NSND Văn Quang và những dấu ấn để đời

0
388
NSND Nguyễn Văn Quang nhận QĐ nâng cấp Học viện Múa VN

Phương Lan

Người ta thường ví người lãnh đạo như vị thuyền trưởng chèo lái con thuyền trên biển cả đầy sóng to gió lớn. Vị thuyền trưởng ấy phải có tầm nhìn xa trông rộng để vạch được “hải đồ” hợp lý cho con thuyền vượt qua nguy khó, tận dụng cơ hội và cập bến thành công. Triết lý ấy có lẽ đúng với suốt chặng đường làm nghệ thuật của NSND Nguyễn Văn Quang – Nguyên Giám đốc Học viện Múa Việt Nam. Quả thực, trong suốt cuộc đời cống hiến cho nghệ thuật, NSND Văn Quang đã để lại nhiều dấu ấn khó phai mờ.

NSND Nguyễn Văn Quang

Nói đến NSND Văn Quang là người ta nghĩ ngay tới một người thầy đa tài, đặc biệt nặng lòng với bộ môn múa truyền thống và sự phát triển của Học viện Múa Việt Nam. Nhìn từ những lứa học trò thành danh được thầy dìu dắt, tới những nỗ lực không biết mỏi mệt cho việc cải thiện môi trường đào tạo, đầu tư nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, giảng viên, chuẩn bị khung chương trình đào tạo, liên kết đào tạo với nước ngoài để tạo cơ hội cho một loạt sinh viên đi du học, tạo đội ngũ kế cận; hay việc từng bước nâng cấp cơ sở vật chất nhà trường đáp ứng nhu cầu đào tạo…mới thấy hết được tấm lòng nhiệt thành của thầy với nghề và với nhà trường. “Tôi thấy mình lâng lâng” là câu nói đầu tiên mà NSND Nguyễn Văn Quang xúc động thốt lên khi Trường Cao đẳng Múa Việt Nam được nâng cấp lên Học viện sau bao năm cả thầy và trò nhà trường nỗ lực vì một mục tiêu chung. Từ Trường Trung cấp nay đã thành Học viện, từ mái nhà tranh, vách đất, đường đi rậm cỏ nay đã là tòa nhà sừng sững hoành tráng với sân khấu lớn có sức chứa tới 500 khán giả. Dẫu vậy NSND văn Quang vẫn luôn dặn lòng: Hãy vì tập thể, đừng nhìn xa vời, viển vông mà nên nhìn vào thị hiếu trong nước và xu thế phát triển múa trên thế giới để từ đó có cơ sở xây dựng những lộ trình đào tạo khoa học sát với nhu cầu thực tế và mang lại hiệu quả lâu dài.

  NSND Nguyễn Văn Quang nhận QĐ nâng cấp Học viện Múa VN

Là một thầy giáo giỏi, một biên đạo múa tài năng và một nhà quản lý có tầm nhìn chiến lược, nhưng đối với NSND Văn Quang, trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, đạo đức, sự gương mẫu và tâm huyết của người giáo viên vẫn là quan trọng nhất. Đó là bài học thực tiễn tốt nhất để học trò nhìn vào và noi theo. Biết bao lứa học trò đã được thầy dìu dắt và trao truyền tình yêu với bộ môn múa truyền thống, không ít trong số đó hiện đang nối nghiệp thầy như NSUT Nguyễn Quỳnh Lan, ThS Lê Thị Minh Nguyệt, ThS Chu Quốc Tuấn (giảng viên Học viện Múa Việt Nam),Trung tá.NSUT Nguyễn Văn Hiếu (Trưởng đoàn văn công quân khu 3) và rất nhiều nghệ sĩ khác. Họ là sự nối dài tình yêu với nghệ thuật múa và với Học viện Múa Việt Nam.

Có lẽ nhờ tình yêu đặc biệt dành cho nghệ thuật truyền thống mà NSND Văn Quang đã gây dựng được tên tuổi và dấu ấn riêng của mình trong lòng công chúng từ khi còn rất sớm. Thầy được mời tham gia biên đạo, dàn dựng rất nhiều chương trình cho các đoàn nghệ thuật của các tỉnh trên cả nước, từ tác phẩm múa độc lập tới dàn dựng cho sân khấu tuồng, chèo, cải lương,…Thầy còn là Tổng đạo diễn nhiều chương trình, lễ hội tầm cỡ quốc gia như: Sử thi huyền thoại “Đẻ đất đẻ nước”; “Âm vang cội nguồn”; Chương trình nghệ thuật Đại hội thể thao học sinh Đông Nam Á; Chương trình sử thi khánh thành tượng đài Bác Hồ; Chương trình 1000 năm Thăng Long Hà Nội và rất nhiều chương trình văn hoá, nghệ thuật lớn nhỏ khác. Sự nghiệp sáng tác của NSND Văn Quang cũng rất phong phú với rất nhiều tác phẩm có sức sống lâu bền, mang tính dân tộc và đậm triết lý nhân văn. Có thể kể đến một vài tác phẩm như: Nổi trống đồng lên; Nguyệt cô hóa cáo; Ngẫu hứng triền non; Kiếp cầm ca; Then cọi gọi trăng; Nguồn cội; Những chàng trai cô gái Khơ mú, Bắt vợ, Hoa đất;… trong số đó tiêu biểu là tác phẩm múa đơn “Nguyệt cô hóa cáo”. Đây là tác phẩm múa điển hình từ ngôn ngữ đến phong cách biểu diễn cho các chương trình thi tốt nghiệp múa cổ điển Việt Nam.

