Khi cơn lũ đi qua, còn tình người ở lại

0
137

Ngay khi đợt mưa lũ thứ 2 đang càn quét qua các tỉnh miền Trung, cũng là lúc Ban chấp hành nhiệm kì VII của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam vừa mới chân ướt, chân ráo nhận nhiệm vụ ; Thế nhưng ai nấy đều sốt sắng, lo lắng, thương cảm trước tình hình mưa lũ gây bao khốn khó cho đồng bào miền Trung. Vì thế, dẫu bao việc còn bộn bề, tồn đọng cần phải bàn giao, tiếp quản, nhưng hơn tất cả là tình cảm, tình người trong lúc khó khăn, hoạn nạn có nhau nên Ban chấp hành nhiệm kì VII đã nhanh chóng huy động các nghệ sĩ, tiêu biểu là các hội viên của Hội cùng “đồng lòng chung sức” hướng về miền Trung ruột thịt bằng chính “sản vật” của người nghệ sĩ ấy là những điệu múa, bài ca cùng nhau hội tụ trong chương trình nghệ thuật “miền Trung trong tôi”.

Vậy là chỉ trong vòng chưa đầy một tháng mà các biên đạo, nghệ sĩ múa của chúng tôi đã xây dựng được một chương trình nghệ thuật thiện nguyện gây quỹ ủng hộ đồng bào miền trung với một tinh thần hết sức tự nguyện, đậm tấm chân tình tương thân, tương ái. 

Mở đầu chương trình nghệ thuật “Miền Trung trong tôi” là Tổ khúc hát múa: “Thương về miền Trung” gồm các tác phẩm ca ngợi tình người, tình đời trong khó khăn, hoạn nạn vẫn cùng nhau vượt qua những gian lao, vượt qua bão lũ, thiên tai vẫn kề vai sát cánh, nương tựa, bao bọc nhau đầy nghĩa tình. Đó là tác phẩm múa “Tình người miền Trung” do biên đạo Hải Trường sáng tác; Tác phẩm múa “Mùa lũ” do NSND Ngọc Bích biên đạo, dàn dựng; tác phẩm “Vượt lũ” do NSƯT Tuấn Ngọc – Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội sáng tác. Rồi những ca khúc “Màu hoa đỏ” của nhạc sĩ Thuận Yến, do ca sĩ – NSƯT Thanh Tâm biểu diễn; màn hát múa “Thương lắm miền Trung ơi!” của nhạc sĩ Hoài Duy do tốp nam ca sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân đội thể hiện; Ca khúc “Cảm ơn mẹ” của Nhạc sĩ Đức Trịnh, do ca sĩ Cẩm Tú biểu diễn; Ca khúc “Vững lòng miền Trung” của nhạc sĩ Hoàng Bảo, do ca sĩ Nam Giang biểu diễn.

Những tác phẩm ca, múa, nhạc trong tổ khúc hát múa “Thương về miền Trung” đã khiến khán giả dự xem buổi biểu diễn hôm đó không khỏi bồi hồi xúc động, nhiều khán giả xúc động không cầm nổi nước mắt. 

Sau màn Tổ khúc hát múa “Thương về miền Trung” đầy bồi hồi, thương cảm  khiến người xem như chìm vào không gian đầy gian lao, vất vả của người dân miền Trung. Vâng, đã có những hi sinh, đã có những mất mát, thương đau nhưng không vì thế mà ta cảm thấy bi lụy, chùn bước mà ngược lại trong tình cảnh ấy, những người con đất Việt lại càng đoàn kết, thương yêu, đùm bọc nhau hơn. Và đó cũng là lí do, là mong muốn thông qua chương trình nghệ thuật này, Ban tổ chức chúng tôi có thể huy động tinh thần và vật chất để ủng hộ đồng bào miền Trung thương yêu. 

Có thể nói, ngay khi có thông tin về chương trình nghệ thuật bắt đầu được triển khai dàn dựng đã có rất nhiều nghệ sĩ múa, nhiều hội viên của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam trên mọi miền tổ quốc, cả những nghệ sĩ – kiều bào nước ngoài cũng hào hứng đóng góp, ủng hộ cho chương trình nghệ thuật vì đồng bào miền Trung.

Nhất là trong đêm diễn ra chương trình nghệ thuật “Miền trung trong tôi”, ngay trên sân khấu của chương trình – sau khi kết thúc màn I với tổ khúc hát múa “Thương về miền Trung” thì hòm gây quỹ ủng hộ đồng bào miền Trung của Ban Tổ chức đã nhận được rất nhiều tấm lòng hảo tâm của đông đảo khán giả nhiệt tình đến xem và ủng hộ trực tiếp ngay tại đêm diễn. Điều đó khiến Ban Tổ chức chúng tôi – Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam vô cùng cảm động và trân trọng nghĩa cử cao đẹp và tinh thần “nhường cơm sẻ áo” của công chúng – khán giả.

Chỉ cần chúng ta đoàn kết, thương yêu, đùm bọc lẫn nhau thì dẫu có khó khăn, gian nan đến mấy nhất định chúng ta sẽ vượt qua để cùng nhau vươn tới một ngày mai ngập tràn năng lượng, vươn tới một tương lai tươi sáng, rạng ngời. 

Phần II của chương trình với những khúc ca chan chứa niềm tin, hi vọng và căng tràn nhựa sống như: Hát múa “Bài ca hi vọng”, “Tuổi hai mươi”, “Gió mùa về”, “Việt Nam ơi”  do các ca sĩ Trang Trần, Thu Hường, Ngọc Khuê,  và tốp ca nam Ngọc Linh, Thế Dũng, Tuấn Dũng thể hiện đan xen với những vũ điệu đầy chất thơ mộng, yên bình, nhưng cũng không kém phần sôi động được thể hiện qua các tác phẩm: “Le Bargeois”, “Tâm” “Bốn mùa” và điệu nhảy “Nhịp điệu trẻ” do biên đạo: NSND Hồng Phong, NSƯT Như Quỳnh, biên đạo Vũ Khánh, biên đạo Sao Mai sáng tác và dàn dựng dưới sự thể hiện của nghệ sĩ múa Đức Hiếu, Nhóm Muca, Nhóm Bnashor và tập thể diễn viên Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam biểu diễnđã thổi vào chương trình nghệ thuật “Miền Trung trong tôi” một luồng sinh khí mới tựa như lời nhắn gửi tới đồng bào miền Trung rằng các bạn sẽ ổn, rằng có chúng tôi đây – có đồng bào, tổ quốc sẽ luôn đồng hành cùng các bạn; rằng “qua cơn bĩ cực, tới ngày thái lai”; rồi qua cơn hoạn nạn, cuộc sống sẽ lại hồi sinh, hãy vững tin vào một tương lai tốt đẹp.

“Miền trung trong tôi” thực sự mang lại cho công chúng – khán giả không chỉ là một món ăn tinh thần về nghệ thuật mà hơn thế nó lan tỏa, lắng đọng trong lòng mỗi người xem chúng tôi những cảm xúc bồi hồi xúc động khôn tả. Nó đã truyền tải bức thông điệp đầy tính nhân văn về tình yêu quê hương, đất nước, về tinh thần tương thân, tương ái. Xin cảm ơn Ban tổ chức, cảm ơn Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã cho công chúng – khán giả chúng tôi được thưởng thức một buổi biểu diễn đầy dư vị nghệ thuật và chan chứa tình người, tình đời.