Một số thành tựu nghệ thuật múa sau 45 năm thống nhất đất nước

0
530

  NSND Ứng Duy Thịnh

       45 năm sau chiến tranh là một chặng đường dài với nhiều chuyển động, biến đổi trong mọi mặt của đời sống kinh tế, chính trị, xã hội. Nghệ thuật múa Việt Nam chịu sự tác động quyết liệt để tự đổi thay mình trong sự hành trình phát triển. Bài viết này không như một tổng kết nhằm dẫn dụ thành tích bằng các số liệu cụ thể. Chúng tôi chỉ mong làm rõ những nguyên nhân đã kiến tạo nên thành tựu của nghệ thuật múa Việt Nam từ sau chiến tranh cho đến nay. Nói một cách khác đó là nhận diện và lý giải thành tự nghệ thuật múa trong tất yếu phát triển, mối quan hệ tương hỗ giữa các đặc điểm xã hội với  nghệ thuật múa trong các thời điểm lịch sử. Năm 2020 chắc chắn sẽ tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Bài viết những mong hướng tới sự kiện trọng đại của một Hội nghề nghiệp. Đặc biệt, năm 2020 cả hành tinh đang vật lộn với dịch bệnh Covid – 9. Nghệ thuật múa Việt Nam vẫn phải chuyển động trong lộ trình phát triển.

     Còn nhớ, sau 1975 đất nước bước sang một thời kỳ mới với cảm nhận, cảm xúc của con người trước hiện thực thay đổi với nhiều cách gọi: Hậu chiến, thời bình, hiện đại, đương đại vv…đương nhiên, từ góc nhìn của nghệ thuật thuật múa, mỗi cách gọi đều phản ánh nội dung, đặc điểm nghệ thuật và như một tất yếu, những thay đổi của lịch sử đã tác động, chi phối, dẫn đường cho văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng. Điều đáng mừng và khẳng định đó là chúng ta đã nhận diện được nội hàm của từng giai đoạn khác nhau trên cả hai phương diện: Lý luận và thực tiễn. Đây là cơ sở lý luận để hình thành dần các khuynh hướng phát triển. Đặc biệt về nghệ thuật sáng tác múa.  

     Sau chiến tranh, một hiện thực hoàn toàn mới mẻ, con người bắt đầu cảm nhận và thức tỉnh đến nhiều vấn đề mà trong chiến tranh chưa kịp nghĩ ra hoặc có nghĩ nhưng chưa có điều kiện thực hiện được. Tuy nhiên cái lớn nhất đó là bắt đầu thực hiện nó như thế nào. Nếu như chiến tranh, nghệ thuật múa đã rất xuất sắc thực hiện thiên chức của mình, với nhiều tác phẩm bám sát hiện thực, mang tính thời sự kịp thời, phản ánh trực diện đời sống chiến tranh. Không ít tác phẩm như một bức tranh cổ động lớn với nhiều ý nghĩa thiết thực, tác động tích cực đến hành động, ý chí con người, góp phần cùng đất nước, dân tộc làm nên triết lý thời đại “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. Đối với nghệ thuật múa, quá khứ chiến tranh đã trở thành những bài học lớn, vô cùng quý báu với các thế hệ nối tiếp. Đồng thời là một thành tựu lớn. Phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa đã phát huy tích cực, hiệu quả và được chứng minh qua hàng trăm tác phẩm.

     Sau chiến tranh, hiện thực cơ bản đã có nhiều thay đổi và đương nhiên nghệ thuật múa cũng nằm trong cái tất yếu. Thế nhưng đội ngũ những người làm nghề cũng phải mất khoảng thời gian không nhỏ để cảm nhận và điều chỉnh hướng đi cho chính mình. Không phải không có những bỡ ngỡ, lúng túng khi lựa chọn một phương thức mới, cách biểu đạt mới trong sáng tác. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, sự xuất hiện của biên đạo người Pháp gốc Việt Ea Sola Thủy với “Hạn hán và cơn mưa” đã để lại nhiều tranh luận khá gay gắt , dữ dội. Với nhiều ý kiến, quan điểm khác nhau về ngôn ngữ múa được sử dụng trong tác phẩm. Nhiều bài viết thời đó đã bình luận và phản ánh trên các trang báo. Khi đó vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng chỉ biết rằng “Hạn hán và cơn mưa” đã đưa ra một cách biểu đạt mới. Nhiều người ngỡ ngàng trước một hiện tượng lạ. Tất nhiên sự ngỡ ngàng đó phản ánh ở những cấp độ khác nhau. Và những tranh luận là một tất yếu trong quá trình chuyển động để tìm sự biến đổi hợp lý. Đây chỉ là một ví dụ nhỏ trong nhiều hiện tượng đối với đời sống nghệ thuật múa.Tôi nhớ, phải đến sau một thập kỷ, qua nhiều thăng trầm giao lưu với văn hóa múa thế giới và trước những đòi hỏi đổi mới bức thiết của đời sống xã hội, nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam đã có những chuyển động tích cực và từng bước khẳng định được cách làm của mình. Giao lưu, tiếp nhận, chọn lọc, loại trừ và cuối cùng là bổ sung những gì phù hợp với thẩm mỹ Việt Nam, làm giàu cho văn hóa múa Việt Nam. Ở đây thể hiện rõ bản lĩnh văn hóa của người làm nghề. Cởi mở trong giao lưu, tiếp nhận và thận trọng trong vận dụng. Kể cả bốn lĩnh vực: Lý luận, sáng tác, đào tạo và biểu diễn đều có những biến đổi cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam. Điều đó có thể khái quát được thành tựu của nghệ thuật múa.

      Cái mới trong giai đoạn này được bắt đầu từ đề tài. 

     Chiến tranh đã từng bước lùi vào quá khứ. Hiện thực thời hậu chiến dần lộ diện với gương mặt mới, tinh thần mới. Cũng như các loại hình nghệ thuật khác, nghệ thuật múa không nằm ngoài sự chuyển động đó. Những tác phẩm về đề tài xây dựng đất nước, công nghiệp hóa, hiện đại hóa , bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều hơn. Tiêu biểu trong số đó là tác phẩm múa “Biển lửa quê tôi” biên đạo NSND Lê Ngọc Canh. Tác phẩm khắc họa hình tượng người công nhân hiện đại trong công nghiệp dầu khí. Có thể nói “Biển lửa quê tôi” về đề tài và ngôn ngữ thể hiện đã góp phần tạo nên hình ảnh mới đối với nghệ thuật sáng tác múa. Tiếp đó tác phẩm “Vũ điệu công nghệ bàn phím” của tác giả biên đạo Thiên An. Tác phẩm gợi cho khán giả hình ảnh chiếc máy tính xách tay, một hình ảnh quen thuộc của cuộc sống đương đại. Cái quan trọng tác phẩm không mô phỏng sự chuyển động của các chữ cái trên bàn phím, mà ở đây ngôn ngữ múa kết hợp với tiết tấu, âm hưởng âm nhạc đã tạo nên một cảm xúc mới, cảm xúc về nhịp độ, hơi thở mới cuộc sống con người thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Những tác phẩm múa đề tài dân gian dân tộc cũng thể hiện rõ sự phát triển. Ngôn ngữ không còn mang tính mô phỏng nhiều, không còn hiện tượng photo nguyên dạng múa dân gian để “bê” lên sân khấu. Không còn hiện tượng tác phẩm là phép cộng của các dòng ngôn ngữ múa mà đã được các tác giả phối kết hợp qua tư duy sáng tạo nghệ thuật để làm nên ngôn ngữ tác phẩm. Xét về nghệ thuật biên đạo thì đó là cách cấu tạo xây dựng ngôn ngữ tác phẩm mang tính chuyên nghiệp cao. Thực tế còn cho thấy sự đổi thay tích cục từ bố cục, âm nhạc, trang phục, công nghệ ánh sáng… được hiện đại hóa mà không làm mất hay “méo mó” bản sắc dân tộc của từng tộc người. Đặc biệt về ngôn ngữ múa dân gian đã được “đương đại”hóa, phù hợp với thẩm mỹ của khán giả hiện nay. Đó là những thay đổi tích cực, tiếp thu được các yếu tố tiên tiến của thế giới để làm giàu cho ngôn ngữ múa dân tộc.

