Sáng tác múa – những thành tựu nổi bật

0
795

Ths. Thanh Hoa

Giai đoạn khoảng 10 năm trở lại đây là giai đoạn mà văn hóa nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng bước vào thời kì phát triển khá đa dạng, sôi động. 

Sự phát triển của công nghệ thông tin, của hội nhập toàn cầu đã tác động rất lớn đến nền văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa của đất nước nói riêng.

Đây cũng là giai đoạn chính thức ghi nhận chuyển giao của thế hệ biên đạo múa trẻ của đất nước. Một thế hệ tiếp quản mang trên mình những sứ mệnh mới với sự tiếp nhận, ứng dụng nhiều kĩ năng, kĩ xảo, kĩ thuật, công nghệ mới làm phong phú, đa dạng trong phong cách dàn dựng, trong ngôn ngữ biểu hiện tác phẩm múa. 

Theo thống kê trong suốt quá trình thành lập 30 năm qua, Hội nghệ sĩ Múa Việt trao giải thưởng nghệ thuật múa cho 1.610 tác phẩm, công trình. Chỉ tính riêng 10 năm gần đây, Hội đã trao thưởng cho 621 tác phẩm. Nhìn vào số liệu trên để khẳng định rằng 10 gần đây, chỉ tính riêng các nghệ sĩ là hội viên Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã sáng tạo và cho ra đời khối lượng tác phẩm múa nhiều  gấp 3 lần số lượng tác phẩm của 20 năm trước đó. Điều đó chứng tỏ cường độ sáng tác không ngừng gia tăng, biểu hiện sự năng  động của các nghệ sĩ múa. 

Thống kê trong hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1 năm 2009 đã có 17 tác phẩm múa đạt huy chương vàng,  14 tác phẩm đạt Huy chương Bạc. Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2 năm 2009 có 28 tác phẩm đạt huy chương vàng, 27 tác phẩm đạt huy chương bạc. Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp đợt 1 năm 2012 có 7 Huy chương Vàng, 11 Huy chương Bạc. Liên hoan đợt 2 năm 2012 có 20 Huy chương vàng, 23 Huy chương Bạc… 

Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1/2015 tại Thái Nguyên 21-27/5/2015 có 16 tác phẩm Huy chương Vàng,16 tác phẩm Huy chương Bạc, đợt 2 tại Bà Rịa – Vũng Tàu từ 10 – 19/9/2015 có 14 tác phẩm đạt Huy chương Vàng, 16 tác phẩm Huy chương Bạc. 

Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 1/2018 tại Cao Bằng 22 tiết mục đạt Huy chương Vàng, 34 tiết mục đạt Huy chương Bạc; đợt 2/2018 tại Đà Nẵng có 11 Huy chương Vàng, 12 Huy chương Bạc.

Nhìn vào số liệu thống kê của 3 mùa hội diễn – Liên hoan ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc trong 10 năm gần đây chúng ta đã thấy có tới 108 tác phẩm múa xuất sắc  đạt Huy chương Vàng và 119 tác phẩm đạt huy chương Bạc với một loạt tên tuổi các biên đạo nổi danh trong các kì hội diễn – liên hoan này là Minh Thông, Thu Hà, Kiều Lê, Hồng Phong, Trung Hưng, Xuân Thanh, Hữu Từ, Tuyết Minh, Trần Ly Ly, Anh Đức, Văn Hiền, Thy Ngọc, Vĩnh Hiển, Ngọc Bích, Hiền Trang, Công Hưng, Phan Duy Hưng, Chí Thiện, Vĩnh Thắng, Hải Tiến, Khánh Toàn, Ngọc Anh, Cao Ngọc Ánh, Phương Lịch, Quỳnh Lan, Công Hải, Xuân Hùng, Quỳnh Như, Ánh Tuyết, Hoàng Loan, Thanh Nam, Xuân Đức, Quỳnh Dương, Thanh Tùng…

