Thái Dương
Kịch múa “Kiều” là tác phẩm múa được chuyển thể từ Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du – kiệt tác văn học Việt, cũng là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới.
Kịch bản của Kịch múa “Kiều” do nghệ sĩ Tuyết Minh chuyển thể, được Hội đồng nghệ thuật Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam thẩm định và chọn lựa trong cuộc vận động sáng tác kịch bản múa Kịch múa năm 2019. Kịch múa “Kiều” cũng là công trình được Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư, tài trợ dàn dựng với kinh phí hơn 1 tỷ đồng nhằm chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam và đón chào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
“Kiều” cũng là một trong những tác phẩm múa lớn đầu tiên sau mùa COVID-19 nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của đông đảo khán giả.
Kịch múa “Kiều” chính thức được công diễn buổi đầu tiên vào tối 20-6 tại Nhà hát TP.HCM; được diễn lần hai vào đêm 23/7 tại Nhà hát TP.HCM cho những khán giả chưa kịp mua vé lần một. Ngày 24/7, Kịch múa “Kiều” một lần nữa vinh dự được biểu diễn theo lời mời của Hội Hữu nghị Việt – Mỹ nhân kỉ niệm 25 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao đặc biệt giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Sau đó, “Kiều” tiếp tục đến với khán giả thủ đô vào ngày 13-8 tại Nhà hát lớn Hà Nội…
Vở diễn thu hút đông đảo giới chuyên môn và công chúng yêu nghệ thuật múa. Đây là một vở kịch múa lớn, ấp ủ những sáng tạo nghệ thuật mới mẻ dựa trên nền tảng ngôn ngữ ballet hiện đại. Nghệ sĩ Tuyết Minh và nghệ sĩ Nguyễn Phúc Hùng cùng dàn dựng, biên đạo múa cho toàn bộ tác phẩm.
Theo Ths.Tuyết Minh – Tác giả Kịch bản, tổng đạo diễn và cũng là biên đạo vở Kịch múa Kiều: Chị hoàn toàn yên tâm và tin tưởng khi gửi gắm vở múa của mình cho đội ngũ nghệ sĩ múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.Hồ Chí Minh(HBSO) bởi HBSO hiện là nơi hội tụ được một dàn diễn viên trẻ hùng hậu cả về số lượng và chất lượng kĩ thuật, kĩ xảo; đặc biệt 2 biên đạo múa Phúc Hải và Phúc Hùng là hai biên đạo dày dạn kinh nghiệm. Nhất là khi trực tiếp làm việc với các nghệ sĩ, biên đạo Tuyết Minh lại càng cảm thấy vững tin và yên tâm vào nền tảng kĩ thuật, sự dày dạn, bản lĩnh trong xử lý các tình huống trên sân khấu. Chính sự nhiệt huyết của các nghệ sĩ cũng truyền lửa lại cho Tuyết Minh quyết tâm hoàn thành Kịch múa “Kiều”.
Với biên đạo múa Phúc Hùng thì coi “Đây là dịp để các nghệ sĩ của nhà hát chúng tôi gửi gắm, trình làng những hoài bão, khám phá nghề nghiệp tới khán giả cũng như anh em đồng nghiệp trong cả nước, cùng khích lệ tinh thần học hỏi và sáng tạo nghệ thuật”.
Được thưởng thức vở diễn, khán giả sẽ nhận ra nhiều điểm nhấn làm nên thành công của vở.
Trước hết là lối đặt vấn đề khá ấn tượng bằng sự kết hợp giữa ballet và hiệu ứng kĩ thuật Hologram (kĩ thuật trình chiếu nổi 3 chiều), khi mà cảnh múa ballet dưới nước được đạo diễn dàn dựng khá kỳ công, cùng sự xả thân của 2 nữ nghệ sĩ Trần Hoàng Yến và Kim Tuyền khi thể hiện. Các nghệ sĩ đã phải đầm mình dưới nước 7 – 8 tiếng đúng vào lúc Hà Nội đang ở nhiệt độ của tiết trời mùa đông, phải nhịn thở rất lâu để lặn xuống mới có thể múa được và đủ lâu để có thể ghi hình.
Kế đến là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa kĩ thuật nền tảng của ballet đương đại với ngôn ngữ và phong cách của tuồng, chèo, vốn múa dân tộc Kinh để chuyển tải được linh hồn cho toàn bộ vở diễn.
Âm nhạc của vở cũng là sự hòa quyện giữa khúc thức của giao hưởng mang âm hưởng ca trù, hát xẩm, âm nhạc truyền thống tuồng và làn điệu dân ca gắn với những nhạc cụ dân tộc như đàn nguyệt, đàn thập lục, trống…
Trang trí sân khấu và thiết kế ánh sáng do họa sĩ Anh Dũng và nghệ sĩ Phúc Hải phụ trách cũng góp phần không nhỏ trong cách đặc tả nhân vật, nội dung vở diễn. Tác giả tạo điểm nhấn qua tạo hình mỹ thuật và đánh khối bằng ánh sáng tạo không gian cho cảnh diễn, đảm bảo chuyên chở ý đồ của vở diễn. Phần thiết kế trang phục, nhà thiết kế Khánh Diệp cũng đã xuất sắc khi vượt qua thách thức về văn hóa để biến tấu từ trang phục tứ thân, áo the, khăn xếp của người Việt nhưng vẫn đáp ứng được đặc thù của múa là trang phục phải thuận tiện cho sự chuyển động của vũ công, đặc biệt là đôi chân của các nữ diễn viên khi mang giày mũi cứng, đối với nam vũ công là sự bay bổng, chất liệu nhẹ nhàng khi bay, nhảy, thực hiện các kĩ thuật khó như tua trên không, kĩ thuật bê đỡ khó.
Và điều quan trọng hơn nữa là Kịch múa “Kiều” đã quy tụ được nhiều diễn viên solist đảm nhận tốt những vai diễn chính diện và phản diện… tất cả các nghệ sĩ đều vào vai rất tuyệt vời. Khán giả có thể nhận thấy xuất hiện nhiều dòng múa trong vở diễn, từ múa cổ điển châu Âu (ballet), múa đương đại và múa dân gian dân tộc. Nhưng bằng sự sáng tạo của biên đạo, các ngôn ngữ múa này đã hòa quyện vào nhau để tạo nên một ngôn ngữ riêng cho vở diễn Kiều ở những phân cảnh khác nhau. Dòng ngôn ngữ riêng đó đã khắc họa rõ nét nhất hình ảnh nhân vật với những tâm trạng, những sắc thái biểu đạt thật ấn tượng.
Được biết, ngay trong giai đoạn đầu khởi dựng, Kịch múa “Kiều” đã gặp không ít khó khăn khi đại Covid-19 lần 1 xâm nhập vào Việt Nam. Nhưng với quyết tâm cao độ, bằng lòng yêu nghề và tâm huyết với vở múa, nên các nghệ sĩ đã “biến khó khăn thành cơ hội bằng cách thuê riêng sàn tập của Nhà hát thành phố Hồ Chí Minh (do Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.Hồ Chí Minh không có sàn tập riêng) tự cách li để luyện tập cho vở Kịch múa Kiều.
Đại diện cho Hội đồng nghệ thuật Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, PGS.TS.NSND Ứng Duy Thịnh chia sẻ: Xét về tiểu tiết thì tác phẩm vẫn còn điểm nọ, điểm kia cần lưu ý. Nhưng xét về tổng thể vở múa, có thể nói để chuyển thể một tác phẩm văn học nằm lòng của người Việt sang múa ballet để làm sao mang đến những hình ảnh mới, cảm xúc mới cho một câu chuyện cách đây đã 252 năm là điều rất khó. Hơn nữa, trong tình hình dịch bệnh Covid – 19 diễn biến phức tạp, rồi những khó khăn về sàn tập, về kinh phí… Vậy mà, Êkip biên đạo – nghệ sĩ đã đưa ra được ngôn ngữ biểu đạt phù hợp tâm lý thưởng thức của khán giả. Các yếu tố vũ đạo, âm nhạc, phục trang, hình ảnh sân khấu, đặc biệt cách xử lý về thủ pháp lớp lang khá hợp lý, tạo được hiệu quả cảm xúc về vẻ đẹp của Kiều – vẻ đẹp không thể hiện ở nội dung câu chuyện mà qua cảm nhận nội tâm của từng nhân vật, mang cảm giác âm hưởng đương đại. Phải nói rằng ở thời điểm này để ra mắt được một vở kịch múa lớn là vô cùng gian nan, vậy mà Ballet “Kiều” đã lôi cuốn được nhiều công chúng yêu múa và nhận được nhiều thiện cảm của giới chuyên môn. Đó là điều mà chúng tôi vô cùng ngưỡng mộ ê kip nghệ sĩ của vở múa. Về phía Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam – chúng tôi cũng yên tâm, hãnh diện vì đã “gửi gắm” niềm tin đúng chỗ. Và phải khẳng định Kịch múa “Kiều” đã góp phần hoàn thành kế hoạch hoạt động nghệ thuật trong năm 2020 của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam là ra mắt vở Kịch múa lớn chào mừng Đại hội VII – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam và đón chào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Biên đạo – NSND Kiều Lê thì vô cùng xúc động trước “cái tâm” của ê kip nghệ sĩ khi xem xong Kịch múa “Kiều”. Chị bộc bạch: “Mỗi nghệ sĩ sáng tác sẽ có cách lựa chọn thủ pháp khác nhau đối với một tác phẩm văn học, bởi vậy tôi tôn trọng cách lựa chọn của các bạn. Vốn dĩ, sân khấu hoá một tác phẩm văn học đã khó, để chuyển hoá được một tuyệt tác kinh điển văn học thành kịch múa còn muôn vàn khó khăn hơn (điều này tôi đã ao ước từ lâu mà chưa thực hiện được). Cảm ơn! cũng bởi chữ Tâm đối với nghệ thuật múa mà các bạn “ liều mạng” tạo nên vở Kiều này và đã “dũng cảm” đưa Kiều bay ra Hà nội”.
Đúng như NSND Kiều Lê thấu hiểu, chữ “Tâm” dành cho nghệ thuật chính là cầu nối cảm xúc sâu sắc nhất làm nên thành công của Kịch múa “Kiều”.
Dù là người đứng ngoài vở múa nhưng NSND Kiều Lê cũng vô cùng cảm kích trước cái “Tâm” mà Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam dành cho vở múa Kiều – là bệ đỡ vững chãi để Kịch múa “Kiều” thăng hoa. Nghệ sĩ mong rằng Hội sẽ đầu tư cho các Nhà hát Việt Nam nhiều vở hơn nữa để các nhà sáng tạo có cơ hội đóng góp cho nền nghệ thuật múa nước nhà những sản phẩm “Made in Việt Nam”.
Trải lòng của diễn viên – NSƯT Trần Hoàng Yến dường như đã nói hộ cảm xúc của cả ê kíp diễn viên thực hiện Kịch múa Kiều.
“Vai Kiều đến với mình trong nhiều cảm xúc phức tạp, vui mừng, lo lắng, thích thú, hoang mang… cũng bởi Ballet Kiều ra đời trong mùa covid đầu tiên, sau nhiều lần dịch chuyển ngày ra mắt… Vượt qua nỗi sợ nước vì không biết bơi để quay clip dưới nước tổng cộng 2 lần (8 tiếng) trong cái lạnh của mùa Đông Hà Nội, không biết vì sao mình có thể vượt qua được… Quá nhiều phân cảnh, quá nhiều đạo cụ, cảnh trí, quá nhiều cảm xúc khác nhau và thay đổi liên tục phải thể hiện, và mỗi phân cảnh lại 1 chất liệu múa khác nhau: vừa ballet cổ điển bay bay đã chuyển ngay sang đương đại mỗi lúc 1 mạnh mẽ hơn, bầm dập hơn và tất cả đều trên giày mũi cứng… nhưng cuối cùng, khán giả sẽ cảm nhận thấy không có sự phân biệt quá rõ ràng nào giữa các chất liệu múa, mình muốn khán giả khi xem sẽ chỉ nhìn thấy 1 tổng thể hài hoà, thấy câu chuyện của Kiều được kể mạch lạc và sinh động, chân thật nhất ở trên sân khấu.
Đêm diễn 13.08.2020 – đêm duy nhất với khán giả Hà Nội. Chật kín khán giả trong đợt dịch covid thứ 2, ai cũng đeo khẩu trang đến xem. Hình ảnh ấy gây cho mình xúc động mạnh lắm. Cảm giác “Hạnh phúc vỡ oà”.
Qua vở này mới thấy, các bạn diễn của mình ai cũng tuyệt vời. Thật thú vị làm sao đoàn có bao nhiêu nam là đủ bấy nhiêu vai. Mà cũng hay làm sao mỗi người có tính cách lại khá phù hợp với nhân vật hoặc ít nhất là khả năng có thể hoá thân vào nhân vật 1 cách ngon lành. Và mình, lần đầu tiên múa với nhiều partner đến thế. Mỗi người lại đem đến cho mình một cảm xúc khác nhau, cách múa khác nhau nhưng tất cả đều rất tuyệt vời vì đã giúp mình đẩy cảm xúc của mình lên đến đỉnh điểm. Cảm ơn mọi người rất nhiều. Trong vở này, ai cũng quan trọng cả, không thể thiếu ai hết. Mình yêu và biết ơn tất cả mọi người.
Cám ơn biên đạo Phúc Hùng và đại “lão gia” Phúc Hải. Nhờ có 2 sếp mà tụi em được thoả sức vẫy vùng với nghệ thuật. Chúng ta đã làm được, đã lắm ạ, miễn là chúng ta hạnh phúc với những gì mình làm và làm đúng với lương tâm người nghệ sĩ.
Cảm ơn người chị biên đạo, kiêm “cò vé”, kiêm phụ trách trang phục, đạo cụ, cơm nước cho đoàn, tổ chức biểu diễn, “ba đầu sáu tay” Nguyễn Tuyết Minh. Cảm ơn chị vì đã tin tưởng tuyệt đối vào Đoàn múa HBSO và tin em. Đã luôn có những khó khăn trắc trở khiến Ballet Kiều suýt phải dừng lại nhưng cuối cùng chúng ta đã vượt qua cùng nhau rồi. Tụi em rất hạnh phúc sau mỗi lần biểu diễn, và lần vỡ oà nhất có lẽ là lần cuối gần đây nhất ở Hà Nội. Ballet Kiều đã thực sự thăng hoa và tụi em vô cùng hạnh phúc khi đã không làm chị mất uy tín với những gì chị đã tin tưởng chọn lựa – là đem Ballet Kiều trao cho đoàn múa HBSO.
Cũng chưa biết kế hoạch sắp tới thế nào, có được biểu diễn thêm lần nào nữa hay không nhưng Ballet Kiều sẽ là kỉ niệm quý giá, không thể nào quên và Kiều là vai diễn rất lớn trong cuộc đời diễn viên của mình. Cũng hy vọng các bạn trẻ, ai đó sau này thay vào vị trí của mình vì lý do gì đi nữa, hãy luôn hết mình vì vai diễn và mang Ballet Kiều thăng hoa hơn nữa, bay cao và xa hơn nữa, và giữ cho Ballet Kiều sống mãi nhé, vì niềm tin và tình yêu của mọi người đặt vào Ballet Kiều thực sự rất to lớn”.
Có thể nói, qua những gì Kịch múa “Kiều” đã làm được thì khán giả và đồng nghiệp đều cảm nhận thấy đây thực sự là một vở diễn có nhiều tìm tòi sáng tạo và tạo được sự bứt phá ngoạn mục, đặc biệt trong công tác biên đạo. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ của Ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống, múa dân tộc cùng những hiệu ứng từ trang phục, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại đã tạo nên một tác phẩm múa thành công.