Hành trình đi tìm hơi thở của những điệu múa ở núi rừng Tây Nguyên

0
265

 Tạm biệt Hà Nội vào một ngày thu nắng ấm, tôi cùng đoàn Hội viên Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tiến vào Tây nguyên – vùng đất đại ngàn, bao la, bình yên và thơ mộng. Hành trình của chuyến thâm nhập thực tế lần này tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai, nơi có cái nắng, cái gió, có những con thác đổ ầm ầm bọt tung trắng xóa, nơi đây còn có những rừng cao su nối hàng thẳng tắp và những rừng thông bạt ngàn trải dài. Một cảnh tượng hùng vĩ cứ cuốn tôi trôi theo những vẻ đẹp đầy sự huyền bí nhưng mang đậm chất hoang sơ của một vùng đất đỏ có điểm tô những cọng cỏ lau hồng và màu vàng thẫm của những cánh hoa dã quỳ đung đưa trước gió.   

Đây có lẽ không phải lần đầu được đặt chân đến vùng đất Tây Nguyên để tìm hiểu về những điệu múa, nét văn hóa và đời sống của các tộc người gắn liền với những tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng. Hơn cả sự yêu thích, chuyến đi cứ thôi thúc và khích lệ tôi tiếp tục phải nghiên cứu, tìm hiểu kĩ hơn về hơi thở, sức sống và nguồn gốc của những điệu múa đã được lưu truyền, phổ biến trong khắp buôn làng.

Thị trấn Măng Đen, huyện Kon PLông, tỉnh Kon Tum là điểm đầu tiên đoàn dừng chân vào một chiều mưa lạnh, nhưng với sự đón tiếp nồng hậu của bà con, chỉ ít phút sau, tôi và các đồng nghiệp cũng đã hòa vào không khí của một buổi giao lưu nghệ thuật vô cùng ấm cúng. Tiếng cồng chiêng vang lên và điệu múa Xoang của đồng bào Mơ Nâm – nhánh nhỏ của dân tộc Xơ Đăng đã cuốn hút chúng tôi nối thành những vòng tròn múa cùng đồng bào làm tan đi cái giá lạnh và quên đi những tiếng mưa rơi ngoài trời. Vòng xoang cứ đông dần, đông dần, múa, múa say sưa theo tiết tấu của tiếng cồng chiêng, hai chân kiễng hạ, kiễng hạ, bước chân trái, bước chân phải kết hợp hai tay nâng lên hạ xuống rồi đưa vòng sang trái vòng sang phải rất nhịp nhàng. Sau điệu múa xoang,b à con còn múa những điệu múa mô phỏng cuộc sống lao động như hai tay cắt lúa vác lên vai, điệu múa giã gạo,v.v.. rất phóng khoáng, hồn nhiên, khỏe mạnh.Tạm biệt đồng bào Mơ Nâm trong sự luyến tiếc, hành trình nối tiếp chúng tôi lại men theo những con đường ngoằn ngoèo lên đèo, xuống dốc để đến làng Stơr, xã Tơ Tung, huyện K’Bang, Tỉnh Gia Lai để xem các điệu múa của tộc người Bahnar. Diễn viên tham gia biểu diễn là những thanh niên nam, nữ rất trẻ đã được các nghệ nhân truyền lại những điệu múa rất linh hoạt, sử dụng nhiều phần cánh tay như hai bàn tay nắm, nâng lên hạ xuống đều đặn khỏe mạnh nhưng có sức ghìm ở bên trong kết hợp với các bước chân chuyển động liên tục như chân phải bước chân trái thu về cạnh chân phải, chân trái bước chân phải thu về cạnh chân trái, động tác thường bước tiến thẳng về phía trước hoặc đi theo tuyến vòng tròn theo chiều kim đồng hồ. Tiếng cồng chiêng, tiếng trống, lúc trầm, lúc bổng, lúc to, lúc nhỏ, ngân vang, hòa quyện vào nhau tạo nên một bản nhạc âm vang sống độngcàng làm tăng thêm nét hoang sơ nhưng đầy nội lực của điệu múa khiến người xem không thể không hòa cùng theo bước chân của các diễn viên.

Song song với hoạt động tìm hiểu, nghiên cứu những điệu múa của các dân tộc Bahnar, Xơ Đăng, đoàn công tác của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam lần này còn có những hoạt động như đến dâng hương tại Đền tưởng niệm liệt sĩ Ka Nak, tham quan Nhà lưu niệm Anh hùng Núp, Bảo tàng tỉnh Gia Lai, đến thăm và làm việc với Trung Tâm Văn hóa tỉnh Kon Tum, Nhà hát ca múa nhạc tổng hợp Đam San và còn được chiêm ngưỡng rất nhiều danh lam thắng cảnh của núi rừng Tây Nguyên.

