NHẬN DIỆN VÀ LÝ GIẢI (PHẦN I)
Trong bài viết này chúng tôi không đi sâu phân tích khái niệm, nội hàm thể loại kịch múa. Chủ yếu muốn làm rõ những thành tựu, hạn chế, bài học kinh nghiệm trong hành trình phát triển của nghệ thuật biểu diễn kịch múa Việt Nam. Đó là quá trình xây dựng tác phẩm cùng những mối quan hệ tương hỗ giữa các thành tố nghệ thuật. Từ tác phẩm đến tác giả. Làm rõ đặc điểm trong sáng tạo và biểu diễn của thể loại này. Qua đó nhận diện, lý giải những chặng đường phát triển của nghệ thuật biểu diễn kịch múa.
Từ góc độ lịch sử, nghệ thuật biểu diễn Kịch múa Việt Nam đã tạo nên những dấu mốc quan trong mang tính lịch sử đối với sự phát triển nghệ thuật biểu diễn múa chuyên nghiệp Việt Nam.
Căn cứ vào đặc điểm lịch sử, căn cứ vào số lượng và nội dung tác phẩm đã được dàn dựng và biểu diễn có thể phân thành các giai đoạn để phân tích.
- 1959 – 1964
- 1964 – 1975
- 1975 – 1986
- 1986 đến nay (bắt đầu thời kỳ đổi mới và tiến tới hội nhập).
Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa Việt Nam có những đóng góp quan trọng tạo nên diện mạo, đặc điểm và phẩm chất nghệ thuật múa Cách mạng Việt Nam. Đồng thời nghệ thuật biểu diễn kịch múa đã phản ánh một cách sinh động nhiệm vụ chiến lược của đất nước. Điều này cho thấy nghệ thuật múa nói chung và nghệ thuật biểu diễn kịch múa nói riêng luôn bám sát vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để sáng tác và biểu diễn. Từ góc độ lịch sử, số lượng, nội dung tác phẩm đã được trình diễn, phục vụ quần chúng khán giả trong các giai đoạn để chứng minh nhận định trên.
Giai đoạn từ 1959 đến 1964 là một giai đoạn đất nước có những nhiệm vụ chiến lược như sau:
- Xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Miền Bắc.
- Chống “chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam.
Miền Bắc từ năm 1954 đến năm 1964 là 10 năm miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn cho miền Nam. Lịch sử cho thấy, 1954 sau chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc bước vào giai đoạn khôi phục đất nước, đẩy mạnh kinh tế, xây dựng chủ nghĩa xã hội, là hậu phương lớn cho miền Nam. Từ đặc điểm xã hội sau chiến tranh, văn học nghệ thuật đã xác định rõ đối tượng sáng tác trong thời kỳ này chính là xây dựng hình tượng con người mới xã hội chủ nghĩa. Con người thật, việc thật đã đóng góp thiết thực cho xã hội được hình thành từ thực tế, đã là đối tượng sáng tạo trong sáng tác thể loại kịch múa. Đặc biệt những tấm gương, những câu chuyện về phong trào cách mạng, cuộc chiến đấu bảo vệ tổ quốc, về các gương anh hùng với những phẩm chất cách mạng, nhân cách con người Việt Nam…được các tác giả biên đạo đưa vào nội dung tác phẩm. Tiêu biểu trong số đó là hai vở Kịch múa: “Ngọn lửa Nghệ Tĩnh” và “Tấm Cám”. Cả hai vở và các vở kịch múa tiếp sau đều phản ánh tình yêu quê hương đất nước; ca ngợi những tấm gương trong các phong trào cách mạng và trong các cuộc chiến đấu giành độc lập tự do cho tổ quốc. Vun đắp, xây dựng và không ngừng hướng tới những giá trị Chân – Thiện – Mĩ.
Giai đoạn 1964 – 1975 miền Bắc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại lần thứ nhất của Mĩ, tiếp tục xây dựng CNXH; làm nghĩa vụ hậu phương lớn cho miền Nam. Ở Miền Nam (từ vĩ tuyến thứ 17 trở vào phía Nam), cuộc chiến đấu chống đế quốc Mĩ xâm lược và bè lũ tay sai ngày càng trở nên quyết liệt. Hai nhiệm vụ chiến lược lớn của đất nước chính là đề tài để sáng tác. Những tác phẩm múa mang tính kịch ở các quy mô khác nhau lần lượt ra đời, nội dung đều phản ánh kịp thời hiện thực chiến tranh cách mạng, ví dụ như: Kịch múa “Chị Sứ” của NSND TrịnhXuân Định; “Bà má miền Nam” của NSND Thái Ly; “Rừng thương núi nhớ”, “Ong bò vẽ” của NSND Trần Minh”; “Rồng lửa Thăng Long”, “Chiến lũy trên đường phố” của NSND Đỗ Minh Tiến v.v…Tất cả các tác phẩm kịch múa được sáng tác trong giai đoạn này đa phần đều hướng tới nội dung chiến đấu vì độc lập tự do của tổ quốc. Mặc dù số lượng tác phẩm kịch múa lớn không nhiều nhưng nhìn chung thể loại này vẫn được duy trì và phát triển. Điểm cần nhấn mạnh về nội dung của thể loại kịch múa trong giai đoạn này chủ yếu tập trung vào đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng, toàn dân tham gia vào cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc.
