Thanh Hoa
Công tác nghiên cứu, sưu tầm dù ở thời đại nào cũng đóng vai trò tối quan trọng trong việc bảo lưu, gìn giữ và phát triển văn học nghệ thuật.
Có thể nói rằng những thành tựu của nghệ thuật múa chuyên nghiệp hiện nay là dựa trên nền tảng lịch sử của quá trình nghiên cứu, sưu tầm của thế hệ đi trước.
Nhớ lại ngày xưa, khi bắt đầu tạo dựng hệ thống đào tạo nghệ thuật múa chuyên nghiệp thì các thầy, cô giáo dạy múa trực tiếp chính là những nhà nghiên cứu, đi sâu tìm hiểu ngôn ngữ, động tác múa từ các vùng đồng bào dân tộc, từ trong đời sống cư dân… rồi từ đó làm “vốn” cho công tác đào tạo.
Ngày xưa, mọi phương tiện, vật chất còn lạc hậu, khó khăn, chưa có nhiều phương tiện, máy móc, công nghệ hiện đại để phục vụ công tác lưu giữ nên thường các nhà giáo đi sưu tầm, nghiên cứu đều lưu giữ theo hình thức ghi chép, ghi nhớ bằng khả năng cá nhân. Nhưng phải khẳng định rằng, chính những tài liệu, những hệ thống động tác múa được sưu tầm khi xưa, cho đến ngày nay vẫn phát huy sức sống trường tồn, vẫn là những “nền tảng” phục vụ đắc lực công tác đào tạo, công tác sáng tác nghệ thuật múa. Nếu không nhờ công tác sưu tầm, nghiên cứu thời kỳ đó có lẽ nghệ thuật múa chuyên nghiệp không có được những bước trưởng thành và phát triển như ngày nay.
Nhưng cũng phải thấy rằng, ngày xưa sưu tầm, nghiên cứu là do nhu cầu bức thiết của ngành, nghề; nếu không sưu tầm, nghiên cứu sẽ không có gì giảng dạy cho học sinh, không có chất liệu để sáng tác, dàn dựng.
Còn ngày nay, dường như các đội ngũ giáo viên, giảng viên của các trường nghệ thuật; đặc biệt là Học viện Múa Việt Nam, Trường Sân khấu Điện ảnh, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Trường Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc, Tây Bắc… đã có sẵn hệ thống giáo trình, giáo án nên cứ “yên tâm” mà giảng dạy chứ không phải chạy đôn, chạy đáo như những thế hệ nhà giáo khi xưa.
Không khó để nhận thấy rằng, công tác sưu tầm nghiên cứu khi đó là nhiệm vụ nhưng cũng là trách nhiệm của chính các nhà giáo… cũng vì đặc thù nghề nghiệp, vì nhu cầu thiết yếu của công việc khi ấy đã vô hình chung biến các nhà giáo thành những nhà nghiên cứu bất đắc dĩ. Song chính điều đó lại tích hợp cho các nhà giáo múa khi xưa những hiểu biết đa dạng, sâu sắc về phong tục, văn hóa dân tộc trong từng động tác, ngôn ngữ múa, giúp các thầy cô không những chỉ thị phạm động tác mà còn truyền tải được tinh thần văn hóa dân tộc vào trong từng ngôn ngữ, động tác.
Cũng đã có thời kì nghiên cứu múa được “danh chính ngôn thuận” nằm trong Ban Nghiên cứu Âm Nhạc và Múa trực thuộc Viện Âm Nhạc Việt Nam, rồi sau đó Ban Nghiên cứu Múa được nhập về trường Múa. Qua thời gian và qua nhiều sự chuyển đổi thì hiện nay công tác nghiên cứu múa được nhập vào Phòng đào tạo – nghiên cứu khoa học của một số trường Văn hóa nghệ thuật, như: Học viện Múa Việt Nam, Đại học Sân khấu Điện Ảnh Hà Nội, Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội…
Như vậy để thấy rằng, xét về mặt cơ cấu, tổ chức thì Bộ Văn hóa, Bộ Giáo Dục cũng đã có những quan tâm, chỉ đạo, đã có những cơ chế và tạo cơ hội, điều kiện cho cán bộ, giảng viên trong công tác nghiên cứu, bảo lưu, gìn giữ và phát triển nghệ thuật múa; luôn coi nhiệm vụ nghiên cứu khoa học của giáo viên, giảng viên phải song hành với công tác giảng dạy, đào tạo.