Thống kê kết quả Cuộc thi tài năng trẻ biên đạo múa năm 2013 đã có 7 Huy chương Vàng, 14 Huy chương Bạc; Năm 2016 có 4 Huy chương Vàng, 7 Huy chương Bạc; Năm 2019 có 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba, 4 giải khuyến khích với nhiều gương mặt biên trẻ như: Tạ Thùy Chi, Nguyễn Minh Mẫn, Lê Trung Thảo, Thái Phương Ngọc, Trần Thị Út Lan, Lê Ngô Bảo Việt, Lương Xuân Thành, Lê Thị Thu Hoài, Bùi Phi Trường, Tải Đình Hà, Ma Thị Nết, Vũ Tùng Dương, Nguyễn Thị Thúy Nga, Nguyễn Xuân Hạnh, Nguyễn Thị Thanh Hằng, Sùng A Lùng, Lâm Thanh Thảo, Nguyễn Thế Duy, Hoàng Thái Sơn, Phạm Minh Tuấn, Mai Minh Anh Khoa, Trần Quốc Bảo, Nguyễn Thị Huyền Trang,Nguyễn Hải Trường, Tạ Xuân Chiến, Tống Mai Len, Nguyễn Phương Linh, Nguyễn Vũ Khánh, Hoàng Thị Nguyệt

Có thể nói, chỉ tính riêng trong các kì Liên hoan, hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân trong khoảng thời gian 10 năm gần đây, đã có hàng nghìn tác phẩm múa được sáng tác; những gương mặt biên đạo múa trên cũng đã tham gia hiệu quả,  đem lại hiệu ứng nghệ thuật cao cho chương trình, đem lại thành quả không chỉ riêng cho cá nhân nghệ sĩ mà còn góp phần làm nên thành tích nghệ thuật chung, tạo nên chiến thắng toàn diện cho một chương trình nghệ thuật. 

Và trong các Cuộc Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc, toàn quân, nghệ thuật múa luôn chiếm ưu thế và đem về chiến thắng vang dội cho nhiều đoàn, nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp. Thực tế đã chứng minh, qua các kì liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp cũng cho thấy đơn vị nghệ thuật nào sở hữu những biên đạo múa giỏi, những diễn viên múa có tài thì đơn vị ấy có tiềm lực nghệ thuật mạnh. 

Đó là chưa kể đến lực lượng biên đạo, diễn viên múa đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong nhiều sự kiện văn hóa, kinh tế, chính trị của đất nước. Múa giữ vai trò chủ đạo, trung tâm trong các dịp kỉ niệm, mít tinh hay lễ hội lớn, nhỏ từ cấp trung ương tới địa phương hoặc trong các ngày kỉ niệm thành lập của các ngành, các nghề hay trong những liveshow ca nhạc độc lập, thì ca và nhạc vẫn phải nhờ đến nhảy, múa để tiếp sức, tạo đà cho sự thăng hoa nghệ thuật của mình. Điều đó thể hiện sức sáng tạo dồi dào và sự năng động của đội ngũ nghệ sĩ múa Việt Nam hiện nay. 

Hai phong cách dân tộc và đương đại là con đường sáng tạo chủ đạo của các biên đạo trẻ. Tuy nhiên, múa dân tộc giai đoạn này thường được biên đạo múa sáng tạo dựa trên ngôn ngữ, chất liệu dân tộc tồn tại trong đời sống của các dân tộc thiểu số hoặc dựa vào những nét riêng trong phong tục, tập quán và lối sống của đồng bào để xây dựng thành các tác phẩm múa biểu diễn trên sân khấu chuyên nghiệp là một hướng sáng tạo phổ biến được các biên đạo áp dụng.  

