Tổng kết công tác hội năm 2022

0
184

Trong bối cảnh Đại dịch Covid-19 đã và đang thay đổi cách sống, làm việc và kết nối của con người trong xã hội. “Trạng thái bình thường mới” do đại dịch Covid-19 đặt ra những vấn đề mới, những tác động đa chiều tới sự phát triển văn học nghệ thuật trong đó có nghệ thuật múa. Theo đó, đòi hỏi phải có những điều chỉnh linh hoạt để thích ứng, phù hợp hơn với giai đoạn hiện nay. Với nhiều nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, Hội nghệ sĩ múa Việt Nam định hướng nhiệm vụ, giải pháp phát triển nghệ thuật múa thông qua các hoạt động chuyên môn thiết thực, hiệu quả kế hoạch công tác năm 2022.

Phần 1
KẾT QUẢ CÔNG TÁC HỘI NĂM 2022
I. CÔNG TÁC ĐỊNH HƯỚNG TƯ TƯỞNG VÀ SỰ QUẢN LÝ TRÊN LĨNH VỰC VĂN HÓA VĂN NGHỆ
Hội NSMVN xác định quán triệt sâu sắc những vấn đề cơ bản, cấp thiết đặt ra trong việc phát triển văn hóa văn nghệ theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc nhằm thúc đẩy việc xây dựng văn hoá con người Việt Nam trong tình hình mới như:
– Triển khai thực hiện Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, các uỷ viên Ban chấp hành đã tham gia nhiều đợt học tập nâng cao năng lực lãnh đạo bằng nhiều hình thức (trực tiếp và trực tuyến).
– Làm việc với Ban Chỉ đạo Đề án 103 về kế hoạch hoạt động xây dựng “Đề án nghiên cứu chức năng, nhiệm vụ, mô hình tổ chức của các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”.
– Thực hiện Kế hoạch 130 – KH/BTGTW, Hội NSMVN đã làm việc với Đoàn kiểm tra của Ban Tuyên giáo TW về việc triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận,văn bản của đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ năm 2022.
– Lãnh đạo Hội tham gia trong công tác xây dựng báo cáo tại “Hội nghị giao ban đánh giá tình hình văn hóa văn nghệ và hoạt động của các Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành TW” được tổ chức định kỳ 3 tháng một lần với sự tham dự của lãnh đạo Ban TGTW, Bộ VHTTDL, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.
– Tham gia có trách nhiệm, đóng góp ý kiến cho Hội nghị tổng kết Nghị định số 89/2014, NĐ 40/2021 của Chính phủ về việc xét tặng danh hiệu NSND, NSUT và Nghị định 133/2018 của Chính phủ về Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
– Liên hệ chặt chẽ với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Hội đồng Lý luận phê bình văn học nghệ thuật Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ và triển khai những vấn đề quan trọng liên quan đến sự phát triển nền văn học nghệ thuật Việt Nam; tham dự Hội nghị bàn về công tác Hội, công tác lý luận phê bình về Văn học nghệ thuật.
Trong công tác định hướng tư tưởng, Hội NSMVN tiến hành kết nối, lồng ghép xuyên suốt các nội dung Nghị quyết của Đảng vào trong mọi hoạt động chuyên môn. Đối với hội viên, Trung ương Hội luôn chủ động kết nối cập nhật thông tin, nắm bắt tình hình cũng như diễn biến tư tưởng của hội viên thông qua các đầu mối Chi hội trưởng, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong lĩnh vực quản lý để có biện pháp tháo gỡ.

