Bước khởi đầu ghi dấu lịch sử

0
167

NSƯT Như Bình 

Sau 30 năm thành lập Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam ngày 9-6-1990, cho tới nay đã có 6 đại Hội. Thời gian trôi qua quá nhanh, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã trải qua không ít thăng trầm, cam go nhưng cũng đầy vinh quang và tự hào. Đứng trước thềm Đại Hội lần thứ VII, cũng là dịp để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua và có sự chuẩn bị tâm thế mới, đón vận hội mới nhằm xây dựng Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam lên tầm cao mới, đóng góp vào công cuộc xây dựng nền văn học nghệ thuật tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. 

Nếu nhiệm kỳ I (1990 – 1995) Ban chấp hành đã dồn tâm huyết, công sức vào việc xây dựng cơ sở vật chất hình thành cơ quan văn phòng Hội theo Quyết định thành lập Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam mà Phó Thủ tướng chính phủ (Hội đồng bộ trưởng) đã ghi ngày 27 tháng 12 năm 1989 là Hội tự lo liệu phương tiện để hoạt động.

Gần như suốt nhiệm kỳ I, người Tổng thư ký đầu tiên – NSND Phùng Nhạn thì ở TP HCM còn 2 phó tổng thư ký GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh và PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển chỉ có 2 phương tiện đi lại chính là chiếc xe đạp Diamant của anh Ngọc Canh và xe đạp Praha của tôi để chạy đi khắp các cơ quan, từ văn phòng Phó thủ tướng Nguyễn Khánh, đến ông Bộ Trưởng Tài chính Chu Tâm Thức, sau đó là ông Hồ Tế. Còn Ban tổ chức cán bộ (Bộ Nội vụ ngày nay) ông Phan Ngọc Tường; Bộ xây dựng có ông Ngô Xuân Lộc; Bộ văn hóa là ông Trần Hoàn và ông Cù Huy Cận – Chủ tịch Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam để xin biên chế kinh phí, trụ sở, phương tiện đi lại – ô tô… Hầu như chỗ nào, cơ quan nào cũng hứa để chờ và bàn bạc, sẽ trả lời sau. Riêng thứ trưởng Bộ Tài chính – ông Lý Tài Luận đã có công văn số 567.TC/HCVX ngày 12 tháng 10 năm 1990 chính thức trả lời V/v cấp kinh phí thường xuyên cho Hội múa VN như sau:

Bộ Tài chính có ý kiến như sau: Quyết định số 375 CT ngày 27-12-1989 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho phép thành lập Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã ghi rõ: Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tự lo liệu mọi chi phí và phương tiện hoạt động; Căn cứ vào quyết định trên, đề nghị Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam tự lo liệu về kinh phí để hoạt động, ký thay Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thứ trưởng Lý Tài Luận.

Từ công văn của Bộ tài chính trả lời, tưởng như hết hy vọng, song Ban chấp hành vẫn kiên trì đi gõ các cửa xin biên chế, kinh phí, một mặt xin với văn phòng UBTQ Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam để kê tạm một bàn làm việc; rồi sau ít tháng lại phải dọn đi; sau đó được các đồng chí Ban chấp hành Hội Nhạc sĩ thông cảm cho kê nhờ 1 bàn làm việc một thời gian. Tất nhiên, khi đó Hội ta cũng chưa có con dấu mà chỉ có 6 nhân sự tạm làm công tác văn phòng là NSƯT Như Bình – Chánh văn phòng, Phạm Thị Mây – kế toán, Minh Miến – Thủ quỹ, Công tác Hội viên; Phạm Nguyệt Hằng – văn thư đánh máy; Hữu Cương – quản trị và 1 Phó tổng thư ký trực. Cho đến khi Hội Nhạc sĩ xuất bản Tạp chí Âm nhạc và các bạn cũng chật chội nên ta lại phải trả lại chỗ cho họ. Lúc này, Liên hiệp đành phải cho Hội múa dựng tạm một căn lều, che bằng cót ép, lợp cũng bằng cót ép rộng 2m x 2,5m đủ kê 1 bàn làm việc ở ngay sân 51 Trần Hưng Đạo. Sau 1 năm, do các Hội kiến nghị không thể để cái lều ở giữa sân, vừa mất mỹ quan lại vướng nhiều xe của các Hội ra vào, mỗi khi có khách đến làm việc thì không có chỗ đỗ xe. Cuối cùng, ta lại phải phá dỡ túp lều tạm và đi thuê một căn phòng của Hội Xây dựng ở tận Giảng Võ (trước cổng Đài Truyền hình Việt Nam)

Sau nhiều năm, Ban chấp hành cùng văn phòng đi kêu cứu các cơ quan có thẩm quyền cấp cho một nơi để tạm làm trụ sở cho Hội. Sau nhiều lần làm văn bản báo cáo cấp trên. Cuối cùng cũng nhận được được tin vui của văn phòng chính phủ vào năm 1995  đề nghị Sở Nhà đất Hà Nội cho Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam được trực tiếp ký hợp đồng thuê căn hộ 106/B6 Nghĩa Tân làm trụ sở của Hội. Nhận được văn bản vô cùng quý giá và phấn khởi, Ban thường vụ liền mời Tổng thư ký Phùng Thị Nhạn ra ngay Hà Nội bàn cách xin kinh phí và xin phép sửa chữa căn hộ cho phù hợp với trụ sở văn phòng. Tuy nhiên, lãnh đạo Hội yêu cầu phải mời thiết kế và tổ chức thi công, cơi nới để làm sao có đủ các phòng chức năng gồm:  phòng họp, phòng khách, phòng truyền thống, phòng Chủ tịch, phòng chánh văn phòng, phòng tài vụ kế toán thủ quỹ, phòng văn thư đánh máy, phòng của Phó tổng thư ký thường trực,  2 khu vệ sinh, 2 phòng nghỉ trưa cho đại biểu địa phương về họp làm việc, nhà bếp, Gara để ô tô, phòng để xe đạp, xe máy của nhân viên cơ quan. Lúc này có các đ/c Xuân Hanh – Phó Chủ tịch thường trực;  Lê Huân – ủy viên thư ký; Nguyễn Thị Hiển – Phó Chủ tịch cùng văn phòng lo toan, thu xếp tiến hành triển khai từ thiết kế đến thi công, từ xin kinh phí bổ sung đến lo các cấp từ Bộ xây dựng đến Sở xây dựng và chính quyền địa phương. Ông Trần Giang khi đó là Chủ tịch phường Nghĩa Tân, ông Nguyễn Văn Khoa – Phó Chủ tịch phường đến ông Thiếu tá Hùng Linh tham mưu công an phường… đều quan tâm theo dõi tiến độ của việc sửa chữa, xây dựng phòng ốc tại trụ sở Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam, làm sao phải xong trong năm 1995 để đầu năm 1996 tổ chức Festival nghệ thuật múa Việt Nam toàn quốc lần thứ nhất, đón Huân chương Độc lập hạng nhất của Đảng, Nhà nước trao tặng cho ngành múa Việt Nam.

Nếu nhiệm kỳ đầu thành tích đáng trân trọng chính là xây dựng nền móng cơ sở vật chất, từ  biên chế, kinh phí, nhà làm việc, phương tiện ô tô, hình thành các ban, bộ phận chuyên trách để triển khai công việc của một Hội chuyên ngành thì nhiệm kỳ II là nhiệm kỳ bắt tay đi sâu vào chuyên môn, tạo những thành tựu của ngành múa trong những năm chống Pháp, chống Mỹ và chống bành trướng.

Mở đầu là việc tổ chức trại sáng tác múa tại Trung tâm Văn hóa triển lãm Hội chợ Cần Thơ, có tới 22 Hội viên tham gia chính thức và 12 thành viên dự thính. Toàn trại được nghe báo cáo về tổng quan văn hóa các dân tộc đồng bằng sông Cửu Long và tham quan vùng sông nước nổi tiếng ở huyện Thốt Nốt, chợ nổi trên sông của vùng “Gạo trắng nước trong, bốn mùa hoa trái sum xuê”, kết quả của trại sáng tác Cần Thơ đã có 1 kịch bản múa, 4 thơ múa, 16 múa dân gian, 2 múa hát. 

Những tác phẩm của trại sáng tác múa Cần Thơ đã tham gia Hội diễn Ca Múa Nhạc toàn quốc đợt I ở Cần Thơ. Trong lễ bế mạc, bà Mộng Trúc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin Cần Thơ nhận định: “Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã làm sống lại phong trào ca múa nhạc không chỉ riêng cho Cần Thơ, mà cả các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long cũng khởi sắc về nền ca múa nhạc mới”.

Từ kết quả của trại sáng tác Cần Thơ, Ban chấp hành tiếp tục phát huy thành tựu ban đầu tổ chức tiếp trại sáng tác tại Sầm Sơn với sự tham gia của 70 thành viên. Tôi còn nhớ như in trại sáng tác Thanh Hóa khi đó, Ban tổ chức trại đã bố trí cho các hội viên gặp gỡ ông Đỗ Hữu Thịch – Trưởng Ban tuyên giáo tỉnh ủy Thanh Hóa, ông Hà Minh Khiêm – Chủ tịch xã Sầm Sơn để lắng nghe các ông giới thiệu về mảnh đất Thanh Hóa với nhiều điều thú vị. Chúng tôi còn được đi tham quan Lam Kinh nơi Lê Lợi tụ nghĩa, được xem múa Xuân Phả – đặc trưng tiêu biểu của nghệ thuật truyền thống vùng đất Thanh Hóa, thăm công trình thủy lợi đập Bái Thượng, tham n nhà máy xi măng Bỉm Sơn – tiêu biểu công nghiệp hiện đại; thăm núi Cô Tiên, đền Độc Cước, Hòn Trống Mái ở bãi biển Sầm Sơn; thăm mô hình công nông nghiệp theo hướng liên kết công nông đó là nhà máy đường Lam Sơn. Trước ngày bế mạc trại, toàn thể thành viên còn được thăm nông trường Đồng Giao với mô hình một nông trang hiện đại trồng dứa, cam, chanh leo để đóng hộp xuất khẩu. Chúng tôi còn được ông Tường Minh – giám đốc nông trường tổ chức chiêu đãi và tặng quà.

Qua đợt này, các nhà biên đạo, hội viên đã thai nghén ra rất nhiều tác phẩm phục vụ cho Hội diễn đợt 2 tháng 10 năm 1995, với những tấm gương anh hùng của Hàm Rồng và truyền thống của Lê Lợi, cũng như quê hương đổi mới từ công trình thủy lợi tới nhà máy đường Lam Sơn và nông trường kiểu mẫu Đồng Giao.

Nhiệm kỳ II còn ghi dấu ấn với Fesival nghệ thuật múa toàn quốc lần thứ nhất nhằm biểu dương lực lượng, tổng kết những thành quả 50 năm với các tác phẩm của các nghệ sĩ đã trưởng thành trong 3 cuộc kháng chiến giành độc lập thống nhất non sông.

Cũng trong nhiệm kỳ này, Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức cuộc thi tuyển lựa thiết kế logo và đã chọn được logo phù hợp mang biểu tượng tiêu biểu cho nghệ thuật múa Việt Nam. Và kể từ đó đến nay, logo này vẫn là biểu tượng đẹp của ngành múa Việt Nam. 

Có thể nói, với những nỗ lực phi thường như vậy thì nhiệm kỳ I và nhiệm kỳ II của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam là những bước khởi đầu đầy gian nan, vất vả nhưng cũng đạt được nhiều thành tựu vô cùng vinh quang, tự hào cho ngành múa Việt Nam, cho Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam.

Là một người đồng hành cùng Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam từ những ngày đầu; được chứng kiến sự trưởng thành và ngày càng phát triển, tiến bộ của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam suốt 6 nhiệm kỳ qua. Ngẫm lại, từ chỗ không có gì, cho đến nay chúng ta đã có hai cơ ngơi vững chãi ở địa chỉ 106/B6 Nghĩa Tân và 66 Nguyễn Văn Huyên với số lượng hội viên lên tới trên 900 hội viên. Ban chấp hành 4 nhiệm kỳ kế tiếp đã tổ chức được hàng trăm trại sáng tác, tập huấn, hội thảo và các cuộc thi chuyên ngành, cho ra đời hàng nghìn tác phẩm múa, nhiều tác phẩm lí luận, phê bình, nhiều đầu sách chất lượng về múa được xuất bản phục vụ công chúng và độc giả yêu múa. Đặc biệt, từ những thành tựu trên cũng đã tạo đà cho rất nhiều hội viên của Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đạt danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh…

Với những thành tích, thành tựu của suốt 6 nhiệm kỳ qua, chúng ta có quyền tin tưởng vào một tương lai tươi đẹp và nhiều khởi sắc hơn trong nhiệm kỳ VII sắp tới.