Thực hiện chương trình công tác thường niên, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức Hội nghị – Tọa đàm về công tác giảng dạy múa nước ngoài năm 2023 tại thành phố biển xinh đẹp Quy Nhơn từ ngày 11-14 tháng 7/2023.
Toàn cảnh Hội nghị – Ảnh Phương Lan
Chương trình Khai mạc diễn ra vào sáng 11/7 với sự tham dự của ThS Nguyễn Thị Tuyết Minh – Phó Chủ tịch thường trực Hội; NSND Hà Thế Dũng – Phó Chủ tịch Hội cùng hơn 30 thầy, cô giáo giảng dạy bộ môn Múa Cổ điển châu Âu, Múa Đương đại, đặc biệt là sự góp mặt của những chuyên gia giàu kinh nghiệm giảng dạy bộ môn được mệnh danh là môn múa “bác học”, đó là các thầy, cô giáo: NGND Kim Dung, NGUT Trịnh Quốc Minh, NGUT Trịnh Út Nghiêm, NGUT Tạ Kim Thịnh…
Có thể nói, hệ thống đào tạo múa nước ngoài tại Việt Nam hiện nay đã đạt được những thành quả nhất định với hệ thống giáo trình tương đối đầy đủ phục vụ cho nhu cầu dạy và học, tạo ra nhiều thế hệ học sinh tài năng tiếp bước các thế hệ đi trước. Múa nước ngoài đã khẳng định được vị thế trên những nền tảng của nghệ thuật múa Việt Nam và cho đến nay tầm ảnh hưởng của múa nước ngoài là không thể phủ nhận, thu hút sự quan tâm lớn của giới trẻ, tác động mạnh mẽ đến các thể loại nhảy múa đương đại khác.
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển ấy, chương trình đào tạo, huấn luyện múa nước ngoài đang gặp những khó khăn vướng mắc cần phải được tháo gỡ kịp thời như việc tiếp thu nghệ thuật múa nước ngoài, định hình cho những bước đi, bước phát triển đồng nhất, phương pháp huấn luyện, chương trình đào tạo, tính khoa học theo hệ, giáo trình chung nhất quán…làm sao để Múa Nước ngoài, trong đó có múa Tính cách cần phát huy được vị thế, vai trò sao cho xứng tầm. Đó là những vấn đề chúng ta cần nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá.
Chương trình khai mạc sáng 11/7 đã làm rõ được nội hàm của mục đích huấn luyện của từng môn học, hệ đào tạo, thời gian đào tạo; Phân tích về thực trạng của từng đối tượng đào tạo theo học kỳ, năm, hay chương trình tốt nghiệp, qua việc thực hành trên lớp – phương pháp giảng dạy, các hình thức kết cấu, bài trong gióng ngoài gióng… Đặc biệt, chương trình buổi chiều ngày 11/7, Hội nghị đã cùng nhau trao đổi về giải phẫu học hình thể với hình ảnh, video minh họa sống động, thu hút sự quan tâm của toàn thể Hội nghị.
Hội nghị – Tọa đàm về công tác giảng dạy múa nước ngoài của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam lần này nhằm đánh giá, nhìn nhận một cách khách quan về những ưu – khuyết điểm trong chương trình đào tạo, huấn luyện múa nước ngoài ở nước ta hiện nay, từ đó xây dựng các chương trình đào tạo phù hợp theo giáo trình chuẩn, khoa học nhằm mục tiêu phát triển nguồn nhân lực cho ngành nghệ thuật múa Việt Nam, xây dựng mối tương quan giữa nhu cầu đào tạo và thực tiễn, phục vụ cho mục đích phát triển của nền văn hóa nghệ thuật nước nhà. Đặc biệt, thông qua Hội nghị – Tọa đàm, lãnh đạo Hội mong rằng sẽ giúp tăng sự gắn kết giữa các giảng viên giảng dạy múa nước ngoài, sự gắn kết giữa các môi trường, điều kiện đào tạo khác nhau và đưa đến sự thống nhất về chuyên môn. Bên cạnh đó, bằng các hoạt động chuyên sâu về nghề nghiệp giúp các giảng viên có thêm nhiệt huyết, vượt qua thực trạng thực tiễn khó khăn để đào tạo ra những lứa học sinh tài năng tiếp bước tên tuổi của các thế hệ thầy cô đi trước và cống hiến nhiều hơn nữa cho ngành múa nước nhà.
Dưới đây là một số hình ảnh:
PV Phương Lan