 “Nguyệt cô hóa cáo” là một tích trong tuồng cổ Việt Nam. Vở tuồng ban đầu mang các tên “Võ Tam Tư chém cáo” hay “Tiết Giao đoạt ngọc”, “Cổ miếu vãn ca” nhưng Hồ Nguyệt Cô mới là nhân vật chính và cũng là cảnh quan trọng nhất, tinh tế nhất lột tả triết lý tuyệt vời của tác phẩm nên người ta gọi luôn cảnh này thay cho tên tác phẩm. “Nguyệt cô hóa cáo” nằm trong môtíp hoá thân như đã có rất nhiều trong cổ tích Việt Nam. Qua ngàn năm tu luyện, Hồ Nguyệt Cô được hoá kiếp trở thành người trong thân thể một nữ tướng tài năng, xinh đẹp. Bị lợi dụng trong mối tình với Tiết Giao, nàng nhả viên ngọc trong người ra để rồi phải hoá về kiếp cáo. Câu chuyện đơn giản nhưng ám ảnh sân khấu tuồng đã hàng mấy trăm năm, ám ảnh bao thế hệ khán giả về thân phận người phụ nữ đáng thương hay đáng trách, về kiếp người thoáng chốc, về tình yêu trong sáng vô tư và âm mưu đen tối… Tiếng than của nàng không chỉ là tiếng than của nhân vật đánh mất “ngọc người” mà là tiếng than của một thời đại, của những kiếp người, những thân phận đánh mất bản thể.

Có thể nói, việc chuyển thể từ một tác phẩm tuồng sang tác phẩm múa là tương đối khó bởi tuồng sở hữu phương pháp biểu diễn theo lối cách điệu, ước lệ, tượng trưng ở mức độ cao, cùng các quy định, lề lối chặt chẽ trong cách diễn, hát, múa, phục trang, đạo cụ… Chưa kể tới diễn tuồng có thoại nên khán giả dễ dàng hiểu rõ nội dung tác phẩm. Khi chuyển thể sang múa, người biên đạo phải khéo léo làm sao để từ những chuyển động của cơ thể giúp khán giả hiểu được thông điệp và giá trị của tác phẩm. Vốn là giảng viên múa truyền thống (múa Tuồng) nên NSND Văn Quang hiểu rõ những đặc trưng của loại hình nghệ thuật này. Bằng tài năng và tâm huyết dành cho những tác phẩm truyền thống của dân tộc, NSND Văn Quang đã xây dựng “Nguyệt cô hóa cáo” với nhiều điểm mới lạ, độc đáo, thủ pháp kỹ thuật hiện đại, ngôn ngữ múa dân tộc được hiện đại hóa, phù hợp với thẩm mỹ đương đại. GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh từng nhận xét: “Tác phẩm rất biến hóa hình tượng, tạo hình, tính triết lý cao, kết cấu ngôn ngữ mạch lạc, giàu chất biểu hiện, phong phú, đa dạng tính kỹ thuật, là một tác phẩm múa đặc sắc. Tác phẩm đã phát huy tối đa sức biểu hiện và kỹ thuật của diễn viên múa đơn. Tác phẩm được diễn viên và khán giả rất yêu thích để tại ấn tượng tốt đẹp trong đồng nghiệp và công chúng yêu thương nghệ thuật múa”.

“Nguyệt cô hóa cáo” cũng là tác phẩm đưa tên tuổi của NSUT Quỳnh Lan đến với tác giả và giành giải Nhất trong Cuộc thi Tài năng biểu diễn Múa toàn quốc năm 2002. Sự kết hợp hài hòa, nhuần nhuyễn giữa nội dung, kỹ thuật diễn viên, âm thanh, ánh sáng đã đẩy cảm xúc nhân vật lên đỉnh điểm, chạm đến trái tim người xem. Nội dung tác phẩm thấm đẫm tính nhân văn kết hợp với từng động tác múa đầy tính biểu tượng của diễn viên, đặc biệt là đoạn cao trào diễn tả Nguyệt Cô đau đớn khi bị phụ bạc đã khiến cho người xem có cảm giác khắc khoải, day dứt, thương cảm cho số mệnh người đàn bà trong sáng, ngây thơ, tin vào tình yêu để rồi bị lừa gạt. Tất cả cứ ngược nhau, tương phản nhau dữ dội để bật ra sự đau đớn mà trong sáng thánh thiện đến tận cùng. Sự dằn vặt của Nguyệt Cô được tác giả khắc họa bằng ngôn ngữ múa đạt đến độ tinh tế và đẹp đẽ. Qua bàn tay tài hoa của biên đạo Văn Quang, ngôn ngữ múa đã được hòa trộn sáng tạo. Biên đạo đã khéo léo đan cài những tư thế, động tác của tuồng vào tác phẩm để tạo ý tứ, nội dung và sự liên kết của các loại hình nghệ thuật dân tộc trong một tác phẩm múa. Sự tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ biểu hiện mang đậm sắc thái dân tộc, đồng thời chứa đựng hơi thở thời đại để chuyển tải ý tưởng sâu sắc mang tính nhân văn của tác giả.

Quả thực, để xây dựng lên một tác phẩm múa đỉnh cao như vậy, ngoài tài năng tuyệt vời, còn là sự lăn xả, nhiệt huyết với nghề và sự chắt chiu vốn sống của NSND Nguyễn Văn Quang mà không phải người biên đạo nào cũng có được. Có thể khẳng định “Nguyệt cô hóa cáo” thực sự là một “viên ngọc quý” bởi tính dân tộc xuyên suốt tác phẩm từ nội dung đến hình thức thể hiện, mà trước hết là trong phương thức tìm tòi, sáng tạo ngôn ngữ múa.

Phương Lan