Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2021 (Đợt 2)

0
252

Phương Lan

Sau thành công của Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2021 (Đợt 1) diễn ra tại thành phố Hải Phòng, Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2021 (Đợt 2) đã chính thức diễn ra từ ngày 17 đến ngày 30 tháng 6 năm 2022 tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Đắk Lắk, Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. Liên hoan do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch giao Cục Nghệ thuật biểu diễn chủ trì, phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam và các đơn vị liên quan tổ chức.
Liên hoan đợt 2 thu hút sự tham gia của trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ đến từ 22 đơn vị nghệ thuật trong cả nước. Liên hoan được tổ chức diễn thi ở hai loại hình nghệ thuật: Loại hình ca, múa, nhạc và loại hình giao hưởng, nhạc vũ kịch, thanh xướng kịch. Mỗi đơn vị đăng ký tham gia 1 chương trình có thời lượng từ 65 – 110 phút, trường hợp đơn vị công lập có nhiều đoàn, số lượng chương trình có thể tham gia tương ứng với số đoàn.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Nghệ sĩ ưu tú Trần Ly Ly, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn nhấn mạnh, Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc – 2021 (đợt 2) là dịp các nghệ sĩ thể hiện đam mê nghề nghiệp, phô diễn tài năng cũng như khát khao sáng tạo, cống hiến, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê với nghề nghiệp sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đồng thời, tạo cơ hội cho người dân Đắk Lắk được thưởng thức các chương trình, tiết mục ca múa nhạc tiêu biểu, góp phần nâng cao đời sống, tinh thần nhân dân.

Nhiều tiết mục tham gia Liên hoan Ca Múa Nhạc toàn quốc – 2021 (Đợt 2) đạt chất lượng về nội dung và nghệ thuật, hấp dẫn công chúng. Nhiều chương trình tham gia Liên hoan đã đạt được hiệu quả cao, chủ đề rõ ràng, tổ chức sân khấu tốt, biên tập và kết hợp tốt các yếu tố về âm thanh, ánh sáng đèn LED, hình ảnh minh họa. Các đơn vị nghệ thuật với ý thức trách nhiệm cao, quan tâm thỏa đáng về vật chất và đầu tư về chuyên môn tạo nên các chương trình có chất lượng tốt. Tất cả sự kết hợp tổng thể của các yếu tố đã mang lại cảm xúc thẩm mỹ đặc biệt cho khán giả, hấp dẫn công chúng.
Đánh giá về hoạt động chuyên môn, Nghệ sĩ Nhân dân, Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Đài, Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Liên hoan nhấn mạnh, bên cạnh những tác phẩm bám chắc vào chất liệu bản sắc của từng vùng miền, tham gia Liên hoan, nhiều tác phẩm sử dụng ngôn ngữ đương đại một cách sáng tạo không dập khuôn, cứng nhắc tạo nên bức tranh đa sắc trong nền âm nhạc và múa Việt Nam. Về sáng tác, chỉnh biên nâng cao, nhiều chất liệu nguyên gốc được sử dụng trong Liên hoan như: Hát then, hát khắp, hát canh, hát tế lễ dân ca Tây Nguyên, dân ca Nam bộ, đàn ca tài tử, hát Aray, Kh’me,… Bên cạnh những tiết mục múa khai thác, phục dựng lễ tế, lễ cúng, lễ hội dân gian, nhiều tiết mục tìm tòi sáng tạo gây được ấn tượng tốt về thị giác, tạo điều kiện để diễn viên thể hiện tối đa kỹ năng biểu diễn của mình.
Tại Lễ Bế mạc, Ban tổ chức đã trao giải với kết quả, 03 Giải Xuất sắc thuộc về Nhà hát Giao hưởng – Nhạc Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh vở Ballet “Kiều”; Nhà hát Công an nhân dân vở Nhạc kịch “Người cầm lái” và Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam với vở Ballet “Hàm Lệ Minh Châu”; 07 Huy chương Vàng thuộc về: Nhà hát Ca Múa Nhạc Quân Đội với chương trình “Rạng rỡ vinh quang – Sao vàng tỏa sáng”; Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân tộc Bông Sen với chương trình “Sen trắng”; Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Sao Biển tỉnh Phú Yên với chương trình “Nẫu”; Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An với chương trình “Sắc”; Đoàn Ca Múa Dân tộc tỉnh Đắk Lắk với chương trình “Những bức tranh Bazan đỏ”; Đoàn Văn công Quân khu 7 với “Đất mẹ miền đông” và Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bình Dương Với “Bình Dương – Đất ấm – Tình người”.

Ngoài ra, Ban Tổ chức trao 04 Huy chương Bạc và 04 Huy chương Đồng cho các chương trình, vở diễn; 45 Huy chương Vàng, 61 Huy chương Bạc và 18 Huy chương Đồng cho giải Tiết mục, diễn viên. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, Hội Nhạc sĩ Việt Nam, trao giải cho những cá nhân và tập thể có thành tích xuất sắc.