Biên đạo múa – một nghề thật lắm công phu!

0
329

 Phương Lan

Trong tác phẩm múa, biên đạo múa là người lên ý tưởng kịch bản, chịu trách nhiệm dàn dựng, từ sáng tác vũ điệu, chỉ đạo nghệ thuật cho vũ công, cho đến dàn dựng, sắp đặt các tiết mục trên sân khấu… Như vậy, để có được tác phẩm múa hấp dẫn khán giả, ngoài sự cố gắng, nỗ lực tập luyện của những vũ công thì người biên đạo múa là yếu tố quyết định. 

Theo đánh giá của giới chuyên môn, thời gian gần đây, nhiều biên đạo múa trẻ có những tìm tòi, sáng tạo và cho ra đời những tác phẩm múa chất lượng cao. Từ việc khai thác đề tài đa dạng, đến cách thể hiện bố cục, tạo hình chuyển hóa luật động, tuyến múa hợp lý… Trong đó, có những đề tài, những nội dung mới nghe qua tưởng chừng rất khó thể hiện bằng ngôn ngữ múa, nhưng các biên đạo trẻ vẫn tìm được cách nói riêng, thông qua thủ pháp ước lệ, cách điệu, trừu tượng hóa mà dễ hiểu, dễ xem, tạo cảm xúc và đem lại khoái cảm thẩm mỹ cho khán giả.

Tuy nhiên, bên cạnh những điểm mạnh đáng ghi nhận đó thì tình trạng múa minh họa, phụ họa khá “lộn xộn” như hiện nay khiến chúng ta cần phải suy ngẫm một cách nghiêm túc về vấn đề vai trò của người biên đạo.

Phóng viên (PV) Tạp chí Nhịp Điệu đã có cuộc trò chuyện ngắn với NSND Công Nhạc – người thầy của rất nhiều thế hệ biên đạo múa, nghệ sĩ múa thành danh, người gây dấu ấn khó phai trong vai trò biên đạo múa của nhiều vở diễn nổi tiếng một thời như “Bài ca chim ưng”, “Tranh tứ bình”, “Tiếng trống Xô Viết”, “Bên dòng Lô năm xưa”, “Ngôi sao Đồng Lộc”, “Tiếng gọi nơi hoang dã”, “Huyền thoại mẹ”, “Trương Chi”…

PV: Để trở thành một biên đạo múa giỏi với những tác phẩm ghi dấu trong lòng khán giả, người biên đạo múa cần có những yếu tố gì thưa bác?

NSND Công Nhạc: Để trở thành một biên đạo múa giỏi, có thể ra làm nghề một cách chân chính và sáng tạo ra nhiều tác phẩm đỉnh cao, người biên đạo cần rất nhiều yếu tố, nhưng trước hết cần phải được học hành, đào tạo bải bản về ngành biên đạo múa. Bên cạnh đó, đã là biên đạo múa thì họ cần phải có tư duy sáng tạo nghệ thuật, nhanh nhạy nắm bắt các trào lưu, xu hướng nghệ thuật thế giới để khéo léo biến hóa trong quá trình xây dựng các tác phẩm múa của mình. 

Ngoài tình yêu với nghề, họ cần chịu khó rèn luyện, học hỏi, thích tìm tòi, khám phá chất liệu múa từ chính cuộc sống để phản ánh một cách sáng tạo vào tác phẩm của mình. Có như vậy thì mới tạo được dấu ấn riêng, không lẫn với các biên đạo khác.

Điều đặc biệt, người biên đạo múa phải là người có khả năng cảm thụ âm nhạc thật tốt, khai thác được hình tượng âm nhạc để xử lý được thủ pháp nghệ thuật múa. Nói cách khác, người biên đạo múa phải xây dựng được hình tượng múa trên hình tượng âm nhạc, từ đó mà quyết định tới cấu trúc, ngôn ngữ múa.

PV: Theo bác, so với các thế hệ biên đạo đi trước, thế hệ biên đạo trẻ hiện nay có những thuận lợi và hạn chế gì thưa bác?

NSND Công Nhạc: Thời của các bác trước kia, những người đi học biên đạo múa thường đã kinh qua nhiều năm làm diễn viên múa rồi, bởi vậy có tuổi đời khá lớn. Kinh nghiệm từng trải thì có, nhưng ở lứa tuổi đó thì khả năng tiếp nhận về mặt kỹ thuật, khả năng thích ứng với thời cuộc có nhiều hạn chế… 

Hiện nay các em sinh viên theo học biên đạo múa ở tuổi đời còn khá trẻ, các bạn ấy nắm bắt và nhập cuộc vào dòng chảy hiện đại rất nhanh. Xã hội ngày càng phát triển và đẩy mạnh giao lưu hội nhập, các biên đạo múa của chúng ta có cơ hội được đào tạo bài bản hơn, thậm chí được học tập và cọ xát với môi trường quốc tế từ rất sớm. Từ việc được học hành bài bản, được tiếp xúc với nhiều thể loại múa, các biên đạo múa trẻ đã có nhiều sáng tạo mới lạ mang “hơi thở” đương thời.

Tuy nhiên, những thuận lợi đó cũng có thể trở rào cản nếu các biên đạo không có ý thức xây dựng phong cách riêng cho sự nghiệp của mình. Học hỏi để chắt chiu vốn sống, kinh nghiệm làm nghề, nhưng không ít biên đạo do ỉ lại, cộng với nhận thức còn hạn chế nên đã sử dụng ngôn ngữ múa một cách pha trộn, “copy” của người khác một cách cẩu thả. Rồi cũng chính từ việc không được đào tạo bài bản mà tình trạng nhầm lẫn các loại hình múa, “chắp vá” một cách tùy tiện xảy ra thường xuyên. Bên cạnh đó là việc sử dụng yếu tố hiện đại một cách nửa mùa, lạm dụng quá nhiều phương tiện kỹ thuật để hỗ trợ hiệu ứng, khiến cho các tác phẩm mất đi nét dung dị vốn có.

PV: Là thế hệ đi trước, từng kinh qua nhiều vị trí quản lý và là người thầy của rất nhiều thế hệ nghệ sĩ, biên đạo múa thành danh, bác có lời khuyên nào cho các biên đạo trẻ hiện nay không ạ?

NSND Công Nhạc: Khi giảng dạy, bác thường khuyến khích sinh viên của mình phải có cá tính sáng tạo riêng. Muốn vậy các bạn phải chịu khó trau dồi, học hỏi, tìm tòi trong cách tiếp cận, khai thác chất liệu cuộc sống để từ đó phản ánh sinh động nhiều mặt của đời sống xã hội vào tác phẩm của mình. Đừng hiện đại hóa dân tộc mà hãy nắm thật chắc luật động, thủ pháp của hiện đại để dân tộc hóa hiện đại, đừng đánh mất đi tính dân tộc của mình.

Hãy chủ động nhập cuộc vào dòng chảy đương thời, sáng tạo, tiếp thu thêm nhiều động tác mới, đan cài các động tác quay, nhảy hiện đại từ ballet, vì ballet là nền tảng của nghệ thuật múa chuyên nghiệp đỉnh cao và những luật động của ballet sẽ làm chuyển động uyển chuyển, nghệ thuật hơn.

 PV: Nhân tiện bác đang nói tới vấn đề đan cài các chuyển động của ballet và khiến dân tộc hóa hiện đại, cháu được biết trong sự nghiệp biên đạo của mình, bác có nhiều tác phẩm đã sử dụng phương pháp này phải không thưa bác?

NSND Công Nhạc: Đúng vậy! Tác phẩm của bác luôn mang tính thể nghiệm, đột phá và bác rất tâm đắc với câu nói của cố NSND Thái Ly, đó là phải “dân tộc hóa hiện đại” chứ đừng “hiện đại hóa dân tộc”.

Nói đến thủ pháp đan cài các động tác quay, nhảy của ballet thì có một số tác phẩm bác đã áp dụng thủ pháp này như:  Tác phẩm “Bài ca chim ưng” – Đây là tác phẩm bác dựng về chủ đề Tây Nguyên, âm nhạc là nhạc giao hưởng mang tính bác học và có sử dụng các tạo hình của ballet (nhưng không lạm dụng) khiến cho các động tác múa về Tây Nguyên thêm đẹp hơn, khỏe khoắn hơn; Hay trong tác phẩm “Tranh tứ bình” – Đây là tác phẩm múa 4 người, động tác múa dân tộc Kinh, nhạc bác học cổ điển. Khi biên đạo dàn dựng bác đã đan cài các động tác của múa ballet cổ điển. Những luật động của múa dân gian như vuốt, guộn, đuổi cộng với những luật động của ballet cổ điển đã khiến cho chuyển động uyển chuyển hơn. Như vậy yếu tố ballet đã làm cho múa dân tộc đẹp hơn, nghệ thuật hơn, “dân tộc hóa ballet” mà không đánh mất đi nét đẹp của nó; Rồi tác phẩm “Kiếp phù du”, âm nhạc của NS Phó Đức Phương– Một tác phẩm bác biên đạo từ khá lâu rồi, cũng mang tính thể nghiệm, khám phá mang âm hưởng hiện đại;…

Có thể nói, biên đạo múa đến thời điểm này đã là một nghề được công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ quan tâm, yêu mến và nhu cầu biên đạo trong các chương trình giải trí là rất lớn. Dẫu biết rằng để sống và tận hiến với nghề này thì còn đó lắm những khó khăn, trăn trở, song cũng mong các biên đạo múa hiểu được vị trí, vai trò của mình để làm thật tốt trọng trách này và cống hiến hết mình cho nghệ thuật múa nước nhà.