     Ví dụ ở tác phẩm múa “Khèn núi”, chỉ dựa vào một số động tác múa Khèn của các chàng trai dân tộc H’Mông, biên đạo Nguyễn Trung Hưng đã biến chiếc Khèn nhỏ bé thành đạo cụ hữu hiệu (là chiếc Khèn với kích cỡ lớn), phát huy và vận dụng sáng tạo các động tác, những cử chỉ, bước múa Khèn điệu nghệ của các chàng trai H’Mông làm nên một tác phẩm vừa tôn vinh được nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của dân tộc H’Mông vừa mang hơi thở của cuộc sống đương đại, khiến khán giả là đồng bào dân tộc H’Mông dễ dàng cảm nhận được nét gần gũi và thấy được hình ảnh thân thuộc của dân tộc mình, còn những khán giả phổ thông cũng thêm hiểu, thêm yêu nét văn hóa của đồng bào H’Mông. 

Hoặc ở tác phẩm “Men tình” của biên đạo Quỳnh Dương – Kim Chung cũng đã dẫn dắt người xem đến với nét văn hóa độc đáo của người Mông với chiếc Khèn, chiếc Ô xúng xính xuống chợ ngày xuân để hòa mình vào điệu múa, tiếng khèn rộn rã, vui tươi của âm điệu của núi rừng. 

Chiếc khăn Piêu dịu dàng, tình tứ của người con gái Thái cũng đã trở thành nét chấm phá làm nên tác phẩm “Cút Piêu  –  Cút tình” của biên đạo Hồ Thanh Thanh. Không ôm đồm, khoe kĩ xảo, kĩ thuật trong thể hiện ngôn ngữ mà chỉ lấy chất liệu là một số động tác, bước đi của các cô gái Thái và dải khăn Piêu, biên đạo đã biến chuyển đội hình, tuyến chuyển động một cách linh hoạt… cho người xem thấy được nét dịu dàng, duyên dáng và đặc biệt là tôn vinh được hình ảnh chiếc khăn Piêu – một biểu tượng văn hóa của người dân tộc Thái.  

Với những bộ trang phục rực rỡ của đồng bào dân tộc Dao trong những ngày lễ, tết cổ truyền,  bằng ngôn ngữ múa dung dị của dân tộc Dao nhưng với tuyến chuyển động đội hình khi ngang, khi chéo, khi đan xen một cách khéo léo, nhuần nhị…tác phẩm “Sắc màu bản Dao” của Biên đạo Thu Hà và Mai Thanh do Đoàn Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên biểu diễn trong Cuộc thi Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2012 cũng đã đem lại cho khán giả một ấn tượng thật sinh động, đầy màu sắc của một tộc người trên vùng đất Đông Bắc, góp thêm cho vốn văn hóa đậm đà bản sắc của đồng bào các dân tộc Việt Nam…

  Tập quán  dệt sợi, thêu may trang phục của các cô gái Lô Lô cũng được biên đạo Hoàng Loan khai thác làm chất liệu chủ đạo xây dựng nên tác phẩm múa “Se sợi” hấp dẫn, cuốn hút người xem và tôn vinh được nét văn hóa độc đáo của người Lô Lô.  

Dáng ngủ ngồi của người dân tộc Rục cũng đã được biên đạo Ánh Tuyết khai thác, phát triển làm chất liệu, nền tảng xây dựng nên ngôn ngữ múa trong tác phẩm “Nguy Nhấp”… Tuy nhiên, tác giả không dựa trên vốn ngôn ngữ, động tác múa có sẵn của tộc người như chúng ta thường thấy để dàn dựng tác phẩm mà dựa vào tập tục văn hóa tộc người để làm cơ sở hình thành ngôn ngữ múa cũng đã tạo hiệu ứng nghệ thuật cho tác phẩm; đồng thời giới thiệu được tới người xem một tập tục văn hóa độc đáo của người Rục. 

