Những “chiếc nôi” chắp cánh cho nghệ thuật múa nước nhà

0
538

Phương Lan

Chúng ta đều biết nghệ thuật múa có nguồn gốc từ những hành động của con người trong đời sống, trong quá trình lao động cộng với sự quan sát thiên nhiên. Từ lâu múa đã được xem là bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, có vai trò quan trọng trong việc giúp con người phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần. Đồng thời, thông qua nghệ thuật múa, những giá trị tinh hoa văn hóa truyền thống quý báu của dân tộc được gìn giữ và lan tỏa đến các thế hệ sau.
Xã hội ngày càng phát triển, nghệ thuật múa ngày càng có điều kiện để phát huy tốt sứ mệnh của mình trong đời sống xã hội, giúp rút ngắn đi khoảng cách giữa các quốc gia dân tộc, khiến con người xích lại gần nhau hơn nhằm xây dựng một môi trường văn hóa nghệ thuật lành mạnh. Chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ số, việc khán giả được tiếp cận và thưởng thức những tác phẩm múa chuyên nghiệp, được đầu tư bài bản trở nên dễ dàng hơn trước kia rất nhiều. Những diễn viên múa có hình thể đẹp, mềm dẻo, gương mặt thanh tú, được trang điểm lộng lẫy và tỏa sáng trên sân khấu…là những gì khán giả có thể tự mình nhìn thấy và cảm nhận được. Tuy nhiên, phía sau ánh hào quang ấy là biết bao vất vả, nhọc nhằn mà các thế hệ giáo viên đã cố gắng truyền giảng; biết bao mồ hôi, nước mắt khi các diễn viên, biên đạo ngày đêm tập luyện để cho ra đời tác phẩm…

Xác định con người là yếu tố cốt lõi, là động lực của sự phát triển, Đảng ta đặt nhiệm vụ xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là từng bước xây dựng các chuẩn mực giá trị văn hóa và con người Việt Nam. Để góp phần hiện thực hóa nhiệm vụ đó, những năm gần đây, nghệ thuật múa Việt Nam đã ngày một củng cố về nhân lực chất lượng cao bằng sự phát triển mạnh mẽ của các trường đào tạo nghệ thuật múa. Từ các cơ sở đào tạo này, đã có không ít nghệ sĩ múa tham gia vào công tác quản lý văn hóa nghệ thuật từ trung ương đến địa phương, đóng góp nhiều sức lực và trí tuệ cho sự phát triển nền nghệ thuật của nước nhà.
Nhân Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11, chúng ta cùng nhau tri ân, tôn vinh những đóng góp của các thế hệ giảng viên đối với sự nghiệp giáo dục đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghệ thuật múa bằng cách điểm qua không khí vui tươi, trang trọng của các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trên cả nước.
Học viện Múa Việt Nam được coi là cái nôi đầu ngành về đào tạo nghệ thuật múa. Trải qua 63 năm xây dựng và phát triển, chặng đường lịch sử của Học viện luôn đồng hành với những bước đi lên của đất nước, luôn giữ vững vị thế “cánh chim đầu đàn”, xứng đáng là “chiếc nôi của ngành múa Việt Nam”. Hơn 3.000 học sinh, sinh viên đã tốt nghiệp từ mái trường này. Nhiều nhiều tài năng nghệ thuật, thế hệ nghệ sĩ múa đã trưởng thành, hiện đang công tác trong lĩnh vực biểu diễn, sáng tác, nghiên cứu, lý luận, phê bình múa. Nhiều người đã và đang đảm nhận những chức vụ quan trọng trong bộ máy quản lý Nhà nước của ngành văn hoá nghệ thuật, trở thành đại biểu Quốc hội, Cục trưởng Cục nghệ thuật biểu diễn; nhiều người đã được phong học hàm GS, PGS, đạt học vị tiến sĩ và danh hiệu cao quý khác như Nhà giáo nhân dân, Nghệ sĩ nhân dân, Nhà giáo ưu tú, Nghệ sĩ ưu tú…

Năm học 2022 – 2023 là năm học thứ 4 của Trường trên cương vị là một Học viện. Cùng 192 học sinh trung cấp hiện đang theo học, năm nay Học viện nhiệt liệt chào đón 72 tân học sinh trình độ trung cấp, và đặc biệt chào đón 34 tân sinh viên Biên đạo múa và Huấn luyện múa trình độ đại học khóa đầu tiên của Học viện Múa Việt Nam. Đây vừa là cơ hội vừa là thách thức đối với ban lãnh đạo và cán bộ, giảng viên toàn Học viện. Bởi vây, khóa đào tạo trình độ đại học đầu tiên được Ban Giám đốc, Khoa Biên đạo – Huấn luyện múa, cùng toàn thể cán bộ, giảng viên của Học viện quan tâm đặc biệt – TS Trần Văn Hải, quyền Giám đốc Học viện Múa Việt Nam chia sẻ.
Khoa Múa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội là một khoa tuy nhỏ nhưng có vị trí lớn trong Trường. Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường, thay mặt lãnh đạo nhà trường, ThS. Nguyễn Thị Thanh Quế – Phó Hiệu trưởng ghi nhận đây là một trong những khoa có chất lượng đội ngũ giảng viên rất tốt, đào tạo bài bản, có nhiều kinh nghiệm thực tiễn và rất yêu nghề. Ngoài giảng viên cơ hữu, khoa đã và đang nhận được sự cộng tác giảng dạy của những chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực nghệ thuật múa. Lãnh đạo xác định đây là một trong những ngành mũi nhọn của nhà trường.
Đáp ứng nhu cầu của xã hội, ngoài 03 ngành đào tạo: Biên đạo múa, Huấn luyện múa và Lý luận phê bình Múa, năm 2014 nhà trường đã mở thêm chuyên ngành Biên đạo múa Đại chúng và đã tuyển sinh được rất tốt. Khóa đầu tiên tuyển sinh được 18 sinh viên, từ năm 2015 đến nay năm nào Khoa cũng tuyển sinh được 35-40 sinh viên và chia thành 2 lớp A-B. Đây được coi là “hot” của Trường, sinh viên ngành này dễ dàng tìm kiếm việc làm sau khi ra trường. Đó là điều vô cùng tuyệt vời đối với những người giáo viên chúng tôi.
Năm nay Học viện múa cũng đã tuyển được khóa đào tạo trình độ đại học đầu tiên. Chúng tôi xác định đây là cuộc cạnh tranh lành mạnh. Là cơ sở đầu tiên đào tạo đại học về nghệ thuật múa, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chất lượng đào tạo, đổi mới cập nhật bổ sung chương trình, đề cương chi tiết các môn học, lấy người học làm trung tâm. Chúng tôi tự tin với những thành tựu đã đạt được từ năm 1980, chúng tôi tự tin mình sẽ giữ vững thương hiệu của Khoa và của nhà trường – ThS Phùng Quang Minh – Trưởng Khoa Múa Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội chia sẻ. Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh là một trong hai cơ sở đào tạo nghệ thuật múa đầu ngành của cả nước. Nhiều thế hệ học sinh trưởng thành từ nhà trường đã trở thành lực lượng nòng cốt, đóng góp cho sự phát triển nghệ thuật múa của thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực miền Nam nói chung, đồng thời góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển nghệ thuật múa của nước nhà. Đây là một ngôi trường có sự phát triển năng động với mô hình đào tạo linh hoạt, phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội mà vẫn đảm bảo tính chuyên nghiệp với nhiều đổi mới. Các thế hệ giáo viên của nhà trường vô cùng tâm huyết, được đào tạo bài cả ở trong và ngoài nước, đặc biệt là thế hệ giáo viên trẻ hiện nay hứa hẹn mang đến nhiều đột phá, sáng tạo.
Nhân dịp 20/11, nhiều giáo viên của nhà trường vinh dự được nhận bằng khen của Thủ tướng chính phủ; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Văn hoá, Thể thao và Du lịch”; Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp Giáo dục”,… Đây là nguồn động viên, khích lệ to lớn đối với các thế hệ giáo viên của nhà trường nhằm phấn đấu xây dựng Trường Trung cấp Múa thành phố Hồ Chí Minh trở thành “điểm sáng” ở khu vực có nhiều loại hình giải trí như phía Nam.
Khoa Múa Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật quân đội cũng là một trong những cái nôi sản sinh ra rất nhiều thế hệ nhà giáo tâm huyết, trí tuệ, nhiều nghệ sĩ múa tài năng của đất nước. Khoa luôn tự hào năm nào cũng có những lứa sinh viên tài năng giành những giải thưởng cao trong nước, quốc tế và đảm bảo được những kỹ thuật nghiêm ngặt khi tham gia liên tiếp vào các tác phẩm múa lớn trong các cuộc thi, liên hoan toàn quốc, toàn quân; đồng thời cũng tham gia rất tích cực vào các chương trình nghệ thuật lớn của Đảng, Nhà nước và Quân đội giao phó. Bên cạnh đó, thầy cô cũng rất chú trọng tới công tác xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên kế cận, tạo những điều kiện tốt nhất để họ học tập nâng cao trình độ để tiếp cận với các phương thức và loại hình mới, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Có thể nói, những thành tựu mà Nhà trường đạt được cho đến nay đã ghi đậm dấu ấn, công lao của các thế hệ giảng viên Khoa Múa – những người đã và đang mang hết tâm huyết, trí tuệ, tài năng, không quản ngại khó khăn, gian khổ, cống hiến cho sự nghiệp trồng người nói chung, cũng như sự nghiệp xây dựng và phát triển Nhà trường nói riêng, góp phần xây đắp lên truyền thống Chiến sĩ – Nghệ sĩ; Đoàn kết – Chiến đấu; Năng động – Sáng tạo; Lập công- Quyết thắng” mà nhà trường đã đề ra.

Chuyên ngành Múa trong Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội thuộc Khoa Sân khấu điện ảnh và Múa. Đây là ngôi trường đã đào tạo ra những tài năng nghệ thuật ở trình độ cao đẳng và nghiên cứu khoa học về các lĩnh vực nghệ thuật phục vụ cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật của Thủ đô.
Tháng 11 năm 2022, Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Hà Nội kỷ niệm 55 năm ngày thành lập và vinh dự đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Hơn nửa thế kỷ qua, Trường luôn tự hào là ngôi trường của Thủ đô thực hiện sứ mệnh “chắp cánh những ước mơ” cho những mầm non và tài năng nghệ thuật. Từ mái trường này, rất nhiều thế hệ nghệ sỹ nhân dân, nghệ sỹ ưu tú và các nghệ sỹ thành danh đã và đang cống hiến cho nền nghệ thuật nước nhà, trong số đó không thể không kể đến các thế hệ giáo viên múa, nghệ sĩ múa trưởng thành và phát triển từ mái trường này. Nhà trường luôn chú trọng xây dựng mô hình đào tạo phù hợp với lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật, bởi vậy trong các cuộc thi về nghệ thuật nói chung, thi về múa nói riêng nhà trường luôn chiếm ưu thế là một trong những đơn vị có số lượng các sinh viên đạt giải cao. Có thể nói, những kết quả toàn diện của Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội trong 55 năm qua là minh chứng rõ nét, ghi nhận và khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực, kiên trì phấn đấu và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, viên chức, học sinh, sinh viên Nhà trường.
Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Tây Bắc và Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc là những cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật trọng điểm ở khu vực miền núi phía Bắc, trong đó có nghệ thuật múa. Nằm ở khu vực miền núi có nhiều dân tộc sinh sống cùng với sự đa dạng trong văn hóa của mỗi địa phương, lãnh đạo hai Trường đều hiểu rõ vai trò, sứ mệnh của mình trong việc gìn giữ và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc thông qua công tác đào tạo và nghiên cứu, sưu tầm những nét đẹp về văn hóa, nghệ thuật.
Từ hai ngôi trường thân yêu này, lớp lớp thế hệ học trò Khoa Múa đã được chắp thêm đôi cánh để bay cao, vươn xa trên khắp mọi miền Tổ quốc. Rất nhiều thế hệ nghệ sĩ từ đây đã tỏa đi các vùng miền để giảng dạy, biểu diễn và lan tỏa nghệ thuật múa dân tộc, từ đó tô điểm, phát huy thêm bản sắc vùng miền, đồng thời góp phần tạo ra nhận diện chung của nền nghệ thuật múa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của dải đất hình chữ S Việt Nam thân yêu.
Có thể khẳng định, nền nghệ thuật múa Việt Nam ngày càng phát triển sâu rộng và có được nền móng vững chắc từ những “chiếc nôi” đào tạo chuyên nghiệp này. Từ những ngôi trường đào tạo nghệ thuật múa, nhiều thế hệ thầy cô giáo tâm huyết với nghề, nhiều thế hệ nghệ sĩ múa tài năng của đất nước đã được nuôi dưỡng và trưởng thành, đóng góp cho nền nghệ thuật múa nước nhà ngày càng phát triển và hội nhập. Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, kính chúc các thế hệ thầy cô giáo ngành múa thật nhiều sức khỏe để có thêm nhiều tâm lực, trí lực trong sự nghiệp trồng người vẻ vang, cao quý!

Phương Lan