Song trên thực tế đối với cán bộ, giảng viên múa, công tác “nghiên cứu khoa học” vẫn đang bị coi là việc “đối phó” cho có, chứ chưa được coi là một việc làm nghiêm túc, chỉn chu, chưa thấy tầm quan trọng của công tác nghiên cứu. Đặc biệt là đối với nghệ sĩ sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn thì công tác nghiên cứu lại càng trở nên nhạt nhòa. Có chăng, một vài biên đạo múa, trước khi sáng tác, dàn dựng một tác phẩm múa nào đó về đề tài lịch sử, đề tài dân tộc thì mới cấp tập tra khảo, tìm tài liệu liên quan; hoặc một số biên đạo, giảng viên tham gia những đợt thâm nhập thực tế do đơn vị, do Hội nghệ sĩ Múa tổ chức thì có lẽ cũng chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, thăm thú phong cảnh chứ không có điều kiện nghiên cứu, sưu tầm một cách nghiêm túc, chuyên sâu. Còn đối với nghệ sĩ biểu diễn thì công tác nghiên cứu gần như là con số không.
Một trong những cái tên góp nhiều công sức trong công tác nghiên cứu, sưu tầm và lưu giữ những tư liệu, tài liệu và có những công trình nghiên cứu về múa phải kể đến Cố GS.TS.NSƯT Lâm Tô Lộc, Cố NSND Lê Ngọc Canh, Nhà nghiên cứu Phạm Hùng Thoan, nhà Nghiên cứu Bùi Đình Phiên, NGND Phùng Hồng Quỳ, Nhà giáo Bích Nghĩa, Mai Hương, Hoàng Túc, Ngân Quý… Nhìn lại quá trình hoạt động của các bậc tiền bối, chúng ta cũng thấy rằng NSƯT Lâm Tô Lộc, NNC Phạm Hùng Thoan, NSND Lê Ngọc Canh từng là những cán bộ nghiên cứu chuyên sâu về múa công tác tại Viện Văn hóa Nghệ thuật, Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian (Nay là Viện Văn hóa), hoặc NNC Bùi Đình Phiên tuy công tác tại Cục Nghệ thuật Biểu diễn, Nhà giáo Hồng Quỳ, Ngân Quý, Bích Nghĩa, Hoàng Túc, Mai Hương làm công tác giảng dạy nhưng đều được tạo điều kiện, cơ hội về cơ sở vật chất, về kinh phí phục vụ công tác nghiên cứu dù có thể nguồn kinh phí khi xưa còn ít ỏi, chưa đáp ứng đủ mọi điều kiện cho công tác nghiên cứu, nhưng các nghệ sĩ – cán bộ nghiên cứu khi đó dường như ai cũng thấu hiểu và khắc phục những khó khăn, thiếu thốn của tình hình kinh tế đất nước nói chung để hoàn thành nhiệm vụ. Đã có nhiều bài viết, công trình sách, nhiều tài liệu, đề tài nghiên cứu đã được xuất bản, trở thành tài sản quý giá cho ngành múa Việt Nam, như: Sách Nghệ thuật Múa dân tộc Việt của GS.TS.NSƯT Lâm Tô Lộc, sách “Nghệ thuật múa Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội”, “Nghệ thuật múa truyền thống Đông Nam Á” v.v… của GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh, Sách “Múa truyền thống trong Hội làng Triều Khúc” của NNC Phạm Hùng Thoan và một số công trình nghiên cứu về múa Dân gian của NSƯT Ngân Quý, Múa dân tộc Thái của NSƯT Bùi Chí Thanh, Múa Dân tộc Chăm của NSND Đặng Hùng…
Điểm qua một số đề tài, một số cuốn sách đã xuất bản của các nhà nghiên cứu múa, chúng ta “giật mình” nhận thấy rằng dường như tất cả những công trình ấy đều thuộc sở hữu của các bậc lão thành, đều là thành quả nghiên cứu của giai đoạn xã hội còn nghèo nàn, khó khăn.
Còn giai đoạn xã hội đương đại, hiện đại ngày nay – khi mà các công nghệ thông tin phát triển và các phương tiện lưu trữ, bảo tồn dễ dàng, thuận tiện hơn khi xưa thì dường như công tác nghiên cứu múa lại đang dần bị rơi vào “quên lãng”.
Quả thực, đội ngũ giáo viên ngày nay được thừa hưởng thành quả nghiên cứu, sưu tầm của thế hệ xưa đã xây dựng được hệ thống giáo trình, giáo án của múa dân gian các dân tộc phục vụ công tác giảng dạy, đào tạo vì thế họ không buộc phải làm các nhà nghiên cứu “bất đắc dĩ” như xưa mà chỉ chăm lo vào việc truyền tải yếu lĩnh động tác đến học sinh… thỉnh thoảng các thầy, cô giáo dạy múa dân tộc có tham gia vào một số đợt thâm nhập thực tế ngắn ngày đến các vùng đồng bào do nhà trường hoặc do Hội nghệ sĩ Múa Việt Nam đứng ra tổ chức thì cũng chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”, thăm thú thiên nhiên, cảnh đẹp, may mắn thì được xem một vài khúc múa của bà con đồng bào trong chốc lát chứ cũng không có đủ thời gian để thâm nhập sâu vào đời sống văn hóa của đồng bào;
Dù theo sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục, Bộ Văn hóa luôn đòi hỏi, yêu cầu giáo viên, giảng viên phải coi công tác nghiên cứu khoa học như là một nhiệm vụ song hành với công tác chuyên môn trong giảng dạy, đào tạo.
