NSND Vũ Hoài – Một nghệ sĩ nghiêm cẩn

0
401

Phương Lan

Giọng nói hào sảng, nhiệt huyết và chan chứa kỷ niệm khi chia sẻ với tôi về chặng đường làm nghệ thuật của ông, từ thời còn đi học, cho tới khi biểu diễn chuyên nghiệp, rồi biên đạo các tác phẩm để đời, phát triển múa phong trào hay khi làm lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam,…tất cả được ông hào hứng giãi bày với một sự tự hào xen lẫn tình cảm yêu thương thật khó tả…Tôi hiểu được tại sao người ta yêu mến, nể trọng và xem ông là người nghệ sĩ tài năng và nghiêm cẩn.

NSND Vũ Hoài trực tiếp giảng dạy tại lớp tập huấn

NSND Vũ Hoài sinh năm 1945 tại Hà Nội. Trước khi trúng tuyển Trường Múa, ông từng được học lớp tạo nguồn môn Ballet do nhà giáo Bùi Trực giảng dạy. Ông theo học chuyên ngành diễn viên múa từ năm 1959-1963 và là một trong những sinh viên xuất sắc trong khóa đầu tiên của Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). Trường Múa khi ấy râm ran bàn tán về trường hợp một nhà có 3 anh em cùng học múa là Vũ Hùng (học biên đạo múa) và 2 người anh em song sinh là Vũ Hoài, Vũ Lân (học diễn viên múa). NSND Vũ Hoài hài hước kể lại: “Hai anh em song sinh học cùng một lớp, lại giống nhau như đúc nên ai cũng nhầm lẫn và cô giáo người Nga càng không phân biệt được. Khi một trong 2 người tập chưa đúng hoặc mắc lỗi gì thì cô thường quát thật to một cái tên ghép “Lan Khoai” (Lân Hoài) để trúng ai thì người ấy tự giật mình mà sửa. Rồi có lần Vũ Hoài đi họp “Tổ Truyền thanh” thay cho Vũ Lân mà không bị ai phát hiện. Rất nhiều kỷ niệm vui khi còn là học sinh Trường Múa mà đến giờ cũng không thể nào quên được.”

Tác phẩm đầu tiên do Vũ Hoài biểu diễn là tác phẩm “Múa Chuông”. Tác phẩm này do chuyên gia Triều Tiên Kim Tế Hoàng biên đạo, dựa trên chất liệu múa dân tộc Dao Tiền, nhịp 5/4 – 7/4 do nghệ sĩ Lường Tiến sưu tầm và chất liệu múa dân tộc Cao Lan (múa phát nương, múa tắc xình) nhịp 5/4 do nghệ sĩ Nguyễn Việt sưu tầm. Là tác phẩm đầu tiên được biểu diễn chuyên nghiệp nên NSND Vũ Hoài nhớ như in kỷ niệm vui khi đó và bật cười khi nhắc lại bài học nhớ đời về việc thử trang phục trước khi biểu diễn: “ Vũ Hoài và 3 bạn nam khác được chọn thể hiện tác phẩm “Múa chuông”. Song một phần do hồi hộp, một phần do trang phục, đạo cụ gây vướng như tua chuông, vạt áo, dây thắt lưng… rất dài mà mình lại không mặc thử trang phục vào lúc tập nên đã rất lóng ngóng, chỉ sợ xảy ra lỗi. Rất may là cuối cùng cũng biểu diễn suôn sẻ.”

Trong quá trình học diễn viên múa, Vũ Hoài luôn nỗ lực hết mình và đạt thành tích tốt, song do tự ti về ngoại hình có phần hơi thấp của mình nên Hoài thường lén sang lớp biên đạo của anh trai Vũ Hùng. Vốn thông minh và có tài năng thiên bẩm nên Hoài tiếp thu rất nhanh. Năm 1963, sau khi tốt nghiệp diễn viên múa, Vũ Hoài được Bộ Văn hóa cử lên công tác tại Đoàn Văn công khu tự trị Tây Bắc. Tới năm 1964 ông đã cho ra đời tác phẩm đầu tay gây tiếng vang lớn, đó là tác phẩm “Lòng dân” (Âm nhạc Tạ Thâm). Tác phẩm nói về cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nước bạn Lào. NSND Vũ Hoài nhớ lại: Khi ấy Khu Tự trị Tây Bắc được đón Đoàn Đại biểu cấp cao Pa Thét Lào và văn công nước bạn Lào nên Đoàn được giao biểu diễn chào mừng và phải gấp rút dàn dựng tác phẩm múa có nội dung về cách mạng Lào. Trong 6 ngày ngắn ngủi, NSND Vũ Hoài đã viết kịch bản và dàn dựng tác phẩm “Lòng dân” để báo cáo với Chi bộ Đoàn Văn công khu tự trị Tây Bắc trước khi biểu diễn chính thức. Tác phẩm lấy bối cảnh trong một trận càn do sĩ quan Mỹ chỉ huy, nhằm lên án cuộc chiến tranh phi nghĩa của đế quốc Mỹ, đồng thời ca ngợi tình cảm sắt son của nhân dân các bộ tộc Lào với bộ đôi “Pa Thét Lào”. Khi lửa đạn cháy rụi bản làng, trong khi mọi người nhốn nháo, vội vàng chạy đi sơ tán thì có người phụ nữ chạy vội vào đám cháy để rồi cố lấy ra một ống tre. Trong ống tre ấy có lá cờ của Pa Thét Lào. Cho tới khi bị giặc Mỹ bắn trúng, người phụ nữ ấy vẫn cố giữ chặt trong tay lá cờ đã bị cháy xém một góc và giao lại cho quân đội cách mạng Lào. “Lòng dân” được dàn dựng trong thời gian ngắn, đạo cụ và phục trang đơn giản nhưng đã gây xúc động rất lớn với người xem bởi sự hoá thân tuyệt vời của các diễn viên và nội dung nhân văn mà tác phẩm hướng đến.

NSND Vũ Hoài ngoài cùng bên phải tại ĐH IV

Tiếp nối tiếng vang của “Lòng dân”, Vũ Hoài tiếp tục trình làng tác phẩm “Ba ông già giữ trẻ” (1965)– một tác phẩm múa có tính hài hước, vui nhộn đã được khán giả vô cùng yêu thích. Tác phẩm nói về 3 ông cụ dù tuổi đã cao nhưng vẫn cố gắng chăm các cháu để cho các con đi lao động sản xuất và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Ba ông già làm công việc chăm trẻ của những người phụ nữ nên không tránh khỏi cái vụng về, lóng ngóng, tạo nên nét dung dị, đáng yêu mà hài hước, hóm hỉnh. Nhưng chính sự ân cần, chu đáo của những người ông, với việc làm bình dị mà đầy tính nhân văn đã gây xúc động đối với người xem. Từ đó, NSND Vũ Hoài liên tiếp cho ra đời các tác phẩm múa chất lượng, được giới chuyên môn đánh giá cao và có sự đa dạng, phong phú trong chất liệu và nội dung biểu đạt. Các tác phẩm giành nhiều Huy chương Vàng, Bạc trong các Hội diễn, Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc như: kịch múa “Đứa con”, tổ khúc “Rừng Ban”, “Tiếng Nhạc gọi trăng”, “Hà Nhì”,”Tiếng Chuông ngày Hội”, “Hội cầu mùa”, “Tiếng Khèn ngàn xưa”…

Quá trình ở Tây Bắc, NSND Vũ Hoài đã đi sâu tìm hiểu nghiên cứu vốn múa phong phú của các dân tộc miền núi và ứng dụng trong sáng tác của mình. Tiêu biểu trong số đó có thể kể đến tác phẩm “Hội Cầu Mùa” – Tác phẩm được tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2001. “Hội Cầu Mùa” được dàn dựng để tham dự Hội thi CMN chuyên nghiệp toàn quốc năm 1992. Tác phẩm khai thác chất liệu múa “Au Eo” của dân tộc Khơ Mú. Để biểu diễn thành công tại Liên hoan, “Cầu Mùa” đã phải làm nhạc tới 3 lần: Lần 1 nhạc sĩ Nguyễn Đình Tích, lần 2 do nhạc sĩ Cầm Bích phụ trách nhưng vẫn không ra được chất liệu như biên đạo mong muốn. Về sau NSND Vũ Hoài đã phải tự đánh trống, tự thay đổi các loại tiết tấu cho phù hợp với các sắc thái phong phú và sinh động, sau đó nhạc sĩ Mùi Hái làm nhạc cho tác phẩm. Sự cầu kỳ trong cách người biên đạo nghiên cứu chất liệu, cái tâm trong cách ông viết kịch bản và dàn dựng đã khiến cho “đứa con tinh thần” của ông được khán giả yêu thích và đón nhận, đồng thời cũng đã thuyết phục được 15 vị giám khảo trong Hội Thi để giành Huy chương Vàng. NSND Vũ Hoài bồi hồi nhớ lại: “Trong những tràng pháo tay không ngớt của khán giả, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Trần Hoàn đã lên chúc mừng toàn đoàn khiến chúng tôi vô cùng hạnh phúc và xúc động.”

