THỰC TRẠNG VỀ CÔNG TÁC ĐÀO TẠO NGHỆ THUẬT MÚA VÀ NHỮNG KIẾN NGHỊ

0
216

Thế kỉ XXI, gần hai thập niên đã trôi qua, thời gian đó không phải là dài song cũng rất đủ để chúng ta cùng nhau nhìn lại một chặng đường phát triển của nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.

Thế kỉ XXI với những cụm từ: “toàn cầu hóa”, “thế giới hội nhập” như một tiếng chuông thức tỉnh nhân loại, nó mang tầm vóc của những vấn đề phát triển lớn và như là một yếu tố tất yếu trong quá trình phát triển của lịch sử. Và hôm nay, tinh thần của những cụm từ đó không còn xa lạ với chúng ta nữa, bởi trên thực tế, bằng nhiều phương thức khác nhau trong mọi lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, chúng ta đã, đang, và sẽ từng bước “toàn cầu hóa”, từng bước hội nhập với thế giới. Trong đó có nghệ thuật múa Việt Nam. Có thể khẳng định điều đó như một quy luật hợp thời.

Mở đầu bằng những suy nghĩ trên, hội thảo cho phép tôi được trình bày một số nhận định chủ quan của mình trong cách đánh giá thực trạng công tác đào tạo nghệ thuật múa Việt Nam thế kỉ XXI. (Tôi nói là những nhận định chủ quan, bời chưa dám khẳng định là đúng, rất mong đưa những vấn đề này ra để được cùng nhau tranh luận trái chiều tại hội thảo, hi vọng điều đó sẽ giúp tôi hiểu chính xác hơn về thực tế).

Thế kỉ XXI thức tỉnh và đòi hỏi chúng ta phải đổi mới. Thế giới muôn màu và sự sáng tạo là vô tận, nên nhạy bén và năng động là những đòi hỏi cấp thiết để kịp thời nắm bắt hơi thở và nhịp sống thời đại. Thiết nghĩ, đánh giá đúng thực tại vô cùng quan trọng, nó sẽ là yếu tố chính, là điều kiện tiên quyết để sáng suốt định hướng cho tương lai.

Cuộc đời gắn liền với nghề múa, với nghiệp giảng dạy, có nhiều thành công, thăng trầm, trăn trở,…Và nay, trước một thực tế thay đổi không hề lường trước, tôi cũng mạnh dạn trình bày một số suy nghĩ muốn từng bước đổi mới cách nghĩ, cách dạy, và cách học. Hãy nhạy bén, mạnh dạn thay đổi một số vấn đề trong chương trình giảng dạy mấy chục năm qua để phù hợp với thực tiễn đang diễn ra hôm nay.

Trước hết, không thể phủ nhận những thành quả đáng tự hào mà ngành đào tạo đã đạt được trong nhiều thập niên qua. Ai ai cũng biết: lực lượng hùng hậu của nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay: từ các nhà biên đạo, các thầy cô giáo và lực lượng diễn viên trên toàn quốc, ai không trải qua nhiều năm tháng, nhiều cấp học trong các nhà trường?

Điều đáng ghi nhận: năm 2001, năm đầu tiên của thế kỉ XXI đã đánh dấu một mốc son trong lịch sử ngành ta, đó là liên hoan kịch múa lần đầu tiên được tổ chức trên sân khấu nhà hát lớn Hà Nội và đã thành công rực rỡ. Đây chính là minh chứng sắc nét cho thành tựu của sự nghiệp đào tạo, tuyên dương một lực lượng hùng hậu của ngành múa. Thật đáng tự hào!

Tiếp đến, hàng năm, lực lượng biên đạo, giáo viên, diễn viên tốt nghiệp ra trường nối tiếp nhau theo dòng chảy của quy luật. Các hội diễn toàn quốc, toàn quân, thi tài năng trẻ diễn viên, biên đạo, các dân tộc thiểu số v.v… liên tục diễn ra, khiến bức tranh nghệ thuật múa của chúng ta càng trở nên phong phú, muôn sắc màu và không ngừng chuyển động…

Thời gian cứ trôi, bánh xe lịch sử vẫn không ngừng quay. Thế kỉ XXI đã mở ra nhiều biến động lớn trong đời sống xã hội, nó tác động trực tiếp đến cuộc sống mỗi con người chúng ta, nó đòi hỏi mọi hoạt động phải phù hợp và xứng tầm với nó.

Xuất phát từ tinh thần đó, tôi mạnh dạn nêu ra một thực trạng đang hiện hữu, mà sự hiện hữu đó như một hiện tượng xã hội, tác động mạnh mẽ tới danh dự, thể diện của ngành múa chúng ta, trong đó ngành đào tạo có một trách nhiệm rất lớn.

“Không thầy đố mày làm nên”. Đào tạo không chỉ là cái nôi ươm mầm, một môi trường màu mỡ để nuôi dưỡng đam mê, một khởi đầu cho mọi thành công, là hành trang cung cấp nhựa sống cho mọi sự nghiệp. Hiểu được vai trò lớn lao, gian khổ và vinh quang đó, sự nghiệp đào tạo tất phải mang một tâm thế mới. Hôm nay chúng ta hãy cùng nhau tranh luận, hỏi và đáp một số câu hỏi của thực tiễn: Phải chăng chương trình đào tạo ngày nay đã lỗi thời?

Mặc dù kể từ khi thành lập trường đến nay (trường Cao đẳng Múa Việt Nam, vì các trường nghệ thuật trên toàn quốc đều giảng dạy theo giáo trình của trường lớn quốc gia), chương trình giảng dạy được phát huy tối đa những mặt tích cực và nhiều lần được cải biên, bổ sung thêm và làm mới, chương trình được làm bằng băng hình, v.v… nhưng vẫn đều là dựa trên chương trình cũ. Cách làm đó không sai, từng bước thay đổi nhưng thay đổi của nó phải nói là chưa nhảy vọt xứng đáng với những biến động khôn lường của xã hội hôm nay.

Chức năng của các nhà trường học là chính, học đi đôi với hành – điều đó muôn thuở đúng. Nhưng một thực tế diễn ra: sau khi học sinh đi “hành” về, gần như giáo viên phải mài lại từ đầu bởi tinh thần học sinh thì phân tán, bị rơi rụng đáng kể những gì mà thầy vẫn thường dạy. Thủ phạm của lối “hành” này chính là các lễ hội, các chương trình nghệ thuật lớn mang cấp nhà nước, v.v…, nơi mà chúng ta không thể phân biệt chất lượng nghệ thuật giữa học sinh chuyên nghiệp với lực lượng quần chúng.
Trong những chương trình ca nhạc (lớn hay nhỏ), múa bao giờ cũng khiêm tốn chuyển động phía sau hoặc chạy quanh sân khấu. Thiết nghĩ: có cần không? Thời gian khổ luyện 4 đến 6 năm trời?

Hàng năm các kì thi tốt nghiệp bao giờ cũng được đánh giá là tốt, hoàn thành giáo trình, giáo án. Mặc dù theo tôi biết, có những khóa học sinh đi diễn chiếm ½ thời gian học. Qua xét giải chương trình tốt nghiệp hàng năm (không phải tất cả), song chất lượng đào tạo có phần giảm sút rõ rệt.

Chương trình đào tạo biên đạo trong các trường đại học có bộ môn nghệ thuật biên đạo múa Dân gian Dân tộc.Nhưng ngay các bài thi học kì, thi tốt nghiệp, và sau khi ra trường, sân khấu múa Việt Nam vẫn vắng bóng và khan hiếm tác phẩm Dân gian Dân tộc.Ngôn ngữ này chỉ còn phảng phất, lấp ló đâu đó giữa muôn vàn luật động múa hiện đại để được gọi là một tác phẩm Dân gian Dân tộc đương đại.

Định hướng của Đảng và Nhà nước ta về đường lối phát triển văn hóa nghệ thuật là: hội nhập nhưng đề cao bản sắc văn hóa riêng biệt. Nhưng thực tế hiện nay như vô tình đưa kho tàng múa Dân gian Dân tộc giàu có của chúng ta bị nhạt nhòa và dần đi vào quên lãng.

Đào tạo huấn luyện (mà ta còn gọi là đào tạo máy cái) theo tôi đã đến lúc cần chấm dứt đào tạo hệ tại chức, mà ngày nay gọi là hệ vừa học vừa làm. Bởi mục tiêu của khối nhà giáo này (phần lớn còn trẻ) là bằng cấp để chuyển đổi vị trí công tác, lên lương… nên kiến thức thực chất vô cùng kém. Một số giáo viên tốt nghiệp hệ này về giảng dạy tại các trường nghệ thuật chuyên nghiệp: điều này rất bất cập và hệ quả thật khôn lường.

Những chương trình nhảy múa bản quyền của nước ngoài như “Thử thách cùng bước nhảy”, “Bước nhảy ngàn cân”, “Hoàn vũ”, nhảy múa trong các chương trình thi ca nhạc lớn, v.v… đã xâm nhập rộng rãi, nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường nhảy múa và thu hút lực lượng khán giả rất lớn. Nhiều người háo hức chờ đến chương trình này để xem. Phải công nhận khách quan và công tâm: Những chương trình này rất hay, hay một cách toàn diện: từ tác phẩm, âm nhạc, trang phục, bài trí sân khấu, đến diễn viên đều được đầu tư một cách trọn vẹn và thực chất. Tại đây: nghệ thuật múa Việt Nam của các nhà hát quốc gia, các đoàn văn công do các nhà nước quản lí như bị “dìm hàng” (nói theo ngôn ngữ hiện nay) từ vai trò đến ngôn ngữ. Không có tiếng nói của các nhà trường trong các hoạt động này.Nhiều học sinh tốt nghiệp chính qui tham gia (không phải tất cả) bị loại sớm bởi không bắt nhịp kịp với những xu hướng mới. Thật đáng nể phục có những em không học trường lớp nào mà biểu diễn múa khiến múa chuyên nghiệp phải trầm trồ, thán phục, có những em học hành chểnh mảng nhưng khi tham gia vào những chương trình đó, các em tỏa sáng…

Thế kỉ XXI với một hiện tượng nổi bật và đáng trân trọng: đó là các chương trình nghệ thuật lớn, nhỏ của vũ đoàn Arabesque do nghệ sĩ Tấn Lộc thành lập. Một hiện tượng về chất lượng nghệ thuật cao đích thực, nghệ thuật múa của họ chinh phục đông đảo khán giả bởi tài năng và nhiệt huyết, tính chuyên nghiệp và tính kỉ luật cao của một tập thể lãnh đạo và diễn viên nhà hát.Không có vé mời.Giá vé cao mà nhà hát hết chỗ.Đây là một hiện tương hiếm về sự hội nhập hôm nay.

Những vấn đề, hiện tượng đặt ra ở trên là thực trạng đang diễn ra hàng ngày của sân khấu múa hiện nay. Không biết khi xem những chương trình và quan sát, thưởng thức những hiện tượng đó thì các nhà lãnh đạo, các nhà biên đạo của các đoàn nghệ thuật, các thầy cô và ban giám hiệu ở các trường đào tạo nghệ thuật chuyên nghiệp có nghĩ gì đến việc điều chỉnh chương trình biểu diễn và cải tiến, cải biên giáo trình, chương trình giảng dạy để năng cao chất lượng đào tạo, chất lượng biểu diễn phục vụ cho sát với thực tế hay không? Tôi rất ngại thái độ thờ ơ cho rằng: “Đấy không phải là việc của mình.” Xin hãy: đào tạo và biểu diễn phục vụ những gì xã hội cần, chứ không phải chỉ cái mà mình có; hoặc không thể bắt quần chúng xem cái mình có mà không cần biết cái gì họ cần…

Để khắc phục thực trạng trên, tôi mạnh dạn đưa ra một số kiến nghị như sau:

Thứ nhất: cần rà soát lại và cải biên chương trình, giáo trình giảng dạy của các trường cho phù hợp với tình hình thực tế.

Thứ hai: về việc đào tạo để có chất lượng tốt thì đầu vào ở các trường phải chặt chẽ, không tuyển sinh một cách tràn lan. Từ đây, đầu ra để vào các đoàn nghệ thuật mới được tốt hơn. (Tôi được biết hàng năm, ngoài chỉ tiêu ở trên rót xuống, thì còn không ít trường có công văn xin thêm một số chỉ tiêu khác).

Thứ ba: nhà trường không phải là đơn vị biểu diễn, nên Bộ cần nghiên cứu để giảm thiểu gánh nặng biểu diễn cho các trường.

Thứ tư: để việc học được tốt hơn, thì “hành” phải đúng với những gì được học, nên cần phải có tiết mục thực hành cho cả những lớp nhỏ, lớp nhỡ, chứ không riêng gì lớp lớn. Làm sao dành thời gian cho học sinh học tập nhiều hơn, tránh tính trạng lo học thì ít, lo diễn thì nhiều, ngoài việc lo chương trình diễn của trường, học sinh lại lo việc chạy “sô” bên ngoài nữa.

Thứ năm: cần có chính sách ưu đãi những tác giả có tác phẩm về đề tài Dân gian Dân tộc truyền thống. Do vậy, cần thường xuyên tổ chức các đợt thi sáng tác múa về đề tài này.

Thứ sáu: để nâng cao chất lượng các cuộc thi tài năng biểu diễn, tài năng sáng tác, cần phải có quy chế chặt chẽ hơn, cụ thể hơn về chủ đề thi, các vòng thi, thể loại thi, hình thức thi, v.v… chứ không phải ai muốn thi cũng được, thi cái gì cũng được. Và cứ đến thi là có giải, hoặc người được giải, tác phẩm được giải nhiều hơn cả những người và tác phẩm không được, (muốn vậy, kinh phí cho giải thưởng cần xứng đáng hơn).

Thứ bảy: cần xem lại, và nếu có thể, thì quy hoạch lại các trường văn hóa nghệ thuật trong cả nước. Ví dụ: chỉ riêng Hà Nội đã có 4 trường đào tạo múa chuyên nghiệp: Đại học Sân khấu Điện Ảnh, trường Cao đẳng Múa Việt Nam, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, và trường Cao đẳng Múa Hà Nội. Đấy là chưa tính đến số lượng các nhóm tư nhân phát triển ngày càng nhiều.

Thứ tám: đề nghị Bộ Văn Hóa Thể thao & Du lịch, Bộ Giáo dục & Đào tạo cần có các chuyên gia tay nghề cao để phụ trách các cơ sở đào tạo và các đoàn nghệ thuật, có vậy, khi thẩm định giáo trình, chương trình thì mới có chính kiến tốt được.

Cuộc sống luôn vận động về phía trước để đón nhận và sàng lọc những cái mới, cái tốt đẹp và bỏ lại phía sau những cái gì lạc hậu, cũ kĩ…

Trong nghệ thuật cũng vậy, những vũ đoàn như Arabesque của Tấn Lộc, cơ sở đào tạo của John Huy Trần, những chương trình “Thử thách cùng bước nhảy”, “Bước nhảy ngàn cân”, “Tài năng Việt nhí”,… cũng vậy. Để tồn tại và phát triển, chúng luôn phải dựa vào nhu cầu đòi hỏi của quần chúng mà tìm tòi những cái mới, phù hợp để nghiên cứu và cải biên về nội dung và hình thức, cũng như thẩm mĩ để đáp ứng hơi thở, nhịp đập và tiết tấu của cuộc sống hôm nay. Đó cũng chính là quy luật: Quy nạp và đào thải của nền văn hóa văn nghệ nói chung, và của nền nghệ thuật múa nói riêng.

Tôi hi vọng rằng những đề xuất và kiến nghị ở trên sẽ phần nào cải thiện được những gì chúng ta đang suy nghĩ, trăn trở, là làm sao cho nghệ thuật múa phải chiếm lĩnh vị trí độc tôn trong nền nghệ thuật nước nhà.

NGƯT. Trịnh Út Nghiêm