Như trên đã nói, nhiệm vụ chiến lược miền Bắc trong thời kỳ này đó là tăng gia sản xuất, làm nhiệm vụ là hậu phương lớn cho miền Nam, đồng thời chống chiến tranh phá hoại bằng không lực của Đế quốc Mĩ. Những hình ảnh anh bộ đội trên mâm pháo, trên đường hành quân vào chiến trường miền Nam, hình ảnh anh chị dân quân, các cụ bô lão, các cháu thiếu nhi Văn hóa nghệ thuật với chức năng nhận thức, giáo dục, thẩm mĩ đã hình tượng hóa các vấn đề trên vào nội dung các tác phẩm. Quyển sách của tác giả Tạ Hiền Minh có tiêu đề “ Từ vũ kịch ra chiến trường” đã miêu tả khá rõ, sinh động cuộc sống của các nghệ sĩ thời chiến tranh. Ở đây tác giả bằng những tư liệu thật, người thật, việc thật, những chương trình biểu diễn, những tác phẩm múa cụ thể, có nội dung, thông điệp rõ ràng, nhân vật, tính cách, số phận, tư tưởng, mang đậm hơi thở cuộc sống, phản ánh một giai đoạn lịch sử chân thực, vẻ vang của đất nước.
Thể loại Kịch múa là một hình thức có quy mô lớn và nội dung phong phú nhất đối với nghệ thuật múa. Trong đó phản ánh những nội dung rộng lớn về đời sống con người, chứa dựng các thành tố nghệ thuật của các chuyên ngành nghệ thuật khác nhau (âm nhạc, hội họa, mĩ thuật…) để xây dựng một tác phẩm kịch múa. Đặc biệt những vở kịch múa lớn có độ dài từ 1h đến 2h triển khai biểu diễn phục vụ khán giả gặp nhiều khó khăn về số lượng diễn viên tham gia đông, cảnh trí, bục, đạo cụ khá nhiều…do vậy không thuận lợi trong việc di chuyển một tác phẩm kịch múa đi biểu diễn. Hơn nữa, tình hình đất nước khó khăn, chiến tranh xảy ra khắp mọi miền. Miền Bắc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mĩ diễn ra rất ác liệt, do đó, thể loại kịch múa cũng trở nên linh hoạt về hình thức, quy mô để đáp ứng trước hiện thực đời sống chiến tranh. Thời kỳ này xuất hiện các hình thức khác nhau: Kịch múa lớn, kịch múa vừa, kịch múa nhỏ và đặc biệt các tiết mục được gọi là múa ngắn cũng chứa đựng những yếu tố, tính chất của kịch múa. Đó là có nội dung, có hành động nhân vật, có kết cục để rồi mang đến những thông điệp nhất định nhằm phản ánh hiện thực sinh động. Điều này cho thấy, các tác giả biên đạo đã chủ động, bám sát hiện thực đời sống mang những đặc điểm lịch sử, sự thay đổi và phát triển đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội để xây dựng các tác phẩm kịch múa, linh hoạt đổi mới trong phương pháp tiếp cận và đổi mới hình thức, thể loại biểu diễn kịch múa, sáng tác các vở kịch múa ở những quy mô khác nhau, độ dài khác nhau để thích ứng các điều kiện hoàn cảnh thực tế, phục vụ quần chúng khán giả cho phù hợp đặc điểm tình hình của một đất nước đang xảy ra chiến tranh.
Thực tế lịch sử cho thấy thể loại kịch múa với các hình thức, thể loại nghệ thuật biểu diễn múa nói chung cùng tồn tại và song hành trong các giai đoạn lịch sử với đời sống chính trị. Tuy nhiên, có thể thấy rằng, thể loại kịch múa phát triển chậm và ít hơn nhiều so với các hình thức thể loại khác như; múa đơn, múa đôi, múa tập thể … Điều đáng nói ở đây là các tiết mục múa đều nằm trong các chương trình biểu diễn nghệ thuật ca múa nhạc, trong tổ chức của các đoàn văn công, sau này đổi tên thành các đoàn nghệ thuật.
Nghệ thuật biểu diễn Kịch múa Việt Nam trong những thập kỷ từ 2000 đến nay phát triển khá mạnh mẽ. Cuộc thi sáng tác và biểu diễn Kịch múa do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã không ít lần đầu tư, tài trợ cho các cuộc thi viết kịch bản kịch múa và thi các tác phẩm kịch múa.
