TS.NSUT Trần Văn Hải – Trưởng Ban Đào tạo
“Nhằm hướng đến xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, đáp ứng với yêu cầu mới thì vấn đề giáo dục đào tạo luôn là khâu then chốt, quyết định quá trình phát triển. Ý thức được vai trò của mình trong các hoạt động chung của Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, năm 2024, Ban Đào tạo sẽ luôn bám sát thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong việc tham mưu, xây dựng kế hoạch, định hướng các hoạt động chuyên môn, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở các cơ sở đào tạo nghệ thuật múa trong cả nước đối với đội ngũ giảng viên, biên đạo múa, huấn luyện múa trình độ Đại học và Trung cấp, cụ thể như sau:
Một là, tổ chức tọa đàm, tham luận, tập huấn chuyên ngành phương pháp giảng dạy, phương pháp sáng tác và xu hướng sáng tác. Nâng cao trình độ lý luận, kỹ năng giảng dạy chuyên ngành gắn với thực tiễn giảng dạy.
Hai là, quan tâm việc xử lý kết quả sau tập huấn, điền dã, thâm nhập thực tế nhằm đạt được hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.
Ba là, xây dựng tiêu chí, định mức kỹ thuật chuyên môn áp dụng đối với các môn thi tốt nghiệp chuyên ngành diễn viên múa ở các hệ đào tạo Kịch múa 6 năm và Dân gian dân tộc 4 năm, 2 – 3 năm.
Ban đào tạo xác định tiêu chí, định mức kỹ thuật mang tính chuyên môn, chuyên nghiệp hóa này chính là tiêu chí tiêu chuẩn để Ban Đào tạo Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam làm căn cứ xét giải thưởng đào tạo cuối năm đối với các cơ sở đào tạo chuyên nghiệp trên toàn quốc có các lớp thi tốt nghiệp chuyên môn chuyên ngành múa.”
TS.NSND Hà Thế Dũng – Phó Trưởng Ban Đào tạo:
“Năm 2023, công tác đào tạo nghệ thuật múa đã đạt được một số dấu ấn nổi bật, thể hiện rõ nét trong các chương trình thi tốt nghiệp chất lượng, hiệu quả. Chương trình thi tốt nghiệp ở các thể loại Múa cổ điển châu Âu, Dân gian dân tộc, Đương đại, Tính cách nước ngoài và Kỹ thuật biểu diễn đều đạt chuẩn về khung chương trình, cấu trúc thời gian, khối lượng kiến thức nghề đào tạo phù hợp, hình thức thể hiện phong phú, xử lý âm nhạc đúng tính chất, hấp dẫn…
Tuy nhiên ngoài hai đơn vị là Học viện Múa Việt Nam và Trường Trung cấp Múa Tp Hồ Chí Minh thì một số trường chưa đủ chuẩn về chất lượng chương trình, cấu trúc bài tập, khối lượng động tác còn thiếu, thực hiện còn mờ nhạt, hình thức thi và công tác tổ chức thi không đúng tiêu chí.
Thiết nghĩ, các cơ sở đào tạo nên quan tâm đến đội ngũ đứng lớp, hệ đào tạo, lựa chọn tính chuyên đề cho mỗi chương trình. Đặc biệt, nêu cao tính chủ động, tự tập huấn, soạn các tiêu chí theo chương trình, chuyên đề, phân công dự giảng theo học kỳ, có nhận xét đánh giá giảng viên cũng như chất lượng người học. Các hội viên là giảng viên cũng nên tham khảo các tiêu chí đánh giá của Hội đồng Nghệ thuật Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, đồng thời phải có sự phê duyệt của Hội đồng chuyên môn nhằm đánh giá, rút kinh nghiệm những hạn chế, thiếu sót để không chỉ phát triển được mỗi cá nhân giảng viên mà còn vì mục tiêu chung là nâng tầm thương hiệu giáo dục đào tạo của nhà trường.”
PV Phương Lan