Một Nhà giáo thầm lặng

0
201

   Thanh Hoa

Vốn xuất thân là một cô gái Mường, bà đến với nghệ thuật múa rồi trở thành cô giáo dạy Ballet cứ tự nhiên như cái cách bà tham gia Đội Văn công biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ trong chiến dịch Tây Bắc năm xưa vậy. Bà chính là nhà giáo Đinh Thị Yến. 

17 tuổi, cô gái trẻ Đinh Thị Yến gia nhập Đội Văn công Tây Bắc và trở thành diễn viên vững vàng, năng nổ trong các tiết mục múa. Hai năm lăn lộn, xông pha, vượt rừng sâu, núi thẳm phục vụ bộ đội, dân công hỏa tuyến, cho đến khi chiến dịch Tây Bắc kết thúc thắng lợi cũng là lúc Đội Văn công giải tán. Còn đang hoang mang khi nghĩ đến tương lai phía trước thì cô gái Đinh Thị Yến nhận được tin mình có tên trong danh sách nghệ sĩ được cử đi học múa ba lê ở Trường Múa Bắc Kinh (nay là Học viện Múa Bắc Kinh – Trung Quốc). Bất ngờ, vui mừng nhưng cũng không tránh khỏi tâm trạng bỡ ngỡ, lo lắng phát sinh từ phía cô gái Mường nói tiếng Kinh còn chưa sõi mà nay phải học thêm tiếng Trung để tiếp thu những kĩ năng của một loại hình nghệ thuật đỉnh cao từ nước bạn. Nhưng nhờ tinh thần cầu tiến, ham học hỏi, nhờ nghị lực và tinh thần hăng say luyện tập, cô gái Đinh Thị Yến đã vượt qua những trở ngại ban đầu để cùng với nghệ sĩ Sa Kim Đóa và nghệ sĩ Đoàn Long được tuyển chọn vào học ngành Múa Cổ điển Châu Âu. 

Sau 5 năm du học ở nước bạn trở về nước cũng là lúc Trường Múa Việt Nam (nay là Học Viện Múa Việt Nam) thành lập, Đinh Thị Yến liền được cử về trường cùng với thầy giáo Đoàn Long và cô giáo Sa Kim Đóa trở thành một trong những nhà giáo đầu tiên dạy bộ môn múa Cổ điển Châu Âu.

Vâng, ngẫm lại mới thấy kể từ khi tuổi trẻ là một cô diễn viên múa bà đã biểu diễn, đã xông pha nơi rừng sâu, núi thẳm, đã chẳng nề khó khăn, gian khổ mà thực thi nhiệm vụ bằng một tinh thần phơi phới của tuổi thanh xuân; cho đến khi được cử đi học ở Bắc Kinh, rồi khi về nước trở thành giáo viên của Trường Múa Việt Nam,  bà đều một lòng, một dạ tuân thủ theo sự phân công của Đảng và Nhà Nước. 

Vậy là bà giáo Đinh Thị Yến cứ âm thầm, lặng lẽ thực thi nhiệm vụ “ươm trồng, vun xới” cho nền nghệ thuật múa nước nhà cho tới lúc nghỉ hưu mà chẳng khi nào mảy may bận tâm đến danh vị hay tiền tài, chẳng so đo, tính toán thiệt hơn cho cá nhân bao giờ. 

Thấm nhuần sự đòi hỏi khắt khe, cực khổ của bộ môn nghệ thuật đòi hỏi sự kiên gan bền bỉ nên cô giáo Đinh Thị Yến luôn nhẫn nại, kiên nhẫn, tỉ mỉ truyền đạt, chỉ dạy cho các em từng động tác, từng bước đi, dáng đứng, từng tư thế, khống chế giải phóng cơ thể để thổi hồn vào từng bước nhảy, từng thế múa; tuyệt nhiên cô giáo Đinh Thị Yến không có tư tưởng áp đặt, gò ép học sinh của mình một cách nóng vội. Bà cứ dần dần khích lệ, hun đúc, nuôi lớn dần tình yêu với nghệ thuật múa trong tâm tưởng của cô và trò một cách tự nhiên nhất. Thậm chí, thời đó có trường hợp nữ sinh múa Thúy Hạnh – một học sinh khá yếu của lớp bị nhà trường dự kiến cho thôi học nhưng cô giáo Đinh Thị Yến đã xin nhà trường giữ lại để cô có điều kiện kèm cặp, chỉ dạy. Bằng sự kiên trì, cô đã hướng dẫn, kèm cặp người học trò nhỏ “yếu thế” ấy từng chút một, hun đúc trong em tình yêu nghề và quyết tâm cao độ, khiến Thúy Hạnh tiến bộ vượt bậc và trở thành một trong những diễn viên múa xuất sắc của Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch Việt Nam. 

Có thể nói, xét trên phương diện đào tạo của nghệ thuật múa chuyên nghiệp Việt Nam, bà là một trong những lớp nhà giáo đặt nền móng đầu tiên trong công cuộc “trồng người” về bộ môn múa Cổ điển Châu Âu (Ballet), những công lao và thành tựu của Nhà giáo Đinh Thị Yến dành cho sự nghiệp Múa, sự nghiệp huấn luyện múa ballet Việt Nam chẳng thể nào đong đếm được, nhưng tiếp xúc với bà tuyệt nhiên không thấy bà nhắc đến những tấm huân, huy chương mà bà được trao tặng, không hề thấy bà kể đến những phần thưởng danh giá mà mình nhận được. Chẳng phải vì bà không coi trọng chúng mà trong thâm tâm Nhà giáo Đinh Thị Yến luôn coi cống hiến cho sự nghiệp nghệ thuật nước nhà là bổn phận, là nghĩa vụ của một công dân như bà. Cho đến giờ nhiều nghệ sĩ Múa đều cảm thấy quá thiệt thòi thay cho một cô giáo có nhiều cống hiến như vậy mà không được nhà nước ghi nhận là một Nhà giáo Nhân dân hay Nhà giáo Ưu tú. Song điều đó cũng chẳng khiến Nhà giáo Đinh Thị Yến phải bận tâm suy nghĩ bởi bà luôn tự nhủ: mình thế là còn may mắn hơn biết bao bà mẹ anh hùng, bao liệt sĩ đã hi sinh máu xương cho tổ quốc còn vẫn chỉ là một người vô danh thì há chăng một cô giáo, một người mẹ hiền đã sinh thành ra biết bao người con, bao thế hệ học sinh ưu tú cho đất nước cần chi phải âu lo, phiền lòng.

Bà cũng không thể nhớ hết nổi biết bao thế hệ học trò trưởng thành từ sự dìu dắt của bà để trở thành những nhà giáo, nghệ sĩ thành danh như: NGND Kim Dung, NSND Kim Quy, NSƯT Lê Thu Nguyệt, NSƯT Vũ Minh Nguyệt, NGND Thanh Thủy, NGƯT Bích Lam, NGƯT Út Nghiêm, NSND Ngọc Bích, Hà Thị Óng, Thiên Nga, Thúy Hạnh, Thanh Điệp v.v… thế nhưng chỉ cần được chứng kiến, dõi theo sự trưởng thành của những đứa con yêu quý ấy thì đối với bà đó là niềm hạnh phúc lớn lao, là niềm tự hào to lớn hơn bất kì danh hiệu hay chức tước nào khác.   

Đúng vậy, khác hẳn với tính chất công việc của một nhà giáo Ballet đòi hỏi sự nghiêm khắc, kỷ luật trong giảng dạy, nhưng khi bước ra khỏi lớp học, cô giáo Yến lại là một người phụ nữ nhu mì, đôn hậu, được học trò và đồng nghiệp hết mực yêu mến. Bởi vậy mà cho tới giờ khi nhớ đến cô, nhiều bạn bè đồng nghiệp, nhiều thế hệ học trò xưa vẫn luôn nhắc nhủ, ghi khắc về hình ảnh một nhà giáo hiền lành, đức độ, bao dung, vẫn dành cho cô một tình cảm mến trọng, tin yêu.

Nghiêm túc, kỉ luật trong công việc, được trò yêu, bạn mến là vậy nhưng bà không hề lơ là vai trò người vợ, người mẹ. Nhắc đến gia đình Nhà giáo Đinh Thị Yến là những người trong nghề luôn nhớ đến hình ảnh một gia đình văn hóa, hạnh phúc, chuẩn mực đáng ngưỡng mộ – Một gia đình mà cả hai vợ chồng đều là nhà giáo luôn thông cảm, tương trợ nhau trong nghề nghiệp; cùng chung trọng trách gánh vác, sẻ chia, động viên, đùm bọc nhau trong nuôi dạy con cái và chăm lo cho mái ấm gia đình. Chồng bà – Nhà báo Trần Bá Lạn nguyên là một cây viết truyền cảm, kỳ cựu của Báo Tiền Phong, là một nhà giáo tâm huyết của Học viện Báo chí Tuyên truyền; Ba người con của bà đều trưởng thành là những người con ngoan ngoãn, hiếu thảo. Con gái út – Nghệ sĩ Trần Thanh Tú cũng đang tiếp bước nghề múa của mẹ và gặt hái được những thành công nhất định trên con đường sự nghiệp. Nghệ sĩ Trần Thanh Tú hiện là Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội, là Phó Chủ tịch Hội nghệ sĩ Múa Hà Nội.  

Vâng, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm” –  87 tuổi, cái tuổi không còn được nhanh nhẹn, hoạt bát như xưa, nhưng ở Nhà giáo Đinh Thị Yến vẫn toát lên khí chất một người phụ nữ hiền lành, đức độ. Bà vẫn khá tinh tường, minh mẫn khi nhắc đến chặng đường là nghệ sĩ, là nhà giáo bằng một tâm trạng vô cùng lạc quan, phấn chấn… 

 Quả thật, có được tâm giao, trò chuyện cùng bà, tôi càng thêm yêu mến  cảm phục bà hơn – một nhà giáo với cái “tâm”, cái “tầm” thật đáng ngưỡng mộ, khắc ghi. 

Xin cầu chúc cho bà – Nhà giáo Đinh Thị Yến mạnh khỏe, trường thọ bên người chồng thân yêu – Nhà báo Trần Bá Lạn và hạnh phúc, vui vầy bên con cháu, để mãi là bức tường thành vững chãi cho lớp trẻ chúng tôi dõi theo và học tập.