Trong mắt giới chuyên môn và khán giả yêu múa khi ấy, NSND Vũ Hoài vừa là một diễn viên múa xuất sắc, một biên đạo múa tài năng và dành tình yêu rất lớn cho múa dân tộc. Tôi mạnh dạn hỏi bác tình yêu ấy đến từ đâu, NSND Vũ Hoài bộc bạch: “Trước khi ra làm nghề, bác từng học rất tốt môn múa dân tộc tại Trường Múa Việt Nam. Nhưng quả thực, học trong trường lớp khi đó mới chỉ là cơ bản múa dân gian, cho tới khi được ra làm nghề, được trải nghiệm thực tế tại vùng núi Tây Bắc, được đi sâu vào bản chất văn hóa của dân tộc đó thì bác mới cảm nhận rõ hơn, yêu hơn múa dân tộc, mới được tiếp cận múa dân gian đích thực. Thời của bác phương thức biểu diễn còn hạn chế. Ngày nay các nghệ sĩ có cơ hội được học tập, trau đồi kinh nghiệm, trình độ, được giao lưu với nền nghệ thuật thế giới và thỏa sức sáng tạo nên đã cho ra đời nhiều tác phẩm múa khá hấp dẫn, đáng được ghi nhận. Tuy nhiên theo bác, ngôn ngữ múa chỉ là phương tiện, nội dung phản ánh mới là đích đến. Nếu như ngày xưa giá trị nội dung, tính nhân văn để phục vụ cho cuộc sống thường đặt lên hàng đầu, thì ngày nay giá trị giải trí lớn hơn khiến nội dung nhân văn ít nhiều bị giảm đi. Thực tế hiện nay tác phẩm nghệ thuật có giá trị giải trí được xuất hiện trên truyền thông nhiều hơn, còn những tác phẩm mang tính nhân văn lại thường ít được PR, ít người biết đến. Chức năng giải trí rất quan trọng, nhưng nếu chỉ chú ý đến nó mà mất đi giá trị nhân văn thì tác phẩm khó sống lâu trong lòng khán giả, bởi vậy nghệ sĩ cần phải biết cân đối sao cho phù hợp.”

