Chi hội An Giang

0
240

Thành lập Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh An Giang

Sáng 28/9, Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh An Giang phối hợp với Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức thành lập Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tại An Giang và tiến hành Đại hội bầu chức danh Chi hội trưởng và Chi hội phó nhiệm kỳ 2019 – 2024.

NSND. Hà Thế Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Nghệ sĩ ưu tú Huỳnh Nhựt Danh – Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam; Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Thúy Xuân; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh Bùi Quang Vinh; Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT thành phố Cần Thơ Hứa Thị Anh Đào; cùng đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh và các anh chị nghệ sĩ múa là Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam trên địa bàn tỉnh cùng về tham dự.

Trong bài phát biểu chào mừng, Biên đạo múa Phan Thanh Thúy, Phân hội trưởng Phân hội Múa trực thuộc Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh cho biết: năm 2023 có thể xem là một năm thành công của ngành múa tỉnh An Giang khi có thêm 03 biên đạo múa tài năng và triển vọng được Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam xem xét kết nạp. Với số lượng 09 hội viên trung ương đáp ứng đủ điều kiện để thành lập Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh An Giang là sự kiện hết sức tự hào. An Giang từ lâu được biết đến như là một tỉnh có bề dày văn hóa văn nghệ dân gian đậm đà, đa dạng; có cộng đồng văn hóa bốn dân tộc anh em Kinh – Khmer – Chăm – Hoa với kho tàng VHNT phong phú, chứa đựng nhiều sức hút thú vị. Chính thuận lợi trên mà đội ngũ văn nghệ sĩ ở An Giang đã có một hình trình sáng tác dồi dào và rực rỡ trong suốt những năm tháng hoạt động cách mạng nơi chiến trường, phục vụ tinh thần, cổ vũ nhuệ khí chiến đấu trong cuộc đại trường chinh của dân tộc, cho đến hiện nay là đội ngũ nghệ sĩ trẻ, tài năng và vô cùng khiêm tốn, cầu thị. Bên cạnh những nghệ sĩ múa kỳ cựu, tiêu biểu của tỉnh được quần chúng yêu thương và giới chuyên môn công nhận cùng với bề dày thành tích như: Nghệ sĩ Diệu Thắm, Nghệ sĩ Phương Thúy, Nghệ sĩ Quốc Cường, Nghệ sĩ Thành Công, Nghệ sĩ Đức Quang… thì một thế hệ trẻ kế thừa ở lĩnh vực múa cũng rất tài năng như: Bảo Trân, Hoài Phúc, Thanh Vũ,… Tất cả cùng mang theo một khát vọng góp sức phát triển nghệ thuật múa tỉnh nhà ngày càng lớn mạnh.

Tại buổi lễ, NSƯT. Huỳnh Nhựt Danh – Ủy viên BCH Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã thông qua Quyết định số 46/QĐ-HMVN, ngày 20/9/2023 của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam về việc thành lập Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh An Giang với 09 diễn viên, biên đạo, nghệ sĩ là hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đang làm việc tại các đơn vị hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp trên địa bàn Tỉnh.  Đồng thời thông qua kết quả hiệp thương giới thiệu Biên đạo múa Phan Thanh Thúy ứng cử chức danh Chi hội trưởng và Nghệ sĩ múa Nguyễn Thành Công ứng cử chức danh Chi hội phó để Đại hội tiến hành bầu cử theo quy định. Kết quả bầu cử, Biên đạo múa Phan Thanh Thúy trúng cử chức danh Chi hội trưởng và Nghệ sĩ múa Nguyễn Thành Công trúng cử chức danh Chi hội phó Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh An Giang khóa I, nhiệm kỳ 2019 – 2024 với tỷ lệ phiếu đồng ý đạt tỷ lệ 100%.

Phát biểu chúc mừng thành lập Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh An Giang và bầu ra ban lãnh đạo nhiệm kỳ 2019 – 2024, NSND. Hà Thế Dũng – Phó Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho rằng: việc Chi hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tỉnh An Giang được thành lập là một bước ngoặc cho ngành múa tỉnh An Giang nói chúng và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng. Đây là một cơ hội đối với đội ngũ nghệ sĩ múa của tỉnh khi có điều kiện được tiếp cận, giao lưu, học hỏi với Hội Trung ương, các Chi hội bạn để trao dòi nghề nghiệp. Đồng thời cũng là thách thức đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ múa phải không ngừng nâng cao trình đội chuyên môn, đổi mới tư duy sáng tạo nhưng vẫn phải giữ gìn vốn văn hóa dân gian dân tộc bản địa, bảo tồn và quảng bá được di sản múa dân gian của các dân tộc trên địa bàn. Từ đó tạo nên những tác phẩm hay, chuyên nghiệp, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc; góp phần phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật, xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và thông qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và nhà nước; hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước đến đông đảo quần chúng nhân dân.

An Giang nói riêng và các tỉnh vùng Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung từ trước đến nay được xem là “vùng trũng” của nghệ thuật múa nước nhà bởi cơ hội được đào tạo, tiếp nhận về lý luận, tiếp cận nghệ thuật múa hàn lâm, chuyên nghiệp là rất hiếm hoi. Việc thành lập Chi hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tỉnh An Giang sẽ góp phần gìn giữ, khơi dậy và phát triển vốn văn hóa nghệ thuật dân gian của đồng bào các dân tộc như Khmer, Chăm, Hoa và nghệ thuật múa trong Văn hóa Óc Eo của Vương quốc Phù Nam xưa… thông qua các tiết mục múa độc đáo, mang phong cách riêng để đưa lên sân khấu chuyên nghiệp. Từ đó dàn dựng nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc có nội dung phong phú, giá trị nghệ thuật biểu cảm cao phục vụ nhu cầu hưởng thụ của công chúng; góp phần giới thiệu, quảng bá về vùng đất, con người An Giang đến bạn bè trong và ngoài nước.

PV Phương Lan

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây