Báo động múa dân tộc nhìn từ một cuộc thi

0
165

Cuộc thi “Tài năng biểu diễn múa 2020” khẳng định dấu mốc về một mùa thi thành công và có sức lan tỏa mạnh nhất từ trước tới nay. Một mùa thi hội tụ số lượng thí sinh dự thi đông đảo và ghi dấu sức trẻ tiềm năng của nghệ thuật múa Việt Nam đang ngày càng phát huy sự năng động trong quá trình hòa nhập với nghệ thuật múa thế giới. 

Không thể phủ nhận tính ưu việt và lợi ích mà cuộc thi mang lại đã góp phần khơi gợi và tạo điều kiện cho các nghệ sĩ múa tương lai khẳng định tài năng, năng lực nghề nghiệp của mình. 

Tuy nhiên, cũng từ cuộc thi này đã nảy sinh một vấn đề khiến các nhà chuyên môn cảm thấy rất đáng lo ngại cho dòng múa dân tộc Việt Nam mà chúng ta không thể làm ngơ. Múa dân tộc ở đây bao gồm cả múa dân gian – dân tộc, múa dân gian đương đại, múa cổ điển Việt Nam…

Có thể nói, khi nghĩ đến một quốc gia – dân tộc, điều đầu tiên khiến bạn bè quốc tế nghĩ tới đó là nền văn hóa của đất nước đó. Văn hóa dân tộc là nền tảng khẳng định cốt cách, tâm hồn và hơn thế nó còn khẳng định tiềm lực và sức mạnh lịch sử của quốc gia…

Cũng như vậy, để giới thiệu bản sắc văn hóa múa Việt Nam trước bạn bè quốc tế thì điều đầu tiên chúng ta nghĩ tới là múa dân tộc – nhất định phải là múa dân tộc chứ không phải là múa đương đại. 

Nói đến đây chúng ta đều nhận thấy qua cuộc thi này ngôn ngữ  múa hiện đại, đương đại đang len lỏi vào từng ngõ ngách của đời sống múa. Phải khẳng định tính ưu việt của ngôn ngữ múa đương đại có sức mạnh chuyển tải nhiều vấn đề của đời sống đương đại, múa đương đại đang có thế mạnh và cơ hội phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển của múa đương đại là vận động tất yếu của dòng chảy xã hội đương đại. Chúng ta không thể khống chế, kìm hãm hay kháng cự nổi. 

Nhưng làm sao để phát huy đương đại mà không đánh mất bản sắc ngôn ngữ dân tộc, không lu mờ phẩm cách văn hóa của quốc gia quả là điều cần được quan tâm nghiêm túc và cẩn trọng. 

Theo quy chế đã ban hành, trong Bảng C ( bao gồm múa dân gian – dân tộc, dân gian đương đại, dân tộc hiện đại, múa truyền thống..,) có nghĩa là Ban Tổ chức cuộc thi đã tính toán, nghiên cứu khá kĩ lưỡng về dòng múa này để làm sao tạo cơ chế mở, tạo điều kiện tốt nhất cho các em thể hiện, phát huy tinh thần dân tộc mà không hạn chế, đóng khung các em ở một khuôn phép hay giới hạn nào về hình thức thể hiện. Rõ ràng, khi đăng kí tỉ thí tài năng ở bảng thi này, các em có nhiều đất sáng tạo, thể hiện mình hơn hẳn các thí sinh ở Bảng A – dòng múa Ballet. 

Có thể nói, ban đầu Hội đồng giám khảo rất kì vọng vào bảng thi này bởi suy nghĩ đây là một dòng múa khẳng định thế mạnh của nghệ thuật múa Việt Nam trong nhiều năm qua; và nhất là khi nhìn vào số lượng thí sinh dự thi ở bảng này cũng khá đông đảo. Hơn nữa, đa phần các tác phẩm đem đến cuộc thi đều là những sáng tác mới cho riêng thí sinh dự thi – có nghĩa là người biên đạo dàn dựng cũng suy tính đến phương án dựng tác phẩm sao cho thí sinh dự thi phát huy được thế mạnh của mình nhiều nhất. 

Quả thật, giới nghệ sĩ múa chúng tôi cũng vô cùng kì vọng vào đội ngũ biên đạo múa trẻ đang ngày càng phát huy sức sáng tạo, bởi trong số 49 tác phẩm được các thí sinh lựa chọn để thể hiện tài năng biểu diễn, chỉ có 5 tác phẩm đã được sáng tác từ những năm trước như: “Hóa vàng”, “Bến lụy”, “Đò lỡ”, “Lưng gùi cõng em”, “Nam phương mẫu tế”; còn lại có tới 44 tác phẩm được sáng tác mới. 

Tất nhiên, cũng cần công bằng nhìn nhận đây là một kì thi tìm kiếm tài năng biểu diễn nên điều mà nhà tổ chức và Ban giám khảo quan tâm nhất là khâu biểu hiện tác phẩm của thí sinh, nghĩa là cách thể hiện ngôn ngữ, kĩ thuật, kĩ xảo, cách biểu cảm của diễn viên chứ không nên “soi” vào câu chuyện sáng tác – sáng tạo tác phẩm của biên đạo. Hơn nữa, vấn đề xây dựng kết cấu, dàn dựng tác phẩm ra sao để tác phẩm chuyển tải được nội dung, ý đồ và thông điệp tác phẩm cũng không phải là câu chuyện mà giới chuyên môn chúng tôi đặt lên bàn cân trong cuộc thi này. 

Thế nhưng, với đặc thù của nghệ thuật múa, tác phẩm lại là nhân tố quyết định sự thành – bại của diễn viên. Tác phẩm tốt có thể chắp cánh cho tài năng diễn viên tỏa sáng; ngược lại, nếu tác phẩm không tốt sẽ trở thành  “con dao hai lưỡi” làm tổn hại đến năng lực của diễn viên. 

Trở lại với cuộc thi này, trong phần dự thi bảng C – nếu thí sinh lựa chọn một tác phẩm sẵn có kiểu như “Bến lụy”, “Hóa vàng”, “Cánh chim và ánh sáng mặt trời”, “Nguyệt cô hóa cáo”, “Khúc biến tấu từ pho tượng cổ”… để biểu hiện tài năng của mình thì những người “cầm cân nảy mực” có thể yên tâm mà thẩm định, đánh giá tài năng của các em mà không phải thắc thỏm lo lắng, băn khoăn gì. Và chuyện đổ lỗi cho thí sinh nếu các em thể hiện không tốt tác phẩm, nếu các em lựa chọn tác phẩm không phù hợp với năng lực của mình là hoàn toàn xác đáng.

Nhưng rõ ràng, đối với tác phẩm được biên đạo sáng tác riêng cho các em tham dự cuộc thi thì cần phải tính toán và bàn bạc một cách công tâm, nghiêm túc… bởi lúc này năng lực của diễn viên phụ thuộc khá nhiều vào tài năng sáng tạo tác phẩm của biên đạo. 

Vấn đề cần nhấn mạnh ở đây là bảng thi thí sinh lựa chọn – bảng C – có nghĩa là các em phải xác định dòng múa các em thể hiện là múa của dân tộc Việt Nam, có nghĩa là người biên đạo cũng phải sáng tạo tác phẩm dựa trên nền tảng ngôn ngữ, chất liệu, phong cách dân tộc. Nói như vậy, không có nghĩa là Ban tổ chức đòi hỏi các tác phẩm phải mang ngôn ngữ dân tộc thuần chất, nguyên bản bởi ngay trong quy chế thi cũng đã khá cởi mở, linh động khi xếp “múa dân gian đương đại” và múa “dân tộc hiện đại” vào bảng thi này. Nhưng điều mà giới chuyên môn quan tâm ở đây là phong cách, tinh thần dân tộc. Người biên đạo có thể sử dụng ngôn ngữ múa đương đại, có thể sử dụng kĩ xảo hiện đại, nhưng phải biết tiết chế, sử dụng hàm lượng ra sao cho tác phẩm vẫn tạo được “đất” cho thí sinh bộc lộ tài năng mà không làm mất đi tinh thần, bản sắc dân tộc cần có.  

Thật tiếc cho nhiều thí sinh ở bảng thi này, bởi khá nhiều em kĩ thuật rất khá, năng lực không tồi nhưng do hạn chế về khâu biên đạo, dàn dựng tác phẩm đã khiến các em phải thiệt thòi. Ví như ở tác phẩm “Phận” – một sáng tạo về dân tộc Tày dành cho thí sinh Nguyễn Thị Khuê của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn – Thanh Hóa. Nếu xét về mặt kĩ thuật, kĩ xảo diễn viên thì Khuê đã thể hiện khá tốt những kĩ thuật khó đòi hỏi diễn viên phải có một trình độ vững mới đảm nhiệm được. Nhưng thật tiếc, bởi biên đạo đã mải mê tìm cách cho diễn viên phô diễn kĩ thuật, trưng trổ kĩ xảo về mặt hình thức mà quên mất điều tối quan trọng trong tiêu chí lựa chọn bảng thi – Bảng C – múa dân tộc và cũng quên mất mục đích ban đầu của tác phẩm là thể hiện đặc trưng văn hóa, phẩm chất văn hóa của người Tày… 

Có lẽ, đây chỉ là một trong nhiều tác phẩm tham dự cuộc thi khiến thí sinh “mất điểm” trong bảng thi này. Điều này cũng lí giải vì sao nhìn vào danh sách thí sinh đăng kí dự thi thì thấy số lượng tác phẩm và thí sinh ở bảng thi này không hề ít với số lượng tới 49/50 so với bảng B – múa đương đại, song dường như cả khán giả và giới chuyên môn đều có cảm giác tác phẩm múa dân tộc rất ít ỏi. 

Qua thực tế mấy ngày diễn ra cuộc thi, có lẽ giới chuyên môn cũng nhận ra rằng “lỗ hổng” về nhận thức – nền tảng lí luận, hiểu biết văn hóa, tri thức dân tộc của cả thí sinh dự thi và biên đạo dàn dựng đang trở nên đáng báo động. 

Làm cách nào để khỏa lấp “lỗ hổng” này đây?! Đó là một nỗi băn khoăn, trăn trở đòi hỏi phải có sự “đồng lòng chung sức” trước hết là từ hệ thống giáo dục – đào tạo trong nhà trường – nơi vun trồng, chăm bón sơ khai ban đầu cho nghệ sĩ, diễn viên. Bên cạnh việc đào tạo chuyên môn, các cơ sở đào tạo múa chuyên nghiệp cần coi trọng vấn đề bồi đắp cho các em những kiến thức nền tảng về văn hóa dân tộc, về lí luận căn bản để các em hiểu và thấm nhuần được từng ngôn ngữ, động tác của múa nói chung và múa dân tộc nói riêng mà các em thực hiện không đơn thuần là những vận động cơ học mà nó chuyên chở trong đó những tinh túy của văn minh, văn hóa; để các diễn viên – nghệ sĩ múa tương lai không trở thành người “thợ múa” vô hồn, vô cảm. 

Tất nhiên, nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phó thác hoàn toàn vào hệ thống giáo dục mà chúng ta cần hiều rằng giáo dục chỉ là một mắt xích nhỏ trong quá trình bồi đắp kiến thức văn hóa và hiểu biết dân tộc của nghệ sĩ trên con đường lập nghiệp. Còn lại điều tối quan trọng hơn cả là ý thức tự giác, tinh thần tự trau dồi, không ngừng học hỏi, tích lũy của bản thân nghệ sĩ biểu diễn và nghệ sĩ sáng tạo mới là “kim chỉ nam”, mới là “nền tảng” vững chãi của một người nghệ sĩ múa đích thực.  

Nếu còn nghi ngờ, các bạn diễn viên – nghệ sĩ trẻ hãy dành thời gian để ngắm nhìn các nghệ sĩ múa lão thành của chúng ta biểu hiện tác phẩm múa dân tộc. Chúng mình sẽ cảm nhận được nét “hồn hậu”, “tinh túy” trong từng động tác, trong từng chuyển động mà các nghệ sĩ múa ấy biểu diễn. Sẽ chẳng có những kĩ thuật cao siêu, chẳng có kĩ xảo hiện đại, nhưng người ta vẫn cảm – vẫn thấu được cái “hồn”, cái “chất” dân tộc lắng đọng trong từng cử động, trên từng khuôn mặt của các nghệ sĩ múa lão thành khi biểu hiện tác phẩm. Sở dĩ để bộc lộ được cái khí chất dân tộc đó, phải chăng các nghệ sĩ múa của chúng ta cũng đã phải trải qua biết bao gian khó, trải nghiệm nhọc nhằn, biết bao thực tế, học hỏi mà nên. 

Rõ ràng, không phải cứ khoác lên mình bộ trang phục dân tộc là nghiễm nhiên trở thành “dân tộc”. Không phải cứ cho những chuyển động, ngôn ngữ múa dân tộc vào tác phẩm là ra tác phẩm dân tộc; cũng không phải cứ đưa kĩ thuật, kĩ xảo đương đại khi dàn dựng, sáng tạo múa dân tộc là làm mất đi tâm hồn, cốt lõi dân tộc mà điều quan trọng đối với cả người diễn viên và người biên đạo múa đó là phải hiểu được tầng sâu ý nghĩa văn hóa dân tộc trước khi đi vào sáng tạo và biểu diễn múa dân tộc. 

Hi vọng rằng, qua cuộc thi này, nhiều biên đạo trẻ và nghệ sĩ biểu diễn tương lai sẽ tự nhìn nhận thấy mặt khiếm khuyết của mình về kiến thức nền tảng, về hiểu biết văn hóa dân gian, dân tộc mà tự tìm ra phương cách bồi đắp, tích lũy và rút ra hiều bài học hữu ích về mảng múa dân tộc. 

Chúng tôi tin tưởng ở thế hệ nghệ sĩ tương lai, tin tưởng rằng với sức trẻ và hoài bão sáng tạo, với sự nhanh nhạy, thông minh và năng động của mình các bạn sẽ là những chủ nhân múa trong tương lai, sẽ là những người lưu giữ và lan tỏa tinh thần múa dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. 

Thanh Hoa