Vậy nhưng trên thực tế thì các giáo viên, giảng viên đặc biệt là các giảng viên múa trẻ hiện nay tham gia vào các bài viết, đề tài hoặc công trình nghiên cứu múa cũng không mấy hiệu quả; thỉnh thoảng cũng có một số thầy, cô giáo có tên trong nhóm biên soạn giáo trình cấp trường, cấp bộ song đa số đều là những giáo trình, công trình mang tính hệ thống, chỉnh biên, kế thừa từ những nghiên cứu trước đó. Còn những công trình, đề tài nghiên cứu mới dường như rất hiếm hoi, hoặc có thì tính lan tỏa, tính ứng dụng và mức độ ảnh hưởng của công trình cũng rất hạn chế.
Cũng phải thấy rằng, Ngày xưa, dù ít nhưng vẫn có một vài cán bộ chuyên trách công tác nghiên cứu chuyên môn múa tại một số viện nghiên cứu như GS.TS.NSƯT Lâm Tô Lộc; GS.TS.NSND Lê Ngọc Canh; NNC Phạm Hùng Thoan; NNC Phê bình Bùi Đình Phiên;
Còn hiện nay, thực chất không có nổi biên chế cho cán bộ nghiên cứu múa. Dù đã có 1 lớp lý luận phê bình múa của Đại học Sân khấu Điện Ảnh tốt nghiệp với 12 sinh viên, nhưng suốt từ đó đến nay Đại học Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội không thể chiêu sinh nổi khóa kế tiếp, và tôi được biết rằng mã ngành này tại Đại học Sân Khấu Điện ảnh Hà Nội cũng đã bị xóa do nhiều năm không tuyển sinh được sinh viên.
Bản thân 12 sinh viên ra trường cũng ít người còn trụ lại được với nghề viết, chưa dám nói đến công tác nghiên cứu; chỉ còn TS.Bạch Mỹ Trinh làm công tác chuyên trách của phòng Đào tạo, Nghiên cứu khoa học của Học viện Múa Việt Nam bước đầu đã có một số công trình nghiên cứu về múa…
Rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng thật là thiếu sót nếu chỉ biết biểu diễn, biết sáng tác, biết đào tạo dàn dựng mà không một ai có trách nhiệm bảo tồn, lưu lại những gì các bạn đã làm, sẽ thấy rằng đó là một khoảng trống không dễ bề khỏa lấp nếu chúng ta không kịp thời vực dậy công tác nghiên cứu…
Vẫn biết rằng, nghiên cứu là một công việc thầm lặng, hiệu quả của nó không thể nhìn thấy trong ngày một, ngày hai. Thành quả nghiên cứu cũng không dễ bề “phô trương”, “lan tỏa”. Vẫn biết rằng để sống “no đủ” được bằng nghề nghiên cứu cũng thật là một nỗi vất vả, chật vật; bởi thế chẳng nhiều người dám “dấn thân” vào cái nghề vô cùng lặng lẽ và lắm nỗi truân chuyên này. Song, như vậy cũng không có nghĩa là tất thảy các nhà giáo, nghệ sĩ múa của chúng ta đều lãnh cảm với công tác nghiên cứu. Vẫn còn rất nhiều nghệ sĩ múa tâm huyết với nghề mong mỏi được góp công, góp sức vào công tác nghiên cứu, bảo lưu gìn giữ những thành quả mà chúng ta đã và đang làm.
Vì thế, hơn lúc nào hết, chúng tôi – những người tâm huyết với múa luôn mong mỏi rằng các cán bộ, lãnh đạo quản lý ngành múa hãy dành cho công tác nghiên cứu múa một sự quan tâm thỏa đáng, có những chính sách, cơ chế thiết thực thúc đẩy, khuyến khích công tác nghiên cứu, sưu tầm múa để một mai này, chúng ta không phải “hối tiếc” vì đã bỏ lỡ, vì đã “lãng quên” một pho tư liệu quý giá mà chúng ta đã từng tâm huyết cống hiến. Để những thành công, thành quả mà chúng ta từng chắt chiu, lan tỏa còn được lưu truyền đến muôn đời sau.