Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội 40 năm vinh quang một chặng đường

0
668

Bài và ảnh: Phương Lan

Ngày 17.12, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội đã tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm thành lập trường (17.12.1980 – 17.12.2020) và 61 năm sự  nghiệp đào tạo sân khấu – điện ảnh. Tới dự Lễ kỷ niệm có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông cùng các thầy cô nguyên là lãnh đạo nhà trường qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ, giảng viên, sinh viên đã và đang công tác, học tập tại trường.

Nhân sự kiện ý nghĩa này, phóng viên Tạp chí Nhịp Điệu đã có buổi trao đổi với ThS. Nguyễn Thị Thanh Quế – Phó Hiệu trưởng nhà trường để tìm hiểu về lịch sử hình thành, phát triển và bề dày thành tích của nhà trường trong suốt chặng đường vẻ vang 40 năm  qua.

PV: Xin được gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của nhà trường nhân dịp 40 năm thành lập trường. Rất mong Phó Hiệu trưởng có thể chia sẻ với độc giả của Tạp chí Nhịp Điệu đôi nét về quá trình xây dựng và trưởng thành của nhà trường cũng như những định hướng phát triển nhà trường cho chặng đường tiếp theo?

ThS Nguyễn Thị Thanh Quế: Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội được thành lập ngày 17/12/1980, là cơ sở đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực và nhiều trình độ. Bốn mươi năm qua, quy mô và chất lượng đào tạo của nhà trường từng bước được nâng cao và mở rộng với gần 40 ngành/chuyên ngành, đáp ứng được nhu cầu của xã hội. 

Trong những năm gần đây, nhà trường đã không ngừng nỗ lực cải tiến hệ thống giáo trình, phương pháp giảng dạy cùng các cơ sở vật chất, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng cũng như mở rộng và đa dạng hoá các loại hình đào tạo để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Bên cạnh đó, trường tiếp tục đổi mới công tác quản lý và tổ chức thực hiện các hoạt động nghiên cứu khoa học, rà soát điều chỉnh hệ thống khung chương trình, giáo trình đào tạo một số chuyên ngành theo đúng qui chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo. 

Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội may mắn có đội ngũ giảng viên được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ và nhiệt huyết với nghề. Đặc biệt, đội ngũ giảng viên các ngành nghệ thuật đều được tôi luyện qua thực tiễn sáng tác và dày dạn sân khấu nên bài giảng của các thầy cô rất có sức hấp dẫn và thuyết phục. Các thế hệ cán bộ, giảng viên cùng chung chí hướng với Ban lãnh đạo vì mục tiêu chung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của xã hội, xứng đáng với vị thế của trường. 

Để nâng cao chất lượng đào tạo, hàng năm, nhà trường cũng dành sự quan tâm không nhỏ cho việc tìm kiếm mở rộng các mối quan hệ quốc tế, mời các nghệ sĩ, chuyên gia nước ngoài sang giảng dạy, trao đổi giúp giảng viên và sinh viên được tiếp xúc với nội dung, phương pháp giảng dạy tiên tiến, hiện đại và tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên được cọ xát với môi trường quốc tế. Chúng tôi thật rất tự hào khi có nhiều thế hệ học sinh, sinh viên của trường đã trở thành những nghệ sĩ tài năng, nhà nghiên cứu lý luận giỏi, nhà quản lý có uy tín. Trong đó, có những người đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Nhà giáo Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, góp phần quan trọng trong việc xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Chặng đường tiếp theo, nhà trường hướng đến mục tiêu năm 2030 “là một trong các trường đào tạo sân khấu, điện ảnh, truyền hình có uy tín trong khối ASEAN”, xây dựng Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội thành trường trọng điểm quốc gia trong đào tạo nghệ thuật sân khấu và điện ảnh – truyền hình có uy tín trong khu vực, đủ năng lực để hội nhập quốc tế, làm nòng cốt cho các trường đào tạo nghệ thuật trong cả nước. Tôi tin tưởng rằng, từ những nỗ lực hết mình của cả thầy và trò, chắc chắn trong chặng đường tiếp theo mọi khó khăn còn tồn đọng, vướng mắc sẽ được cải thiện tốt hơn, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội sẽ luôn xứng đáng là trường đầu ngành về đào tạo nghệ thuật sân khấu, điện ảnh và nghệ thuật biểu diễn.