Lễ hội nhảy lửa của người dân tộc Pà Thẻn – Hà Giang là một lễ hội được biết tới với những giá trị văn hóa truyền thống được lưu truyền từ đời này qua đời khác.  Lễ hội không chỉ là dịp để các chàng trai thể hiện sức mạnh và lòng dũng cảm mà còn là một hoạt động văn hóa độc đáo mang bản sắc rất hoang sơ, huyền bí của dân tộc Pà Thẻn. Những chàng trai người Pà Thẻn như đang trong cơn mê, họ nhảy múa với đôi chân trần của mình trong đống lửa mà không hề có cảm giác bỏng rát hay sợ hãi… Nét văn hóa độc đáo đó cũng đã được biên đạo Tải Đình Hà – Ma Thị Nết chắt lọc làm cơ sở tạo dựng ngôn ngữ biểu hiện cho tác phẩm múa “Nhảy lửa”, đưa nét độc đáo văn hóa tộc người từ không gian văn hóa lễ hội lên sân khấu múa chuyên nghiệp một cách hợp lí.  

Hoặc tác phẩm  “Đêm trăng bên cối gạo mới” của Biên đạo Phan Duy Hưng cho thấy hình ảnh đôi trai, gái với những động tác, tạo hình múa độc đáo của dân tộc Khơ Mú được phát triển, biến hoá trong khúc múa giao duyên một cách mộc mạc, bình dị khiến người xem liên tưởng đến những cảnh múa phồn thực có tự xa xưa. Những động tác, tư thế múa của chất liệu múa hiện đại, bê đỡ, quay, nhảy, đá chân cao… được kết hợp khá nhuần nhuyễn với những động tác múa Khơ Mú phù hợp với tình cảm, tính cách của người dân tộc Khơ Mú. 

Đi vào chủ đề ca ngợi cuộc sống lao động của người dân miền biển, hai tác phẩm Thơ múa “Mắt lưới” và “Mùa Nghêu” của Biên đạo: NSND Hữu Từ – NSƯT Văn Hiền do các nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển – Phú Yên tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2018 đã mang đến cho khán giả một khung cảnh, một bức tranh thơ mộng, đa sắc, sinh động và chân thực về đời sống của người dân miền biển Phú Yên. 

“Mắt lưới” – đó cũng là nhịp sống của người dân nơi đây, một đời sống chan hòa, khi thì rì rào, ào ạt, hối hả như nhịp sóng vỗ, có khi lại trữ tình, lắng đọng, lay động tựa lời ca mẹ ru đầm ấm, ân tình trong thanh âm của tiếng đàn bầu khiến ta chẳng thể nguôi niềm thương, nỗi nhớ luôn da diết, thường trực về một tình cảm quê nhà, xứ sở. 

Không kĩ thuật cao siêu, không bố cục phức tạp, chỉ bằng ngôn ngữ, chất liệu múa dân tộc với tư thế chủ đạo chính là những  động tác quăng chài, kéo lưới, đan lưới … phối hợp hài hòa với luật động của múa đương đại, tác phẩm đã mở ra cho người xem cả một không gian, khung cảnh thơ mộng về đời sống chài lưới miền biển. 

Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa đạo cụ – công cụ lao động là một tấm lưới lớn được buông thõng sân khấu, vừa là phông cảnh sân khấu, vừa là vật dụng, là điểm tựa cho diễn viên thực hiện, truyền tải tinh thần, cuộc sống người dân chài lưới.  

Cách xử lí, phối hợp trang phục khi chọn tấm vải đan mắt cáo màu xanh có lúc vừa là tấm lưới nhỏ, lúc lại là chân váy chùm ngoài bộ trang phục lao động thường ngày tạo một thẩm mĩ có gu, vừa hỗ trợ diễn viên thực hiện các động tác và hành động của mình.

Vẫn phản ánh cuộc sống lao động của người dân miền biển, nhưng tác phẩm “Mùa Nghêu” đi vào mô tả trực diện khung cảnh lao động của người dân vào mùa khai thác Nghêu – một sinh vật biển cung cấp thực phẩm và đem lại nguồn lợi kinh tế cho người dân nơi đây. 

Điểm sống động, sáng tạo và tạo nên tính chân thực, gần gũi thú vị của tác phẩm này là tác giả đã lấy chính âm thanh “xọc xọc” của tiếng đãi, xóc Nghêu, hòa vào câu hò ơi và tiếng í ới gọi nhau cùng đi lao động làm thành phần âm nhạc chủ đạo, xuyên suốt tác phẩm, tạo âm hưởng rộn ràng, chân thực. 

Các vật dụng lao động như rổ, gậy cào nghêu, gồng gánh nghêu được đưa lên sân khấu và xử lí một cách hợp lí, nhất là hình ảnh hai chiếc nón trắng kẹp vào giữa khuôn mặt diễn viên mới thú vị, cuốn hút làm sao. Chiếc nón khi được khép lại khi mở ra tựa như những chú nghêu khi mở, khi khép miệng thật sáng tạo và thú vị, hài hước…

Đứng trước sự bùng nổ của cách mạng khoa học – công nghệ và sự tác động của xu thế toàn cầu hóa thì việc tiếp thu, đổi mới không ngừng những tiến bộ của văn hóa múa thế giới đáp ứng nhu cầu thưởng thức của khán giả đương thời cũng là việc làm phù hợp với xu thế phát triển triển của xã hội.

Vì thế, bên cạnh các tác phẩm sử dụng ngôn ngữ múa dân tộc hoặc những nét riêng biệt trong phong tục, tập quán, sản xuất của dân tộc để thể hiện trực diện ý đồ phản ánh về dân tộc đó, thì hiện tượng các biên đạo sử dụng ngôn ngữ múa đương đại trong dàn dựng, sáng tác tác phẩm múa dân tộc là xu hướng ngày càng  được nhiều biên đạo trẻ áp dụng… 

Tiêu biểu phải kể đến tác phẩm múa  “Thiền” của biên đạo Trần Ly Ly, do ba nghệ sĩ nam thể hiện. Hình ảnh ba sư thầy đầu trọc, xăm trổ đầy mình, phô diễn hình thể trong những động tác kĩ thuật thuần thục, điêu luyện đem lại cho khán giả một xúc cảm mới lạ mà vẫn rất gần gũi với tâm tư, tình cảm của những con người Việt Nam trong thời đại mới; hoặc tác phẩm “Hóa vàng”, “Tễu” của Trần Ly Ly cũng biểu lộ một phong cách đương đại rất Việt Nam.

Vẫn trên nền chất liệu, luật động của ngôn ngữ múa dân tộc vùng Tây Nguyên nhưng tác phẩm múa “Truyền nhân” của Đoàn Ca Múa Nhạc Dân tộc tỉnh Đăk Nông đã tạo một sức hút khó cưỡng bởi phong cách biểu hiện mê hoặc của hai   nghệ sĩ múa K’Tiêng và nghệ nhân Bặp Khanh. Với cách diễn xuất tự nhiên, mộc mạc, không hề căng cứng nhưng 2 diễn viên này vẫn phô diễn được ngôn ngữ hình thể, ngôn ngữ cơ thể, và hơn thế còn cho người xem thấy được cái hồn cốt, bản lĩnh dân tộc cứ thắm đượm ngọt ngào, dung dị và mới mẻ đến thế. Quả thật không ngoa khi nói rằng chính họ đã truyền cảm hứng và thổi hồn cho “Truyền nhân”.

“Bản ngã” (Biên đạo: NSƯT Thanh Nam; Biểu diễn: Nhà hát CMN Việt Nam) là một tác phẩm mang đậm chất triết lí nhân sinh với tư duy đi vào khai thác thế giới nội tâm và chiều sâu của tâm hồn con người. Sự khắc khoải đi tìm cái ta, cái tôi thực thể và cái chung đồng cảm đã được các diễn viên Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam bộc lộ một cách chuyên nghiệp, thâm sâu qua ngôn ngữ múa đương đại một cách hiệu quả, để lại cho khán giả một niềm rung cảm về cõi nhân sinh sâu sắc. 

Hay tác phẩm “Ru đêm” do biên đạo kiêm diễn viên Sùng A Lùng sáng tạo và biểu diễn. Có thể nói đây là một tác phẩm thuần chất sử dụng ngôn ngữ hình thể và kĩ thuật của múa đương đại với những cú uốn, vặn người quằn quại, ma mị trong đêm tối của chàng trai người dân tộc Mông. Một thế giới tâm hồn khó nắm bắt, khó đoán định đặt ra câu hỏi mơ hồ từ phía người xem: Phải chăng nét văn hóa Mông hàm chứa trong cái bản thể kia có gì đó dùng dằng, khi ẩn khi hiện; có lúc là một chàng trai say mèm với thân hình uốn lượn như tựa con sâu đo, khi lại vắt vẻo, đờ đẫn trong những vết xước vằn vện cơ thể; có lúc lại lấp ló hình ảnh một cô gái Mông xúng xính vạt váy âm thầm, lầm lũi phục vụ người đàn ông của mình. Được biểu hiện hoàn toàn bằng ngôn ngữ cơ thể diễn viên, bằng kĩ thuật, kĩ xảo của ngôn ngữ múa hiện đại song tác phẩm “Ru đêm” của biên đạo trẻ Sùng A Lùng tại “Cuộc thi Tài năng trẻ biên đạo múa toàn quốc 2016” lại tạo được hiệu ứng nghệ thuật sâu sắc, ấn tượng và một cái nhìn mới mẻ, hấp dẫn về một cách thể hiện chứa đựng chiều sâu của tính cách và tâm hồn dân tộc H’Mông bằng cách rất riêng biệt. 

Với tác phẩm “Sắc ngọt dao Nùng” của Biên đạo Văn Hiền dựng cho Đoàn Nghệ thuật Cao Bằng tham dự Cuộc thi Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc đợt 2-2015 thì chất liệu làm nên “sắc thái” văn hóa riêng của người dân tộc Nùng trong tác phẩm không phải là ngôn ngữ, động tác múa của dân tộc; hay trang phục, nghề nghiệp (nghề rèn dao của người Nùng) cũng chỉ là chất xúc tác để biên đạo chuyển tải tâm hồn, văn hóa tộc người mà thôi. 

Rất nhiều tác phẩm được các biên đạo trẻ sáng tạo trong thời gian gần đây đạt đến sự hài hòa, đều tay trong tất cả các khâu thuộc về kĩ thuật biên như “Cầm giả ca” của Thanh Hằng, “Chơi trống” của Tạ Xuân Chiến, “Cuội già”, “Côn Đảo ngày trở về” của Nguyễn Hải Trường, “Báu vật của cha”, “Vì đó là mẹ” của Tống Mai Len, “Dạ cổ hoài lang” của Lâm Thanh Thảo, “Góc khuất” của Nguyễn Thế Duy v.v… 

Một số biên đạo trẻ còn đảm nhiệm vai trò sáng tác, dàn dựng nhiều tác phẩm Kịch múa lớn tạo được tiếng vang và dấu ấn trong lòng bạn bè, đồng nghiệp như: Biên đạo Tuyết Minh với Kịch múa “Lê ki ma đỏ”, “Khoảnh khắc bất tử”, “Kiều” v.v… Biên đạo Phúc Hải, Phúc Hùng với “Chạm tay vào quá khứ”, “Còn mãi bản hùng ca” v.v…

Điểm qua một số tác phẩm và một số thống kê trên cũng mới chỉ phản ánh phần nào bức tranh sáng tạo của các biên đạo múa song nó cũng giúp chúng ta nhận thấy rằng tiềm năng sáng tạo của các nghệ sĩ múa là rất lớn, để các nghệ sĩ múa – cha anh đi trước có thể đặt niềm tin vào một thế hệ biên đạo trẻ vững vàng, tự tin đủ sức, đủ tài gánh vác trên mình sứ mệnh của người biên đạo múa trên con đường sáng tạo nghệ thuật múa dân tộc trong thời kỳ mới.