Hướng đi nào cho công tác quảng bá hình ảnh đất nước qua Nghệ thuật Múa?!

0
239

Thanh Hoa

Trong xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế như hiện nay thì việc giao lưu, quảng bá hình ảnh đất nước ra thế giới là vô cùng quan trọng. Văn hóa nghệ thuật, trong đó có múa là một phương thức giới thiệu văn hóa hiệu quả, giúp bạn bè quốc tế có thể vượt qua rào cản ngôn ngữ để dễ dàng tiếp cận và cảm thụ hơn cả.

Thế nhưng, biểu diễn thế nào, giới thiệu ra sao để có thể có được những cái nhìn chính xác nhất, giành được nhiều thiện cảm nhất từ bạn bè quốc tế về một nền văn hóa Việt Nam đa dạng, đậm đà bản sắc – đó mới là mục tiêu và là điều quan trọng nhất của công cuộc quảng bá.

Quảng bá theo con đường chính thống Nhà nước

Trong nhiều năm qua, việc quảng bá văn hóa Việt ra thế giới được đặc biệt quan tâm thông qua các Tuần văn hóa, Tháng văn hóa Việt Nam ở nước ngoài với nhiều hoạt động liên hoan, triển lãm, trình diễn, giới thiệu văn hóa nghệ thuật… Bởi thế, quảng bá hình ảnh đất nước, dân tộc ra nước ngoài là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm, sứ mệnh cao cả của người nghệ sĩ mỗi khi “mang chuông đi đánh xứ người”. 

Đối với những chương trình đi biểu diễn theo diện do các cơ quan, tổ chức Nhà nước dẫn đoàn thường được lựa chọn theo môtip kết cấu chủ yếu là các tác phẩm ca, múa, nhạc dân tộc. 

Tuy nhiên, về nghệ thuật múa, trong nhiều năm nay hầu như các đơn vị nghệ thuật vẫn chọn những tác phẩm sáng tác từ mấy chục năm về trước như một “đặc sản” mỗi khi ra nước ngoài, như: Múa Nón, Múa Ô, Xòe hoa, Roong Chiêng, Múa Sạp, v.v… Có thể nói, đây là những tác phẩm kinh điển của nghệ thuật múa Việt Nam, là những tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, được đánh giá khá cao về chất lượng nghệ thuật qua nhiều thế hệ nghệ sĩ; nên có lẽ lựa chọn những tác phẩm như vậy cũng là một giải pháp an toàn về mặt chính trị cho các đoàn, các đơn vị nghệ thuật; hơn nữa vừa tiết kiệm được chi phí dàn dựng, tập luyện tác phẩm mới cho đội ngũ sáng tạo và nghệ sĩ biểu diễn. Nhưng cũng có tư duy phản biện rằng, trong khi thế giới vận động không ngừng mà ta cứ mãi thủ cựu trong lối tư duy cũ mòn, cứ mãi “trưng diện” những tác phẩm sáng tạo từ mấy chục năm trước há có phải là một cách giữ gìn bản sắc dân tộc hay, có phải là một cách quảng bá hình ảnh đất nước hữu hiệu hay không?!. Đó là vấn đề khiến các nhà quản lý nghệ thuật, những người phụ trách về mặt giao lưu, quan hệ quốc tế băn khoăn, trăn trở. 

Những năm gần đây trong “Liên hoan múa Quốc tế” do Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch tổ chức tại Việt Nam hoặc “Liên hoan múa đương đại Châu Âu gặp Châu Á” do các tổ chức Văn hóa nước ngoài tại Việt Nam phối hợp với Cục Hợp tác Quốc tế tổ chức đã có khá nhiều tác phẩm múa của các đơn vị nghệ thuật tham gia sự kiện này. Song, trong những kì, cuộc này cũng chỉ mới dừng lại ở những nhận định, đánh giá từ người trong cuộc; còn sức lan tỏa và hiệu ứng quảng bá ra cộng đồng quốc tế ra sao thực sự cũng chưa có những phản hồi xác đáng. 

