Tìm hiểu về múa dân tộc Kinh qua tác phẩm “Sắc gốm”

0
372

Phương Lan

Là một giảng viên múa dân tộc Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh, biên đạo múa NSƯT Tạ Thùy Chi luôn cảm thấy tràn đầy tình yêu và nhiệt huyết với các chuyển động duyên dáng, uyển chuyển của các động tác tay không trong phần múa của dân tộc Kinh. Thùy Chi luôn trăn trở rằng tại sao các động tác đẹp như thế lại không được sử dụng triệt để trong các tác phẩm múa độc lập để giới thiệu đến với khán giả, để mọi người dân được thưởng thức và hiểu hơn về nét đẹp của nghệ thuật múa dân tộc mình.

May mắn năm 2021, NSƯT Thùy Chi nhận được lời mời tham gia vào đội ngũ sáng tạo cho chương trình nghệ thuật tham gia Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc từ Ban lãnh đạo Đoàn Ca múa nhạc dân tộc thuộc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Dương. Yêu cầu đặt ra là xây dựng chương trình nghệ thuật mang đậm nét đặc trưng văn hóa của tỉnh Bình Dương. Sau những buổi thảo luận, trao đổi và đi khảo sát thực tế địa bàn cùng ekip của mình, Thùy Chi đã đảm nhận và bắt đầu lên ý tưởng biên đạo tác phẩm múa có tên “Sắc gốm”. Thùy Chi cho biết, cô may mắn được người bạn thân thiết – biên đạo múa Nguyễn Đinh Bảo Bảo hỗ trợ rất nhiều, đặc biệt là việc lên ý tưởng trong quá trình dàn dựng. Chính vì vậy, biên đạo múa Bảo Bảo cũng chính là đồng biên đạo của “Sắc gốm”.

Nhìn những sản phẩm gốm sứ, Thùy Chi nghĩ đến những cô thiếu nữ kiêu sa, duyên dáng, thanh thoát. Quy trình để làm nên sản phẩm gốm hay các họa tiết tỉ mỉ, tinh tế trên các tác phẩm gốm tựa như sự mềm mại, duyên dáng của đôi bàn tay người diễn viên múa khi thể hiện các động tác múa của dhân tộc Kinh. Chính vì vậy mà tác phẩm múa “Sắc gốm” không cần đến sự hỗ trợ của bất kỳ đạo cụ nào.”- biên đạo múa Thùy Chi chia sẻ về những ngày đầu tìm kiếm ý tưởng cho tác phẩm của mình. 

Theo kế hoạch ban đầu, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Dương sẽ tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc đợt 1. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp nên chương trình của đoàn đã bị lùi lịch vào đợt 2. Do đó, nếu tính từ lúc lên ý tưởng cho đến ngày tác phẩm được hoàn chỉnh và trình diễn trên sân khấu tại thành phố Buôn Mê Thuột thì “Sắc gốm” đã trải qua tròn một năm để hoàn thiện.

Kỷ niệm khó quên nhất có lẽ là ngày đầu lên sàn tập, cả biên đạo và các  diễn viên tập quay miệt mài, quay đến nỗi hầu như tất cả diễn viên và biên đạo đều phải bám chặt lấy mặt đất không đứng lên nổi vì chóng mặt và buồn nôn. May mắn solist Nguyên Thảo đã làm rất tốt vai trò của mình sau thời gian dài kiên trì tập luyện và thể hiện rất ấn tượng vào buổi thi. Nói về những khó khăn trong quá trình luyện tập thì phần “Nung gốm” trong tác phẩm múa “Sắc gốm” cũng là một thử thách cho ekip. Thùy Chi và Bảo Bảo đã nghĩ ra rất nhiều cách để biên bài, thậm chí thay đổi các phiên bản không dưới 10 bản để tìm kiếm sự phù hợp. Sự thay đổi này cũng là thử thách lớn cho diễn viên vì phải thay đổi phương án liên tục. Ngoài ra trang phục cũng là một vấn đề gây nhiều khó khăn trong quá trình hoàn thiện tác phẩm. Câu hỏi đặt ra là phải làm sao để ra được đúng chất dân tộc Kinh, phải tôn lên được vẻ đẹp nhưng không quá cầu kỳ mà lại không bị đánh mất đi nét tinh tế. Đặc biệt phải thể hiện được ý đồ khi thay từ màu đất sang màu men trắng và cuối cùng mới xuất hiện các dải họa tiết màu được biên đạo Thùy Chi yêu cầu vẽ y nguyên như trên các sản phẩm gốm sứ mà cô đã chụp lại khi thăm quan lò gốm. Diễn viên có hôm mất hẳn một ngày chỉ để giải quyết xử lý phục trang trong lúc múa như thế nào và họ đã rất kiên nhẫn thử đi thử lại cho đến khi đạt yêu cầu. Thùy Chi cảm thấy bản thân thật may mắn khi nhận được sự hỗ trợ vô cùng nhiệt tình từ người anh phụ trách về phục trang. Anh đã tìm mọi cách để trang phục đáp ứng được tất cả những gì biên đạo mong muốn. Chính vì sự giúp đỡ hết lòng của nhạc sĩ, thiết kế trang phục, biên đạo Bảo Bảo, 12 diễn viên múa tham gia tác phẩm và bạn bè, đồng nghiệp…nên Thùy Chi đã dốc hết sức lực cho tác phẩm và cảm thấy những khó khăn, vất vả trong quá trình tập luyện trở nên đơn giản, không đáng để nhắc đến nhiều. 

Nhắc đến thành công của tác phẩm, không thể không nhắc đến linh hồn của tác phẩm là âm nhạc. Thùy Chi đã tìm đến nhạc sĩ Minh Hoàng để trình bày ý tưởng và miêu tả về kết cấu tác phẩm. Mặc dù lần đầu tiên thử sức với sáng tác nhạc dành cho tác phẩm múa độc lập nhưng nhạc sĩ Minh Hoàng đã khiến biên đạo múa Thùy Chi thực sự bất ngờ khi mọi hình tượng trong âm nhạc của anh đúng như Chi mong đợi. Giai điệu nhẹ nhàng, tinh tế với các hiệu ứng rất đặc biệt, khiến người nghe muốn đứng lên và hòa mình cùng với tác phẩm. Thùy Chi chia sẻ, cô và nhạc sĩ Minh Hoàng đều có rất nhiều cảm xúc mỗi lần xem tác phẩm dù là khi tập luyện, tổng duyệt, hôm thi chính thức hay cả khi xem lại “đứa con tinh thần” của mình khi cuộc thi đã kết thúc. Sự kết hợp hoàn hảo của tư duy và hai tâm hồn đồng điệu đã khiến tác phẩm được khán giả yêu mến đón nhận và Hội đồng Ban giám khảo Liên hoan Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp Toàn quốc đợt 2 năm 2021 Trao Huy chương Vàng cho “Sắc gốm”.