NSND Thái Ly – Những giá trị quý báu

0
622

                                                                                   NSND Ứng Duy Thịnh

 “Nghiệp và Đời” nhân gian đã gọi và ví von ông với cách khác nhau: “Người khởi luồng cho Nghệ thuật Múa Cách mạng Việt Nam”, “Cây Đại thụ của Ngành Múa”, “Nhà sư phạm tài năng, đức độ”, “Nhà hoạt động múa tiêu biểu”, “ Nhân, đức, nghĩa trong một con người và tác phẩm”, “Con chim đầu đàn của ngành múa Việt Nam”vv…và vv…Nhìn từ góc độ nào, cấp độ nào và với một tinh thần khách quan, chuyên môn, trách nhiệm đều thấy những cách gọi đó có sức thuyết phục cao. Sức thuyết phục và cùng những lan tỏa về một Con người – Một Tác giả. Chúng tôi thường nói với nhau ai may mắn là học trò của ông hoặc ít nhất với một lý do nào đó được gần gũi  ông. Nhiều người, đặc biệt thế hệ sau không có cơ may gặp ông, nhưng NSND Thái Ly được biết đến là một biểu tượng, một ngôi sao lấp lánh trong sự nghiệp hình thành và phát triển nghệ thuật Múa Việt Nam kể cả bốn lĩnh vực: Sáng tác , đào tạo, lý luận và biểu diễn. Tuy rằng mức độ đậm nhạt khác nhau nhưng hết thảy đều là những giá trị quý báu.

 Nghệ thuật múa Việt Nam tự hào có một tên tuổi lớn – NSND Thái Ly và ông hoàn toàn xứng đáng được như thế.

 Là người theo đuổi và mưu sinh bằng nghề múa, tôi rất xúc động và tự hào khi được biết có một đường phố dân sinh mang tên ông – Thái ly.

 Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam đã rất đúng khi tổ chức hội thảo về NSND Thái Ly. Đây là một nghĩa cử mang đậm tính nhân văn sâu sắc, thể hiện tinh thần “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”.  Trong nhân gian từ xưa có câu nói: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” , nhìn từ đạo lý người Việt, ông còn là một người Thày lớn, kể cả nghĩa đen và nghĩa bóng.  Một mặt, khi viết về ông và tổ chức hội thảo đó chính là cơ hội để chúng ta cùng nhau đi tìm và nhận diện rõ hơn những giá trị nghệ thuật mà ông đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa Việt Nam. Đặc biệt lĩnh vực nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Nhiều năm qua trong sự nghiệp xây dựng phát triển nghệ thuật múa, giới trong nghề đã rất quen thuộc và thấu hiểu hai cụm từ “Nghệ thuật múa chuyên nghiệp”“Nghệ thuật múa quần chúng”. Có thể nói NSND Thái Ly là một tác giả tiêu biểu cho nghệ thuật múa chuyên nghiệp. Ông đã để lại nhiều giá trị quý báu đối với sự nghiệp xây dựngvà phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam.

 Cụm từ chuyên nghiệp đồng nghĩa với chất lượng nghệ thuật cao từ tư duy hình tượng đến tác phẩm hoàn chỉnh và đặc biệt có sức lan tỏa tới con người, nói một cách cụ thể hơn đó là hiệu quả đích thức đến đời sống.

 Trong các lĩnh vực: Sáng tác, đào tạo, lý luận, biểu diễn đều có thể nhìn thấy và nhận biết hình ảnh, tinh thần của NSND Thái Ly. Đặc biệt đối với nghệ thuật biên đạo. Những dấu ấn của ông rất đậm đặc và có sức lan tỏa rộng lớn kể cả không gian, thời gian trong đời sống nghệ thuật múa. 

 Trong bài viết với sự khái quát, người viết tiếp cận và cố gắng tham luận 03 vấn đề liên quan đến tác phẩm, đó là:

+ Tính dân tộc và phong cách tác giả.

+ Hình tượng nghệ thuật trong tác phẩm

+ Nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ biểu đạt trong tác phẩm.

 Khi bàn về phong cách tác giả theo tôi trước hết là nhận diện những điều kiện cơ bản để hình thành , khẳng định phong cách của cá nhân biên đạo. Điều kiện cơ bản đầu tiên đó là tính dân tộc trong các tác phẩm của ông, là quan điểm hay phương pháp tư duy hình tượng của cá thể tác giả trong xây dựng tác phẩm. Đó là kết quả của thế giới quan, nhân sinh quan của tác giả mang đậm tâm hồn dân tộc, văn hóa dân tộc, gắn bó với nhân sinh với hiện thực sống động của thời cuộc…

 Tính dân tộc trong tác phẩm của NSND Thái Ly trước tiên thể hiện trong đề tài, chủ đề nội dung tác phẩm. Đó là những vấn đề mà đang được đời sống con người quan tâm, là thái độ của tác giả với quê hương, đất nước, con người. Cụ thể hơn đó là những vấn đề con người đang phải đối mặt cần giải quyết hoặc những mơ ước khát vọng chính đáng, kể cả những nội dung mang tính thời sự. Có lẽ không cần phải điểm danh, đồng nghiệp đều có thể biết đến khá chính xác những tác phẩm của NSND Thái ly. Như trên đã nói, tính dân tộc trong tác phẩm của ông đó là đề tài, chủ đề và cái cách tác giả tiếp cận, giải quyết trong quá trình sáng tạo. Để làm rõ hơn ý kiến này xin được trích dẫn ý kiến của tác giả Ứng Duy Thịnh vào năm 1994 trên tạp chí Hội NSMVN: “Phạm vi chủ đề của ông lựa chọn được mở rộng, đa dạng, phong phú. Từ cụ thể đến khái quát, từ giản đơn đến phức tạp, tất cả những điều đó đều nằm trong tư duy văn học rất mạch lạc, rõ ràng. Ông biết mở ra và biết kết thúc một vấn đề bằng múa một cách trọn vẹn và trong mỗi một tác phẩm múa người xem đều nhận thấy diện mạo và phẩm của tác giả. Kể cả một số tác phẩm mà thoạt đầu tưởng như tác giả chỉ nhằm khơi thác vẻ đẹp thuần chất về ngôn ngữ múa, nhưng rồi bên trong có thể nhận diện những ý tưởng tác phẩm rất rõ ràng đầy khát khao và mang đậm chất thơ, đương nhiên cả tính triết lý sâu sắc”. Ý kiến cách đây đã 26 năm của người viết, cho đến bây giờ vẫn hoàn toàn nhất quán và cho dù hiện thực đã có quá nhiều thay đổi về chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt ngày nay trong giao lưu và hội nhập với văn hóa múa thế giới cùng những chuyển động biến đổi khôn lường. Nhìn lại một cách tổng quan, những tác phẩm múa của NSND Thái Ly vẫn không hề cũ đi hoặc nói cách khác vẫn có giá trị trong dòng chảy của cuộc sống đương đại

 Tính dân tộc chính là phong cách nghệ thuật của tác giả. Có nghĩa là ông đã tạo nên đặc điểm riêng cho các tác phẩm của mình dù các tác phẩm có nội dung khác nhau, sáng tác ở nhũng thời điểm khác nhau. Điều này cực kỳ khó khăn đối với bất cứ ai khi bước vào lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. NSND Thái Ly đã làm được điều đó. Ông là cây đại thụ của nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Cả cuộc đời ông đã “cho nhiều hơn nhận”. Đồng nghiệp cùng thời đã yêu quý gọi ông là con người suốt đời đi tìm cái đẹp. Cái đẹp được cảm nhận và đưa vào tác phẩm rất sâu sắc. Cái đẹp bắt nguồn từ một nhân cách tuyệt vời. Cái đẹp từ cuộc đời bước lên sân khấu qua ánh nhìn và tư duy chuyên nghiệp. Một vẻ đẹp sâu sắc và có sức thuyết phục cao. Cái đẹp trong các tác phẩm của Nghệ sỹ không những được bộc lộ ở vẻ ngoài ngôn ngữ, động tác múa, trong sức biểu hiện, trong sự truyền cảm tới khán giả mà còn thể hiện trong chiều sâu của hình tượng nghệ thuật mà ông gửi gắm. Đồng nghiệp và khán giả còn nhận biết không chỉ hiện hữu mà từ đó có thể cảm nhận một không gian rộng lớn hơn với nhiều cảm xúc mới mẻ. Đó là tài năng của người sáng tạo. Ông – NSND Thái Ly là người truyền đạo, truyền cảm sâu sắc. Tác phẩm “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” là một điển hình phong cách nghệ thuật của tác giả. Cánh chim được tác giả nhân cách hóa. Ánh sáng mặt trời là sự thể ghiện khát vọng con người vươn tới cái đẹp cái lớn lao. Tư tưởng của tác phẩm được ông khai quát cao. Tác giả không phải nói cho chính mình mà nói cho tất cả. Khát vọng vươn tới cái đẹp được điển hình hóa, khát vọng của chủ thể sáng tạo phù hợp với khát vọng chung của con người. Tác giả không chỉ nói cho chính mình mà nói cho tất cả. Khát vọng vươn tới cái đẹp được điển hình hóa, phù hợp với khát vọng chung của con người. Sinh thời có lần được gặp ông, được ông mở lòng tâm sự: “Mình như một ông thày lang, cứ đi đến đâu thấy một nhánh cỏ, rễ cây…cứ gom góp lại, để rồi khi thấy đủ một thang thuốc, lúc đó mình mới mang ra sử dụng. Cứ như hiện nay thì cỏ cây ngày càng hiếm, đã thế cần phải kiên nhẫn chịu khó hơn…”. Mãi sau này khi nhớ lại tôi mới ngộ ra điều ông nói thật giản dị nhưng vô cùng sâu sắc, mnga moot6j triết lý, tư duy sống, làm việc. Là một biên đạo múa tôi kính trọng và nể phục ông khi tiếp cận các hiện tượng trong cuộc sống. Từ hai hình ảnh chim duỗi cánh và rỉa lông, hình ảnh mang tính mô phỏng hiện thực được tác giả cách điệu hóa nghệ thuật một cách tài tình. Ông quan sát và cảm nhận được vẻ đẹp của sự vật, mách bảo, gợi ý cho khán giả tiếp cận nội dung, hình tượng nghệ thuật tác phẩm. Ông đã mỹ lệ hóa hiện thực gần gũi nhưng sang trọng qua ngôn ngữ chuyển động múa. Đó là sự liên tưởng , sự “chuyển dịch nghệ thuật” từ hiện thực lên sân khấu.. Phải bằng tình cảm trong sáng, một tâm hồn lãng mạn trước hiện thức, thiên nhiên, xã hội, sự vật, con người…mới làm nên vẻ đẹp như thế. Đó chính là phong cách nghệ thuật của tác phẩm, tác giả và có thể đồng nghiệp, khán giả nhận biết được tâm hồn ông mang đậm tính nhân văn, tính dân tộc. Có lẽ không quá khi nói rằng sau “Cánh chim và ánh sáng mặt trời” chưa có tác giả nào xây dựng hình tượng nghệ thuật, ngôn ngữ múa thành công như vậy. Một khán giả bình thường khi xem tác phẩm của ông, cho dù không hiểu biết sâu nghệ thuật múa, nhưng bằng cảm nhận trực diện cũng có thể hiểu được hình ảnh con chim tồn tại trong thiên nhiên được biên đạo múa mô tả trên sân khấu. Đó là sự liên tưởng chân thực của người xem. Đồng thời đó chính là thông điệp nghệ thuật của tác giả gửi tới người xem và người xem đón nhận tác phẩm để rồi chính họ tự biết cách mở rộng cảm xúc của mình ( xin nói thêm không phải bất cứ biên đạo nào cũng tạo được hiệu quả như vậy). Nếu nhớ lại và tìm hiểu các tác phẩm múa của NSND Thái Ly chúng ta có thể nhận biết khá rõ một phong cách nghệ thuật cá nhân. Trước tiên đó là thái độ trách nhiệm trước hiện thực trong việc lựa chọn ý tưởng nội dung. Cho dù ở những cấp độ khác nhau, thời lượng tác phẩm khác nhau, hình thức, thể loại khác nhau…nhưng tất cả đều rõ ràng, gần gũi với tình cảm thế giới tinh thần của người xem, phù hợp với thẩm mỹ đương đại.

 Ông là người trân trọng những giá trị truyền thống và tài tình tái tạo những giấ trị đó trong các sáng tạo của mình (điều này nhận biết khá rõ trong các tác phẩm của ông). 

 Ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm của NSND Thái Ly thể hiện sự am hiểu tinh thông nghiệp vụ múa. Ông kỹ càng, cẩn trọng, trách nhiệm trong cấu tạo động tác, tạo hình và đặc biệt các tổ hợp động tác múa chuyển động rất hợp lý. Sự chuyển động hình ảnh, đường nét múa luôn gắn liền với nội dung hình tượng tác phẩm. Đặc biệt nhìn toàn diện  ngôn ngữ múa trong tác phẩm toát lên sự sang trọng, nghiêm túc, trách nhiệm. Chứng tỏ tác giả là người nắm vững, hiểu rõ nguyên tắc chuyển động của cơ thể, giữa quy cách và sự khoáng đạt trong nghệ thuật xây dựng ngôn ngữ tác phẩm. Giữa hình thức và nội dung tác phẩm. Sự hòa quyện nhuần nhuyễn mang lại vẻ đẹp trong các tác phẩm của ông. Đây là một bài học cực kỳ quý đối với các biên đạo trong quá trình tác nghiệp. Nhiều bài viết, nghiên cứu có nói rõ ngôn ngữ biểu đạt tác phẩm múa ở những năm thập kỷ 60 thế kỷ trước phổ cập đó là: Sự kết hợp giữa múa dân gian với các luật động múa Cổ điển Châu Âu. Trong đó motip dân gian giữ vai trò chủ đạo. Múa Cổ điển Châu Âu tham gia với vai trò “làm giàu” ngôn ngữ tác phẩm. Có người cho rằng múa Cổ điển Châu Âu là công cụ hữu hiệu trong việc tham gia cấu tạo ngôn ngữ tác phẩm, góp phần làm mới và hiện đại ngôn ngữ biểu hiện. Mối quan hệ giữa âm nhạc và múa trong các tác phẩm của NSND Thái Ly cũng là một vấn đề lớn, là bài học quý giá đối với nghệ thuật biên đạo. Sự gắn bó giữa biên đạo và nhạc sỹ, sự gắn bó giữa ngôn ngữ múa với ngôn ngư âm nhạc, là người bạn đồng hành khăng khít, mách bảo nhau, tạo cảm xúc cho nhau để cùng nhau tạo nên bức tranh tổng thể tác phẩm múa. Âm nhạc là tiết tấu, nhịp độ, trường độ, cường độ và sắc thái…ở những tác phẩm của ông là sự hòa quyện nhuần nhuyễn các yếu tố của nghệ thuật múa và nghệ thuật âm nhạc, sự đồng điệu trong tâm hồn của các tác giả…Vấn đề âm nhạc và múa cũng là một bài học vô cùng quý giá đối với nghệ thuật múa chuyên nghiệp.

 Tác phẩm của NSND Thái Ly nhìn từ góc độ ngôn ngữ múa cho thấy ông là một tác giả hàng đầu, tiên phong, hiệu quả trong việc sử dụng và biến đổi múa Cổ điển Châu Âu làm ngôn ngữ biểu đạt thành công nhất Việt Nam. Một vẻ đẹp mới, hiện đại mang đậm tính dân tộc. Điều này qua những lần được tiếp xúc ít ỏi với ông và qua tình cảm của những người làm nghề các thế hệ nghệ thuật múa đều khẳng định với thái độ vô cùng quý trọng ông. NSND Thái Ly rất gần gũi, ấm áp kể cả đời thường và trong tác phẩm. 

 Tâm hồn mang đậm tính nhân văn và bằng cách riêng của ông đã để lại những dấu ấn trong từng tác phẩm. Ông đã giải quyết các vấn đề bằng văn hóa – Văn hóa Múa, văn hóa dân tộc, thẩm mỹ dân tộc…là nền tảng hình thành một tài năng lớn. Nghệ thuật múa Việt Nam mãi mãi tự hào có một con người như thế.