Giữ gìn phẩm chất dân tộc trong đào tạo múa chuyện chưa bao giờ cũ

0
233

Giữ gìn bản sắc dân tộc là chủ trương luôn được Đảng và Nhà nước coi là nhiệm vụ trọng tâm, đặt lên hàng đầu. Ngay từ đề cương Văn hóa 1943, Đảng ta đã khẳng định “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, văn hóa được coi như một mặt trận, một động lực và mục tiêu của cuộc kháng chiến. Sự nghiệp xây dựng văn hóa mới theo phương châm dân tộc, khoa học, đại chúng đã tạo tiềm lực cho sự nghiệp kháng chiến – kiến quốc và mỗi bước thắng lợi của kháng chiến lại tạo tiền đề cho sự phát triển văn hóa; Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc;  Nghị quyết 33 – Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… ngày càng khẳng định văn hoá thực sự là sức mạnh nội sinh quan trọng đảm bảo sự phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Từ những năm 59 khi trường múa mới thành lập, thì nhiệm vụ gìn giữ, truyền thụ múa dân tộc đã được nhà trường coi là mục tiêu xuyên suốt cho đến nay. Kế đến là các trường VHNT trên khắp cả nước có giảng dạy bộ môn múa cũng luôn coi trọng việc giảng dạy múa dân tộc, coi nhiệm vụ giữ gìn, phát huy vốn dân tộc trong đào tạo nghệ thuật múa luôn là “kim chỉ nam” trong xu thế hội nhập, toàn cầu hóa.  

Thời kì đầu mới thành lập, các nhà giáo đứng lớp (giảng dạy múa dân gian dân tộc) đa phần là những thầy cô đã kinh qua quá trình sưu tầm, điền dã thực tế, trải qua quá trình cùng ăn cùng ở với bà con dân bản để học hỏi những động tác múa của đồng bào rồi từ đó về truyền nghề lại cho học sinh. 

Ngày nay, các giảng viên trẻ kế tục chính là lớp học trò của các thầy cô xưa, qua quá trình tích lũy, tiếp thu kiến thức từ những thế hệ trước và qua thực tế trải nghiệm lại là người kế nhiệm truyền thụ lại cho những lớp học sinh mới. 

Những thành tựu sưu tầm, điền dã của lớp cha anh đi trước chính là nền tảng quý báu cho lớp giáo viên sau này xây dựng hệ thống giáo trình, giáo án. Sự kế thừa, phát triển trong đào tạo nghệ thuật múa đang được các trường nghệ thuật hệ thống hóa một cách chuyên nghiệp, đồng bộ và khoa học. Có thể nói, lớp trẻ ngày nay khá nhạy bén, nắm bắt kĩ thuật, yếu lĩnh động tác nhanh, ứng dụng khoa học công nghệ vào công tác giảng dạy và học tập cũng khá linh hoạt… Tuy nhiên, vấn đề phát huy được cái “chất”, cái “hồn cốt” của từng dân tộc thì dường như còn bộc lộ nhiều hạn chế, thiếu hụt…

Qua thực tế quan sát nhiều kì thi tốt nghiệp ở Trường Đại học VHNT Quân đội, Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội v.v… đã cho thấy các em thể hiện khá thuần thục các kĩ năng biểu diễn, các tổ hợp động tác… nhưng dường như những nét nhấn nhá, những nét “đặc trưng” của từng dân tộc lại đang bị lơ là…

Nguyên nhân, có thể do trong quá trình giảng dạy, các thầy cô say mê truyền dạy về mặt kĩ thuật động tác, mà ít đề cập, nhấn mạnh đến nguồn gốc, xuất xứ và phong tục văn hóa nảy sinh động tác ấy. Mặt khác, do chính bản thân các em học sinh trong quá trình học cũng chỉ chú trọng đến việc thực hành động tác, kĩ thuật múa mà không để tâm tìm hiểu về nguồn cội, kiến thức văn hóa dân tộc, bởi vậy mà không hiểu được bản chất của động tác múa đó, không hiểu được tại sao người Mông lại đi “xúng xính”- không hiểu được động tác này bắt nguồn từ môi trường sinh sống của tộc người Mông quen sống trên núi cao, nên mới có bước đi đặc trưng này. Cũng không hiểu khởi nguồn tại sao lại dân tộc Việt lại có bước chân đi lướt, tại sao bàn tay lại guộn ngón và những động tác mềm mại của người Việt là nảy sinh từ môi trường sống vùng đồng bằng, bắt nguồn từ tư duy văn hóa nông nghiệp lúa nước…

Ý thức được vấn đề cần phải bổ khuyết, rút kinh nghiệm trong đào tạo nên đã thành thông lệ, sau mỗi kì thi múa, hầu hết nhà trường đều có những buổi tọa đàm, trao đổi để rút kinh nghiệm trong phương cách đào tạo. 

Theo các nhà chuyên môn nhận định: các em học sinh ngày nay thể hiện khá tự tin, chuyên nghiệp các bài thi của mình; đặc biệt kỳ thi năm 2021 – 2022 là một trong những kỳ thi mà trước đó các em phải đối mặt với dịch bệnh Covid kéo dài. Để ứng phó với dịch bệnh, những khóa này, thời gian các em được học trực tiếp khá ít, thay vào đó các em phải học trực tuyến chiếm hơn một nửa thời lượng khóa học. Vì thế, xét về mặt tổ chức, thời gian có thể đảm bảo thời lượng, giáo trình học tập nhưng về chất lượng tiếp thu, thực hành và rèn luyện sẽ không tránh khỏi bất cập, thiệt thòi so với học trực tiếp. Điều đó khiến cả thầy và trò vô cùng lo lắng, áp lực trước kỳ thi. 