     Qua nghiên cứu cho thấy trữ lượng múa dân gian truyền thống tồn tại trong các cộng đồng tộc người là hữu hạn. Đa phần các biên đạo hiện nay “tựa vào” nguồn nguyên liệu được sưu tầm đang tồn tại trong các trường chuyên nghiệp với số lượng không phải là vô hạn. Vì thế cần có một phương pháp sáng tác mới để biến cái “hữu hạn” thành “vô hạn”. Trong nghệ thuật, sáng tạo luôn là một đòi hỏi, một yêu cầu lớn đối với mỗi cá nhân và mỗi ngành. Đặc biệt bản chất của sáng tạo là vô hạn. Nắm được cái vô hạn để tiếp tục khám phá, tìm tòi và sáng tạo. Thực tế cho thấy Nghệ thuật sáng tác múa dân gian dân tộc hiện nay đã có một bước phát triển rất mạnh mẽ. Các biên đạo đã không ngừng tìm tòi những vẻ đẹp mới trong di sản múa dân gian dân tộc. Trong sự phát triển của đời sống văn hóa cộng đồng hiện nay. Gần đây cụm từ “múa dân gian đương đại”là chỉ những sáng tác mới, sử dụng chất liệu múa dân gian các dân tộc với tư cách là motip để cấu tạo ngôn ngữ tác phẩm múa mới. Theo tinh thần đó hàng năm đã có hàng trăm tác phẩm thuộc thể loại này được sáng tác và biểu diễn.

Sự phát triển, đổi mới về ngôn ngữ là một thành tựu của nghệ thuật múa.

         Thực tế cho thấy, đây là một bước phát triển quan trọng trong lĩnh vực sáng tác múa. Những biểu hiện phức tạp trong ngôn ngữ, bố cục, cấu trúc. Không ít tác phẩm khá trừu tượng, khán giả không chỉ tiếp nhận nội dung qua hình ảnh cụ thể mà tiếp nhận bằng cảm xúc, cảm nhận qua tín hiệu tổng hợp của ngôn ngữ động tác, âm nhạc, công nghệ ánh sáng…Tác giả, biên đạo cùng đồng hành với khán giả trong việc mở rộng không gian tác phẩm, giúp người xem có những cảm giác mới lạ trong quá trình thưởng thức nghệ thuật múa. Sự miêu tả cụ thể chỉ còn có thể gặp trong nghệ thuật múa quần chúng, thế nhưng cũng không phải là tất cả. Trong những năm qua múa quần chúng còn gọi là múa phong trào phát triển khá mạnh mẽ. Có thể nói nghệ thuật múa hầu như đã phủ sóng tới mọi mặt đời sống xã hội. Con người cần đến múa, khán giả đến với múa nhiều hơn…có câu nói nghệ thuật múa đã lên ngôi và thực sự là người bạn đường với các đối tượng, thế hệ khán giả Việt Nam. 

Đề tài chiến tranh cách mạng, đề tài lịch sử vẫn tiếp tục được quan tâm nhưng được biểu hiện bằng ngôn ngữ và cấu trúc mới hơn. Phản ánh lịch sử phải chính xác, chân thực. Nhưng cần những cảm xúc, tư duy sáng tạo mang hơi thở mới. Nội dung, hình tượng nghệ thuật được thể hiện bằng ngôn ngữ hình thể khác lạ, thủ pháp mới, phong cách sáng tạo độc đáo.. Nếu như trước và trong chiến tranh ngôn ngữ múa còn mang nặng tính mô phỏng. Tác phẩm múa từ nội dung, hành động nhân vật đều rất gần với hiện thực. Đương nhiên sự mô phỏng đó được nghệ thuật hóa bằng những động tác múa khá rõ ràng, cụ thể. Khán giả dễ dàng tiếp nhận nội dung, ý đồ của tiết mục tác phẩm. Sau chiến tranh đến nay, trải qua các giai đoạn khác nhau, ngôn ngữ biểu đạt nghệ thuật múa đã thay đổi rất nhiều. Đề tài mở rộng, phong phú, nội dung phức tạp đa dạng hơn, nhiều tác phẩm đã bắt đầu miêu tả thế giới bên trong, thế giới tinh thần, những góc khuất của con người…vì thế như một tất yếu đó là cần đổi mới về ngôn ngữ biểu đạt. Nếu như trước đó các dòng múa dân gian các dân tộc, múa cổ điển châu Âu được nhào trộn trong tư duy sáng tạo của tác giả được coi là tiên tiến, chủ đạo. Thì hiện nay ngôn ngữ múa hiện đại đã thực sự đi vào đời sống nghệ thuật múa. Vấn đề này qua nhiều thử nghiệm, trao đổi, tranh luận để khẳng định tính ưu việt trong ngôn ngữ múa hiện đại tham gia vào quá trình xây dựng tác phẩm múa. Đến nay nhiều tác phẩm đã thành công, được đồng nghiệp công nhận và khán giả đã tiếp nhận và công nhận nó như một nhu cầu cần thiết.

Một thành tựu nữa cần phải nhận diện rõ đó là phong cách nghệ thuật múa trở nên đa dạng, phong phú hơn rất nhiều. Nhìn một cách trực diện bằng con mắt chuyên môn có thể nhận thấy sân khấu múa đương đại hôm nay xuất hiện nhiều phong cách sáng tác khác nhau. Người ta tìm thấy những phong cách mới lạ trong sáng tạo cá nhân, những phong cách gần như được hình thành của một bộ phận tác giả, trở nên một xu hướng sáng tác. Nghệ thuật múa với nhiều tác phẩm đa dạng về phong cách nghệ thuật đã đáp ứng được thị hiếu đa dạng hơn của khán giả hiện nay. Và cho đến thời điểm này có thể nói nghệ thuật múa đã đồng hành được với người xem. Nội dung tác phẩm, phong cách nghệ thuật, thủ pháp dàn dựng phong phú, đổi mới, nhiều hình vẻ khác nhau, phương thức, thủ pháp, ngôn ngữ khác nhau…khán giả đã có nhiều thứ để lựa chọn “món ăn” cho phù hợp trong quá trình thưởng thức nghệ thuật.

Khán giả đến với nghệ thuật múa nhiều hơn. Họ đã cảm nhận được cái đẹp trong ngôn ngữ hình thể. Có lần một anh bạn ngoại đạo nói với tôi “Cái đẹp tìm thấy được trong nghệ thuật múa mà đôi khi không thể tìm thấy trong loại hình nghệ thuật khác được”. Đặc biệt những thập kỷ gần đây, nghệ thuật múa không chỉ đơn giản như những bức tranh cổ động mà nó đã trở thành một loại hình nghệ thuật rất cần thiết trong đời sống con người, là một bộ môn nghệ thuật độc lập, có khả năng diễn đạt và diễn đạt tốt mọi nội dung phong phú, đa dạng. Những người làm nghề đã đăt ra câu hỏi nghiêm túc đó là cần phải đẩy mạnh tính hấp dẫn trong mỗi tác phẩm. Với đặc điểm đời sống hiện tại, tính giải trí hiển nhiên là vấn đề quan trọng trong nghệ thuật biên đạo và biểu diễn.