PV: Có thể nói, chặng đường vẻ vang 40 năm qua, sự lớn mạnh của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có sự đóng góp rất lớn của các Khoa, trong đó có Khoa Múa. Phó Hiệu trưởng đánh giá thế nào về Khoa Múa đối với sự phát triển của nhà trường?

ThS. Nguyễn Thị Thanh Quế: Đúng vậy, sự phát triển vững mạnh của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội có sự đóng góp của tất cả các khoa, phòng, của lớp lớp thế hệ thày và trò nhà trường, trong đó có Khoa Múa. 

Chúng tôi ghi nhận đây là một trong những khoa có chất lượng đội ngũ giảng viên rất tốt, đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và rất yêu nghề. Ngoài giảng viên cơ hữu, khoa đã và đang nhận được sự cộng tác giảng dạy của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuậ múa. Xác định đây là một trong những ngành mũi nhọn, Nhà trường rất quan tâm tới việc hợp tác quốc tế, mời các giảng viên, chuyên gia nước ngoài về giao lưu, trao đổi và giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng dạy và học của Khoa Múa, giúp các em sinh viên có cơ hội tiếp cận với tri thức mới, được cọ xát với môi trường quốc tế chuyên nghiệp.

Trước đây việc hợp tác quốc tế còn chưa đạt hiệu quả cao do trình độ ngoại ngữ của sinh viên và giảng viên còn hạn chế. Tuy nhiên, từ khi nhà trường đẩy mạnh phong trào học ngoại ngữ, áp dụng phân luồng sinh viên để học theo chương trình phân cấp, chia trình độ theo lớp để các em tiếp cận được đúng trình độ và nâng cao khả năng ngoại ngữ của mình thì trình độ của các em tăng lên nhanh chóng. Cũng thật may mắn khi ngay tại khoa có những giảng viên có trình độ ngoại ngữ rất tốt như ThS.NSUT Lưu Thu Lan; ThS Long Thanh Hà…nên chúng tôi không phải thuê phiên dịch, khiến cho việc hợp tác, giao lưu diễn ra hết sức thuận lợi và đạt hiệu quả cao. Các em sinh viên Khoa Múa tỏ ra rất hứng thú với các hoạt động này. Là người từng quản lý lĩnh vực hợp tác quốc tế, tôi cảm nhận được sự nhiệt huyết của thầy và trò Khoa Múa, điều đó đã lan tỏa và gây ấn tượng rất tốt với các chuyên gia nước ngoài, xóa nhòa đi khoảng cách địa lý, văn hóa. Đó là điều tuyệt vời nhất!

Lãnh đạo nhà trường luôn ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực và tấm lòng nhiệt huyết với nghề của thầy và trò khoa múa. Ngoài giờ học trên lớp, thầy và trò còn rất năng nổ với các hoạt động ngoại khóa và thiện nguyện, tạo ra sức lan tỏa rất lớn. Khoa Múa cũng là một trong những khoa luôn đi đầu trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy, gắn liền việc học tập và thực hành, vì thế sinh viên ra trường có thể tự tin làm nghề.

Trong quá trình giảng dạy, nhà trường cũng nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam. Hội đã tạo điều kiện cho các em sinh viên của trường tham gia các cuộc thi do Hội phối hợp tổ chức. Ngoài ra, Hội cũng tư vấn cho nhà trường và các giảng viên về nội dung chương trình, từ đó nhà trường dựa trên nhu cầu của xã hội để điều chỉnh cho phù hợp.

Đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngoài 03 ngành đào tạo: Biên đạo múa, Huấn luyện múa và Lý luận phê bình Múa, năm 2014 nhà trường đã mở thêm chuyên ngành Biên đạo múa Đại chúng và đã tuyển sinh được rất tốt. Nhà trường luôn tự hào là cơ sở đào tạo bậc cao nhất của ngành múa Việt Nam. Hy vọng rằng, chặng đường tiếp theo, thầy và trò Khoa Múa tiếp tục chung sức đồng lòng, phát huy những thành tích đã đạt được, xứng đáng là một trong những khoa mũi nhọn của Trường Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.