Một trong những hình thức tổ chức trong các giai đoạn sau này, được tính từ năm 1975 cho tới nay với nhiều đổi thay tình hình trong nước và cả tình hình thế giới. Đặc biệt giao lưu văn hóa với thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, trong đó có nghệ thuật biểu diễn múa. Trong các cuốn sách “Lịch sử nghệ thuật múa Việt Nam”, “Lịch sử nghệ thuật múa thế giới” của GS. TS. NSND Lê Ngọc Canh và cuốn di cảo của GS. NSƯT Lâm Tô Lộc, PGS.TS NSND Ứng Duy Thịnh đều có những đoạn, chương, phần… mô tả, bình luận về nghệ thuật múa Việt Nam và nghệ thuật múa thế giới. Các chuyến đi biểu diễn giao lưu văn hóa nghệ thuật với các nước…các đợt đi tu nghiệp, đào tạo tại nước ngoài (đặc biệt thế hệ được đào tạo tại Liên Xô cũ) và sau này có những đợt tập huấn ở một số nước tư bản, các cuộc hội thảo nghệ thuật múa thế giới vv…Tất cả những hoạt động đó đều ảnh hưởng đến sự phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó có nghệ thuật biểu diễn kịch múa.
Sau chiến tranh hiện thực xã hội đã có rất nhiều đổi thay. Những vấn đề mà người ta thường nói đó là thời hậu chiến. Nếu như trong chiến tranh mọi việc đều được bộc lộ khá rõ ràng. Những quan hệ giữa ta và địch, sống và chết, dũng cảm và hèn nhát, tình yêu và phản bội…Những giá trị tốt đẹp về nhân cách, đạo đức con người gần như được mặc định. Thì sau chiến tranh, một hiện thực hoàn toàn mới mẻ, con người phải đối mặt với chính mình, thế giới tinh thần, tình cảm trở nên phức tạp, nhiều nhu cầu đổi mới xuất hiện như một tất yếu. Văn hóa nói chung và nghệ thuật múa nói riêng không đứng ngoài quy luật. Hơn nữa giao lưu với thế giới về các lĩnh vực. Nghệ thuật múa đã mở rộng hơn không gian văn hóa. Đất nước đã tiếp nhận, tiếp thu, ứng dụng những tiến bộ của nghệ thuật múa thế giới. Thực trạng đã trở thành động lực để nghệ thuật múa phát triển.
Từ những thực tiễn trên, từng bước ngành múa đã bắt đầu quan tâm hơn, sâu hơn về công tác đào tạo diễn viên, biên đạo cho thể loại kịch múa. Đối với diễn viên cần nâng cao chất lượng biểu diễn như thế nào có thể đáp ứng được nhu cầu thực tế. Vấn đề này cần có sự đổi mới và chiến lược đào tạo diễn viên cho thể loại đặc biệt kịch múa.
Người giữ vai trò chủ chốt đối với tác phẩm kịch múa là tác giả biên đạo. Không những nhìn từ góc độ tổ chức, đặc biệt về kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để sáng tác một vở kịch múa có giá trị về nội dung tư tưởng, đồng thời có giá trị về chất lượng nghệ thuật. Một mặt giao lưu, tiếp biến văn hóa múa thế giới như thế nào để “Việt hóa” là một vấn đề nan giải và cũng rất cần một cách nhìn mới trong đào tạo đội ngũ tác giả.
Công tác nghiên cứu lý luận phê bình đã có những cách nhìn, cách bình luận, tổng hợp về thành tựu và hạn chế của nghệ thuật biểu diễn kịch múa đương đại. Cái được và hạn chế trong tiếp thu và biến cải. Đặc biệt Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức cuộc hội thảo khoa học có chủ đề “Kịch múa Việt Nam, những vấn đề cần quan tâm”. Hội thảo đã tiếp nhận được nhiều tham luận có tính chuyên sâu về thể loại này. Mục đích của hội thảo đề ra đó là đẩy mạnh sự phát triển của nghệ thuật biểu diễn kịch múa Việt Nam trên cả bốn lĩnh vực: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu lý luận phê bình và đào tạo. Đặc biệt phân tích khá sâu về các vở kịch múa đã được dàn dựng và biểu diễn trong những thập kỷ qua. Nhìn nhận, đánh giá toàn diện, khách quan kết quả nghệ thuật biểu diễn kịch múa, kể cả các thành tố nghệ thuật tham gia trong quá trình sáng tạo.
Tóm lại, một cách nhìn toàn diện, tổng quan cả chiều rộng và chiều sâu, nghệ thuật biểu diễn kịch múa Việt Nam đương đại đều nằm trong tiến trình phát triển nghệ thuật múa Cách mạng Việt Nam, cho dù tốc độ, cường độ và nội dung từng giai đoạn cụ thể có khác nhau.
Thiên An