“Sesan” – vở múa để lại nhiều ấn tượng trên đất Tây Nguyên

0
37

Tối 13-10, tại nhà Rông Kon Klor, thành phố Kon Tum, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phối hợp cùng UBND tỉnh Kon Tum tổ chức Lễ khai mạc Tuần lễ Múa Việt Nam 2024 – Vietnam Dance Week 2024 với chủ đề “Dòng sông ánh sáng”. Tại Lễ khai mạc, Ban Tổ chức đã công diễn vở múa đương đại “Sesan”, được các nghệ sĩ múa hàng đầu của Việt Nam hiện nay thể hiện, đã đem tới một đêm nghệ thuật hấp dẫn, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của bà con dân tộc.

Màn mở đầu – Mạch nguồn

Sesan xuất phát từ ý tưởng các nghệ sĩ múa muốn tôn vinh nét đẹp mạnh mẽ, nguyên sơ của văn hóa Tây Nguyên, khắc họa rõ nét sự giao thoa văn hóa, cũng như gắn kết cộng đồng của hơn 40 dân tộc bản địa sinh sống bao đời nay theo dòng sông Sesan. Nét đẹp của nền văn minh nơi đây tạo ra không gian văn hóa đa dạng, độc đáo, giàu bản sắc, nơi lưu giữ những mạch nguồn, trầm tích văn hóa, nghệ thuật vừa bí ẩn vừa dạt dào năng lượng, sức sống mãnh liệt hội nhập tinh hoa văn hóa thế giới.

Tác phẩm múa được kết cấu gồm 5 cảnh, từ cảnh đầu Mạch nguồn, giới thiệu thủa sơ khai của nền văn minh nơi đây, dần định hình, tạo dựng bản sắc riêng theo dòng thời gian. Mở màn trên sân khấu hiện lên một mặt trăng lớn đặt bên trên nền nhà Rông KonKlor. Biên đạo dùng thủ pháp múa bóng để mô tả một chàng trai từ lúc còn nhỏ dần lớn lên, trở thành một tráng sĩ. Xuất hiện một cô gái, sóng vai bên tráng sĩ ở rừng già. Họ kết đôi, sinh sôi và có các cộng đồng buôn làng với những dân tộc bản địa sinh sống lâu đời nhất ở Kon Tum: Xơ Đăng, Ba Na, Giẻ Triêng, Gia Rai, B’râu, Rơ Măm. Hình ảnh những chàng trai, cô gái đầy sức sống vươn lên từ những hình khắc trên hang đá. Những màn múa diễn tả cuộc sống của đồng bào Tây Nguyên thời kỳ đồ đá, săn bắt và hái lượm, ăn ở trong hang đá. Rồi con người tìm thấy lửa qua mô tả của màn Lửa thiêng. Màn diễn chủ yếu với múa đuốc lửa. Từ một ánh lửa nhỏ được tìm thấy, các bộ tộc truyền ngọn lửa đó cho nhau, gắn kết cộng đồng các dân tộc sinh sống trên mảnh đất Kon Tum. Âm nhạc vang vọng của những nhạc cụ đàn đá, chiêng, trống khiến người xem rưng rưng khi hòa trong không gian mở của Tây Nguyên, dưới ánh trăng thiên nhiên, hồn cốt Tây Nguyên như sống dậy trong tâm trí mỗi khán giả nơi đây.

Cũng trên chất liệu múa và âm nhạc đó, Yaly – câu chuyện tình yêu được Già làng kể Khan – Sử thi truyền lại cho thế hệ mai sau – từ trên tầng cao của nhà Rông… kết hợp với già làng dẫn đoàn cồng chiêng tế thần Mặt trời, ban sự sống cho con người và muôn loài. Dàn nhạc cồng chiêng và hát kể Sử thi mộc đã rất ăn nhịp với dàn nhạc điện tử để cùng mô tả về tình yêu huyền thoại của núi rừng Tây Nguyên.

Khúc biến tấu Lời ru của rừng (biên đạo múa: NSND Phạm Anh Phương – kết hợp âm nhạc của nhạc sĩ Quốc Trung) từng được sáng tác và biểu diễn từ cách đây tròn 30 năm lại vang lên và tiếp tục được sáng tạo thêm trong bối cảnh hiện nay. Nhạc múa tác phẩm Lời ru của rừng sống động, khiến rất nhiều nghệ sĩ đang ngồi xem bỗng như sống lại năm tháng tuổi trẻ cống hiến của mình. Họ tương tác, cùng múa nhảy theo nhịp điệu của dàn nhạc, của đội múa… Mọi người đều bừng bừng khí thế theo nhịp thời gian: 4 mùa thay lá của rừng, mỗi mùa nhuộm lên các bức phù điêu một sắc thái của thời gian. Lời ru của rừng được truyền từ nhà Rông- từ trung tâm văn hóa của buôn làng để tiếp tục lan tỏa, sống mãi theo trao truyền giữa các thế hệ.

Múa đón nước về

Cuối cùng là hòa âm để tất cả nghệ sĩ và người xem hòa trong sắc màu văn hóa của màn cuối, màn Theo ánh Mặt trời. Ý nghĩa của điệu múa lôi cuốn người xem vào âm sắc cuốn hút của dàn  nhạc hòa quyện tựa như không thể tách rời giữa những gì nguyên thủy nhất với những tinh hoa của âm nhạc hiện đại. Đồng thời nó cũng thể hiện khát khao vươn lên của cộng đồng các dân tộc cùng chung sống dưới mái nhà Rông bên dòng sông Sesan, sự hòa hợp với thiên nhiên núi rừng ngàn đời ru giấc mơ mãnh liệt, rực cháy của đất và người nơi đây. Dàn cồng chiêng và đàn đá  âm vang trong không gian, ngay cả khi ánh mặt trời xuống núi. Nhưng một mặt trời khác vẫn rực rỡ và cháy đỏ trong trái tim và huyết quản của mỗi con người khi đứng trên mảnh đất Tây Nguyên hùng vĩ và thi vị.

“Đêm diễn thật tuyệt vời, chưa bao giờ đồng bào Tây Nguyên được thưởng thức một tác phẩm như vậy. Dù tác phẩm đã hết nhưng thanh âm cứ ngân mãi trong tôi… Điệu múa rất giàu tính văn hóa của chúng tôi, rất đúng với bản chất và tâm hồn người Tây Nguyên. Cảm ơn các nghệ sĩ!”, bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum phát biểu sau khi đêm diễn kết thúc.

Múa bóng

NSND Phạm Anh Phương bồn chồn, bật lên từ chỗ ngồi để đến với các nghệ sĩ, cảm ơn các em đã cống hiến một tác phẩm rất giàu tính nghệ thuật. Ông cho biết, khúc biến tấu của ông được dùng rất sáng tạo. Múa nguyên khúc biến tấu thôi đã rất mệt mà các nghệ sĩ còn tận lực qua cả một tác phẩm dài, quả là sự thăng hoa, bốc lửa của nghệ sĩ đã tự tạo thành động lực để các em trẻ theo kịp với tốc độ của cả tập thể.

Thành công của đêm diễn là kết quả của sự sáng tạo từ nhà biên đạo, viết kịch bản Nguyễn Tuyết Minh cùng ê-kip: nhạc sĩ Chinh Ba, Yama Lou Apoukashi (Nhật Bản), Tillman Per Martin Oscar (Thụy Điển) và các nghệ sĩ múa gạo cội của làng múa Việt Nam: NSƯT Cao Chí Thành, NSƯT Như Quỳnh, nghệ sĩ đương đại Mạnh Hùng, Văn Hiệp, Thúy Hiền, Mai Len, Vũ Huệ, Quang Anh, Quàng Việt, Quang Bách, Mỹ Linh, Ngọc Ngân, Hoàng Yến, Đăng Minh cùng sự xuất hiện của các nghệ sĩ múa Solist bản địa như Kiều Diễm, Đa Ly, Y Nhi, Phương Dung và các nghệ nhân cồng chiêng Kon Tum. Tin rằng, ấn tượng về một vở múa thăng hoa tại núi rừng Tây Nguyên đang mùa rất đẹp, trời trong veo, ánh trăng sáng tỏ… sẽ mãi theo mỗi người hữu duyên có mặt tại đêm diễn.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây