Thông điệp gửi gắm qua tắc phẩm ” Sẻ thành phố”

0
239

Phương Lan 

  “Sẻ thành phố” là một tác phẩm của biên đạo múa Tạ Thùy Chi. Tác phẩm đã mang đến cho Nguyễn Đinh Bảo Bảo huy chương Vàng trong Cuộc thi Tài năng biểu diễn múa năm 2017. Qua hình ảnh những chú chim sẻ vui tươi, hồn nhiên giữa chốn đô thị rộng lớn và đầy rẫy những khó khăn, Thùy Chi muốn gửi gắm thông điệp, dù cuộc sống còn nhiều gian nan, thử thách, chúng ta hãy như những chú chim sẻ nhỏ nhắn ấy, luôn vui vẻ, hồn nhiên, vô tư, mang theo mình tâm trạng bình thản nhất để đi giữa dòng đời.

Phóng viên Tạp chí Nhịp Điệu xin được chia sẻ với bạn đọc cuộc trò chuyện với biên đạo múa Tạ Thùy Chi để hiểu thêm về tác phẩm múa này. 

PV: Xin chào Thùy Chi! Bạn có thể cho biết ý tưởng nào khiến bạn dựng tác phẩm “Sẻ Thành phố”?

Tác phẩm múa này được thực hiện trong quá trình giảng dạy bộ môn Thực tập biểu diễn tại trường Trung cấp Múa Tp.Hồ Chí Minh năm 2016. Lớp học có 6 bạn nam, tính cách đều khá nghịch ngợm, có thế mạnh trong việc biểu diễn trên khuôn mặt và đặc biệt là mỗi người đều có một cá tính riêng rất đặc trưng. Lúc đó Chi đã rất phân vân và lo lắng vì không nghĩ ra được một tác phẩm như thế nào thì phù hợp với các bạn. Và thế là mình thử đi tìm nguồn cảm hứng từ âm nhạc trước. Đó là một bộ đĩa CD được mua và để dành từ thời mình còn học Đại học, bìa CD đã thu hút mình khi đó bởi màu xanh dịu mắt của những lá tre xanh mơn mởn. Khi nghe được những nốt nhạc đầu tiên của bài nhạc cất lên, nhìn vào bìa CD, Chi hình dung đến thiên nhiên, đến sự tươi sáng của bài múa và cuối cùng là hình ảnh những chú chim tinh nghịch đang nhảy múa trước mắt mình. Và thế là 6 chú “Chim sẻ” ra đời.

PV: Vì sao Chi lấy tên “Sẻ Thành phố”cho tác phẩm của mình? 

Khi dựng lại tác phẩm “Chim sẻ” cho thí sinh Nguyễn Đinh Bảo Bảo tham gia cuộc thi Tài năng biểu diễn múa 2017, thì điều may mắn đó là Bảo Bảo chính là 1 trong 6 chú chim sẻ đó. Bạn ấy hiểu rõ ý đồ biên đạo và tính chất nhân vật mà Chi muốn đưa vào tác phẩm – những chú chim sẻ đáng yêu, hồn nhiên, vô tư.

Nhưng khi đưa thí sinh và tác phẩm đại diện cho khu vực phía Nam tham dự một cuộc thi toàn quốc, Chi nghĩ đến làm cách nào để giới thiệu được nhiều hơn màu sắc riêng của phía Nam và nhất là cuộc sống của Tp.Hồ Chí Minh. 

Những chú chim sẻ mà sinh sống trong thành phố thì sẽ như thế nào? Những chú chim ấy khi mới chào đời và từng bước tìm hiểu thế giới này khi nghe tiếng còi xe liệu có giật mình hốt hoảng? Hay việc tìm mồi liệu có khó khăn hơn? Và rất nhiều những trải nghiệm thú vị khác. 

“Sẻ thành phố” những sinh linh bé nhỏ giữa chốn đô thị rộng lớn, nhưng vẫn giữ được bản chất vui tươi, hồn nhiên của mình. Cũng qua hình ảnh này, Chi muốn gửi gắm thông điệp dù cuộc sống có nhiều những khó khăn, thử thách, chúng ta hãy như những chú chim sẻ nhỏ nhắn ấy, luôn vui vẻ, hồn nhiên, vô tư, mang theo mình tâm trạng bình thản nhất để đi giữa dòng đời.

