Giữ gìn bản sắc văn hoá trong thời kì hội nhập kinh tế thế giới

0
181

NSND Lê Ngọc Cường – Nguyên Cục trưởng Cục NTBD

 Do hoàn cảnh lịch sử, thể chế chính trị, trình độ nhận thức, quan điểm thẩm mỹ, đặc điểm văn hoá… mà mỗi giai đoạn cách mạng đặt ra những mục tiêu, định hướng phát triển khác nhau.

    Tại Việt Nam từ trước năm 1986 có ba lĩnh vực hoạt động: y tế – giáo dục – văn hoá nghệ thuật được coi là những lĩnh vực đặc thù, nhạy cảm, có tác động ảnh hưởng trực tiếp đến con người và xã hội, nên nhà nước nắm giữ độc quyền, chỉ những cơ quan đơn vị do nhà nước thành lập mới được phép hoạt động. Nhưng từ sau năm 1986 đến nay, Đảng và nhà nước ta thay đổi cơ chế quản lý, xoá bỏ nền hành chính quan liêu, bao cấp, độc quyền, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

     Với cơ chế, chính sách cởi mở, thông thoáng đã góp phần tạo điều kiện cho nhiều tổ chức cá nhân được quyền tham gia hoạt động, thu hút nhiều nguồn lực đóng góp cho xã hội.

     Trong lĩnh vực nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng đã có nhiều thay đổi chuyển biến tích cực: Số lượng các đoàn nghệ thuật xã hội hoá không ngừng phát triển, mở rộng; chất lượng và số lượng tác phẩm mới có nhiều thay đổi về phương thức sáng tạo và biểu hiện… Nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật trước đây không có, nay được du nhập vào Việt Nam như: Múa hiện đại, múa bụng, múa cột, khiêu vũ thể thao EROPIC, dance sport, thể dục nhịp điệu, thể dục dưỡng sinh, đặc biệt có nhiều điệu nhảy khiêu vũ của các nước châu Âu, châu Mỹ La tinh được giới trẻ yêu thích, đón nhận như một trào lưu, một xu thế. một hiện tượng trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng tại khắp các tỉnh thành: nhảy Hiphop, Pop, Rock, DJ, Samba, Rumba, Cha cha cha, Tango, Paso, Mambo, Pepop, Gavotte, Calypso, Bolero, Slow Rock, Slowsun, Sarabande, Menet, Polca, Polonaise, Raytime, Fandango, Galop, Poston, Valse, Twist, Siwing, Foxtrost… cùng nhiều bộ môn nghệ thuật như: nghệ thuật hoạt náo, nghệ thuật đường phố, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật Body painting (vẽ lên cơ thể).

    Không gian nghệ thuật tổng hợp (kết hợp các video art trưng bày các mô hình sắp đặt, bôi vẽ lên cơ thể, nhốt người vào lồng sắt, gìm người vào bồn tắm…). Các lễ hội hoá trang (Halloween), lễ hội tình yêu (valentine) các game show truyền hình “Thử thách cùng bước nhảy”, “Bước nhảy hoàn vũ”. Cuộc thi “Các tài năng nhí”, trình diễn thời trang, thi hoa hậu, người đẹp v.v…

    Tuy nhiên do sự phát triển quá nóng, quá nhanh, thiếu sự kiểm soát định hướng, thiếu các văn bản pháp quy, sự phối hợp quản lý giữa các cơ quan bộ ngành còn lỏng lẻo, trình độ nhận thức, hiểu biết của cán bộ quản lý văn hoá nghệ thuật còn nhiều hạn chế nên hệ luỵ để lại nhiều tai tiếng, gây bức xúc trong dư luận xã hội. 

   Tôi còn nhớ mấy năm trước Bộ trưởng Phạm Quang Nghị từng nói: “Không phải thế giới có cái gì ta cũng phải có cái đó. Quản lý nghệ thuật là phải biết chọn món ăn tinh thần bổ ích cho người dân, không để người dân tự chọn, họ sẽ chọn phải món ăn độc hại vì quần chúng nhân dân có nhiều đối tượng, nhiều trình độ hiểu biết khác nhau. Tiếp thu văn hoá là tiếp thu cái tốt, cái tinh hoa tiên tiến, phải phù hợp với đặc điểm văn hoá của Việt Nam, không nên tiếp thu một các xô bồ, dễ dãi, thiếu chọn lọc định hướng. Ngay như một sản phẩm hàng hoá: Chiếc tivi, tủ lạnh, xe đạp, xe máy muốn tung ra thị trường cũng phải kiểm nghiệm chất lượng để không gây thiệt hại cho người dân. Quản lý văn hoá nghệ thuật là sản phẩm hàng hoá đặc thù, có tính nhạy cảm, có tác động ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống xã hội nên càng  phải được quản lý chặt chẽ, có mục đích định hướng rõ ràng…”

      Ngày nay Việt Nam đã là thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO); chúng ta quan hệ hợp tác với 185 nước – việc mở của hội nhập kinh tế là xu thế tất yếu – lợi ích đem lại càng lớn thì thách thức càng nhiều, đặc biệt trong lĩnh vực nghệ thuật sẽ có nhiều tác động tiêu cực vì mở cửa thị trường các doanh nghiệp nước ngoài sẽ tràn vào, họ được quyền tham gia cung ứng các dịch vụ văn hoá như: Mở trường đào tạo, thành lập đoàn nghệ thuật, xây dựng rạp hát, rạp chiếu phim, thư viện, bảo tàng, các trung tâm văn hoá, khu vui chơi giải trí v.v…

      Họ có nhiều lợi thế cạnh tranh: Có vốn lớn, có kinh nghiệm quản lý, tổ chức và hoạt động, có công nghệ tiên tiến, có điều kiện trả lương cao nên sẽ thu hút được những người tài – lúc đó các cơ quan nhà nước chỉ còn lại những người chỉ biết trung thành với lý tưởng cách mạng của Đảng nhưng trình độ yếu kém (hiện nay một số thành phố lớn như Đà Nẵng, Khánh Hoà đã mở cửa cho doanh nghiệp Trung Quốc vào thành lập đoàn nghệ thuật – họ trả lương cho diễn viên lên đến 40, 60, 80 triệu đồng/người/tháng).

      Chúng ta nên nhớ – kinh tế thị trường với quy luật giá trị và cạnh tranh, vì mục tiêu lợi nhuận sẽ làm biến đổi mọi giá trị văn hoá truyền thống. Vì vậy, thế giới không có khái niệm “HỘI NHẬP VĂN HOÁ” chỉ có khái niệm “HỘI NHẬP KINH TẾ”. Một khi kinh tế phát triển sẽ tác động đến văn hoá nghệ thuật: Chúng ta sẽ có nhiều cơ hội tiếp xúc, giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, mở rộng quan hệ hợp tác, tiếp cận được nhiều cái mới… Song càng mở rộng giao lưu hợp tác, càng phải giữ vững bản sắc văn hoá truyền thống, để việc “hoà nhập mà không hoà tan” phải có cái riêng độc đáo để khoe với thế giới, không thể lấy cái của người khác mà vỗ ngực rằng mình cũng văn minh tiên tiến.

      Trong suốt 30 năm qua chúng ta đã để phó mặc cho phong trào phát triển, cho du nhập khá nhiều loại hình, bộ môn nghệ thuật xa lạ với quần chúng; trong khi Việt Nam có nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo, hấp dẫn, được thế giới tôn vinh như: Ca trù, hát văn, hát xẩm, hát xoan, ví dặm, quan họ, hát then, đờn ca tài tử, nhã nhạc cung đình, cồng chiêng Tây Nguyên, nghệ thuật bài chòi… lại không được quan tâm phát triển.

        Đã nhiều lần Bộ VHTTDL mong muốn ngành múa có một điệu vũ tập thể cho sinh hoạt cộng đồng như các nước: Lào, Campuchia, Mianma, Thái Lan, Miến Điện, Malaysia, Trung Quốc, Ấn Độ… nhưng đến nay vẫn không có được. Vì vậy, trong sinh hoạt văn hoá cộng đồng, giới trẻ Việt Nam từ bộ đội, công nhân, học sinh, sinh viên biết khá nhiều điệu vũ Quốc tế, nhưng không có một điệu vũ nào của Việt Nam được thế giới biết đến. Trong nhiều cuộc sinh hoạt tại các cơ quan, đơn vị, trường học, thậm chí trong chương trình giao lưu “Chúng tôi là chiến sĩ” ở đâu cũng thấy múa hiện đại, nhảy Hiphop rất phản cảm, không còn tư chất của một người lính nhưng vẫn được mọi người cổ xuý, hò reo tán thưởng. Họ coi đó như là một nét văn minh, hiện đại của người lính cụ Hồ thời hiện đại. Kính thưa quý vị – Bàn đến vấn đề giữ gìn bản sắc văn hoá trong nghệ thuật múa có nhiều nội dung cần xem xét, trao đổi song trong bài viết này tôi xin đề cập một khía cạnh tưởng chừng rất nhỏ nhưng lại có ảnh hưởng rất lớn đến đặc điểm phong cách, bản sắc văn hoá.

      Như chúng ta biết: Múa dân gian, dân tộc rất phong phú, đa dạng và đặc sắc; mỗi dân tộc có phương pháp tư duy, biểu đạt hiện thực khác nhau; ngay như cách hô hoán, hò reo, biểu lộ cảm xúc cũng mỗi dân tộc một khác

+ Người Tày khi múa họ thường hô: pố thế khảu thế mạ, pố thế mạ thế pẻn – du huých, du huých, du huých.

+ Người Dao lại hô: hồ hà hề, hồ hà hề – hoặc: phế lô, phế lô, phế lô.

+ Người Nùng hô: Ma kẻng cỏ, ma kẻng cỏ, áy na ma kẻng cỏ.

+ Người Lô Lô lại hô: hay chà, hay chà, hay chà hay chà hay chà.

+ Người Khơ me Nam bộ hô theo cách rung đầu lưỡi: Rư…rư…rư… bớ, bớ, bớ tà tình bớ bớ…

+ Các dân tộc vùng Tây Nguyên lại hô theo kiểu cúng giàng, hú gọi thần linh: jook…jook…jook yăng.

+ Người Việt (Kinh) hô theo cách gọi hồn, gọi vía nên chỉ hô một tiếng Hú kéo dài: Hú… hà, hú… hồ…

+ Người Lào lự thường hô: Xơi xơi xơi – hoặc: Mư, mư, mư.

+ Người Xá hô: mế cọ, mế cọ, mế cọ.

Khi mô phỏng một con chim: người Việt sử dụng động tác xiến, hai tay vẫy cánh mềm mại để biểu hiện “con cò bay lả bay la” – người Jarai lại dùng động tác nhảy rung, hai tay sải cánh như một cách chim đại bàng tung bay giữa đại ngàn cao nguyên – người Cao Lan dùng động tác nhảy lách tách, cánh tay vẫy lên xuống như chú chim sâu đang nhảy nhót giữa trưa hè oi ả.