Chuyến thâm nhập thực tế tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm, nhiều cảm xúc về một vùng đất giàu nét văn hóa gắn liền với những tiếng cồng chiêng. Hành trình của chuyến đi, tôi cùng đồng nghiệp đã hiểu biết thêm về phong tục tập quán, được xem nhiều điệu múa, được nghe hát, cùng trò chuyện, giao lưu, học hỏi về các điệu múa độc đáo đậm chất hoang sơ của các dân tộc Bahnar, Xơ Đăng. Chúng tôi trực tiếp được xem nghệ nhân dệt thổ cẩm, được  cùng nắm tay nhau múa với đồng bào những điệu múa rất vui khỏe, hồn nhiên và vui hơn rất nhiều là chúng tôi được vui đùa, múa hát, chia quà với các em bé thiếu niên, nhi đồng của xã Tơ Tung, huyện K’Bang. Trong không khí vui vẻ và đầm ấm, tôi cảm nhận, tạo hóa đã ban tặng cho vùng đất Tây Nguyên một vẻ đẹp hoang sơ, hùng vĩ. Có lẽ,vẻ đẹp thiên nhiên và hơi thở của núi rừng đã kết tinh trong tâm hồn và trái tim của người dân Tây Nguyên, nên từ giọng nói, ánh mắt, lời ca, điệu múa đều toát lên sự mộc mạc, hồn nhiên, vui khỏe, hoang dã, rất đặc trưng mang đậm nét Tây Nguyên. Những điệu múa của đồng bào nhìn thì nhẹ nhàng vậy thôi, tưởng chừng đơn giản nhưng với đồng bào tộc người Xơ Đăng, tộc người Bahnar lại là vốn văn hóa vô cùng quý báu được lưu truyền từ đời này sang đời khác và thường được thể hiện trong các lễ hội của buôn làng và hoạt động giao lưu với các dân tộc, với khách du lịch trong và ngoài nước.

Hành trình đi tìm hơi thở của những điệu múa ở núi rừng Tây Nguyên, với tôi luôn là sự đam mê, tôi muốn quay lại nơi đây thật nhiều, muốn hòa mình vào nhịp sống trong từng buôn làng để khám phá nguồn gốc các điệu múa. Với hy vọng mỗi chuyến thâm nhập thực tế sẽ thấm được cái hồn của đồng bào, hiểu sâu hơn văn hóa từng dân tộc và quan trọng là được nghiên cứu kĩ hơn về những nét đặc trưng như tính chất, đặc điểm, hơi thở của các động tác để truyền lại cho các thế hệ học sinh niềm đam mê, tinh thần hồ hởi tươi vui nhưng đầy nội lực như sức sống của đồng bào Tây Nguyên.

Tạm biệt mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ với biết bao kỉ niệm và vô vàn những tấm ảnh tuyệt đẹp với đồng bào, đồng nghiệp trong suốt chuyến đi. Tôi rất vui và không thể không nói lời cám ơn tới lãnh đạo Ban Chấp hành nhiệm kì VII – Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã chỉ đạo, phối hội với hội viên tỉnh nhà tổ chức rất thành công chuyến thâm nhập thực tế cho các hội viên ở mọi miền của Tổ quốc được tham gia giao lưu, học hỏi các điệu múa của hai dân tộc Bahnar,  Xơ Đăng tại hai tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Thông qua chuyến thâm nhập thực tế tôi nhận thấy việc cộng đồng các dân tộc ở xen kẽ và có rất nhiều người Kinh cùng sinh sống nên không tránh khỏi có sự giao thoa văn hóa, nhiều nét văn hóa đặc trưng đã bị mai một, có hiện tượng lai căng cả guộn ngón tay trong một vài điệu múa của đồng bào. Vì vậy, với mong muốn trong những năm tiếp theo, Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam sẽ quan tâm và có những kế hoạch dài hơi cho hội viên được hoạt động, tham gia thâm nhập thực tế ở nhiều vùng miền khác nhau để khai thác các điệu múa của các dân tộc Việt Nam.

Để phát huy được tinh thần và trách nhiệm của mỗi hội viên trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, tôi cũng mạn phép đề xuất Ban Tổ chức cần phải đổi mới hình thức khai thác động tác nguyên gốc và phương pháp tiếp cận với nghệ nhân để chắt lọc động tác, tiếp đến có tổ chức hội thảo, có hội đồng thẩm định sau đó mới đưa vào chương trình giảng dạy trong các nhà trường đào tạo diễn viên múa. Để làm được điều đó, theo tôi cần có dự án phối hợp với các cơ sở đào tạo và có kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện mới đạt được hiệu quả. Đối với đội ngũ giảng viên dạy múa dân tộc, sau khi được tập huấn cũng cần đổi mới phương pháp giảng dạy cho học sinh để thổi được cái hồn của động tác, giữ được nét cơ bản và tính dân tộc. Đây cũng là một trong những hình thức  bảo tồn, gìn giữ vốn văn hóa dân tộc Việt Nam nói chung và nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam nói riêng. 

  Ths. NGƯT Đỗ Thị Thu Hằng