Múa đương đại Việt Nam: Những điều còn trăn trở!

0
210

Tại Hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại” do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam tổ chức mới đây, nhiều chuyên gia đã bày tỏ quan điểm về mặt tích cực lẫn tồn tại của múa đương đại Việt Nam.

Bước chuyển động đáng tự hào của Múa đương đại Việt Nam

TS. NSND Phạm Anh Phương – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam cho rằng, vào những năm đầu 90 của thế kỷ XX, múa đương đại phương Tây đã du nhập vào Việt Nam. Hơn 30 năm qua, nghệ thuật múa nước ta có nhiều thay đổi tích cực.

Múa đương đại Việt Nam: Những điều còn trăn trở!- Ảnh 1.

Một tiết mục múa lấy cảm hứng từ văn hóa đồng bào Tây Nguyên trình diễn trong Tuần lễ Múa Việt Nam. Ảnh: TL

Trước hết, phải ghi nhận dòng ngôn ngữ múa mới đã mang đến hơi thở đương đại cho lĩnh vực nghệ thuật múa ở Việt Nam với nhiều góc độ nhìn nhận cụ thể như: luật động, tạo hình múa; tính phức điệu; tính ngẫu hứng, tương tác; tính đột biến ấn tượng và quy luật mở trong tư duy phát triển ngôn ngữ… Bên cạnh đó là những trào lưu, xu hướng sáng tạo múa mang tính tiên tiến.

Theo NSND Phạm Anh Phương, từ năm 1990 đến 2000, nghệ thuật Múa ở Việt Nam xuất hiện nhiều tác phẩm vận dụng ngôn ngữ múa với phong cách sáng tạo mới còn khá khiêm tốn. Nhưng từ năm 2000 đến năm 2010, nghệ thuật Múa có nhiều thay đổi ghi nhận về sự phát triển, nhờ các dự án hợp tác với Úc, Pháp, Anh, Bỉ, Mỹ, Thụy Điển.

Lần lượt các nghệ sĩ múa Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam và một số nghệ sĩ trẻ tài năng được cử đi du học và biểu diễn trong các dự án nghệ thuật với nước ngoài như: NSND Hà Thế Dũng, NSND Nguyễn Minh Thông, NSND Nguyễn Hồng Phong, NSND Đỗ Văn Hiền, NSND Trần Ly Ly, NSƯT Trần Tuyết Dung, nghệ sĩ Nguyễn Tuyết Minh, Lê Vũ Long, Hà Thái Sơn, Trần Quốc Tuấn, Quách Hoàng Điệp, Bùi Tuấn Anh… tham gia nhiều khóa học tại Pháp và làm việc với chuyên gia người Pháp Chopinno với các dự án Múa: “Ánh mắt” và “Giáp Thân” đã được biểu diễn xuyên Việt và ngay tại nước Pháp.

Qua đó cho thấy, một đội ngũ diễn viên tài năng của Việt Nam đã được học tập chuyên sâu và biểu diễn trên nhiều sân khấu trong và ngoài nước. Họ đã đúc kết nhiều kiến thức, kinh nghiệm biểu diễn múa đương đại để xây dựng các chương trình giảng dạy thể nghiệm và hoàn chỉnh chương trình múa đương đại đưa vào hệ thống đào tạo chính thức tại Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội (năm 1994), Cao đẳng Múa Việt Nam (năm 1998). Từ năm 2001, cả hai trường nói trên đã chính thức đưa múa đương đại vào chương trình giảng dạy và sau này tại trường Múa TP.HCM…

Múa đương đại Việt Nam: Những điều còn trăn trở!- Ảnh 2.

Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo “Xu hướng quay về yếu tố gốc trong nghệ thuật chuyển động đương đại”. Ảnh: BTC

Bên cạnh đó, có sự lan tỏa các lớp tập huấn cho một số đoàn nghệ thuật tại các tỉnh, theo đó các diễn viên tại các địa phương bước đầu được tiếp cận, khai phá mới về múa đương đại. Cứ như vậy, số lượng và chất lượng thu nhận giá trị chuyển động của múa đương đại ngày càng được lan tỏa và nâng cao.