Tuy nhiên, vượt qua tất cả những trở ngại, khó khăn chồng chất, các em vẫn hoàn thành kỳ thi một cách nhiệt huyết, đầy ngoạn mục, tựa hồ như chưa từng có dịch bệnh Covid tràn qua. Đó là những tín hiệu vui, đáng được ghi nhận. 

Có thể nói, những nỗ lực, sự tự tin và tính chuyên nghiệp của các em được thể hiện ở cả những môn kĩ thuật cơ bản và kĩ thuật biểu diễn đều được các thầy cô đánh giá khá cao. Kết cấu bài thi cũng được thể hiện xúc tích, sinh động, khoa học, hợp lý khiến người xem không cảm thấy nhàm chán. Song, trong buổi tọa đàm sau khi kết thúc kỳ thi năm học 2021 – 2022, các NGND Phùng Hồng Quỳ, NGND Song Thủy, NGND Minh Phương, NGƯT Mai Hương, NGƯT Kiều Thị Cậy và NGƯT Tạ Kim Thịnh đều có những nhận định khá xác đáng rằng: ở phần thi múa dân gian dân tộc phía Bắc lần này các em hơi bị đi sâu vào kĩ thuật, kĩ xảo sân khấu, đặt nặng tính biểu diễn mà bỏ quên những điểm nhấn, những cái luyến để tạo nên phong cách riêng của dân tộc đó; một số động tác cơ bản thể hiện đặc trưng của từng dân tộc bị nhạt nhòa, khiến người xem không cảm được cái hồn riêng của mỗi dân tộc. 

Lắng nghe những nhận xét, đóng góp của các chuyên gia, các nhà giáo kỳ cựu trong buổi tọa đàm sau kì thi tốt nghiệp năm học 2021 – 2022 tại Học viện Múa Việt Nam lại càng thấy việc giữ gìn cái “hồn”, cái “chất” dân tộc trong công tác đào tạo nghệ thuật múa luôn là nhiệm vụ cần được duy trì xuyên suốt, thường xuyên trong công tác đào tạo. 

Ý thức được tầm quan trọng của việc giữ gìn, phát huy phẩm chất dân tộc trong đào tạo nghệ thuật múa không chỉ ở bộ môn múa dân gian dân tộc, mà ngay cả trong giảng dạy múa Đương đại, Cổ điển Châu Âu hay Truyền thống cũng phải làm sao để các em phát huy được hồn cốt, tố chất, bản sắc riêng của Việt Nam mình là một mục tiêu mà các trường nghệ thuật đang nỗ lực hướng tới. Bởi thế, nên Trường Múa Tp.Hồ Chí Minh, Học viện Múa Việt Nam… vẫn đang khẩn trương hoàn thiện giáo trình Múa Dân gian Dân tộc Việt Nam, Lịch sử Kịch múa Việt Nam, Lịch sử Múa Việt Nam, Lý luận Múa v.v… trở thành những giáo trình cơ hữu, thống nhất trên toàn quốc; nhằm bổ trợ kịp thời cho các em học sinh múa về kiến thức lịch sử, dân tộc. 

Chung tay vào sự nghiệp bảo tồn, phát huy vốn liếng dân tộc của ngành múa, hàng năm Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam cũng thường xuyên tổ chức các chuyến thâm nhập thực tế dài ngày đến các vùng đồng bào dân tộc cho khối hội viên – giáo viên múa của các trường văn hóa nghệ thuật trên cả nước. Đã có nhiều chuyến thâm nhập đến khắp các vùng, miền trong cả nước được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam kết nối như: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lăk, Cần Thơ, Vĩnh Long, Bình Phước, An Giang, Ninh Thuận, Quy Nhơn, Đà Nẵng, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Lào Cai, Sơn La, Hà Giang,… Các chuyến thâm nhập này đều nhận được sự tham gia, hưởng ứng nhiệt tình của các hội viên là giảng viên của các Trường VHNT Việt Bắc, Tây Bắc, Trường Múa TP.Hồ Chí Minh, Trường VHNT Quân đội, Trường Sân khấu Điện ảnh HN, Học viện Múa Việt Nam v.v… Những chuyến thâm nhập thực tế như vậy là vô cùng hữu ích đối với các giáo viên, giảng viên. Tại đây, họ được giao lưu và bổ trợ rất nhiều về chuyên môn, được mở mang về vốn văn hóa dân tộc khi tiếp cận với bà con đồng bào. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng đây chỉ là một “kênh” bổ trợ ít ỏi, không thể bù đắp, lấp đầy những khuyết thiếu về nguồn, vốn dân tộc cho khối giáo viên – giảng viên múa được. Mà hơn nữa, các trường cần chủ động, hoặc phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức nhiều chuyến sưu tầm, thực tế dài ngày như cùng ăn, cùng ở, cùng tham gia lao động sản xuất với đồng bào mới có thể hiểu và thấm sâu những phong tục, tập quán và văn hóa dân tộc của họ.   

Trường học chính là nơi trang bị những nền tảng cơ bản, thiết yếu, là nơi gây dựng nền móng đầu tiên cho các nghệ sĩ, diễn viên múa trên hành trình nghề nghiệp sau này. Vì thế, ngoài việc giảng dạy chất liệu, yếu lĩnh động tác, kĩ thuật chuyên môn thì nhiệm vụ tiếp thu, gìn giữ và phát triển hồn cốt, sắc vóc dân tộc trong từng động tác, ngôn ngữ múa luôn là câu chuyện chưa bao giờ cũ của cả thầy và trò trong công cuộc kế tục sự nghiệp nghệ thuật vô cùng vinh quang, cao cả này.