Quảng bá theo con đường tự do

Trong xu thế vận động, hội nhập và mở rộng như hiện nay thì tác phẩm múa không chỉ được giới thiệu tới bạn bè quốc tế theo con đường chính thống do Nhà nước tổ chức mà còn được quảng bá qua các tổ chức cá nhân hoặc các tổ chức xã hội hóa. Cũng thật thú vị là một số nghệ sĩ đi biểu diễn ở nước ngoài theo diện các tổ chức cá nhân hoặc các show diễn xã hội hóa khi “xuất khẩu” văn hóa ra nước ngoài thường mang các tác phẩm múa theo phong cách đương đại hoặc dân gian, dân tộc đương đại. Đã có nhiều chương trình múa nhận được nhiều phản hồi tích cực và tạo được mối thiện cảm từ bạn bè quốc tế cũng như công chúng Việt Nam ở nước ngoài như: vở múa “Sương sớm” của biên đạo Tấn Lộc do Vũ đoàn Arabesque thể hiện

Có lẽ, đây cũng là một “kênh” quảng bá “cân bằng” cho tư duy “an toàn”, giữ nguyên bản địa của những tác phẩm xưa kia của những nghệ sĩ đi theo diện tổ chức Nhà nước. 

Tuy vậy, với cách quảng bá “tự do” lại nảy sinh khá nhiều vấn đề như: các tác phẩm sáng tác mới của các biên đạo trẻ còn hạn chế về chất liệu văn hóa, thiếu hụt nền tảng của bản sắc, phong cách Việt cũng gây quan ngại, lo lắng cho việc giữ gìn hình ảnh quốc gia, dân tộc.  

Nhìn sang các nước Châu Á có nhiều nét tương đồng văn hóa như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… chúng ta thấy Nhà nước họ có những chiến lược, sách lược rất cụ thể để bảo tồn, nuôi dưỡng những hình thức nghệ thuật truyền thống cũng như chính sách phát triển văn hóa nghệ thuật đương đại và quảng bá các loại hình nghệ thuật của họ ra nước ngoài. 

Đặc biệt, với đất nước Trung Quốc mỗi khi mang tác phẩm ra nước ngoài biểu diễn dù đi theo con đường giao lưu, hữu nghị do Nhà nước tổ chức hay đi theo hình thức xã hội hóa thì những tác phẩm múa của họ đều để lại những dấu ấn đậm đặc của văn hóa Trung Hoa. 

Nhắc tới Trung Quốc, chúng ta còn biết đến tác phẩm của họ qua con đường du lịch. Trong mỗi tua du lịch sang đất nước Trung Hoa, khách du lịch đều được thưởng thức nhiều tác phẩm nghệ thuật (trong đó có nghệ thuật Múa) rất đặc sắc. Loại hình này còn được phát triển như một ngành “công nghiệp nghệ thuật” đang được hưởng ứng và phát triển rộng rãi trong thời gian gần đây. Và có lẽ đây cũng là một kênh quảng bá tác phẩm, quảng bá văn hóa nghệ thuật của quốc gia, dân tộc tích hợp giữa “hai trong một” giữa mục tiêu kinh tế và quảng bá văn hóa khá hữu hiệu. 

Tiếp thu hình thức quảng bá nghệ thuật này, trong mấy năm gần đây, nước ta cũng đã có một số show diễn được biểu diễn định kỳ tại các địa điểm du lịch nổi tiếng của đất nước, như: “Ký ức Hội An” tại phố cổ Hội An, “Tinh hoa Bắc Bộ” tại Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội; “Vũ điệu trên mây” tại Sa Pa… đã bước đầu hấp dẫn du khách quốc tế và dần trở thành nét văn hóa nghệ thuật đặc sắc của Việt Nam. Hi vọng, hình thức kết hợp du lịch với văn hóa nghệ thuật này sẽ là một kênh quảng bá văn hóa nghệ thuật của đất nước và thu hút, hấp dẫn khách quốc tế cần được phát huy. 

