“Nâng cao vị thế, vai trò của nghệ thuật múa Việt Nam vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc”

0
397
tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” do Biên đạo Ths. Nguyễn Thị Tuyết Minh

Phương Lan

Với tinh thần nhân văn cao cả và nhãn quan chính trị sắc bén, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi vấn đề đại đoàn kết toàn dân tộc là nội dung mang tính chiến lược trong lãnh đạo cách mạng và điều hành đất nước. Bài học về đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng mang tính thời sự, có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình mạnh mẽ để đón nhận thời cơ, vận hội cùng những thách thức không nhỏ của quá trình hội nhập ngày một sâu, rộng.
Trong khuôn khổ một bài tham luận, người viết xin bày tỏ một vài suy nghĩ về vấn đề “Nâng cao vị thế, vai trò của nghệ thuật múa Việt Nam vì sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc” từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm tìm ra các giải pháp để nghệ thuật múa nói riêng và các ngành thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật nói chung có những điều kiện thuận lợi để phát triển và đóng góp thiết thực cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn học nghệ thuật thời kỳ mới.
Vị thế nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam
Lật lại những trang sử vàng của dân tộc, từ chiến thắng lẫy lừng của trận Bạch Đằng, Như Nguyệt, Chi Lăng –Xương Giang; Rạch Gầm – Xoài Mút, Ngọc Hồi – Đống Đa, tới những chiến công vang dội mà mặt trận Việt Minh hiệu triệu toàn dân trong cách mạng tháng Tám, hay các dấu ấn tự hào trong chiến dịch Biên Giới, chiến dịch Điện Biên Phủ, trận chiến Thành cổ Quảng Trị, chiến dịch Mùa Xuân 1975… đã cho chúng ta một bài học vô giá về ngọn cờ đại đoàn kết toàn dân tộc. Có thể thấy, dải đất hình chữ S nhỏ bé đã phải oằn mình gánh chịu quá nhiều trận chiến đau thương để bảo vệ toàn vẹn giang sơn lãnh thổ. Hơn ai hết, chúng ta hiểu rõ giá trị của hòa bình và đại đoàn kết dân tộc có ý nghĩa to lớn tới nhường nào. Thông điệp về sức mạnh của tinh thần đoàn kết được Chủ tịch Hồ Chí Minh xúc động phát biểu tại Đại hội Đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ II năm 1961 “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công” đã trở thành chân lý sáng chói soi đường, chỉ lối cho cách mạng Việt Nam và mọi người dân đất Việt.
Lịch sử cũng đã ghi nhận, trong nhiều thập niên, nền nghệ thuật múa cách mạng Việt Nam đã ghi nhiều dấu mốc phát triển và khẳng định vai trò không thể thiếu trong đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp xã hội, cũng như trong công tác đại đoàn kết toàn dân tộc. Chúng ta từng bắt gặp trong những thước phim lịch sử, hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh – vị cha già của dân tộc, sau những bộn bề vì việc nước, việc dân đã hòa mình cùng cán bộ, chiến sĩ trong những những điệu múa dân tộc vui tươi, rộn rã nhằm động viên tinh thần các chiến sĩ cách mạng, cùng nhau đoàn kết vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chắc hẳn chúng ta không quên, sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, một thế hệ nghệ sĩ múa tài năng đã tự nguyện tham gia phục vụ sự nghiệp cách mạng với tinh thần nghệ sĩ–chiến sĩ, vừa biểu diễn, vừa cầm súng chiến đấu. Những kịch múa ghi dấu ấn như: Bả Khó, Bà má Miền Nam, Ngọn đuốc Lê Văn Tám, Giai điệu niềm tin, Cánh chim và ánh sáng mặt trời, Katu, kịch múa Tấm Cám, kịch múa Xô Viết Nghệ Tĩnh, Người mẹ cầm súng Gặp gỡ trên mâm pháo, Tay chài vai súng, Vợ chồng dân quân, Lựu đạn gỗ…cùng những gương mặt thế hệ nghệ sỹ múa tiên phong của đất nước đã tạo nên niềm tự hào với những dấu son tuyệt đẹp trong quá trình phát triển nghệ thuật múa chuyên nghiệp nước nhà. Những tác phẩm múa của thời hoa lửa đã góp phần to lớn trong công cuộc đại đoàn kết dân tộc ở thời chiến, giúp cổ vũ tinh thần đồng bào và chiến sĩ anh dũng vượt qua những gian khó, khốc liệt của chiến tranh, nhân lên ý chí và sức mạnh để làm nên những chiến thắng lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Kế thừa và tiếp nối những trang sử hào hùng mà thế hệ nghệ sĩ múa cha ông đã để lại, thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX), được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy cấp trên và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã có sự phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ban, ngành và các hội chuyên ngành trực thuộc Liên hiệp, tham gia chủ động, tích cực vào các hoạt động, sự kiện do Bộ Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tổ chức, nhằm đưa múa đến gần hơn với quần chúng nhân dân và giúp gắn kết cộng đồng.


Bằng trải nghiệm thực tiễn trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc trước đây và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hiện nay, các nghệ sĩ múa đã sáng tạo nên một kho tàng vô giá các tác phẩm múa có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống xã hội, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước, có thể kể đến như: Kịch múa Đất nước, Khúc biến tấu từ pho tượng cổ, Mệnh trời tình đất, Thơ múa Con đường từ trái tim, Trăng treo (NSND Ứng Duy Thịnh); Nguồn Sáng (NSND Phạm Anh Phương – Hồng Phong);  Ngọc trai đỏ (NSND Việt Cường – Kim Quy);Ngọn lửa Hà Thành (NSND Công Nhạc); Khoảnh khắc bất tử (NSND Anh Phương, Hồng Phong, Tuyết Minh); Mặt trời trong tim (NSND Tô Nguyệt Nga); Hương Quê, mùa xuân trên bản H’Mông (NSND Chu Thúy Quỳnh); Bến lụy, Lời ru của rừng (NSND Phạm Anh Phương); Nguyệt cô hóa cáo (NSND Văn Quang); Mẹ mặt trời (NSND Xuân Thanh); Ballet Kiều (Tuyết Minh, Phúc Hùng); Tổ khúc Múa “Ánh sáng tâm hồn” (biên đạo Tuyết Minh)…Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Những tinh hoa văn hóa của một dân tộc đều là tài sản chung của nhân loại và ngược lại, những đỉnh cao văn hóa loài người là những của báu không dành cho riêng ai. Sự hiểu biết lẫn nhau, sự học tập và tôn trọng nhau xưa nay đều thể hiện sâu sắc qua văn hóa, nơi tập trung những biểu hiện rực rỡ nhất của tâm huyết và sức sáng tạo của con người”. Thấm nhuần lời dạy đó của Bác, các nghệ sĩ múa Việt Nam luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm của bản thân, ý thức rõ về vị trí, vai trò của mình trên hành trình lan tỏa những giá trị tinh hoa của nghệ thuật múa vào đời sống và góp phần xây dựng hệ giá trị cộng đồng xã hội. Dưới sự lãnh đạo của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, mỗi kế hoạch, chương trình hành động của ngành múa đều luôn gắn với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, gắn chặt với Nghị quyết số 23-NQ/TW, đặc biệt là công tác đại đoàn kết dân tộc. Gần đây nhất có thể thấy, ngay khi đại dịch Covid-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, lãnh đạo Hội đã phát động “Cuộc vận động sáng tác chủ đề phòng, chống dịch Covid-19” nhằm cổ vũ động viên toàn dân chung sức, đồng lòng trong giai đoạn khó khăn, cũng như tri ân lực lượng tuyến đầu chống dịch và tuyên truyền toàn dân chấp hành nghiêm túc các quy định về phòng chống dịch bệnh của Chính phủ. Rất nhiều kịch múa, tổ khúc múa, thơ múa…đã được gửi về BTC, trong số đó, tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn” do Biên đạo Ths. Nguyễn Thị Tuyết Minh là tổng đạo diễn đã được dàn dựng và công chiếu trên phương tiện đại chúng. Dự án nghệ thuật này được Hội NSMVN bảo trợ về mặt tinh thần và quy tụ hơn 150 biên đạo, nghệ sĩ múa cả nước tham gia dàn dựng, ghi hình với chất lượng nghệ thuật tốt, có giá trị và sức lan toả trong đời sống xã hội. Quả thật, tinh thần đoàn kết dân tộc và tình yêu nghệ thuật múa là chất keo gắn kết các nghệ sĩ múa ở khắp mọi miền đất nước và lan tỏa tình yêu ấy đến với mọi ngõ xóm, thôn bản, vực dậy tinh thần của mọi tầng lớp nhân dân trong lúc khó khăn, hoạn nạn.
Nghệ thuật múa Việt Nam trong các giai tầng xã hội
Dải đất hình chữ S Việt Nam của chúng ta tự hào với 54 dân tộc mang trong mình sự đa dạng về văn hóa, mỗi dân tộc có những điệu múa mang những nét đặc trưng, bản sắc riêng, gắn với tâm hồn, tính cách của con người trên mảnh đất ấy. Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy các điệu múa truyền thống của các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số luôn được lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam coi trọng, dành nhiều tâm huyết và khẳng định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác Hội. Hàng năm, Hội đều tổ chức nhiều đợt điền dã, thâm nhập thực tế để tìm kiếm, khai thác chất liệu múa mới. Từ đó, chất liệu múa trở thành đối tượng nghiên cứu trong tất cả các hoạt động chuyên môn của Hội, từ công tác lý luận, đào tạo cho tới sáng tác, huấn luyện và biểu diễn. Điều tuyệt vời nhất là chất liệu múa của các đồng bào dân tộc khi được các nghệ sĩ múa chuyên nghiệp khai khác, phát huy vẻ đẹp của nó và đưa vào cộng đồng thì được cộng đồng vô cùng yêu mến, đón nhận. Mỗi tác phẩm múa được ra đời đều phải tính toán đến yếu tố vùng miền và các biên đạo luôn tâm niệm, khi tác phẩm múa của đồng bào dân tộc được thể hiện trên sân khấu, đó cũng là lúc tiếng nói của họ được vang lên trên mọi miền Tổ quốc. Nghệ thuật múa đã làm tốt chức năng gắn kết cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng các dân tộc thiểu số.
Để có thể vươn tới mọi miền của Tổ quốc, không thể không kể đến các “cánh tay nối dài” của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam là 32 chi hội múa với 32 “thủ lĩnh” là các chi hội trưởng ở nhiều tỉnh thành, cùng các nhà hát, các đoàn nghệ thuật, cơ sở giáo dục đào tạo nghệ thuật múa ở khắp nơi trên cả nước. Thông qua những đơn vị, cá nhân này, lãnh đạo Hội xây dựng được kế hoạch phát triển nghệ thuật múa phù hợp với từng vùng miền nhằm đạt hiệu quả cao nhất trong sự gắn kết cộng đồng. Sự sâu sát trong chỉ đạo, định hướng và phối hợp của Hội với các đơn vị đã tạo nên sự đồng thuận tích cực của các hội viên và người dân yêu mến nghệ thuật múa trên cả nước. Từ đây giúp Nghị quyết của Đảng và các chương trình hoạt động của Hội thực sự đi vào cuộc sống, tạo được sự chuyển biến rõ nét về cách thức đón nhận và thưởng thức nghệ thuật. Giai cấp công nhân, nông dân, tầng lớp trí thức, thanh niên, phụ nữ, cựu chiến binh, người cao tuổi, các nhà doanh nghiệp, các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài – họ là đối tượng của sáng tạo nghệ thuật, song cũng là chủ thể thưởng thức, đánh giá nghệ thuật, để từ đó nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân trong bảo tồn và phát huy tinh hoa nghệ thuật múa của đất nước.
Nghệ thuật múa là một bộ phận quan trọng của văn hóa nghệ thuật. Múa đã xuất hiện ngày càng nhiều và trở thành “chất keo” gắn kết các giai tầng xã hội cả trong và ngoài nước. Không khó để bắt gặp múa trong những cuộc thi, liên hoan, hội diễn của công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức. Các biên đạo, diễn viên múa đã dần trở thành những người bạn “quen mặt” trong các nhà máy, xí nghiệp, các làng quê và cả các doanh nghiệp lớn nhỏ trên cả nước. Múa đã trở thành nhân tố không thể thiếu trong các sân chơi văn hóa, giải trí của lực lượng này, khiến họ thêm tự tin trong công việc và đời sống tinh thần của họ được nâng lên một tầm cao mới, bắt kịp với xu thế của toàn cầu.
Cũng chẳng khó để thấy múa dần trở nên thân thuộc với thế hệ cựu chiến binh và người cao tuổi. Hình ảnh đáng yêu của những chiến sĩ múa, nghệ sĩ múa đã về hưu mỗi buổi chiều hào hứng tập múa cho bà con tại công viên hay ven hồ đã được không ít các phóng viên, nhà báo ghi lại. Đối với múa, chẳng có độ tuổi nào được xem là quá già. Các CLB múa hội cựu chiến binh, CLB múa hội người cao tuổi…dần trở thành “điểm hẹn văn hóa” không thể thiếu của các cô, các bác khi đã ở độ tuổi xế chiều.
Chúng ta cũng không còn quá ngạc nhiên khi thấy múa xuất hiện thường xuyên và đóng vai trò quan trọng trong các tổ chức tôn giáo tại Việt Nam. Từ múa chạy đàn, lục cúng, dâng hương, dâng hoa của Phật giáo, tới múa chắc, múa trống của Công giáo, hay múa Siva của Bà La Môn giáo… đã góp phần tạo nên màu sắc văn hóa đa dạng, xóa nhòa đi khoảng cách giữa các tôn giáo với người dân, giúp gắn kết con người trong phương châm sống “tốt đời đẹp đạo”, phù hợp với sự tiến bộ của xã hội.
Rồi mỗi dịp Tết đến, xuân về, qua màn hình vô tuyến, chúng ta lại bắt gặp hình ảnh đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài bồi hồi xúc động khi được xem biểu diễn múa dân tộc trong chương trình “Xuân quê hương”. Ánh mắt rưng rưng khi thấy các diễn viên múa trong tà áo dài, nón lá, rồi áo the, khăn xếp, nón thúng quai thao thấm đẫm hồn dân tộc. Xa quê mới thấy những điều tưởng như giản đơn lại trở nên thiêng liêng, lớn lao đến lạ kỳ. Múa đã đem hồn cốt Việt Nam đi khắp năm châu bốn bể để khỏa lấp nỗi nhớ mong về nơi chôn nhau cắt rốn, để rồi từ đó lan tỏa những tinh hoa tốt đẹp của nghệ thuật múa dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế muôn phương.
Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tự hào khi trở thành “ngôi nhà chung” của 1074 hội viên với nhiều gương mặt thanh niên trẻ trung, năng động ở các nhà hát, vũ đoàn và các cơ sở đào tạo múa trên cả nước. Đây chính là cánh tay đắc lực trong việc đưa múa trở thành sân chơi lành mạnh trong lượng xung kích của đất nước. Thông qua lực lượng trẻ, các loại hình múa mới như ballet đương đại, dân gian đương đại kết nối cùng với các loại hình nhảy múa hiện đại như Jazz, Broadway…được phát triển và đi sâu vào đời sống của giới trẻ, qua đó cũng góp phần tạo nên nhận diện chung của nghệ thuật Việt Nam thời kỳ hội nhập. Cùng với đồng bào người Việt Nam ở nước ngoài, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào việc thế hệ trẻ Việt Nam sẽ lan tỏa và khẳng định vai trò, vị thế của múa Việt Nam sánh ngang tầm quốc tế trong tương lai không xa. Nếu nhân cách là những phẩm chất để con người trở thành chính họ, thì văn hóa nghệ thuật chính là cái làm cho dân tộc không là cái bóng của dân tộc khác. Sự hội nhập quốc tế đã cho người dân có cơ hội được thụ hưởng những thành tựu của các nền văn hóa khác nhau để rồi từ đó gắn kết toàn cầu bằng chính những giá trị tốt đẹp mà văn hóa nghệ thuật mang lại.
Kết luận – kiến nghị
Có thể nói, để xây dựng khối đại đoàn kết thống nhất, bền chặt theo định hướng xã hội chủ nghĩa, gắn liền với sự nghiệp phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đòi hỏi phải có sự tham gia của tất cả các chủ thể, các tầng lớp trong xã hội, trong đó, đội ngũ nghệ sĩ múa đóng vai trò không hề nhỏ. Múa đã hình thành trong thói quen sinh hoạt của người dân, là món ăn tinh thần của họ, đồng thời cũng là vũ khí hiệu quả để củng cố tinh thần đoàn kết dân tộc, xóa nhòa đi khoảng cách và khiến con người xích lại gần nhau hơn. Múa đóng vai trò góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, trở thành ngôn ngữ quan trọng để từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng miền, giữa các giai tầng xã hội, giữa thành thị và nông thôn, giữa đồng bằng và miền núi, vùng sâu, vùng xa.
Vai trò của nghệ thuật múa là không thể phủ nhận, song để nền nghệ thuật múa nước nhà có cơ hội để phát huy hết sức mạnh nội sinh vốn có thì cần lắm sự chung tay của các cấp, các ngành và toàn thể nhân dân.
Đối với các Hội chuyên ngành nói chung và Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nói riêng, thực tế vấn đề nguồn ngân sách qua các năm chỉ đủ chi cho các hoạt động thường xuyên và đầu tư sáng tạo. Ngoài nguồn kinh phí này, mọi hoạt động khác của Hội phải tự vận dụng linh hoạt. Các hoạt động khác là do Hội thực hiện xã hội hóa và đặc biệt là “tận dụng” sức ảnh hưởng của các biên đạo, nghệ sĩ múa tài năng, đầu ngành như NSND Phạm Anh Phương, NSND Ứng Duy Thịnh, NSUT Trần Ly Ly, ThS biên đạo múa Nguyễn Tuyết Minh,…để có kinh phí tài trợ hoạt động. Rất nhiều nghệ sĩ múa tên tuổi đang thực hiện những dự án lớn do đối tác thuê/mời nhưng chúng ta chưa có hình thức chủ động song phương vì không có sự chủ động về kinh phí và chiến lược. Đây cũng là một sự “tụt hậu” khi thế giới đang phát triển đa phướng hóa trong tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực.
Mong rằng Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành sẽ tiếp tục quan tâm thường xuyên, thiết thực và hiệu quả, tạo điều kiện về mọi mặt để Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mình thông qua các đề án cụ thể đi sâu vào những đặc trưng văn hóa gốc của từng nhóm giai tầng xã hội, nhất là các dân tộc thiểu số, đồng bào các tôn giáo và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Tương ứng với mỗi nhóm cộng đồng người trong xã hội, cần có những nhóm giải pháp, chiến lược tương ứng sao cho nghệ thuật múa có thể đi sâu vào đời sống của từng mô hình chủ thể nhằm khai thác những nét văn hóa đặc trưng của họ để từ đó đưa tiếng nói của họ vào các tác phẩm múa cụ thể. Việc xây dựng các đề án cho nghệ thuật múa cũng cần có sự đối thoại, trao đổi giữa các bên nhằm đưa tới sự nhất quán từ trên xuống dưới, hướng tới mục tiêu chung vì sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc.
Năm 2023, tình hình trong nước và quốc tế được dự báo sẽ tiếp tục có những diễn biến nhanh chóng, khó lường với những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam luôn trong tâm thế sẵn sàng, chủ động, quyết tâm nắm bắt thời cơ, vượt qua thách thức, bám sát mọi chủ trương đường lối của Đảng, không ngừng nâng cao năng lực, trình độ, gắn bó chặt chẽ hơn nữa với các hội chuyên ngành của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam để hoàn thành tốt sứ mệnh đại đoàn kết dân tộc; Tích cực sáng tạo và quảng bá các tác phẩm nghệ thuật có giá trị đến với công chúng, chuyển tải được quan điểm, đường lối của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh vào trong các sáng tác nghệ thuật; Nghệ thuật múa bám sát đời sống để thể hiện cho hay, cho sinh động cái mới, cái tốt đẹp, cao cả và kịp thời phê phán những khuynh hướng lệch lạc, sai trái trong đời sống nhằm xây dựng một nền tảng đại đoàn kết dân tộc vững vàng, bền chặt./.