Hoặc mô phỏng động tác phi ngựa cũng mỗi dân tộc có cách biểu đạt khác nhau – việc sử dụng đội hình, tuyến múa cũng khác nhau:

Múa Chăm cung đình: động tác thường co gập, gấp khúc, sử dụng đội hình và tạo hình đăng đối (biểu tượng cho đài sen, đài hoa, tượng tháp) thường nhún vào nhịp ngoại (gọi là nhún hẫng ngoài nhịp)

Múa người Việt tính chất mềm mại, duyên dáng thiên về giai điệu, luật động của tay nhiều hơn chân, có ít động tác kĩ thuật nhảy cao, nhảy xa, quay nhảy lớn – ưa sử dụng đội hình 4 góc vuông (lối múa cửa đình, cửa chùa) hoặc đội hình hai hàng dọc quay mặt vào nhau, đội hình mũi tên, tuyến múa bằng chữ Hán (Thái bình thiên phúc, Vạn thọ an khang, Đăng trà quả thực) khi múa nhịp mạnh nhún xuống, nhịp nhẹ nẩy lên. Khác với múa Khơ me nhịp mạnh nẩy lên, nhịp nhẹ nhún xuống, trong khi người Thái lại nhún trượt, nhún võng, tạo cảm giác bồng bềnh, ưa sử dụng đội hình cuộn đuổi (gọi là: cáp bổ xúng xai = đàn bướm nối đuôi nhau) đội hình “phá phét” (cầm nón, quạt, khăn, đàn, quả nhạc lao vào nhau nên gọi là “phá pét”) sử dụng nhiều bước nhảy “tó cáy = chọi gà” để chuyển đổi đội hình, tuyến múa – trong khi múa H’Mông ít có đội hình, chỉ có tuyến múa vì họ thường múa một người nên sử dụng nhiều tuyến múa zic zắc, xoay đổi đột ngột, dáng người co gập, lầm lũi, các bước đi, bước nhún đều nhún đầu gối ghìm xuống đất, sử dụng nhiều kỹ thuật quay, nhảy, đá chân, đập chân, đánh chân, ngồi lết, quay xoáy, quay nhích gót, hất gót .v.v.

      Có thể nói, còn rất nhiều những điều tưởng như đơn giản nhưng nó lại là những nét biểu hiện cho đặc điểm, tính cách, phong cách, bản sắc riêng của múa dân gian Việt Nam

      Chính vì lẽ đó nên việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc cần phải được coi trọng. Chúng ta không thể để cho phong trào phát triển một cách tự phát, thiếu định hướng.

Như chúng ta đã thấy, không phải ngẫu nhiên trong nhiều năm qua nhà nước lại xếp các hội văn học nghệ thuật là tổ chức hội mang tính chất “đặc thù” được hỗ trợ mỗi năm bảy tám tỷ đồng cho hoạt động sáng tạo tác phẩm. Trong đó nêu rõ: Cần ưu tiên cho các đề tài về truyền thống văn hoá dân tộc. Đề tài lịch sử đấu tranh cách mạng, phản ánh về công cuộc đổi mới của Đảng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ca ngợi những nhân tố tích cực, tiêu biểu trong xã hội. Đặc biệt ưu tiên về đề tài thanh thiếu niên nhi đồng. Đề tài về dân tộc thiểu số miền núi, về nông thôn mới. Chống tư tưởng “Diễn biến hoà bình, hận thù dân tộc, chống phá cách mạng Việt Nam, xâm phạm chủ quyền biên giới, hải đảo v.v…”

Với chức năng, nhiệm vụ của một tổ chức hội mang tính chất “đặc thù” chúng ta cần quan tâm chỉ đạo, định hướng cho sự phát triển. Những đồng chí được phân công theo dõi, chỉ đạo hoạt động phong trào phải thấm nhuần quan điểm của Đảng, nắm chắc tình hình thực tiễn, tổ chức các hội nghị, hội thảo, lớp tập huấn, nhằm nâng cao trình độ nhận thức cho hội viên. Chỉ ra những khuynh hướng lệch lạc trong hoạt động phong trào. Có như vậy mới không phụ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với văn hoá, nghệ thuật nói chung, nghệ thuật múa nói riêng. Đáp ứng nhu cầu phát triển ngày càng cao của đời sống xã hội.