Chất liệu múa dân tộc – “Kho báu” đang bị hoài phí

0
265

Phương Lan

“Đãi cát tìm vàng”   

Việt Nam là quốc gia đa dân tộc, bởi vậy có sự phong phú về văn hóa, đặc biệt là có nền nghệ thuật múa dân gian dân tộc rất phát triển. Mỗi dân tộc có những điệu múa mang những nét đặc trưng, bản sắc riêng, gắn với tâm hồn, tính cách của con người trên mảnh đất ấy. Tuy nhiên, kho di sản quý giá này vẫn chưa được đi sâu khai thác hết, rất nhiều điệu múa dân tộc chưa được giới chuyên môn biết đến, chưa được đưa vào giảng dạy trong các trường nghệ thuật. Nếu không kịp thời bảo tồn, lưu giữ thì rất có thể di sản này sẽ có nguy cơ mai một và mất đi. 

Vào những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, ngành múa cũng đã có một thế hệ đi tiên phong, mở đường cho sự nghiệp nghiên cứu, tìm kiếm chất liệu múa các dân tộc Việt Nam. Trong thời kỳ còn nhiều khó khăn ấy, sau mỗi lần góp nhặt, “đãi cát tìm vàng”, các thế hệ tiền bối đã mang về kết quả rất khả quan, là bộ sưu tầm chất liệu múa dân tộc khá đồ sộ, hiện đang được giảng dạy tại các trường múa, trường nghệ thuật trên cả nước. Nhưng tất cả vẫn chưa thấm vào đâu so với sự đa dạng và phong phú thực có của múa dân tộc. Khi ấy công nghệ trong lưu trữ còn ít được biết đến nên kho tư liệu về hình ảnh động/tĩnh (video, hình ảnh) có liên quan đến nguồn gốc các chất liệu múa hầu như rất ít. Đứng trước sự “khan hiếm” chất liệu ấy, không phải những người làm nghề không nhận thức được tầm quan trọng của các điệu múa dân gian, dân tộc, nhưng để đi từ nhận thức tới thực hiện thì còn nhiều vấn đề và nhiều khó khăn chưa thể bước qua.

Thực tế những năm gần đây, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và một số trường trường nghệ thuật như Học Viện Múa Việt Nam; Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc; Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc;… đã tổ chức những chuyến đi thâm nhập thực tế ở các vùng miền, tuy nhiên cũng chưa khai thác hết được chất liệu múa của các dân tộc, đặc biệt là những dân tộc vùng sâu, vùng xa. Điều này một phần do nguyên nhân chủ quan bởi chúng ta chưa có nhân sự chuyên nghiệp cho công việc này nên việc thực hiện chưa thực sự đầy đủ và đúng phương pháp, đôi khi việc sưu tầm còn thực hiện đơn lẻ, tản mạn. Mặt khác, nguyên nhân khách quan là bởi khó có cơ hội để chứng kiến những hình thức múa trong môi trường sinh hoạt văn hóa truyền thống của chúng. Rất nhiều điệu múa dân tộc, đặc biệt là các dân tộc ít người chỉ được thực hiện trong một dịp nhất định, tại một không gian riêng mà không tiến hành tùy tiện ở bất kì thời điểm nào. Những cái khó này cộng với những hạn chế về thời gian và nguồn kinh phí khiến cho công tác sưu tầm múa dân tộc vẫn chỉ ở những bước nhỏ lẻ, chưa có những công trình bao quát toàn bộ và có hệ thống.

NGƯT Đỗ Thu Hằng – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam (nay là Học Viện Múa Việt Nam), người từng đóng góp rất nhiều cho công tác nghiên cứu, sưu tầm chất liệu múa của Trường chia sẻ: “Được sự ủng hộ của Ban Giám hiệu nhà trường, tập thể giảng viên Khoa Múa Dân tộc đã từng tổ chức được nhiều đợt đi sưu tầm chất liệu múa. Sau các chuyến đi thực tế tìm kiếm chất liệu, lãnh đạo nhà trường, các chuyên gia và các giảng viên đã ngồi lại bàn bạc, thống nhất và tiến hành xây dựng giáo trình. Khách quan mà nói thì các chất liệu múa dân tộc được đưa vào giáo trình dựa nhiều trên những tư liệu tìm kiếm của các thế hệ nhà giáo lão thành từ những năm mới thành lập nhà trường. Khi ấy các thầy cô thực hiện các chuyến đi rất tâm huyết theo đúng phương châm 3 cùng: Cùng ăn – Cùng ở – Cùng làm với bà con dân tộc để học hỏi và tìm kiếm chất liệu múa trong chính môi trường truyền thống của các điệu múa ấy. Hiện nhà trường đã đưa vào giảng dạy múa của 18 dân tộc là Kinh, Tày, Thái, Dao, H’Mông, Cao Lan, Khơ Mú, Lô Lô, Chăm, Chăm H’roi, Khơ Me, Cơ Tu, Xơ Đăng, Ê đê, Cơ Ho, Ba Nai, Gia Rai, T’Đrá với 7 cuốn giáo trình đã được xuất bản là Múa dân tộc Kinh, Tày, Thái, Chăm, Ba Na, Gia Rai, Cơ Tu.”

Nhìn lại thế hệ đi trước, chúng ta thấy rất nhiều tác phẩm múa dân tộc rất hay và ý nghĩa của các biên đạo múa như: NSND Hoàng Châu với phẩm múa dân tộc Thái “Tây Bắc vui tươi”- Tác phẩm sử dụng chất liệu múa dân tộc thiểu số đầu tiên trong sáng tạo múa chuyên nghiệp. NSND Hoàng Châu và NSND Phùng Nhạn đã cho ra đời múa “Chim Gâu” dựa trên việc tìm kiếm chất liệu từ múa dân gian Cao Lan. NSND Chu Thúy Quỳnh với tác phẩm múa “Mùa xuân trên bản H’mông” từ chất liệu múa dân tộc H’mông. NSND Lê Ngọc Canh với các tác phẩm “Hứng nắng” từ chất liệu múa Tày, múa “Cây bông” từ chất liệu múa Chơro; NSND Ứng Duy Thịnh với tác phẩm “Đàn Chim Công”; NSND Y Brơm với  “Tiếng trống Tây Nguyên”… Đây là những “trái ngọt” trong hành trình tìm kiếm chất liệu và ý tưởng múa rất gian nan, vất vả mới có được.

Cần chiến lược dài hơi

Kho tàng văn hóa phong phú và quý giá của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S Việt Nam đã “dệt” nên “tấm thổ cẩm” nghệ thuật rực rỡ sắc màu. Các nghệ sĩ, các biên đạo nếu biết dựa vào nền tảng vững chắc này sẽ góp nhặt được vô số chất liệu quý giá cho các tác phẩm của mình. Việc chưa khai thác hết chất liệu múa dân tộc tưởng chừng đơn giản nhưng đôi khi cũng kéo theo những hệ lụy không nhỏ. Nhìn ra thực tế hoạt động biểu diễn hoặc trong các đợt hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc những năm gần đây chúng ta thấy xuất hiện một số tác phẩm múa của các dân tộc như: La chí, Pu péo, Hà nhì, Phù lá, Sán Chay, Pa Dí…Tuy nhiên chất liệu múa của những dân tộc này chưa có trong hệ thống giáo trình đào tạo múa dân gian các dân tộc Việt Nam của các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên cả nước. Đôi khi trong các động tác múa ấy khán giả lại gặp nét “thân quen” ở một dân tộc khác nhưng lại khó có cơ sở để đánh giá, kiểm chứng. Hiện nay quá trình giao thoa và tiếp biến văn hóa diễn ra ngày càng mạnh mẽ, làm nảy sinh hiện tượng đánh mất bản sắc, thậm chí là tiêu biến nhiều di sản văn hóa, nhất là đối với những nhóm dân tộc đặc biệt ít người. Đôi khi biên đạo nhầm lẫn múa của dân tộc này với dân tộc khác, âm nhạc hay trang phục của dân tộc này với dân tộc khác rồi “chắp vá” một cách tùy tiện mà ít quan tâm đến việc sưu tầm, nghiên cứu về giá trị nội dung tư tưởng và giá trị nghệ thuật của điệu múa đó. Qua đây mới thấy những cuộc cất công tìm tòi chất liệu, “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với bà con dân tộc là những trải nghiệm vô giá cho các biên đạo, diễn viên muốn hết mình với những điệu múa của dân tộc. “Mảnh đất màu mỡ” ấy sẽ giúp nảy sinh những tác phẩm múa đáng quý nếu chúng ta chịu bỏ công, bỏ sức ra “gieo trồng và chăm bón”.

Thực tế hiện nay chúng ta thấy những nghệ nhân – người nắm giữ di sản truyền thống đa phần đều đã già yếu, bởi vậy rất nhiều điệu múa, dân ca, dân vũ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ của người già, hoặc mai một hẳn, không ai còn nhớ đến. Dưới tác động của cơ chế thị trường, hầu như các thôn bản đều có đội ngũ không chuyên nhảy múa lại những điệu múa cho khách du lịch đến xem, cứ như vậy tất yếu sẽ ảnh hưởng đến việc trao truyền không còn sự chính xác. Chính vì vậy, việc xây dựng dự án mang tính chiến lược cho công tác tìm kiếm, sưu tầm và xây dựng bộ tài liệu chuẩn cho múa dân tộc là việc làm vô cùng cần thiết, cần phải thực hiện với sự chung tay của Nhà nước, các cơ quan chức năng, các trường đào tạo múa, các nghệ sĩ múa và các nghệ nhân của các dân tộc. Việc chung tay góp sức này không chỉ khiến cho công tác sưu tầm được thực hiện đồng bộ, bài bản, đúng hướng và mang lại hiệu quả mà còn giúp nâng cao nhận thức về hoạt động bảo tồn văn hóa, khơi dậy niềm tự hào và tình yêu của các thế hệ người dân đối với các di sản văn hóa quý báu của cha ông. Quá đó, biến nghệ thuật múa dân tộc trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, đặc thù, nhằm làm giàu cho chính mảnh đất nuôi dưỡng các điệu múa ấy.