II. CÁC HOẠT ĐỘNG CHUNG
1. Công tác chuyên môn
1.1. Với mục tiêu thúc đẩy sự tìm tòi, sáng tạo, sáng tác nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tính nhân văn, dân tộc. Hội NSMVN tổ chức trại sáng tác và thâm nhập thực tế tại Đà Lạt từ ngày 06 đến ngày 13/5/2022. Kết thúc trại sáng tác kịch bản và công tác lý luận phê bình múa, hội viên tham dự đã xây dựng được 19 kịch bản múa ngắn, 02 kịch bản lễ hội cấp tỉnh và 11 bài viết nghiên cứu nghệ thuật múa. Các đề tài kịch bản múa phong phú, đa dạng phản ánh những trang sử hào hùng của dân tộc, phong tục tập quán văn hoá đa dạng, tình yêu quê hương đất nước, tinh thần và ý chí của con người Việt Nam trong lao động, chiến đấu bảo vệ tổ quốc và công cuộc đổi mới đất nước ngày nay. Đây là kết quả lao động sáng tạo nghệ thuật của các hội viên tham dự trại sáng tác, là minh chứng của lòng nhiệt thành, tình yêu nghệ thuật và khát vọng được cống hiến cho sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
1.2. Hội NSMVN tổ chức Thâm nhập thực tế di sản múa dân gian các dân tộc H’mông, Nùng Dín và La Chí cho 30 hội viên là các nhà giáo, biên đạo, lý luận đang công tác tại một số đơn vị khu vực miền Bắc từ ngày 15 đến ngày 22/8/2022 tại tỉnh Lào Cai. Các hội viên được tiếp cận với các già làng, nghệ nhân, tham dự một số lễ hội dân gian truyền thống, tổ chức tọa đàm với các nhà nghiên cứu văn hóa của địa phương để tìm hiểu về đặc điểm văn hóa, phong tục tập quán, lễ hội của đồng bào. Kết thúc đợt thâm nhập thực tế, mỗi thành viên trong đoàn tiếp nhận, thu hoạch nhiều thông tin về văn hóa dân tộc, ngôn ngữ múa, bổ trợ hữu ích vào công tác giảng dạy, sáng tác và lý luận phê bình. Trên quan điểm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc trong mối quan hệ biện chứng giữa những giá trị truyền thống và hiện đại và nhận định cốt lõi – Múa dân gian dân tộc Việt Nam là nền tảng, cội nguồn đối với sự phát triển của múa dân tộc.
1.3. Hội NSMVN đã cử 02 hội viên tiêu biểu tham gia thâm nhập sáng tác về đề tài “Bộ đội Cụ Hồ – Người Chiến sỹ Hải quân” tại quần đảo Trường Sa, nhà giàn DK1 do với Cục Chính trị Hải quân tổ chức.
1.4. Triển khai công tác xét tài trợ cho các công trình nghiên cứu lý luận và sáng tạo tác phẩm. Tổng số xét hỗ trợ cho các tác giả của 01 công trình sách và 37 tác phẩm múa.
1.5. Hội NSMVN triển khai công tác xét tặng giải thưởng nghệ thuật năm 2022 nhằm động viên các nghệ sĩ say mê sáng tạo nghệ thuật, có nhiều tác phẩm, công trình tốt, phục vụ đời sống văn hóa xã hội. Kết quả xét giải thưởng nghệ thuật gồm:
– 08 giải A, 11 giải B, 05 giải C cho tác phẩm, công trình sách, chùm tiểu luận.
– 05 giải A và 11 Giải B Chất lượng đào tạo cho chương trình thi tốt nghiệp.
– 03 Giải A Tài năng biểu diễn cho diễn viên xuất sắc.
– 11 phần thưởng loại A, 02 phần thưởng loại B cho chùm bài viết báo chí, chùm tác phẩm múa không chuyên.
2 . Công tác Chi hội và phát triển hội viên
2.1. Tháng 10/2022, Hội NSMVN tổ chức 02 Hội nghị công tác Chi hội Vùng và Tọa đàm “Phát triển nghệ thuật múa từ công tác xây dựng mô hình hoạt động Chi hội” lần lượt tại miền Trung (Bình Định) và miền Nam (Tp Cần Thơ). Đây là lần đầu tiên Hội NSMVN đổi mới phương thức công tác bằng việc chủ động đi sâu sát đến từng vùng miền để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng cũng như giải quyết tháo gỡ những vấn đề vướng mắc của các Chi hội và địa phương chưa thành lập Chi hội. Từ đó, cùng nhau trao đổi, bàn thảo, chia sẻ kinh nghiệm, đưa ra nhiều ý tưởng cũng như đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng xây dựng mô hình chi hội nhằm đổi mới phương thức hoạt động nghệ thuật sao cho phù hợp, có tính lan tỏa và đi vào chiều sâu trong cuộc sống. Qua đó Hội NSMVN nhận thấy sự phát triển nghệ thuật múa Việt Nam và công tác xây dựng mô hình hoạt động Chi hội là hai vấn đề có mối liên quan tương thích, mối quan hệ gắn kết chặt chẽ vì một mục tiêu chung góp phần thúc đẩy nền nghệ thuật múa nước nhà phát triển phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Chính vì vậy việc tổ chức Hội nghị công tác Chi hội Vùng là một hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển Văn học nghệ thuật ở địa phương và toàn ngành múa Việt Nam.
2.2. Trong năm qua, Hội NSMVN kết nạp 37 hội viên đủ tiêu chuẩn và có nhiều thành tích tốt trong hoạt động nghệ thuật. Thành lập 01 chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tại tỉnh Lâm Đồng. Đến nay Hội NSMVN đã có 32 Chi hội tại các địa phương với 1.105 hội viên trên toàn quốc. Đây là tiềm lực và cánh tay nối dài trong hoạt động chuyên môn của Hội để hiện thực hoá những chủ trương Nghị quyết của Đảng, đóng góp nhiều thành tựu trong phát triển nghệ thuật múa Việt Nam.
3. Công tác đối ngoại
Hội NSMVN tiếp tục giữ mối quan hệ tốt với một số đối tác quốc tế nhằm thúc đẩy trao đổi chuyên môn và phát triển giao lưu văn hóa đối ngoại. Ngày 08/11/2022, Hội NSMVN tiếp đón và làm việc với ngài Mr. Vikram Kumar – Nhà báo, Chủ tịch Liên đoàn các nhà Tổ chức Liên hoan múa Cổ điển Ấn Độ. Tại cuộc gặp này, 2 bên trao đổi các nội dung liên quan đến sự phát triển nghệ thuật múa giữa 2 nước Việt Nam – Ấn Độ. Ghi nhận việc xây dựng kế hoạch hoạt động hợp tác cho năm 2023 và những năm tiếp theo như: Tọa đàm giới thiệu nghệ thuật múa của 2 nước thông qua các cuộc Liên hoan nghệ thuật múa với các hình thức Workshop, biểu diễn… Mối quan hệ này giúp tăng cường sự hiểu biết, chia sẻ nghề nghiệp và khẳng định sự hợp tác văn hoá nghệ thuật giữa Việt Nam – Ấn Độ.
4. Công tác Văn phòng và Tạp chí Nhịp Điệu
Năm 2022, Với cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã đưa nền văn hóa nghệ thuật nước nhà bước vào không gian số với nhiều cơ hội và cũng đầy thách thức. Đồng thời, đại dịch vừa qua cũng là chất xúc tác để quá trình chuyển đổi số diễn ra nhanh chóng, không phải là phương thức thay thế tạm thời. Cùng với nền tảng công nghệ, quá trình số hóa các dữ liệu lưu trữ tác phẩm cũng đang được Hội chú trọng triển khai. Hội NSMVN đã thành lập trang Facebook để quảng bá nghệ thuật, tạo Group các Chi hội theo vùng miền để dễ dàng, nhanh chóng liên lạc, kết nối, bàn thảo những hoạt động chuyên môn chung.
Hoạt động của Văn phòng có nhiều cố gắng, bám sát kế hoạch, triển khai kịp thời mọi công việc. Phục vụ tốt các đợt họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Hội đồng Nghệ thuật xét giải thưởng và tài trợ hàng năm, các cuộc họp của Ban Kiểm tra, sơ kết, tổng kết năm…. Về công tác tài chính, thực hiện Quyết định giao dự toán của Bộ tài chính, Hội NSMVN đã ban hành các Quyết định phân bổ và lập dự toán đảm bảo đúng chế độ, tiêu chuẩn định mức chi ngân sách do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành và quy định của pháp luật. Thực hiện các thủ tục thanh quyết toán đúng, nhanh gọn và kịp thời cho các hoạt động của Hội, cũng như giải quyết tiền hỗ trợ chính sách cho đối tượng các nghệ sỹ có công.
Công tác Tạp chí Nhịp Điệu với chức năng vai trò truyền thông – quảng bá nghệ thuật múa trong và ngoài nước. Tạp chí Nhịp Điệu rà soát đánh giá kết quả 05 năm thực hiện Luật báo chí năm 2016; tham gia đóng góp ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Nghị định 18/2014/NĐ-CP về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực xuất bản. Đồng thời, tổng kết văn bản về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cơ quan báo chí để Ban Tuyên giáo TW xây dựng báo cáo tổng kết. Nội dung và hình thức của tạp chí ngày càng được chú trọng, nâng cao chất lượng bài viết và hình thức thẩm mỹ cho từng số tạp chí.
5. Công tác phối hợp với các Bộ, Ban, Ngành
5.1. Phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các cuộc Liên hoan, hội diễn Ca Múa Nhạc chuyên nghiệp toàn quốc; các chương trình sự kiện quốc gia như: Đại hội Thể thao Đông Nam Á năm 2022 (SEA Games 31) – Sự kiện này đã quy tụ sự tham gia của nhiều biên đạo cùng hàng nghìn nghệ sĩ, diễn viên, học viên là hội viên của Hội NSMVN. Tổng đạo diễn chương trình là NSUT Trần Ly Ly – Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội NSMVN.
5.2. Chào mừng kỷ niệm 132 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2022), Hội NSMVN phối hợp với Bộ Công an – Nhà hát Công an Nhân dân dàn dựng và công diễn thành công vở nhạc kịch “Người cầm lái”. Vở diễn tái hiện lại cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của vị cha già dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới. Thạc sĩ Biên đạo múa Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phó chủ tịch thường trực Hội NSMVN là tác giả kịch bản kiêm Tổng đạo diễn vở nhạc kịch.
5.3. Trong Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc đợt 2 năm 2021 được tổ chức vào tháng 6 năm 2022 tại Đắk Lắk, thường trực Hội NSMVN đã tham gia có trách nhiệm trong vai trò Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức và Hội đồng nghệ thuật. Hội NSMVN đã ra quyết định tặng 18 Bằng khen cho Đoàn/Đội múa có thành tích và đóng góp xuất sắc trong Liên hoan.
5.4. Phối hợp tổ chức với Hội đồng Trung ương – Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức Fesstival Nhà thiếu nhi toàn quốc lần thứ VII năm 2022. Hội NSMVN đã trao tặng 10 Bằng khen cho các tiết mục múa đạt kết quả cao.
Các hoạt động phối hợp đã góp phần làm nên thành công của các các chương trình sự kiện quốc gia, các kỳ liên hoan, hội diễn, cuộc thi đã khẳng định vai trò, uy tín của một Hội Chính trị – Xã hội và Nghề nghiệp trong đời sống văn hóa nghệ thuật của đất nước, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.
III. HẠN CHẾ, KHÓ KHĂN
Bên cạnh nhiều thành tích đạt được cũng còn tồn tại một số khó khăn tác động trực tiếp đến quá trình thực hiện Nghị quyết của Đảng và nhiệm vụ được Nhà nước giao.
Việc phân bổ kinh phí hỗ trợ hoạt động sáng tạo tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật cho các Hội chuyên nghành nghệ thuật ở Trung ương và các Hội văn học nghệ thuật địa phương năm 2021 & 2022 có nhiều thay đổi so với các giai đoạn trước đây, dẫn đến nhiều hoạt động chuyên môn bị ngừng trệ, không đáp ứng kịp thời.
Mức đầu tư ngân sách cho hỗ trợ hoạt động sáng tạo và quảng bá tác phẩm, công trình văn học nghệ thuật còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; một số cơ chế chính sách đầu tư còn hạn chế thiếu tính động viên khuyến khích. Trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật phục vụ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật còn thiếu.
Cơ cấu nhân sự của Hội NSMVN thiếu và mỏng dẫn đến tình trạng cán bộ phải kiêm nhiệm nhiều công việc, cũng như trái với năng lực chuyên môn được đào tạo; điều này đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội.

Phần hai
PHƯƠNG HƯỚNG HOẠT ĐỘNG NĂM 2023
Trên tinh thần đổi mới, gắn các sự kiện và hoạt động của công tác Hội với đời sống thực tiễn cũng như đáp ứng yêu cầu của xã hội ngày nay. Hội NSMVN xây dựng kế hoạch và định hướng hoạt động tập trung vào các lĩnh vực Sáng tác – Biểu diễn, Đào tạo – Huấn luyện, Nghiên cứu lý luận – Phê bình, Nghệ thuật phong trào nhằm kết nối sức mạnh, năng lực, tâm huyết và sáng tạo để nâng cao khả năng đổi mới trong tư duy sáng tạo góp phần xây dựng nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển bền vững. Phương hướng hoạt động năm 2023 của Hội NSMVN được hoạch định như sau:
– Tổ chức Cuộc thi tác phẩm múa Dân gian dân tộc (Dự kiến tổ chức tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh).
– Liên hoan múa Dance Market – Hội tụ và Toả sắc (Dự kiến tổ chức tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh).
– Tổ chức Hội thảo khoa học Nghiên cứu lý luận phê bình.
– Phối hợp tổ chức 03 lớp tập huấn Biên đạo phong trào (Dự kiến ở Đồng bằng sông Cửu Long, Nghệ An, Tp. Hồ Chí Minh).
– Tổ chức 01 đợt thâm nhập thực tế cho giảng viên múa Dân gian dân tộc (Dự kiến tại Sóc Trăng).
– Tổ chức lớp tập huấn cho giảng viên múa nước ngoài.
– Tổ chức Hội nghị công tác Chi hội Vùng phía Bắc.
– Tổ chức cuộc tọa đàm về vai trò và sự liên kết giữa âm nhạc và múa trong sáng tạo tác phẩm.
– Tổ chức 01 Trại sáng tác hướng tới Cuộc thi múa Dân gian dân tộc.
– Tiến hành thành lập 05 Chi hội tại tỉnh An Giang, Hậu Giang, Ninh Thuận, Lào Cai, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội.
– Tra cứu tài liệu, xây dựng Đề án trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt Ngày truyền thống Nghệ thuật múa Việt Nam.
– Xây dựng, phát triển website Tạp chí Nhịp Điệu.
Trên đây là báo cáo tổng kết công tác Hội năm 2022 và phương hướng hoạt động năm 2023 của Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam.
Trân trọng./.

Nơi nhận:
– Như danh sách;
– Lưu VP. TM. BAN CHẤP HÀNH
CHỦ TỊCH

(đã ký và đóng dấu)

TS. NSND Phạm Anh Phương