên làm đầu. 

Rồi cả khi làm Phó giám đốc hay Giám đốc Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, ông vẫn không lơ là công tác huấn luyện, chỉ dạy diễn viên. Ông nhấn đi nhấn lại công tác đào tạo cực kỳ quan trọng. Nhất là người Biên đạo thì càng cần phải duy trì liên tục nhiệm vụ bồi đắp, phát triển diễn viên. 

NSND Công Nhạc cũng rất tinh ý khi phát hiện ra những ưu điểm của học trò để tìm ra phương cách giúp trò của mình bộc lộ thế mạnh. 

Ông là thế, mặc dù rất nghiêm khắc, cương quyết khi lên lớp, kể cả khi sửa bài cho học sinh – sinh viên, ông cũng rất rõ ràng chỉ là người giúp trò tỉa tót về kĩ thuật, gọt giũa, định hướng cho trò chứ nhất định không làm hộ, làm thay. Nhưng ông lại là người thầy có tấm lòng vị tha, thương xót học trò. Chính cách ứng xử bao dung, đầy tình người, tình thương yêu ấy đã khiến lũ học trò luôn tôn kính, gần gũi và coi ông như một người cha, người anh ruột thịt.    

Biết bao thế hệ học trò đã được thầy Công Nhạc dìu dắt, chỉ bảo, ông chẳng thể nhớ hết; cũng không thể liệt kê cho tường tận bao nhiêu thành tích, giải thưởng trong nước và quốc tế mà trò của ông đạt được; chỉ biết rằng sau mỗi kì tốt nghiệp, mỗi kì “tỉ thí” của trò, thì trái tim người thầy ấy lại không sao ngăn nổi sự hồi hộp và thổn thức niềm vui sướng khi trò của mình gặt hái được những thành tựu tốt đẹp. 

Có thể nói, dù ở vai trò, vị trí nào, dù đảm nhiệm chức năng của một người thầy, hay giữ vai trò lãnh đạo, sáng tác,… thì NSND Công Nhạc vẫn là một vị “Nhạc trưởng” tinh tường trong việc phát hiện, bồi đắp giúp học trò và cấp dưới phát huy tài năng. 

Kich mua NGON LỬA HÀ THÀNH. KB Thai Phiên. Tổng đạo diễn NSND Công Nhac

Thế hệ ông – những người nghệ sĩ đã từng được nếm trải qua những thăng trầm của hai giai đoạn biến thiên lịch sử đất nước. Giờ đây ngồi ngẫm lại mới thấy ngày xưa dẫu có trải qua nhiều gian khổ, truân chuyên, thiếu thốn về mọi mặt từ điều kiện vật chất đến khả năng học hỏi, tiếp xúc với thế giới bên ngoài nhưng bù lại, các nghệ sĩ thế hệ của ông lại có niềm hạnh phúc là được tạo nhiều điều kiện tập trung cho nghệ thuật hơn; đào tạo, sáng tạo đều có tầm nhìn “chiến lược”, được Nhà nước “lo liệu” từ “đầu vào” cho đến “đầu ra”. 

Còn đối với các nghệ sĩ trẻ ngày nay dù có cơ hội kết nối, học hỏi, giao lưu quốc tế qua nhiều “kênh” thông tin, công nghệ so với lớp trước. Lớp trẻ ngày nay thông minh, nhạy bén, năng động và sáng tạo. Các em rất tài năng, nhưng tiếc rằng nghệ sĩ tài năng ngày nay quá vất vả, các em phải đối mặt với áp lực “cơm áo gạo tiền” quá lớn nên sớm lụi tàn. Tài năng bị thả trôi nổi nên các em không có cơ hội phát triển một cách chuyên nghiệp. Ông thương cảm, xót xa khi thấy các biên đạo trẻ phải “còng lưng” “gồng gánh” đủ mọi nỗi lo trên con đường sáng tác. Đó là nỗi buồn, là niềm trăn trở khiến NSND Công Nhạc luôn canh cánh trong lòng mà đành “lực bất tòng tâm”. 

Bởi thế, ngoài niềm ước ao sao cho tài năng đích thực phải được đầu tư thỏa đáng để các em chuyên tâm với nghề, để những nỗi lo “tài chính” không “lấn át” tư duy sáng tạo thì trái tim người thầy ấy, nhiệt huyết của một người biên đạo ấy chỉ biết dốc hết tâm, hết sức của mình cho học trò và đồng nghiệp thân yêu. 

Lại một mùa xuân mới sắp đến, tôi thầm cầu chúc cho ông – người “Nhạc trưởng” tài ba ấy luôn mạnh khoẻ để tiếp tục tiếp thêm sức mạnh cho lớp trẻ kế cận chúng tôi vững bước vào tương lai.