Không ai có thể phủ nhận thực tế cuộc sống đã truyền cảm hứng sáng tạo rất lớn cho người biên đạo. Những năm tháng NSND Vũ Hoài làm Trưởng Đoàn Ca múa kịch Sơn La đã cho ông nhiều cơ hội được mắt thấy, tai nghe, được cùng sống và làm việc với đồng bào dân tộc để tìm kiếm chất liệu múa. Có lẽ chính cơ duyên ấy, những năm tháng “xông pha” với cuộc sống của đồng bào đã khiến NSND Vũ Hoài hiểu rõ vai trò quan trọng của múa phong trào đối với sự phát triển của nền nghệ thuật múa chuyên nghiệp nước nhà. Trên cương vị là Phó Chủ tịch thường Trực Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, NSND Vũ Hoài đã tổ chức thành công nhiều đợt tập huấn biên đạo múa phong trào, trực tiếp soạn giáo án và tham gia giảng dạy các lớp tập huấn, thu hút rất nhiều hội viên đăng ký tham gia. Ngoài ra ông còn rất quan tâm tới lớp biên đạo, diễn viên trẻ của ngành múa để tạo điều kiện cho họ có cơ hội thể hiện tài năng. NSND Vũ Hoài đã cùng NSND Xuân Định, NSND Công Nhạc tổ chức Hội nghị Biên đạo trẻ toàn quốc trong 3 ngày. Suốt thời gian diễn ra Hội nghị, các biên đạo trẻ được thoải mái thảo luận, trao đổi tìm ra hướng đi mới cho nghệ thuật múa nước nhà, cùng nhau tìm kiếm giải pháp để bắt kịp xu hướng phát triển múa thế giới. Các cuộc thi như: Cuộc thi Tác phẩm của Biên đạo trẻ lần thứ nhất; Cuộc thi Tác phẩm Múa ít người lần thứ nhất; Liên hoan Tác phẩm Kịch Múa lần thứ nhất, Cuộc thi Tài năng Biểu diễn Múa lần thứ nhất,…đã gây tiếng vang không chỉ trong ngành nghệ thuật và khán giả.
Suốt hơn 2 nhiệm kỳ ở vị trí Phó Chủ tịch thường Trực Hội (từ năm 1997-2010), nhắc đến NSND Vũ Hoài là người ta nhắc đến 2 từ “nghiêm cẩn”. Dấu ấn ông để lại trong bạn bè, đồng nghiệp, đặc biệt là đối với anh chị em văn phòng là sự chỉn chu, khoa học và là người đi đầu trong việc xây dựng các quy chế hoạt động của Hội. Theo NSƯT Trần Văn Hiển – Nguyên Chánh Văn phòng Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam: “NSND Vũ Hoài là một lãnh đạo rất gần gũi, thân thương, luôn cố gắng giúp đỡ mọi người và tạo điều kiện cho nhân viên được tự chủ trong mọi công việc được giao. Khi về lãnh đạo Hội, NSND Vũ Hoài nhận thấy Hội còn thiếu sót trong việc xây dựng các nguyên tắc, quy chế hoạt động nên ông đã bắt tay ngay vào tổ chức soạn thảo các quy chế như: Quy chế hoạt động Hội, Quy chế khen thưởng, Quy chế hội viên, Quy chế xét giải,… Các quy chế, quy định, hướng dẫn được soạn thảo công phu, khoa học, bài bản và được áp dụng ngay vào thực tiễn hoạt động khiến cho hoạt động của Hội từng bước đi vào chuyên nghiệp, quy củ, hiệu quả.” Trong mắt các nhân viên, NSND Vũ Hoài là người sống rất hoà đồng, luôn chăm lo cho đời sống nhân viên, không phân biệt cao thấp. Ông sống hòa nhã, công tư phân minh khiến cho ai cũng nể trọng và cùng chung sức đồng lòng xây dựng nên một tập thể đoàn kết. Tôi chia sẻ với bác về tình cảm yêu mến này, bác chỉ cười và thủng thẳng đáp: “Thành công nào cũng cần có tập thể vững mạnh. Trước khi làm gì cũng nên xây dựng kế hoạch khoa học, chi tiết thì hoạt động mới suôn sẻ, thống nhất từ trên xuống dưới, từ hội trung ương tới chi hội địa phương.”

 

NSND Vũ Hoài (thứ 2 từ trái sang) với các cán bộ Văn phòng Hội

Sự say nghề, tận tụy và nghiêm cẩn của NSND Vũ Hoài đã được ghi nhận bằng những giải thưởng, những danh hiệu rất đáng tự hào như: Huân chương Kháng chiến CMCN hạng Ba, Huân chương Lao động hạng Ba năm 1998; Giải thưởng Nhà nước năm 2001 và ông được phong danh hiệu NSND năm 2007. Nhưng đối với ông, tình cảm của khán giả, của anh em đồng nghiệp, bạn bè mới đáng trân quý. Kết thúc buổi trò chuyện, NSND Vũ Hoài gửi gắm sự tin tưởng đối với sự phát triển của nền nghệ thuật múa nước nhà: “Hiện nay lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam là những gương mặt tài năng, tươi trẻ, đầy sáng tạo, hứa hẹn nghệ thuật múa nước nhà sẽ vươn xa hơn nữa, xứng đáng với sự tin yêu của hàng ngàn hội viên và sự giao phó trách nhiệm của Đảng, Nhà nước. Mong lãnh đạo Hội sẽ quan tâm tới nghệ thuật múa ở tất cả các vùng miền của Tổ quốc, coi Chi hội như cánh tay nối dài đến trung ương và Hội sẽ mãi là “ngôi nhà” thân thuộc, ấm áp để tất cả các hội viên tìm về”.