PV: Cảm ơn ThS. Nguyễn Thị Thanh Quế rất nhiều! Chúc chị thật nhiều sức khỏe, hạnh phúc! Chúc Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội ngày càng phát triển vững mạnh, vững bước lên tầm cao mới.

Lá cờ đầu của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội

Phương Linh

Khoa Múa được thành lập từ năm 1980 với nhiệm vụ đào tạo chuyên sâu 3 chuyên ngành. Biên đạo Múa, Huấn luyện Múa, Biên đạo Múa đại chúng.

ẢNH TOÀN KHOA

Nếu như thời gian đầu, phải 4 năm khoa mới tuyển sinh một khoá, thì từ năm 2000 đến 2008, khoa tuyển sinh 2 năm một khoá. Hiện nay, Khoa tuyển sinh hằng năm theo nhu cầu nâng cao trình độ đại học chuyên ngành của thí sinh và các đơn vị nghệ thuật trong cả nước.

Trưởng khoa đầu tiên là NSƯT Ngân Quý cùng các giảng viên được đào tạo bài bản ở Liên bang Xô Viết (Liên Xô cũ) trở về gây dựng Khoa Múa như PGS.TS.NSND Nguyễn Thị Hiển; NGƯT Trương Lê Giáp; cố NSƯT Trần Đình Quý… 

NSUT NGÂN QUÝ

Những thế hệ Trưởng khoa tiếp bước NSƯT Ngân Quý là:

NSND Nguyễn Thị Hiển

NSƯT Trương Lê Giáp

TS.NSƯT Trần Văn Hải

Và nay là ThS Phùng Quang Minh

Đội ngũ giảng viên cơ hữu và cộng tác viên của Khoa Múa đều là những giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có uy tín trong nghề như: NSND Vũ Hoài, NSND Ứng Duy Thịnh, NSND Công Nhạc, NGND Minh Phương, NGƯT Vũ Dương Dũng, TS Tạ Duy Hiện, nhà LLPB Bùi Đình Phiên, ThS Phạm Hùng Thoan, NSND Anh Phương, NGUT Mai Hương, Ths Tuyết Minh, ThS.NSUT Lưu Thu Lan, Ths Hoàng Kim Anh,  ThS Nguyễn Thị Thùy Châu, ThS Long Thanh Hà, Cô Nguyễn Thị Thu Hiền, Cô Nguyễn Thị Hằng,…

  1. NSND Phạm Anh Phương

Giảng viên dạy môn Nghệ thuật biên đạo

Ngoài các giảng viên cơ hữu, khoa đã và đang nhận được sự cộng tác giảng dạy của những chuyên gia đầu ngành của ngành múa Việt Nam.

Nhiều sinh viên tốt nghiệp ra trường trở thành các biên đạo múa nổi tiếng, với những tác phẩm múa để đời. Không ít trong số đó trở thành các thầy cô giáo dạy múa ở các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghệ thuật chuyên nghiệp. Nhiều sinh viên giờ đây đã trở thành NGƯT, NSƯT, các cán bộ chủ chốt ở các đơn vị nghệ thuật trên cả nước….

Song song với việc đào tạo đại học chính quy, được sự đồng ý của Ban Giám hiệu nhà trường, khoa Múa còn mở nhiều lớp đào tạo vừa học vừa làm (tại chức cũ) cho các tỉnh phía Nam như TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng…

Từ năm 2005, Khoa Múa kết hợp với dự án Hợp tác phát triển Văn hoá Việt Nam – Thuỵ Điển, nhiều giảng viên, chuyên gia của Thụy Điển đã đến giảng dạy Múa hiện đại cho các khoá sinh viên của Khoa. Cùng với đó là hàng loạt các đợt hợp tác quốc tế với các trường nghệ thuật của Mỹ, Nga, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản,…

Khoa Múa là một đơn vị có truyền thống đào tạo bài bản, với hệ thống chương trình, giáo trình chuẩn mực và đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, vững vàng trong chuyên môn và luôn tâm huyết với nghề xứng đáng là lá cờ đầu của Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội.