Thái Dương
Mỵ là nhân vật nữ chính trong tác phẩm văn học “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài. Mỵ là cô gái xinh đẹp, có tài thổi kèn lá hay như thổi sáo. Những đêm tình mùa xuân “trai đến đứng nhẵn vách đầu buồng Mỵ”. Mỵ có sức hút, sức hấp dẫn như bông hoa rừng đầy hương sắc.
Từ quãng đời tủi hổ, câm lặng của Mỵ và A Phủ trong những đêm dài đen tối dưới ách thống trị tàn bạo của bọn chúa đất phong kiến cùng với tư tưởng thần quyền giết hết chết mọi ước mơ, khát vọng, làm tê liệt cả ý thức lẫn cảm xúc của con người. Những kiếp người cơ cực ấy đã truyền lửa sống và cùng nhau vùng dậy can trường từ bóng tối của cuộc đời đau khổ, tủi nhục, chạm tới ánh sáng của nhân phẩm, tự do; để được sống, được yêu, được hạnh phúc trên chính mảnh đất, núi rừng quê hương.
Được chuyển thể từ tác phẩm văn học quen thuộc “Vợ chồng A Phủ” của nhà văn Tô Hoài, nghệ sĩ múa Tuyết Minh và các nghệ sĩ múa của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc đã “hồi sinh” vở diễn “Mỵ” mới mẻ, sáng tạo qua ngôn ngữ của âm nhạc, nghệ thuật múa và kĩ thuật, kĩ xảo của nghệ thuật xiếc và nghệ thuật sắp đặt.
Kịch bản vở diễn “Mỵ” được Tuyết Minh viết trong cuộc vận động sáng tác của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; nhận được đặt hàng sáng tác của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc. Đó là điều kiện thuận lợi, cũng là sự may mắn để cả ekip có thể yên tâm khi bắt tay vào dàn dựng tác phẩm với kinh phí lên đến 3 tỷ đồng. Sau đó “Mỵ” đã tìm được “bà đỡ” là Nam Hưng Media với dự án đầu tư quảng bá cho tác phẩm, đưa vở diễn đến gần hơn với công chúng, trong chương trình hợp tác giữa Nhà hát Lớn Hà Nội và các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp để phục vụ du khách trong và ngoài nước, diễn định kỳ tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nét độc đáo của vở diễn chính là nghệ thuật múa đương đại kết hợp với âm nhạc dân tộc, tinh hoa của văn hóa Tây Bắc, đặc biệt là của dân tộc Mông, trong đó có hệ thống nhạc cụ. Nét độc đáo về trang phục của đồng bào Mông, cũng đã được thiết kế lại phù hợp với tính hiện đại. Nét độc đáo về văn hóa người Mông được sử dụng trong vở diễn lấy ý tưởng từ Vợ chồng A Phủ, đã đưa vào được những sinh hoạt, cuộc sống thường ngày, phiên chợ vùng cao… tất cả những nét văn hóa của người Mông đã được cô đọng và đưa vào vở diễn.
Vở diễn được chia làm 3 phần:
Phần I: Lời yêu trên đỉnh núi
Không khí lễ hội mùa xuân tràn ngập khắp không gian trong tiếng khèn Mông mời gọi. Những cô gái xúng xính váy hoa rực rỡ, thẹn thùng, giấu ánh mắt liếc ngang ẩn hiện sau những chiếc ô tròn như những bông hoa miền sơn cước. Râm ran tiếng lẩy cỏ bên những chảo thắng cố lửa bập bùng, say nồng đôi má ửng hồng, những con trâu rừng cày trên cao nguyên đá nom cũng không thể cường tráng bằng những chàng trai đánh cù trong ngày xuống chợ.
Phiên chợ vùng cao được vẽ lên bằng những thanh âm vui nhộn, nhiều bè, mộc mạc, bình dị từ âm sắc của những dụng cụ lao động và sinh hoạt đời thường như: dao, thớt, bát rượu, chảo thắng cố, cối giã gạo, sàng ngô, sàng thóc, mõ trâu, ống bương, ống tre vấn vít hòa âm cùng tiếng khèn Mông tình tứ, tiếng sáo mèo, đàn môi, kèn lá, gậy xanh tiền …dẫn dụ người thưởng thức hòa mình vào thiên nhiên núi rừng Tây Bắc, chiêm ngưỡng và thẩm thấu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc Mông trong các lễ hội ngày xuân giàu bản sắc.
Núi rừng Tây Bắc hùng vĩ bao nhiêu thì càng trở nên thơ mộng bấy nhiêu khi có vẻ đẹp của Mỵ.
Cao nguyên đá sừng sững cũng phải cúi đầu dưới bàn chân rắn rỏi, sức mạnh vạm vỡ của A Phủ.
Mỵ và A Phủ đại diện cho những chàng trai, cô gái Mông khát khao được sống hòa vào thiên nhiên, trao gửi tình yêu, tôn vinh bản sắc văn hóa tươi đẹp của dân tộc Mông.
Phần II: Con ma nhà Thống Lý
Câu chuyện của Mỵ được dẫn dắt qua sự đối lập giữa lối sống xa hoa của chúa đất Mông thống quản với thân phận nhỏ bé của những cô gái nghèo bị ép về làm dâu theo phong tục cướp vợ của người Mông. Sự đối lập giữa tự do, hưởng thụ vật chất xa hoa của tầng lớp thống trị với sự giày vò đau đớn về thể xác, người đàn bà ấy không còn ý thức được về thời gian, tuổi tác và cuộc sống, chẳng biết đến mùa xuân, chẳng đi chơi tết…không tình yêu, không khát vọng, thậm chí không còn biết đến khổ đau. Kiếp người nô lệ cay đắng, xót xa mà Mỵ là nhân vật điển hình cho thân phận người phụ nữ vùng cao Tây Bắc trong đêm dài lầm lũi.
Phần cuối: Chạy đi
Chứng kiến A Phủ bị phạt vạ làm trâu, làm chó trong nhà Thống Lý mấy đời chưa trả hết được vạ làng, bị trói đứng vào cột chờ chết, hình ảnh đó, cái cột đó, dây thừng đó đã thức tỉnh Mỵ. Mỵ như tìm lại được con người thật đã bị lãng quên thắp lên ánh sáng cho căn phòng bấy lâu chỉ là bóng tối hay thắp lên ngọn lửa cho chính cuộc đời tăm tối của mình.
Mỵ vùng dậy, cởi trói cho A Phủ, mở toang cánh cửa căn buồng chật hẹp, ngoài kia là núi, là rừng, là nương rẫy, là con suối, là rừng đào nở thắm, là mùa xuân trên bản Mông có tiếng sáo, tiếng khèn, có câu hát giao duyên.
Từ bóng tối của cuộc đời đau khổ, tủi nhục, Mỵ và A Phủ cùng nhau chạy về miền đất mới vươn tới ánh sáng của nhân phẩm, tự do và vững niềm tin vào tương lai hạnh phúc.
Chia sẻ về vở diễn Mỵ, Cố vấn nghệ thuật – Tổng đạo diễn – Biên đạo múa Tuyết Minh tâm sự: người đầu tiên động viên, tạo điểm tựa về tinh thần để Tuyết Minh triển khai dàn dựng vở diễn là NSND Ngô Đình Thành (hỏi lại) – Nguyên Giám đốc Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc, sau đó là tập thể lãnh đạo nhà hát từ NSND Nông Xuân Ái, NSƯT Hải Anh, Biên đạo múa Anh Đức và tập thể nghệ sĩ của Nhà hát. Sự thành tâm của mọi người vì nghệ thuật đã thúc đẩy mọi người cùng cố gắng, nỗ lực và cống hiến hết sức mình để cho ra đời một tác phẩm như mong đợi.
Tuy nhiên, dù có nhiều điều kiện thuận lợi trước đó, nhưng vở diễn cũng gặp khá nhiều khó khăn bởi đây là vở diễn tổng hợp, lại có phần nhạc kịch diễn live hoàn toàn từ âm nhạc, ca khúc, múa phải tương thích, hòa hợp với âm thanh… muốn cho tương xứng với tầm vóc của vở diễn phải cần sự đầu tư rất lớn, lớn hơn chế độ của nhà nước hiện hành rất nhiều, nhưng tất cả anh em nghệ sĩ đều tìm phương án hiệu quả nhất để vượt qua.
Cũng để trả lời cho câu hỏi vì sao lại lựa Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc làm nơi “chọn mặt gửi vàng” cho vở diễn “Mỵ”, nghệ sĩ Tuyết Minh thành thực: Do bản thân công tác tại Cục Nghệ thuật biểu diễn, hiểu 12 nhà hát trực thuộc Bộ và các đơn vị nghệ thuật trên toàn quốc. Tuyết Minh cảm nhận Mỵ là vở diễn dành cho Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc nên đã đặt niềm tin vào các nghệ sĩ của Nhà hát, và thực sự các nghệ sĩ đã tập luyện hết mình. Kỉ niệm đáng nhớ nhất là quãng thời gian luyện tập, dàn dựng vở diễn, Tuyết Minh phải lái xe từ Hà Nội lên Thái Nguyên từ 17h30 các buổi chiều và dàn dựng đến 23h00 đêm, lái xe về Hà Nội lúc 12h00 hoặc gần 1 giờ sáng, liên tục như thế trong suốt gần 2 tháng trời. Còn nhạc sĩ Mạnh Tiến thì đi mời cả nghệ nhân dân gian người Mông về nhà hát để dạy lại các điệu khèn, cách thổi kèn lá, thổi đàn môi, thổi sáo… Tuyết Minh rất biết ơn mọi người đã lao động nghệ thuật với đam mê và sự quyết tâm để có được thành quả của vở diễn mà có lẽ đó là kỉ niệm đẹp đối với các nghệ sĩ trong cuộc đời làm nghệ thuật.
Tất cả Tuyết Minh, biên đạo Anh Đức, nhạc sĩ Mạnh Tiến và Ban lãnh đạo Nhà hát cùng tập thể nghệ sĩ đều hài lòng với tác phẩm. Các nghệ sĩ đều hiểu rõ mọi khó khăn, thách thức và họ đã sát cánh bên nhau để vượt qua và cùng lựa chọn phương án tốt nhất trong điều kiện có thể. Thứ 2 là về truyền thông, quảng bá họ đã làm tốt và tạo được điểm nhấn về văn hóa nghệ thuật nhất là đối với du lịch, đó là tín hiệu vui. Cả ekip nghệ thuật đã sống những giờ phút say sưa, hạnh phúc với nghệ thuật, đó là điều tuyệt vời.
Vở diễn “Mỵ” đã giành được giải Ấn tượng cho toàn bộ vở diễn, 2 Huy Chương Vàng, 3 Huy Chương Bạc cho các phần trình diễn ca, múa trong vở diễn, giải Biên đạo múa xuất sắc cho biên đạo Múa Tuyết Minh; 2 giải thưởng Diễn viên xuất sắc cho vai Mỵ và A Phủ của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, và Bằng khen cho Nhà hát CMN Dân gian Việt Bắc.
Điều khiến Tuyết Minh cùng các nghệ sĩ của Nhà hát còn tiếc nuối là khâu biểu diễn hợp tác giữa Nhà hát với An Nam show tại Nhà hát Lớn đã phát sinh nhiều vấn đề như: Khi diễn cả vở cố định tại Nhà hát Lớn, để đảm bảo chất lượng vở diễn và thương hiệu thì Nhà hát CMNDG Việt Bắc phải di chuyển từ Thái Nguyên lên Hà Nội với 3 xe đạo cụ, nhạc cụ, thiết kế sân khấu, 1 xe diễn viên vì Nhà hát Lớn còn nhiều hoạt động khác không có đủ không gian để gửi lại đồ. Rồi diễn viên khi biểu diễn cả vở xong rất mệt lại phải lên xe di chuyển đường xá xa xôi trở về Thái Nguyên luôn… nhiều vấn đề khiến An Nam và Nhà hát tạm thời dừng hợp tác trong năm 2020 để tìm phương án khác. Qua đây, mới thấy rõ, các nhà hát chỉ có thể phát triển được về khán giả, các mối hợp tác khi có nhà hát cố định, thì may ra việc bán vé mới đủ trang trải cho đời sống diễn viên nếu muốn công diễn các vở diễn lớn, đồ sộ.
Dẫu vậy thì Tuyết Minh cùng ê kip nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc cũng đã vô cùng hạnh phúc khi có được những giây phút thăng hoa, cống hiến hết mình cho nghệ thuật. Và hơn nữa vở diễn “Mỵ” cũng đã hồi sinh sức sống của nhân vật trong một không gian nghệ thuật khác biệt, độc đáo, đã để lại một dấu son trong lòng khán giả trong nước và quốc tế về nét văn hóa đậm đà bản sắc của dân tộc Mông.