Quảng bá trực tuyến trên nền tảng công nghệ số hiện đại cũng là một hình thức khá mới trong xu thế phát triển hiện đại ngày nay, nhất là từ khi đại dịch Covid – 19 bùng phát trên toàn thế giới thì việc sáng tạo, kết nối, quảng bá theo hình thức này đang trở thành một phương cách hữu hiệu, là một giải pháp hiệu quả được áp dụng không chỉ các nghệ sĩ múa, mà cả giới văn học nghệ thuật nước nhà đang cần có những hướng chuyển mình thích ứng với những thay đổi của thời cuộc. “Vũ điệu rửa tay” của biên đạo Quang Đăng – một sáng tạo phối hợp hài hòa giữa âm nhạc và vũ điệu được khai thác từ một hành động rửa tay đơn giản nhưng đã tạo được hiệu ứng lan truyền sâu rộng khắp trong và ngoài nước.  

Nhìn sang các nước bạn Trung Quốc, Nga… khi mang múa ra thế giới dù là ở phong cách múa nào (dân tộc, cổ điển, hiện đại hay đương đại …) họ đều để lại nét đặc trưng dân tộc khó quên trong lòng khán giả quốc tế… Biết rằng đây là 2 đất nước có nền tảng nghệ thuật múa lâu đời (tựa như cái nôi của nghệ thuật múa Châu Âu và Châu Á) khó có đất nước nào sánh kịp… song không vì thế mà ta tự ti để mãi tụt lùi phía sau; chẳng nói đâu xa, ngay như nước bạn Lào còn phải học hỏi ở nghệ thuật múa Việt Nam rất nhiều, nhưng nhìn lại chính họ lại có điệu múa đặc trưng khi ra thế giới (Lăm Vông, Lăm Thôn); Hay đất nước Hàn Quốc vẫn là múa quạt, múa trống song họ vẫn tạo được nét độc đáo khiến thế giới nhớ đến họ.

Rõ ràng, câu chuyện quảng bá ở đây không phải là chuyện tác phẩm sáng tác mới, công phu hoành tráng hay tác phẩm sáng tác từ lâu đời; bởi hiện nay có những điệu múa sáng tác công phu, rất đông vũ công biểu diễn hoành tráng, tưởng là đổi mới nhưng chưa chắc đã gây ấn tượng sâu đậm bằng một điệu múa Chăm-pa hoặc một vài động tác múa đơn giản của các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc hay Tây Nguyên. Bản sắc và cái độc đáo của nghệ thuật dân tộc Việt Nam là ở chỗ đơn sơ, mộc mạc mà thuần chất, đậm đà sắc thái văn hóa dân tộc. Cái chính là làm sao khai thác được hồn cốt, đặc trưng văn hóa để phát triển trong từng sáng tạo tác phẩm chứ không phải hiện đại hóa nghệ thuật cho mới lạ và hoành tráng, không phải phức tạp, trừu tượng hóa tư duy nghệ thuật. 

Rõ ràng, vấn đề quảng bá hình ảnh quốc gia, dân tộc theo hình thức nào, hướng đi nào, quảng bá theo con đường chính thống do Nhà nước tổ chức hay theo con đường tự do, xã hội hóa; quảng bá trên nền tảng kĩ thuật số; hoặc dẫu cho có sáng tác theo hình thức, phong cách dân tộc, dân gian hay hiện đại, đương đại đều rất đáng hoanh nghênh và khích lệ. Nhưng điều quan trọng mà những nhà chuyên môn và công chúng khán giả quan tâm chính là làm sao giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa, là lan tỏa được hình ảnh quốc gia, dân tộc. trong từng tác phẩm nghệ thuật của nước nhà.