 Sự ra đời một tổ chức chính trị -xã – hội – nghề nghiệp đó là Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho thấy sự lớn mạnh của nghệ thuật múa. Điều đó được minh chứng bởi hàng trăm tác phẩm có nội dung tư tưởng tốt, có giá trị nghệ thuật mang đậm tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt gắn bó với con người, gắn bó với cách mạng, đồng hành với đất nước với dân tộc trong các giai đoạn lịch sử khác nhau.

Nghệ thuật múa không chỉ tồn tại trên sân khấu với tư cách là các tác phẩm biểu diễn phục vụ khán giả. Mà nó còn lan tỏa, phổ cập tới toàn bộ trong đời sống dân sinh. Sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả đối với các loại hình nghệ thuật khác để cùng nhau tạo nên giá trị nghệ thuật tổng hợp. Múa chuyên nghiệp và múa quần chúng đều lấy con người làm mục đích cho sự tồn tại của mình. Thực sự chúng ta có thể nhận thấy trong hầu hết các hoạt động văn hóa từ mọi miền đất nước đều có sự tham gia tích cực, hiệu quả của nghệ thuật múa. Các chương trình lễ hội văn hóa, lịch sử, thể thao, lễ hội dân gian các dân tộc, các chương trình tuyên truyền văn hóa đều phối hợp với nghệ thuật múa trong xây dựng và công diễn. Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy chất lượng nghệ thuật tác phẩm múa đã được phát triển ở tầm cao mới. Nếu so với quá khứ là một khoảng cách lớn. Điều này cho thấy sự phát triển là một tất yếu nhưng một mặt chúng ta nhận thấy sự cố gắng vươn lên của toàn ngành, trong đó vai trò người nghệ sĩ múa rất quan trọng.

Sự phát triển về đội ngũ những người làm nghề cũng cần được tính là một thành tựu của nghệ thuật múa. Hiện nay chúng ta đã có hàng trăm các đơn vị nghệ thuật ca múa nhạc chuyên nghiệp được phân bố hầu hết các tỉnh thành trong cả nước. Hàng trăm vũ đoàn hoạt động sáng tác, biểu diễn mang tính chuyên nghiệp. Các trung tâm văn hóa đều có bộ môn nghệ thuật múa. Tóm lại nghệ thuật múa đã “phủ sóng” trong đời sống văn hóa, tinh thần của toàn xã hội Việt Nam đương đại. Hội nghệ sĩ múa Việt Nam mới kỷ niệm 30 năm thành lập hội. Từ gần một trăm hội viên trong những năm tháng đầu tiên, đến nay con số hội viên đã lên đến hàng nghìn người bao gồm cả bốn chuyên ngành: Lý luận, sáng tác, đào tạo và biểu diễn. Một sự kiện đáng ghi nhớ thể hiện sự phát triển nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đó là kỷ niệm 50 năm. Được tổ chức tại thủ đô Hà Nội gồm 50 đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp từ Tây Bắc, Việt Bắc, Tây Nguyên, khu 5, Nam Bộ, Chăm, Kh’me…các đoàn nghệ thuật trong lực lượng vũ trang, các đoàn từ trung ương đến địa phương đã mang những tác phẩm, chương trình múa đặc sắc của mình ra trình diễn tại Hà Nội và các vùng lân cận. Có thể nói sự kiện này là một điểm sáng trong sự phát triển nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam. Bên cạnh đó các hoạt động nghề nghiệp rất hữu ích và thiết thực như: các cuộc thi sáng tác múa, thi tài năng biểu diễn, các cuộc hội thảo khoa học của toàn ngành về các vấn đề liên quan đến sự phát triển, cuộc thi sáng tác các tác phẩm múa dân gian các dân tộc thiểu số Việt Nam, thi múa hài Việt Nam, sáng tác và dàn dựng các tác phẩm kịch múa lớn…Gần đây, năm 2019 Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam đã dàn dựng và công diễn vở kịch múa “Hồ Thiên nga” một tác phẩm múa kinh điển thế giới. Nhìn góc độ biểu diễn, cho thấy năng lực và tài nghệ của các nghệ sĩ múa Việt Nam đồng hành, hòa nhập với nghệ thuật biểu diễn múa thế giới.

Một thành tựu đáng kể nữa đó là những kết quả đạt được trong quá trình giao lưu với nghệ thuật múa thế giới. Trên tinh thần định hướng cơ bản của nghị quyết Trung ương V đó là “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Nội hàm của tiên tiến được hiểu dưới hai góc độ đó là sự đổi mới từ nỗ lực nội tại, hai là tiếp thu tiên tiến từ thế giới bên ngoài. Vậy tiếp thu và biến đổi cái tiên tiến từ bên ngoài thế nào và tiếp thu cái gì trên tinh thần làm giàu cho nghệ thuật múa Việt Nam nhưng vẫn giữ được cốt cách, bản sắc dân tộc. Tính cho đến thời điểm này, sau rất nhiều nỗ lực cố gắng của ngành múa Việt Nam chúng ta đã thu được những thành tựu lớn. Điều này được chứng minh qua thực tiễn đời sống múa: tác phẩm, đội ngũ biểu diễn không hề thua kém so với các cường quốc múa thế giới. Nghệ thuật múa Việt Nam với bản lĩnh chính trị và bản lĩnh nghề nghiệp đã biết cập nhật, lựa chọn những cái phù hợp với văn hóa Việt Nam nói chung và nghệ thuật múa nói riêng để không ngừng vươn tới đạt được nhiều thành tựu mới.

Về lĩnh vực nghiên cứu lý luận từ chỗ con số không. Cơ bản là những tác giả vừa sáng tác, biểu diễn hoặc làm công tác đào tạo tham gia viết bài. Người viết chuyên nghiệp rất ít. Tuy nhiên cho đến nay, nghệ thuật múa Việt Nam đã có một đội ngũ làm công tác nghiên cứu lý luận đã có những thành tựu bước đầu qua một số công trình nghiên cứu. Đội ngũ nghệ sĩ múa có học hàm, học vị đã phát triển cả về số lượng và chất lượng. Công tác nghiên cứu, lý luận thực sự đồng hành với đời sống nghệ thuật múa. Đã phát hiện và lý giải nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển của toàn ngành. Một số hội thảo khoa học có chủ đề như: Kịch múa Việt Nam hành trình và phát triển; Tính dân tộc và tính hiện đại trong sáng tác múa; Tính hai mặt trong giao lưu với nghệ thuật múa thế giới; Đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng với nghệ thuật múa Việt Nam v.v… Cái quan trọng là đã phân định được các cấp độ giá trị của quá trình tiếp thu và biến đổi nghệ thuật múa. Tư duy lý luận và thực tiễn đã song hành với nhau và trên thực tế đã góp phần định hướng cho sự phát triển nghệ thuật múa những bước đi tiếp theo. Trong nền kinh tế thị trường, sản phẩm sáng tạo trong đó có múa cũng không nằm ngoài quy luật chi phối của hàng hóa. Nghệ sĩ múa vẫn phải tồn tại và làm việc hăng say, phải vượt qua nhiều khó khăn trong mưu sinh. Điều đáng mừng là chúng ta đã khẳng định được thành tựu của mình trong hành trình tiếp tục.

Mùa COVID-9, chấp hành lời kêu gọi của thủ tướng chính phủ “Khi Tổ quốc cần, chúng ta phải ngồi yên”. Nhưng yên trong sự xáo động ghê gớm. Nghề múa mà. Động trong tĩnh và tĩnh để động. Những vũ điệu cuộc đời không hề ngưng nghỉ./.