PV: Ngôn ngữ chính trong tác phẩm là gì? Yêu cầu của Chi đối với diễn viên ra sao khi thực hiện tác phẩm này?

Ngôn ngữ chính của tác phẩm được dựa trên cơ sở ngôn ngữ múa Ballet, nhưng với những tính chất nhân vật, đi theo kết cấu phát triển của tác phẩm, mình có kết hợp với ngôn ngữ múa Đương đại nữa.

Yêu cầu khó nhất của tác phẩm này có lẽ là việc diễn viên phải liên tục há miệng nhằm tạo hình chiếc mỏ chim và múa liên tục. Rất mệt, thật sự là rất mệt và không đơn giản như mình hình dung. Việc điều tiết hơi thở, cộng thêm biểu cảm và hoàn thành những kỹ thuật bay nhảy khó của bộ môn Ballet…Thật sự chỉ có các bạn diễn viên của tác phẩm mới thấu hiểu nỗi khổ ấy! 

PV: Chi dàn dựng tác phẩm này trong thời gian bao lâu? Bạn có thể chia sẻ một vài kỷ niệm khi dàn dựng tác phẩm này được không?

Ý tưởng thì có lẽ là từ năm 2016, tới năm 2017thì dàn dựng. Về kỷ niệm khi dàn dựng thì đó là khi Chi và diễn viên cùng tính toán xem đưa những yếu tố đậm chất “Sài thành” vào là gì. Đó là sự bận rộn, hối hả của cuộc sống, của tiếng xe cộ, tiếng còi xe. Và đặc biệt nhất là phải mời các bạn lớp nữ đến hỗ trợ phần thu âm tiếng rao bánh mì cuối tác phẩm. Mỗi bạn đều nhiệt tình học cách rao, tập rao, sau đó thử giọng nhiều người để chọn được một người hợp nhất và còn phải thu đi thu lại rất nhiều lần nữa. Tuy kỷ niệm rất đơn giản nhưng đó là sự ấm áp giữa cô trò và bạn học mà Chi cảm nhận được.

PV: Khó khăn trong quá trình sáng tạo, dàn dựng “Sẻ Thành phố”là gì?

Thực ra tác phẩm này được hoàn thành khá thoải mái. Thuở ban đầu với “Chim sẻ”, Chi đã dành kha khá thời gian để lên mạng tìm hiểu, xem một vài chương trình chuyên đề về các loài chim. Mình không chỉ xem về loài chim sẻ, mà nhiều loài chim khác cũng được mình tìm hiểu và xem qua. Càng có nhiều chất liệu, mình càng có sự phong phú trong phát triển thành động tác múa cho diễn viên. Nỗi băn khoăn lớn nhất là những bạn diễn viên nam lại đóng vai là những chú chim sẻ nhỏ bé, do đó động tác như thế nào mới phù hợp, động tác như thế nào để người xem nhìn vào là nhận ra các bạn đang diễn gì. Không thể bỏ sót những cử động nhỏ của đầu, sự sắc nét, hay đôi mắt chăm chú, có thần,… và còn rất nhiều những quan sát khác nhau cần tìm hiểu. 

Bên cạnh đó, khi chuyển từ 6 chú chim sẻ sang múa đôi “Sẻ thành phố” thì câu chuyện cũng cần được thay đổi và tư duy lại. Có những hôm lên tập mà không có tiến triển gì, thử hết kiểu này đến kiểu khác, cô trò cứ thử rồi lại tẩy trắng, rồi lại thử. Tuy nhiên đối với Chi đó không tính là khó khăn, mà đó là những trải nghiệm thú vị và quý giá.

PV: Cảm ơn Thùy Chi đã dành thời gian chia sẻ về tác phẩm của mình cho bạn đọc Tạp chí! Chúc Thùy Chi nhiều sức khỏe, ngày càng có thêm nhiều nguồn cảm hứng mới để cho ra đời những tác phẩm hay như “Sẻ thành phố”!