Từ 2010 đến nay, diện mạo nghệ thuật múa đã xuất hiện nhiều thế hệ sinh viên và diễn viên múa được trau dồi luyện tập một cách chuyên sâu, bài bản, từng bước tiếp nhận các đặc trưng tiêu biểu của múa đương đại như phong cách múa, kỹ thuật múa và sự cảm nhận hơi thở của ngôn ngữ múa. Nhiều nghệ sĩ múa Việt Nam đạt trình độ biểu diễn với kỹ thuật cao, đạt độ chuẩn mực về phong cách và tính chất của dòng ngôn ngữ múa đương đại.

Sự chuyển hóa mạnh mẽ từ quá trình khai phá, tiếp đến là phát huy đặc trưng tính chất của múa đương đại trong quá trình sáng tạo múa. Đội ngũ các nhà biên đạo múa vận dụng nhiều thủ pháp sáng tạo theo các trào lưu, xu hướng mới như: vận dụng kỹ thuật ngôn ngữ, tính ngẫu hứng tương tác, tính đột biến… của dòng múa đương đại nhằm tạo nên hơi thở mới cho tác phẩm.

Bên cạnh đó, Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam tổ chức nhiều đợt tập huấn và tọa đàm chuyên sâu về múa đương đại nhằm từng bước chuẩn hóa phương pháp đào tạo diễn viên cũng như định hướng cho sáng tạo tác phẩm múa dân tộc – hiện đại.

Yếu tố gốc trong Múa đương đại Việt Nam

Đại tá, TS. NSND Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, nghệ thuật Múa của Việt Nam là một trong những hình thức nghệ thuật biểu diễn lâu đời nhất của nhân loại. Trong tiến trình lịch sử ấy, nghệ thuật múa luôn phát triển, ngày một hoàn thiện những chức năng, đặc trưng nghệ thuật, hàm chứa bản sắc văn hóa dân tộc, là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của mỗi dân tộc, trong đó các yếu tố gốc.

Múa đương đại Việt Nam: Những điều còn trăn trở!- Ảnh 3.

Tác phẩm múa “Nàng Mây” lấy cảm hứng từ nghề mây tre đan truyền thống của Việt Nam. Ảnh: NVCC

Yếu tố gốc trong nghệ thuật múa có thể hiểu là những yếu tố truyền thống, văn hóa, phong tục tập quán và các hình thức biểu diễn đã tồn tại từ lâu trong lịch sử của một dân tộc. Những yếu tố này không chỉ bao gồm kỹ thuật múa mà còn cả nội dung, ý nghĩa và cảm xúc mà nghệ thuật múa truyền tải. Trong nghệ thuật múa đương đại, việc trở về với những yếu tố gốc không chỉ là việc tái hiện lại các điệu múa truyền thống mà còn là cách để các nhà biên đạo tìm kiếm nguồn cảm hứng và sự kết nối với văn hóa dân tộc của mình.

“Bản sắc văn hóa được hình thành từ nhiều yếu tố, bao gồm: ngôn ngữ, tôn giáo, phong tục tập quán và nghệ thuật. Trong nghệ thuật múa, bản sắc này thể hiện rõ nét qua các điệu múa truyền thống. Chẳng hạn, múa dân gian Việt Nam như múa sạp, múa lân hay múa rối nước không chỉ đơn thuần là những hoạt động giải trí mà còn là những hình thức nghệ thuật mang đậm giá trị văn hóa, thể hiện sự gắn kết cộng đồng và truyền tải những thông điệp sâu sắc về cuộc sống.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà các nền văn hóa giao thoa và hòa quyện với nhau, nhiều biên đạo cảm thấy cần thiết phải tìm kiếm bản sắc riêng của mình. Việc quay về với các yếu tố gốc giúp họ khẳng định được bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo”, NSND Thu Hà nói.

Theo NSND Thu Hà, nhiều nghệ sĩ nhận ra việc giữ gìn và phát huy các yếu tố gốc trong nghệ thuật múa không chỉ giúp bảo tồn văn hóa mà còn là một hình thức kháng cự lại sự đồng hóa. Họ sử dụng nghệ thuật múa như một công cụ để truyền tải thông điệp về giá trị văn hóa và lịch sử của dân tộc mình.

