Một nhà giáo của các nhà giáo

0
166

   Thanh Hoa

Có lẽ không ai trong ngành múa là không biết đến bà. Dù là thế hệ học trò, nghệ sĩ múa ngày xưa hay thế hệ ngày nay của chúng tôi khi nghe đến tên tuổi của bà đều rất mực ngưỡng mộ và dành cho bà một tình cảm trân quý, mến tin. Đó không ai khác chính là NGND Phùng Hồng Quỳ – một nhà giáo có nhiều cống hiến cho ngành múa Việt Nam. 

Là một trong những thế hệ nghệ sĩ trưởng thành từ lớp tiền bối 10 tháng, bà được giữ lại làm nòng cốt gây dựng nên ngôi trường đào tạo nghệ thuật múa chuyên nghiệp đầu tiên – Trường Múa Việt Nam (nay là Học viện Múa Việt Nam). 

Nhớ lại thời xưa, khi mới thành lập Trường Múa Việt Nam. Cơ sở vật chất vô cùng nghèo nàn, thiếu thốn; hệ thống giáo trình, giáo án giảng dạy không có, nhất là đối với giáo viên dạy múa dân gian, dân tộc thì càng khó khăn gấp bội. Bà kể có nhiều hôm tổ giáo viên dân tộc của bà hoang mang không biết ngày mai lên lớp dạy cái gì? Đúng là như “ăn đong từng bữa”; các thầy cô không có sẵn hệ thống giáo trình mà phải “mò mẫm” tìm hiểu, phải trực tiếp đi đến từng vùng, miền sưu tầm hàng tháng trời từng động tác múa của đồng bào để về làm chất liệu giảng dạy cho học sinh.

Kỉ niệm về những ngày đầu tiên đi sưu tầm múa, bà cùng nhà giáo Bích Nghĩa phải trèo đèo, lội suối, băng rừng để đến với đồng bào Tày, Mông, Khơ Mú của vùng núi phía Bắc. Phương tiện giao thông không có, đường đi gian khó, có khi đi đến mấy cây số không gặp bóng người… Nỗi sợ hãi của sự vắng vẻ, của thú dữ dường như  vẫn còn hiện rõ mồn một trong tâm trí của NGND Hồng Quỳ. 

Hơn nữa, thời xưa phương tiện quay phim, chụp ảnh, ghi hình không có; những giáo viên đi sưu tầm múa phải tự mình tìm cách học hỏi, tự tìm cách ghi nhớ, nắm bắt các động tác múa hay kể cả tính cách, phong thái của dân tộc cho chuẩn xác… một công việc tưởng như khó có thể thực hiện bởi thời đó các thầy, cô giáo đều còn rất trẻ, chưa có hiểu biết về sưu tầm, nghiên cứu. NGND Phùng Hồng Quỳ cũng thú thực, ngày xưa đi sưu tầm chủ yếu lấy chất liệu động tác là chính nên cố nhớ, cố học theo nghệ nhân chứ chưa có ý thức đi sâu tìm hiểu về mặt phong tục, tập quán hay văn hóa dân tộc liên quan đến múa… Ấy vậy mà thế hệ những nhà giáo như bà đã làm nên nhiều “kỳ tích” không ngờ. 

Có thể nói, đó là những kỉ niệm gian khó nhưng rất đỗi vinh quang của những thế hệ giáo viên dạy múa dân gian như bà. Nó luôn tiềm ẩn trong tâm thức của một cô giáo luôn nỗ lực, dành trọn trái tim cho sự nghiệp nghệ thuật múa nước nhà. Đó cũng là động lực để bà gắn bó với sự nghiệp trồng người, gắn bó với cái nghề cao quý nhất trong mọi nghề – nghề giáo; và đưa bà trở thành một trong những nhà giáo đầu tiên góp phần dựng xây nên một nền móng vững chãi của một ngôi trường nghệ thuật Múa chuyên nghiệp đầu tiên của đất nước: Trường Múa Việt Nam – Học viện Múa Việt Nam ngày nay.  

Chính nhờ công tác sưu tầm, chắt chiu, góp nhặt của các thế hệ giáo viên thời kì đó lại là những “vốn liếng” quý báu giúp bà có những đóng góp, tham gia vào hệ thống giáo trình, giáo án  phục vụ cho công tác giảng dạy. Đã có 2 giáo trình múa dân tộc Thái và dân tộc Kinh do bà làm chủ biên và nhiều giáo trình, múa các dân tộc Dao, Tày, Mông, Lô Lô… mà bà là một thành viên hội đồng đánh giá, thẩm định cho đến nay vẫn là những tài liệu đắc dụng phục vụ công tác giảng dạy múa dân gian dân tộc của nhà trường và hầu hết các trường nghệ thuật trên toàn quốc. Đó là những tài sản kế thừa vô giá chẳng gì có thể đong đếm được…

Nỗ lực và dành hết tâm huyết cho sự nghiệp đào tạo nghệ thuật Múa nước nhà với một tinh thần say mê, không biết mệt mỏi bà được tin cẩn và được bổ nhiệm là Tổ trưởng, Trưởng khoa, rồi là Phó Hiệu trưởng của trường Múa Việt Nam cho đến khi nghỉ hưu. 

Tiếng là một phó hiệu trưởng nhưng thời đó đi họp, đi hành ở các Bộ, Ban, ngành bà toàn phải “lóc cóc” một mình với chiếc xe đạp cà tàng chứ nào có chế độ ô tô như ngày nay. Có lẽ ai cũng nghĩ theo cái lý thông thường là chức vụ hiệu phó thì “oai phong” lắm đó, nhưng chẳng ngờ đâu “tròng” vào cổ trọng trách lãnh đạo cũng đồng nghĩa với việc một cô giáo vốn chỉ biết làm chuyên môn như bà lại phải gồng mình đứng ra giải quyết biết bao chuyện mâu thuẫn, xích mích giữa đám học trò của trường với một số đối tượng phá phách, ngỗ ngược sinh sống ở làng. Nhớ lại thời gian làm phó hiệu trưởng của trường khi xưa, các vị lãnh đạo khác ở nhà riêng, còn bà lại ở nhà tập thể của trường nên hiếm khi gia đình bà được yên ổn, ngon giấc. Liên tục đêm hôm bà phải đích thân đứng ra  giải quyết từ chuyện “ẩu đả” đến vấn đề sức khỏe, tâm lý bất thường của học sinh; chuyện gì cũng được được bà dàn xếp, lo toan ổn thỏa. Ngẫm lại mới thấy NGND Phùng Hồng Quỳ cũng thật dũng cảm, thông minh và bản lĩnh khi là phận nữ nhi mà dám một mình đương đầu với rất nhiều đối tượng, thành phần bất bất hảo để bảo vệ học sinh và bảo vệ danh tiếng cho nhà trường. 

Đúng thế, trong chuyên môn bà là một nhà giáo có nhiều sáng tạo về phương phương pháp truyền đạt, giảng dạy; có nhiều công trình, giáo trình đào tạo quý báu. Song khi nhận nhiệm vụ lãnh đạo – Phó Hiệu trưởng nhà trường thì nhà giáo Phùng Hồng Quỳ lại càng ý thức, trách nhiệm mình cần phải thương yêu, sát sao học sinh hơn nên vì thế mà bà quên hết nỗi run sợ của phận “liễu yếu đào tơ” mà dũng cảm đứng ra nâng đỡ, bảo vệ học sinh. Có lẽ cũng vì vậy, bà ngày càng được tín nhiệm, được học sinh yêu mến và đồng nghiệp nể trọng. 

Kinh qua nhiều vai trò, trách nhiệm là thế nhưng ngẫm lại, NGND Phùng Hồng Quỳ vẫn cảm thấy may mắn, hạnh phúc bởi dẫu thời bà vô cùng khó khăn, thiếu thốn, gian nan nhưng đó là những khó khăn chung của xã hội; còn những người làm nghệ thuật vẫn luôn được quan tâm, dường như chẳng ai phải bận tâm, lo toan “miếng cơm manh áo” hàng ngày, bởi vì đã có Nhà nước lo. Cho nên các nghệ sĩ thời bà chỉ việc hết lòng, hết sức chuyên tâm, nhiệt huyết dành trí lực cho nghệ thuật, lo cho “cái chung”, ai cũng vì sự phát triển chung, nên hết thảy đều đoàn kết, đồng lòng. Ở thời ấy, khó khăn gian khổ là vậy nhưng con người sống với nhau trong sáng và vô tư, tuyệt nhiên không có tư tưởng kèn cựa, ganh đua để mưu cầu danh vọng hay lợi ích cho bản thân. Cái sự “cá nhân, vị kỉ” rất ít, rất hiếm.

Còn nay, tuy xã hội đã phát triển, các nghệ sĩ, nhà giáo dù được thừa hưởng nhiều thành tựu của khoa học, công nghệ hiện đại; cuộc sống đỡ vất vả, túng thiếu hơn, song chính họ lại phải “đối mặt” với nhiều áp lực mưu sinh, nên tình yêu và tâm huyết cho ngành, cho nghề cũng ít nhiều bị phân tán, san sẻ… 

Giờ đây dù đã ở vào độ tuổi “Bách niên giai lão”, đã về nghỉ chế độ từ lâu nhưng NGND Phùng Hồng Quỳ vẫn là một nhà giáo vô cùng tinh anh, minh triết. Bà luôn là vị “trọng khách” trong các kỳ thi tốt nghiệp của Học viện Múa Việt Nam, của Đại học VHNT Quân đội, của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội. Hơn thế, sau mỗi kỳ thi, NGND Phùng Hồng Quỳ lúc nào cũng là “chuyên gia” cố vấn, có những đóng góp quý báu, chuẩn xác cho các thầy cô giáo trẻ trong công tác huấn luyện, giảng dạy.

Xin cám ơn bà – một nhà giáo của những nhà giáo đã dành trọn đời mình cho sự nghiệp đào tạo nghệ thuật múa nước nhà, đã để lại cho con trẻ chúng tôi một pho tàng quý giá về tinh thần, nhiệt huyết, về chữ “tâm”, chữ “tài” trên hành trình nghệ thuật đầy gian khó và vinh quang này.