Các yếu tố gốc trong nghệ thuật múa không chỉ là nguồn cảm hứng cho các nghệ sĩ mà còn là nền tảng để họ phát triển những ý tưởng mới. Việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại giúp tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo, mang tính sáng tạo cao. Nhiều nghệ sĩ đã thành công trong việc kết hợp các kỹ thuật múa truyền thống với các yếu tố hiện đại, tạo ra những trải nghiệm mới mẻ cho khán giả.

“Nhiều nghệ sĩ múa hiện nay đã tìm cách kết hợp các điệu múa truyền thống với các kỹ thuật múa hiện đại. Họ không chỉ tái hiện lại các điệu múa cổ điển mà còn đưa vào những yếu tố mới, tạo ra những tác phẩm mang tính sáng tạo và độc đáo. Ví dụ: Tác phẩm Lời ru của rừng của NSND Phạm Anh Phương; Dũng sĩ Rừng Sác của NSND Trần Ly Ly; Đêm Mỹ Sơn huyền thoại của NSND Trần Thị Thu Vân; Người Mẹ Vân Kiều, Sắc màu thổ cẩm của NSND Thu Hà… đã sử dụng ngôn ngữ của múa dân gian kết hợp kết cấu đương đại tạo ra sự độc đáo, hấp dẫn người xem mang đậm bản sắc dân tộc, và mang đậm dấu ấn của cá nhân của biên đạo”.

Tương tự, NSND Phạm Anh Phương cũng nhấn mạnh rằng, các Biên đạo múa của Việt Nam đã thể hiện sự bứt phá, tìm tòi trải nghiệm suy tư về nội dung để phản ánh đa dạng vấn đề của xã hội đương đại, vận dụng nhiều phương pháp, thủ pháp mới trong sáng tạo.

Nhiều tác phẩm múa có giá trị nghệ thuật cao đã mang đến một góc nhìn khác về phong cách sáng tác cùng cung bậc cảm xúc khác biệt cho người xem, vừa thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời như hơi thở mới thổi vào đời sống nghệ thuật múa Việt Nam hôm nay.

Tuy nhiên, thời gian qua cũng đã xuất hiện không ít tiết mục gây cảm giác “sống sượng” bởi sự kết hợp thiếu tinh tế giữa các dòng ngôn ngữ múa cùng các giá trị thẩm mỹ khác nhau đã tác động tới hiệu quả nghệ thuật của tác phẩm.

Theo đó, sự kết hợp ngôn ngữ giữa múa dân tộc Việt Nam với các dòng ngôn ngữ múa khác chưa tạo thành độ “ngọt”, bởi thiếu sự nghiên cứu chuyên sâu và sự tinh tế cần thiết, nên có nhiều tác phẩm không tạo được sự hứng thú cho người xem, thậm chí bị cho là phản cảm. Dẫn đến tính thuyết phục chưa cao, chưa đi vào chiều sâu văn hóa để khai thác yếu tố dân tộc.

“Từ một số vấn đề nêu trên, ta có thể nhận thức rõ nét về vai trò của yếu tố dân tộc và yếu tố hiện đại trong tác phẩm múa. Yếu tố dân tộc và hiện đại chính là hiện thân của giá trị bản sắc văn hóa và tính thời đại. Đặc biệt, trong không gian hội nhập và phát triển của thế giới ngày nay, sự chuyển động và giao thoa giữa hai yếu tố trên luôn có có vai trò quan trọng đóng góp cho sự thành công trong sáng tạo nghệ thuật nói chung và nghệ thuật múa nói riêng.

Thông qua giá trị của yếu tố dân tộc để thể hiện bản sắc văn hóa và khẳng định cái riêng – hộ chiếu xuất xứ của tác phẩm. Thông qua giá trị của yếu tố hiện đại để thể hiện tính mới – tính thời đại”, NSND Phạm Phương Anh nhấn mạnh.

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây